Phật học

Đức Phật đản sinh vào ngày nào? Ý nghĩa của ngày lễ Phật đản

Các kinh sách Phật giáo không ghi rõ ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà chỉ chép lại Đức Phật đản sinh trong một ngày trăng tròn tháng Vesaka theo lịch Ấn Độ.

đại lễ phật đản, phật thích ca mâu ni, đức phật đản sinh vào ngày nào? ý nghĩa của ngày lễ phật đản

1. Đức Phật đản sinh vào ngày nào?

Sự kiện Đức Phật đản sinh, đắc đạo và trở thành Đấng Giác Ngộ toàn năng đã trở thành một dấu son trong lịch sử nhân loại. Mặc dù cho đến nay, do hoàn cảnh lịch sử cũng như do nguồn tư liệu vô cùng đồ sộ và phong phú về Phật giáo mà những vấn đề liên quan đến lịch sử, sự kiện trong cuộc đời Đức Phật vẫn còn những tồn nghi. Tuy nhiên có một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng, Đức Phật là một nhân vật lịch sử có thật chứ không phải chỉ là một nhân vật huyền thoại được tín đồ và quần chúng nhân dân thần thánh hóa.

Nhắc đến cuộc đời Đức Phật người ta thường nhắc đến bốn sự kiện quan trọng, cũng là bốn mốc son trong quãng thời gian thị hiện nơi trần thế của Ngài, đó là ngày Đản sinh (Đức Phật ra đời); ngày thành đạo (tìm ra diệu lý); thời gian chuyển pháp luân (hoằng pháp) và Niết bàn (nhập diệt), trong đó, ngày Đức Phật đản sinh đã trở thành ngày lễ lớn nhất, quan trọng nhất và thiêng liêng nhất của Phật giáo đồ toàn thế giới. Hiện nay, trong kinh điển có những điểm khác biệt nhất định về ngày đản sinh cũng như về những mốc thời gian khác trong cuộc đời Đức Phật nhưng tựu trung lại đều thể hiện tương đối đầy đủ và cụ thể về bốn sự kiện trên.

Đức Phật đản sinh ngày 8/4 hay 15/4 âm lịch?

“Tháng tư ngày tám” từ xưa vẫn được coi là ngày Đức Phật hiển thế. Từ năm 1959 trở về trước, các nước có truyền thống Phật giáo vẫn tổ chức lễ Phật đản vào ngày 8/4 âm lịch hằng năm. Tuy nhiên Đại hội Phật giáo Thế giới năm 1960 (họp ở Phnompênh, Campuchia) đã thống nhất lấy ngày 15/4 theo lịch mặt trăng làm ngày kỷ niệm Đức Phật đản sinh cho Phật tử toàn thế giới.

Sự “điều chỉnh” này là do đâu? Ngày Đức Phật đản sinh là ngày kỷ niệm Đức Phật ra đời, sao lại thay đổi? Và sự thực thì Đức Phật đản sinh vào ngày 8/4 hay 15/4? Nhiều người sẽ đặt câu hỏi như vậy.

Các kinh sách Phật giáo không ghi rõ ngày sinh của Đức Phật Thích ca mà chỉ chép lại Đức Phật đản sinh trong một ngày trăng tròn tháng Vesaka theo lịch Ấn Độ. Chiếu theo lịch mặt trăng thì đó là tháng tư âm lịch, và theo lịch Ấn cổ, ngày trăng tròn chính là ngày mùng 8. Như vậy, ngày 8/4 theo lịch Ấn Độ cổ cũng chính là ngày rằm tháng tư theo lịch mặt trăng, hay âm lịch như chúng ta vẫn gọi.

Kinh điển Nam tông và Bắc tông đều ghi rằng mẹ Ngài, hoàng hậu Mahamaya đản sinh Đức Phật dưới gốc cây Sa la trong cánh rừng Lambini. Kinh điển Nam tông ghi rằng: Khi hoàng hậu Mahamaya gần đến ngày lâm bồn mới thưa với đức vua Tịnh Phạn xin được trở về nhà mình. Được Đức vua đồng ý, bà cùng đoàn tùy tùng đã trở về quê hương, khi đi qua cánh rừng Lambini có rất nhiều cây Sa la, bà đã dừng chân vào nghỉ ngơi. Ngay lúc đó Hoàng hậu cảm thấy chuyển bụng, đoàn tùy tùng liền che một chiếc màn quanh bà rồi rút lui. Khi bà còn đang đứng và tay bám lấy một cành cây sala bà đã đản sinh một người con. Khi đó bốn vị đại phạm thiên xuất hiện mang theo chiếc lưới bằng vàng và quấn lấy người con bằng chiếc lưới đó. Và cũng ngay khi đó, có hai trận mưa từ trên trời dội xuống để tôn kính vị Phật tương lai và làm mát mẻ cho thân Ngài và mẹ của Ngài. Sau khi rời khỏi tay các vị đại phạm thiên, Ngài được Tứ đại thiên vương đỡ lấy và bọc trong một miếng vải làm bằng da linh dương màu đen.

Trong kinh điển Bắc tông thì ghi rằng: Hoàng hậu Mahamaya nằm chiêm bao thấy con voi trắng sáu ngà biến thành hào quang soi vào bụng rồi có mang. Đến kỳ sinh nở, bà đến khu rừng Lambini và sinh ra ngài bên phía sườn phải, tự nhiên có bông hoa sen nảy lên đỡ Ngài và có chín con rồng từ trên trời xuống phun hai dòng nước lạnh và nóng để tắm cho Ngài, lại có bách thần xuống trông nom săn sóc. Sau khi được sinh ra, Ngài liền bước bảy bước, mỗi bước đi đều nảy một bông sen dưới chân, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất nói rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.

Thực ra, các học giả cho rằng, việc coi ngày rằm tháng tư là ngày Phật đản sinh là tuân theo truyền thống, chứ không phải chứng minh được Đức Phật được sinh ra chính xác vào ngày đó. Ngày trăng tròn của tháng Vesaka cũng là ngày chuyển giao của trời đất, mùa mưa bắt đầu, cỏ cây hồi sinh, các loài động vật cũng sinh sôi nảy nở. Mùa mưa bắt đầu cũng là lúc các nhà sư tụ lại một nơi để tu học, tránh đi lại để không giẫm đạp lên các loài côn trùng, giun dế, tổn thương đến sinh mạng chúng.

Liên quan đến sự ra đời của Đức Phật có thể thấy có nhiều yếu tố phi thường, song theo quan niệm của Phật giáo thì các pháp đều hư huyễn, tùy theo nghiệp duyên thiện ác mà hiển hiện khôn lường, hơn nữa với Đức Phật Thích Ca, ngài đã trải qua vô kỳ kiếp tu tập đắc quả thì việc hiện sinh ở hiền kiếp như vậy cũng là lẽ thường và không nên chấp định vào quan niệm thế gian.

Đức Phật Thích Ca ra đời đã được tiên đoán là bậc vĩ nhân xuất chúng và ngài sẽ xuất gia tu đạo, trở thành người dẫn dắt chúng sinh khỏi những khổ nạn trong cuộc đời. Do đó mặc dù rất vui mừng vì Đức Phật đản sinh nhưng cha của ngài – vua Tịnh Phạn cũng không khỏi băn khoăn lo lắng về ý nguyện xuất gia của Ngài và đã nuôi dưỡng Đức Phật bằng sự giáo dục hoàn mỹ với những hiển đạt về công danh và quyền thế nhằm hướng ngài thành người kế vị ngôi báu sau này. Tuy nhiên, với ý chí và sự kiên định hiếm có, Ngài đã từ bỏ giàu sang, quyền lực, phú quý, quyết tâm tìm đường cầu đạo. Và sau rất nhiều gian khổ, Ngài đã thành công, chứng đắc được quả Bồ đề, tìm ra chân lý diệu kỳ của lẽ sống – cái chết và bắt đầu con đường giáo hóa chúng sinh của mình cho đến khi nhập diệt vào năm 80 tuổi.

đại lễ phật đản, phật thích ca mâu ni, đức phật đản sinh vào ngày nào? ý nghĩa của ngày lễ phật đản

2. Ý nghĩa của ngày lễ Phật đản

Trong kinh Đại thừa Vô Lượng Thọ, phẩm thứ ba Đại giáo duyên khởi, Đức Phật dạy: “Như Lai vì lòng đại bi vô tận thương xót ba cõi nên xuất hiện ở đời, tuyên dương giáo pháp là muốn cứu bạt quần sanh, đem lợi ích chân thật, khó gặp khó thấy, như hoa ưu đàm hiếm khi xuất hiện,…”

Quả đúng như vậy, sự kiện Đức Phật giáng sinh xuống trần thế là một sự kiện vô cùng hy hữu, như hoa ưu đàm ngàn năm mới nở một lần. Bởi chúng sinh trầm luân muôn kiếp, chìm đắm trong luân hồi sinh tử, đau khổ vô cùng. Nếu không có ánh sáng Phật Pháp thì chúng ta không biết đi về đâu, cuộc đời này thật vô nghĩa, không biết vì sao mình sinh ra rồi loanh quanh, luẩn quẩn thỏa mãn các dục và chết, chết rồi thì không biết đi về đâu, không biết còn hay hết. Ngẫm lại, quán chiếu cuộc đời nhiều lúc thấy nó thật phù du, vô vị thế nhưng con người lại cứ hăm hở tranh danh, tranh lợi,… rồi kết cục là ra đi với hai bàn tay trắng. Từ đó, chúng ta mới thấy quý Phật Pháp để tu tập thoát khỏi kiếp sống đau khổ trầm luân, bởi ở đời mà không học đạo thì thật vô vị.

Trước khi giáng sinh, Ngài là một vị Bồ Tát trên cung trời Đâu Suất, vị Bồ Tát “nhất sanh bổ xứ” sẽ thành Phật trong đời này. Ngài quán sát thấy rằng tất cả chúng sinh không chỉ ở cõi Nam Diêm Phù Đề này mà trong tất cả pháp giới đối với Ngài đều từng là thân nhân quyến thuộc nhiều kiếp. Ngài thấy được tất cả chúng sinh cùng với Ngài đều từng là cha, là mẹ, anh em ruột thịt nhiều kiếp.

Không chỉ vậy, Ngài cũng quán sát thấy tất cả chúng sinh đều có đầy đủ khả năng để giác ngộ, đầy đủ đức tướng trí tuệ Như Lai.

Thứ nữa, Ngài lại thấy giữa Ngài và chúng sinh không có gì sai khác, đều chung một bản tính chân như, đều như nhau không khác biệt. Từ những sự thấy biết đó, Ngài đản sinh mang theo bản hoài là cứu độ chúng sinh, giúp cho tất cả các chúng sinh đang chìm đắm trong đau khổ được giải thoát.

Chính vì sự cao quý của Đức Phật nên khi Ngài đản sinh, chư Thiên từ các cung Trời cũng hân hoan chào đón, muôn hoa nở rộ, chim hót líu lo đón mừng bậc đại Giác Ngộ ra đời. Cho đến tận ngày nay, để tôn vinh sự kiện trọng đại của toàn nhân loại; người con Phật trên khắp năm châu lại cùng nhau hân hoan, hạnh phúc đón mừng ngày lễ Phật đản. Đây là một dịp đặc biệt quan trọng để hai hàng đệ tử Phật trên khắp thế giới tưởng nhớ, dâng lòng thành kính tri ân đến đấng Cha lành của khắp trời, người.

Nhờ có Đức Phật ra đời mà chúng ta mới nhận ra mình có một “kho tài sản” vô giá nhưng lại bỏ quên từ bao kiếp đến nay. Hơn thế nữa, Ngài còn tạo dựng cho chúng ta một niềm tin mãnh liệt rằng tất cả chúng sinh đều sẽ chứng đắc quả vị Phật như Ngài.

Ngoài ra, Đức Phật ra đời giúp chúng ta thấy được những giá trị nhân văn hết sức to lớn mà trước đó không thể tìm thấy ở bất kỳ xã hội nào, đó chính là sự bình đẳng, tôn trọng con người cũng như tất cả mọi loài.

Từ đây, chúng ta thấy được sự ra đời của Đức Phật Thích Ca mang một ý nghĩa vĩ đại đối với toàn nhân loại, là một sự kiện hy hữu bởi Ngài là sự kết tinh của tất cả những gì cao quý nhất trong vũ trụ. Ngài đã chỉ ra con đường đưa đến sự giác ngộ tối thượng nhất, giúp chúng ta tìm được “kho báu” Phật tính trong tâm mình.

Cho nên, đến tận ngày nay, để tôn vinh sự kiện trọng đại của toàn nhân loại; người con Phật trên khắp năm châu lại cùng nhau hân hoan, hạnh phúc đón mừng ngày lễ Phật đản. Đây là một dịp đặc biệt quan trọng để hai hàng đệ tử Phật trên khắp thế giới tưởng nhớ, dâng lòng thành kính tri ân đến đấng Cha lành của khắp trời, người. Không những vậy, lễ Phật đản cũng là nhân duyên thù thắng để xương minh, phát triển và hoằng dương Phật Pháp.

3. Đức Phật đản sinh – Suối nguồn từ bi và bình đẳng

Khởi đi từ sự đản sinh của Đức Phật, một cuộc cách mạng tư tưởng cũng ra đời là một vị thái tử, nhưng không bị những xa hoa vật chất nơi cung vàng điện ngọc cuốn, thái tử Tất Đạt Đa sớm tỉnh ngộ trước cảnh sinh, lão, bệnh, tử, triền miên của kiếp người. Vào năm hai mươi chín tuổi, một đêm kia, thái tử cùng với người đánh xe tên là Xa Nặc lìa bỏ kinh thành, quyết tâm lên đường tìm Chân Lý.

Sáng hôm sau, thấy đã đi được một quãng đường khá xa, Ngài xuống xe, thay đổi y phục thái tử rồi trao cho Xa Nặc đem về, chỉ khoác lên mình một tấm vải vàng, ôm một bình bát, quyết quay lưng lại đời sống xa hoa, dư thừa vật chất, với người hầu kẻ hạ vây quanh, thái tử từ biệt Xa Nặc, dấn bước lên con đường gian nan phía trước.

Trải qua sáu năm trời sống trong cảnh thiếu thốn, kham khổ, hành trì nhiều phương pháp tu với nhiều bậc thầy, nhưng Ngài đều không thỏa mãn, cứ đi hoài, tìm mãi. Cuối cùng, Ngài nhận ra rằng tất cả các bậc thầy đó đều chưa thoát ra khỏi được vòng vô minh. Từ nhận định đó, Ngài không còn trông cậy vào một bậc thày từ bên ngoài, ngưng tìm kiếm, mà một mình một bóng, tự quay vào soi rọi nội tâm.

Cuộc chiến đấu để tự thắng bản thân của Ngài vô cùng cam go. Với niềm tin tưởng rằng nếu không sống cuộc đời khắc khổ thì sẽ không thể giải thoát, Ngài tự khép mình vào kỷ luật, sống khổ hạnh, trong cảnh cực kỳ gian nan, thiếu thốn, chỉ khoác trên mình một mảnh áo, chỉ ăn một chút hạt khô và rau cỏ, đến nỗi cơ thể Ngài vốn là một thái tử đẹp đẽ oai phong, nay chỉ còn lại lớp da bọc bộ xương. Thế nhưng sự hành hạ xác thân đó cũng không khiến cho Ngài thấy được Chân Lý. Cuối cùng, sau khi đã suýt gục ngã vì quá khổ cực, Ngài mới thấy rằng lối sống xa hoa phủ phê thì kéo con người xuống thấp vì đắm say vật chất, lối sống quá thiếu thốn, quá cơ cực thì lại khiến cho tâm thần mỏi mệt, không đủ ý chí để theo đuổi việc lớn.

Từ nhận định này, Ngài chọn con đường trung dung, không có những cực đoan của sự hành hạ xác thân hoặc nô lệ dục lạc, luôn giữ sự quân bình đối với những nhu cầu cần thiết trong đời sống để có đủ sức khỏe, nhưng không nuông chiều những đòi hỏi quá với sự cần thiết. Con đường trung dung này còn được các hành giả của đạo Phật ứng dụng rất thành công cho tới tận ngày nay.

Từ sự phát hiện đó, Ngài ngưng hành thân xác, thọ nhận một vài món thực phẩm thô sơ do thí chủ cúng dường. Sức khỏe nhờ vậy mà dần dần hồi phục, tinh thần minh mẫn, Ngài tự thanh tịnh hóa nội tâm, không cần đến một năng lực siêu nhiên nào hỗ trợ.

Sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội bồ đề, vào lúc rạng đông, khi sao Mai lóe sáng trên bầu trời, Ngài bừng tỉnh, giác ngộ được Chân Lý, trở thành bậc Đại Giác Ngộ, thành Phật. Ngài đã nói lên những lời đầu tiên, sau khi giác ngộ: “Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang đi đi mãi. Như Lai đi tìm mãi mà không gặp. Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này. Lập đi lập lại đời sống quả là phiền muộn. Này hỡi người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi. Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa. Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dông của ngươi dựng nên cũng bị phá tan. Như Lai đã chứng quả Vô sanh bất diệt và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục.” (Dhammapada – Kinh Pháp Cú, câu 153-154) Và tuyên ngôn cao thượng: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Chúng sinh ở đây không chỉ riêng cho loài người, mà là bao gồm tất cả mọi loài chúng sinh hữu tình thể hiện qua nhiều dạng sống khác nhau ở khắp các cõi, vì tất cả mọi loài hữu tình đều có giác tánh, đều biết khổ đau, yêu thương, sợ hãi và đều muốn được sống. Tuyên ngôn của Ngài nói lên lòng từ bi và bình đẳng tuyệt đối với muôn loài chúng sinh. Ngài không chỉ nói suông, mà Ngài đã ứng dụng tuyên ngôn ấy trong suốt cuộc đời hoằng pháp độ sinh của Ngài.

Mùa hè tại Ấn Độ mưa nhiều nên côn trùng sinh sôi nẩy nở do ẩm thấp. Vì thế Đức Phật chế ra mùa an cư kiết Hạ, mỗi năm ba tháng từ sau Rằm tháng Tư cho đến Rằm tháng Bảy, để chư Tăng Ni không đi ra ngoài, tránh giẫm đạp lên côn trùng.

Từ tấm lòng từ bi vô bờ bến, Ngài đã chế giới tu sĩ không được chặt cây, đào đất, vì làm như vậy có thể giết hại các loài vi sinh vật. Sở dĩ có thể thi hành giới này vì vào thời Phật còn tại thế ở Ấn Độ, tăng sĩ ôm bình bát đi khất thực hằng ngày, không cần phải trồng trọt để mưu sinh.

Ngài ban hành giới luật Không Sát Sinh, yêu cầu mọi người chớ có tự tay mình giết hay bảo người khác giết. Ngài yêu cầu phải trân quý giá trị thiêng liêng của sự sống, phải bảo vệ sự sống đối với tất cả mọi loài chúng sinh.

Ngài cũng lên án mọi hình thức hủy hoại sự sống, khi còn tại thế Ngài kiên quyết chống lại các cuộc tế lễ của đạo Bà La Môn, đem những con vật xấu số ra cúng tế thần linh. Ngài cũng lên án những thú vui săn bắn của vua chúa. Và lẽ tất nhiên, Ngài phản đối mọi hình thức chiến tranh bạo động. Ngài chủ xướng tư tưởng từ bi bất bạo động. Ngài dạy, hận thù không thể diệt được bằng hận thù. Chỉ có lòng từ bi mới hoá giải được hận thù. Nếu không có lòng từ bi thì hận thù sẽ chồng chất từ kiếp này sang kiếp khác. Chỉ có lòng từ bi mới cởi mở được những nỗi oan ức và những khổ đau của con người..

Có lần, Ðức Phật thuyết pháp cho ông Cấp Cô Ðộc về công đức của sự cúng dường. Ngài nói “cúng dường cho Phật và Tăng chúng thì có công đức rất lớn. Nhưng có công đức lớn hơn là xây một tu viện cho Tăng chúng ăn ở và tu học. Có công đức lớn hơn xây dựng tu viện là thọ tam quy Phật, Pháp, Tăng. Có công đức hơn thọ tam quy là giữ năm giới. Có công đức hơn giữ năm giới là giữ tâm niệm từ bi, dù chỉ là trong giây phút. Nhưng có công đức hơn tất cả là quan sát sâu sắc đạo lý vô thường của sự vật”. (Tăng Chi IV trg 264 – 265).

Trong đoạn kinh văn trên, chúng ta thấy rất rõ là Ðức Thế Tôn vô cùng chú trọng đến việc tu tập tâm từ bi. Công đức giữ tâm niệm từ bi còn lớn hơn cả viêc xây tu viện cho Tăng chúng, lớn hơn cả việc cúng dường cho Đức Phật và Tăng chúng. Nếu hành trì như kinh Từ bi chỉ dạy, nếu suốt đời khi đi đứng nằm ngồi giữ một niệm từ bi, thương xót đến mọi người, mọi loài chúng sinh, thì công đức sẽ vô cùng lớn lao, khó có thể nghĩ bàn. Mà tâm từ bi, ở mức cơ bản chính là tư tưởng và hành động trân quý sự sống, bảo vệ sự sống và không tàn hại sự sống. Ai cũng muốn sống và muốn được bảo vệ sự sống ấy. Ngay cả cỏ cây, sông nước, bầu không khí cũng cần phải được săn sóc và bảo vệ, vì tất cả đều có sự sống hay đều có sự liên hệ hỗ tương với nhau. Bảo vệ môi trường sống, cũng tức là bảo vệ sự sống.

Thật vậy, lòng từ bi bình đẳng của Đức Phật luôn lan tỏa đến cho muôn loài, đến tất cả mọi dạng sống trên trái đất, dù lớn hay nhỏ, ở gần hay ở xa, mắt thấy được hay không thấy được, đã sinh hay sắp sinh, như Ngài đã nói trong Kinh Từ Bi thuộc Kinh tạng Pali:

“Nguyện cho mọi người và mọi loài đươc sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.

Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn,những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.

Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.”

Tâm từ bi của Ngài vô cùng bao la rộng lớn, Ngài đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, không phân biệt thân sơ, thù bạn, từ vua chúa, vương phi đến người gánh phân, trẻ mục đồng. Ngay cả kẻ sát nhân Anguilimala hay kỹ nữ Ambapali cũng được Ngài giáo hóa và thành tựu công hạnh như các đại đệ tử của Ngài.

Câu chuyện về kẻ sát nhân Angulimala trong kinh điển Pali đã minh họa một cách hùng hồn cho tâm từ bi vô lượng của Đức Phật đã chuyển hoá được tâm của một tên sát nhân hung bạo như thế nào và cũng cho thấy sức mạnh của lòng từ bi của Angulimala do tu tập về sau, bao giờ cũng mạnh hơn bất cứ ác nghiệp nào mà y đã tạo tác.

Angulimala là một kẻ sát nhân khét tiếng. Tên của ông được lấy từ sự kiện ông đeo trên cổ một xâu chuỗi kết bằng những ngón trỏ tay phải của các nạn nhân mà ông đã giết hại (Anguli có nghĩa là ngón tay và mala là xâu chuỗi). Quân lính của triều đình lùng bắt ông, còn dân chúng thì hoảng sợ không dám ra khỏi nhà.

Một buổi sáng, đức Thế Tôn vào thành, đang bưng bát đi khất thực thì nghe có tiếng chân chạy phía sau. Ngài biết rằng Angulimala đang đuổi theo, nhưng vẫn bình thản bước đều. Angulimala lớn tiếng gọi: “Ông khất sĩ kia, đứng lại!” Thế Tôn vẫn tiếp tục đi, không mau hơn, không chậm hơn. Phong độ của Ngài rất an nhiên tự tại. Thấy vậy, Angulimala lớn tiếng hơn: “Đứng lại! ông khất sĩ kia, đứng lại! “ Đức Thế Tôn thản nhiên tiếp tục bước đi, vẻ tự tại vô úy. Angulimala chạy mau hơn chỉ trong khoảnh khắc đã đuổi kịp và la lên: “Tôi bảo ông dừng lại, tại sao không dừng?”. Thế Tôn vẫn bước đi, nói với giọng bình thản: “Này Angulimala! Ta đã dừng lại từ lâu rồi, chính anh mới là người chưa dừng lại.” Angulimala không thể hiểu được ý nghĩa của những lời này. Vì thế y lại hỏi: “Này khất sĩ, tại sao ông nói rằng ông đã dừng lại còn tôi vẫn chưa dừng?” Đức Phật đáp: “Ta nói rằng ta đã dừng lại vì ta đã từ bỏ việc giết hại chúng sanh. Ta đã từ bỏ thói bạo hành, tàn sát mọi loài và ta đã an trú vào lòng từ đối với muôn loài, lòng kham nhẫn và trí tuệ do tư duy quán sát. Song ngươi vẫn chưa từ bỏ việc giết hại và đối xử tàn bạo với người khác cũng như chưa an trú vào lòng từ bi và kham nhẫn đối với mọi loài hữu tình. Do đó, người vẫn là người chưa dừng lại”. Thái độ điềm đạm và câu trả lời của Phật đã làm cho Angulimala kinh ngạc và đột nhiên buông dao hối hận. Phật liền làm lễ thế phát cho Angilimala trở thành một tu sĩ ngay tại chỗ. Từ đó về sau, Angulimala (pháp danh mới là Ahimsaka) đã tu tập rất tinh tấn, trở thành một trong những đệ tử lớn của Phật và đạt được giác ngộ sau đó.

Trong xã hội Bà La Môn, sự phân chia giai cấp được mô tả là vô cùng khắc nghiệt, giai cấp hạ lưu chỉ đụng tay vào giai cấp thượng lưu cũng đủ để bị tội chặt tay, thì một quan điểm bình đẳng rốt ráo, bình đẳng không chỉ giữa người với người, mà trên bình diện chúng sinh như thế của nhà Phật, phải nói là đức Phật đã làm một cuộc đại cách mạng. Ngay đến thế kỷ thứ hai mươi mốt này, tại nhiều quốc gia trên thế giới, người ta vẫn còn đang phải chật vật tranh đấu để giành quyền bình đẳng giữa nam nữ, giữa các mầu da, vân vân, thì đức Phật, cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm, đã tuyên bố: “Không có sự khác biệt giữa những giọt nước mắt cùng mặn và những giọt máu cùng đỏ”, cao thượng thay lời nói của bậc Đại Giác!

Suốt quãng đường dài hơn hai ngàn năm trăm năm của Phật giáo, không giọt máu nào đổ xuống vì sự truyền bá Phật pháp. Ðức Phật mãi là nhà truyền giaó đầu tiên và vĩ đại nhất đã từng sống trên thế gian này. Những tư tưởng từ bi bình đẳng của Ngài đã tuôn chảy như những dòng suối ngọt ngào lan tỏa đi khắp nơi, khắp chốn, mang hoà bình an lạc đến với chúng sinh. Có lẽ Ngài cũng là vị Giáo Chủ đầu tiên đã ra tận chiến trường để tìm cách ngăn chận chiến tranh. Ngài đã hóa giải sự xung đột giữa bộ tộc Sakya và bộ tộc Koliya khi hai bên đang sửa soạn tấn công vì tranh chấp nước sông Rohini. Ngài cũng đã thuyết phục vua Ajatasanu bỏ ý định tấn công vương quốc của bộ tộc Vaiji.

Hơn hai ngàn năm trăm năm đã trôi qua, dù cho mọi sự vật đều đổi thay, biển xanh biến thành ruộng dâu, nhưng suối nguồn từ bi bình đẳng từ cội Vô ưu vẫn tuôn chảy đến ngày nay, vẫn ngày đêm lan tỏa để thức tỉnh, giác ngộ cho nhân loại đang chìm đắm trong khổ đau, thù hận và vô minh. – “Tâm Diệu”!

4. Duy ngã độc tôn có nghĩa là gì?

Ngày Lễ Phật đản, chúng ta thường được nghe nhắc đến hình ảnh Đức Phật mới ra đời đi bảy bước, tay chỉ trời tay chỉ đất, nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, đa số ai cũng thuộc lòng như thế.

Ngày trước khi tôi còn trẻ, có một vị Phật tử thắc mắc hỏi: “Bạch Thầy, thường bài kệ phải đủ bốn câu, sao bài kệ này có hai câu, còn hai câu nữa ở đâu?” Nghe hỏi vậy, tôi chỉ còn cách là xin hẹn về tìm lại, vì thật ra lúc đó tôi cũng chỉ thuộc có hai câu.

Sau này đọc kinh A-hàm, tôi mới giật mình thực tình mình dốt rõ ràng. Trong A-hàm có ghi bốn câu đàng hoàng, chớ không phải chỉ hai câu. Bốn câu đó nguyên văn chữ Hán là:

Thiên thượng thiên hạ, Duy ngã độc tôn. Nhất thiết thế gian,
Sinh lão bệnh tử.

Chính bốn câu này mới nói lên hết ý nghĩa thâm trầm về câu nói của Đức Phật khi mới ra đời. Chúng ta sẽ thấy tinh thần Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Phát triển sai biệt ở chỗ nào? Gần đây Phật tử hay hỏi: “Đạo Phật là đạo vô ngã, tại sao Đức Phật mới ra đời một tay chỉ trời, một tay chỉ đất nói “Duy ngã độc tôn”, như vậy Ngài đề cao cái ngã quá mức rồi, thế thì việc này có mâu thuẫn với giáo lý vô ngã không?”.

Đó là vấn đề mà tất cả huynh đệ cần phải nắm cho vững. Tra cứu lại tôi thấy rõ ràng, nếu xét về bốn câu kệ đó với tinh thần Nguyên thủy thì dẫn đủ bốn câu: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, nhất thiết thế gian, sinh lão bệnh tử”, nghĩa là trên trời dưới trời chỉ có ta là hơn hết. Tại sao ta hơn hết? Vì trong tất cả thế gian, ta đã vượt khỏi sanh già bệnh chết. Phật hơn tất cả thế gian vì Ngài đã qua khỏi sanh già bệnh chết. Đó là cái hơn theo tinh thần Nguyên thủy. Như vậy câu nói đó không phải đề cao cái ngã.

Tại sao chư Tổ Việt Nam không dùng hết bốn câu, lại dùng hai câu thôi, có ý nghĩa gì? Đâu phải các Ngài không đọc qua bài kệ đó, nếu chúng ta không nghiên cứu kỹ có thể bị nghi ngờ ở điểm này. Bởi vì tinh thần Phật giáo Phát triển đi thẳng vào ngã của Pháp thân, chớ không phải cái ngã của thân này. Nên nói “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là chỉ cho ngã Pháp thân.

Như chúng ta đã biết, ngã của thân tứ đại ngũ uẩn này vô thường sanh diệt, không có nghĩa gì nên giáo lý nói vô ngã. Vô ngã là vô cái ngã tứ đại ngũ uẩn, nhưng Pháp thân là thể bất sanh bất diệt, nó trên hết. Vì vậy Phật nói “Duy ngã độc tôn”. Trong kinh Kim cang có bài kệ “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”, tức là nếu dùng sắc thấy Ta, dùng âm thanh cầu Ta, người đó hành đạo tà, không thể thấy Như Lai. Như vậy chữ Ngã này chỉ cho ngã gì? Ngã của Pháp thân nên không thể dùng sắc tướng, âm thanh mà cầu. Nếu ai dùng sắc tướng âm thanh mà cầu Pháp thân, đó là tà.

Giáo lý Phát triển đề cao ngã là cái ngã Pháp thân. Theo tinh thần Phật giáo Phát triển, chúng ta tu phải giác ngộ được Pháp thân, mới giải thoát sanh tử. Từ đó ta thấy tinh thần Phật giáo Nguyên thủy và tinh thần Phật giáo phát triển có chỗ khác nhau. Phật giáo Nguyên thủy nhắm vào điểm Phật đã vượt qua sanh tử của chúng sanh nên nói Ngài hơn hết. Phật giáo Phát triển nhắm vào Pháp thân của chúng ta, là cái không sanh không diệt nên nói hơn hết. Hiểu như vậy mới có thể trả lời câu hỏi trên của Phật tử mà không bị lúng túng.

Có một Phật tử hỏi chúng tôi: “Thưa Thầy, Phật tử tu theo đạo Phật, hiện tại bản thân, gia đình, xã hội có lợi ích gì?”. Câu hỏi này rất thực tế, chúng ta không thể lơ là được. Thật ra vấn đề được nêu lên không phải quá khó, nhưng chúng tôi muốn dẫn lại để Tăng Ni ý thức trách nhiệm của người giảng dạy giáo lý. Chúng ta giảng dạy giáo lý phải làm sao cho Phật tử thâm hiểu, ứng dụng tu hành có lợi cho bản thân, gia đình và xã hội, đó là trọng tâm của việc truyền bá Chánh pháp. Chính nhờ những câu hỏi này làm cho chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng về giáo lý nhà Phật, dạy thế nào cho có lợi ích thiết thực, chớ không thể nói suông được.

Tôi thường dạy Phật tử tu là cốt chuyển đổi ba nghiệp thân, khẩu, ý. Cho nên nói tới tu là nói tới sự chuyển hóa, biến cái dở xấu trở thành cái hay tốt. Nói cụ thể hơn về tu ba nghiệp nghĩa là ngày xưa chưa biết tu vị đó sát sanh, trộm cắp, tà dâm v.v… Bây giờ biết tu rồi thì không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Nếu tích cực hơn, hồi xưa vị đó sát sanh, bây giờ biết tu rồi chuyển lại chẳng những không sát sanh mà còn phóng sanh, không phạm tội trộm cắp mà còn tập hạnh bố thí, không tà dâm mà còn khuyến khích những người chung quanh giữ hạnh trinh bạch.

Hồi xưa chưa biết tu ta nói dối, nói hai lưỡi, nói hung dữ, nói thêu dệt vô nghĩa. Bây giờ chặng đầu của sự tu là bớt nói dối, bớt nói hai lưỡi, bớt nói hung dữ, bớt nói thêu dệt. Qua chặng thứ hai phải tiến lên, khi xưa mình nói dối thì bây giờ luôn luôn nói lời chân thật; khi xưa nói hai lưỡi tức nói ly gián, bây giờ nói lời hòa hợp; khi xưa nói lời hung dữ ác độc, bây giờ nói lời hiền hòa nhã nhặn, khi xưa nói lời thêu dệt vô nghĩa, bây giờ nói lời hợp lý.

Ngày xưa tâm ý nhiều tham, nhiều sân, nhiều si, bây giờ bớt tham, bớt sân, bớt si, đó là chặng số một. Qua chặng thứ hai, chẳng những bớt tham mà còn tập thương người cứu vật, chia sẻ giúp đỡ kẻ cơ hàn. Chẳng những bớt sân mà còn tập trải lòng từ bi đến khắp mọi người. Chẳng những bớt si mà còn tập mở mang trí tuệ theo Chánh pháp. Như vậy thay vì tham sân si, bây giờ đổi lại thành bố thí, từ bi, trí tuệ. Đó là tu.

Nếu một Phật tử, bản thân không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, bớt tham sân si, như vậy có lợi ích chưa? Bản thân có lợi ích cụ thể rồi. Nếu một thành viên trong gia đình tốt như vậy, tự nhiên gia đình cũng an vui, xã hội cũng tốt theo. Rõ ràng việc tu có lợi ích thiết thực cho mọi người và xã hội.

Lúc tôi đi giảng ở Rạch Giá với thầy Huyền Vi, đề tài giảng là giáo lý Nhị thừa. Trong đó nói về tứ thiền, bát định cho tới tứ quả Thanh văn. Vì thuộc bài nên tôi giảng tương đối cũng rõ. Sau khi giảng xong, có một Phật tử quỳ thưa: “Thưa Thầy, Thầy giảng về tứ thiền, bát định và tứ quả Thanh văn, chúng con nghe hiểu rồi, nhưng xin hỏi thật trong các tầng thiền định và quả vị đó, Thầy đã chứng được cái nào rồi?”. Lúc đó tôi ngớ ngẩn, không trả lời được. May nhờ thầy Huyền Vi ngồi bên cạnh lanh trí, trả lời dùm tôi: “Đạo hữu quên rồi sao, trong kinh thường nói người tu chứng giống như kẻ uống nước nóng lạnh tự biết, làm sao nói cho đạo hữu nghe được”. Lần đó Thầy Huyền Vi đã trả lời cứu bồ tôi. Nhưng thật tình, khi ấy tôi rất đau. Tại sao?

Chúng tôi cứ quen học hiểu, mà không có thì giờ tu. Một đêm nhiều lắm là tụng kinh đủ hai thời, đôi khi thiếu nữa. Nhất là làm giảng sư được quyền nghỉ để nghiên cứu bài vở, nên tu lếu lếu thôi, chẳng có tới đâu. Chừng khi giảng mình học bài kỹ, nói cho người ta nghe hiểu, Phật tử tưởng mình đã chứng khá khá rồi, khi hỏi lại mình chới với không giải quyết được. Gặp phải câu hỏi trên, lòng tôi bất an vô cùng, vì thấy mình giống như cái máy thâu thanh. Thu lời của những bậc thầy đi trước, rồi phát ra y như vậy, chớ bản thân chưa có gì hết. Do đó tôi thầm nguyện, lúc nào đủ duyên mình phải tìm chỗ tu để yên lòng một chút, chớ nói hay mà làm không được, thật khổ tâm quá. Đó là lý do sau này tôi tìm lên núi tu thiền.

Tôi kể lại những điều này cho Tăng Ni thấy bổn phận của một người Thầy không giản đơn như mình tưởng. Ta phải nói thế nào cho người hiểu, kế họ hỏi tới công phu tu hành mình cũng phải biết, không thể lúng túng được. Muốn thế chúng ta phải có tu. Tu thế nào? Trong các thời khóa tụng của nhà thiền, thường nhất là kinh Bát-nhã. Bát-nhã là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch trí tuệ, loại trí tuệ siêu xuất thế gian, chứ không phải trí tuệ thường. Muốn bước vào cửa thiền trước tiên phải thâm nhập lý Bát-nhã.

Lý Bát-nhã còn được gọi là cửa Không. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Tại sao chúng ta tu thiền phải đi từ cửa Không? Vì nếu thấy thân này thật, đối với ngoại cảnh, từ con người cho tới muôn vật, chúng ta đều thấy thật hết thì tâm sẽ chạy theo nó. Bây giờ, muốn tâm không chạy theo, chúng ta phải quán sát kỹ tất cả sự vật ở ngoài cũng do duyên hợp, không thật. Cái nhà từ khoảnh đất trống, ta dựng cây cối, gạch ngói v.v… để thành cái nhà.

Do vậy cái nhà là tướng duyên hợp. Do duyên hợp nên có ngày nó phải bại hoại, tường vách đổ sụp. Những gì duyên hợp đều hư dối. Từ cái nhà cho đến mọi sự mọi vật, có thứ nào không phải duyên hợp đâu, nên chúng sẽ đi đến bại hoại. Biết rõ như vậy mới không dính mắc với cảnh bên ngoài. Không dính mắc ngoại cảnh thì tâm mới an định được, còn dính mắc thì không bao giờ an định.

Thí dụ như quý Phật tử vừa mới to tiếng với ai đó chừng nửa giờ, bây giờ vô ngồi thiền có yên không? Vừa ngồi vừa tiếp tục cãi, không cãi bằng miệng mà cãi bằng tâm. Họ nói câu đó là sao, mình phải trả lời thế nào cho xứng… cứ ôn tới ôn lui hoài. Vì chúng ta thấy câu nói thật nên không bỏ được. Nếu ta quán con người đó không thật thì lời nói của họ có thật đâu, tất cả là chuyện rỗng, có gì quan trọng. Thấy vậy liền buông nhẹ. Buông được thì ngồi thiền mới yên. Cho nên trước tiên bước vào cửa thiền, chúng ta phải đi từ lý Bát-nhã, dẹp bỏ tất cả những cố chấp của mình.

Kinh Bát-nhã nói “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc” nghĩa thế nào? Bây giờ tôi dẫn câu chuyện xưa thế này. Đời Đường, có hai vị thiền sư trẻ Trí Tạng và Huệ Tạng, đệ tử của Mã Tổ Đạo Nhất. Một hôm hai huynh đệ ra ngoài vườn chơi. Ngài Trí Tạng hỏi ngài Huệ Tạng:

– Sư đệ biết bắt hư không chăng?.

Ngài Huệ Tạng trả lời:

– Biết.

– Làm sao bắt?

Ngài Huệ Tạng liền đưa tay ra ôm hư không. Ngài Trí Tạng quở:

– Bắt như vậy làm sao được hư không?

Ngài Huệ Tạng hỏi:

– Huynh làm sao bắt?

Ngài Trí Tạng liền nắm lấy lỗ mũi Huệ Tạng lôi đi. Ngài Huệ Tạng la:

– Nắm như vậy chết người ta, buông ra!

Ngài Trí Tạng nói:

– Bắt như vậy mới được hư không.

Câu chuyện này có đạo lý gì? Lỗ mũi tuy là hình thức vật chất, nhưng bên trong trống rỗng. Nắm cái sắc thì trong đó đã có cái không rồi. Đây là nghĩa sắc tức thị không. Nếu ôm hư không bên ngoài thì làm sao nắm được hư không? Như bình hoa trước mắt chúng ta, nếu bỏ mấy cọng hoa mỗi nơi mỗi cái thì bình hoa không còn. “Bình hoa” là giả danh, do đủ duyên hợp lại mới có, nếu thiếu duyên bình hoa không còn nữa. Nên nói thể bình hoa là không, do duyên hợp tạm có. Ngay nơi bình hoa chúng ta biết tánh nó là không. Tuy tánh không nhưng đủ duyên hợp lại thì thành bình hoa.

Như vậy lý không ở đây không phải không ngơ, mà là không có chủ thể cố định. Duyên hợp tạm có, duyên ly tán trở về không. Hoa khi phân tán khắp nơi, chỉ còn lại bình không, nếu ta cặm vào đó các hoa khác thì có bình hoa trở lại, nên nói “không tức là sắc”. Rõ ràng sắc và không đều không thật. Nói sắc nói không nhằm chỉ ra lý duyên hợp, đủ duyên thì không biến thành sắc, thiếu duyên thì sắc biến thành không. Nên ngay khi duyên hợp, tánh nó vẫn là không. Vì vậy kinh Bát-nhã nói “không” tất cả: không nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, không sắc, thanh, hương… Không là nói đến thể của tất cả các pháp. Tất cả pháp chỉ có giả danh, không có thật thể.

Từ đó chúng ta dùng trí quán xét hết các sự vật bên ngoài, đều là duyên hợp tánh không. Biết như thế là tỉnh, hết mê. Cho nên biết được lý tánh không rồi, chúng ta mới bỏ được vọng tưởng điên đảo, các vị Bồ-tát mới có thể tu hành tiến lên thành Phật. Dùng trí tuệ Bát-nhã tức là dùng thanh kiếm bén ruồng hết sáu trần, không chấp không kẹt. Không chấp thì ngồi thiền êm ru, không nghĩ, không tính. Vừa chợt nhớ gì liền tự nhắc “Nó giả dối, có thật đâu mà nhớ”.

Thế nên bước vào cửa Không phải thấy rõ: Một, tất cả cảnh sắc đều hư dối, tự tánh là không. Hai, thân tứ đại duyên hợp hư dối, tự tánh là không. Ba, tâm vọng tưởng sanh diệt hư dối, tự tánh là không. Biết ba cái đó không thật rồi, chúng ta phải tìm cho ra cái chân thật. Đây là chỗ thiết yếu hành giả tu thiền cần phải biết. Cái thật đó lâu nay chúng ta không nhớ không biết nên chạy theo trăm thứ đảo điên. Bây giờ ta phải nhớ để nhận ra và sống lại với cái chân thật của chính mình, thì mới chấm dứt sanh tử và đau khổ.

Hiểu rõ và thực hành đúng lời Phật dạy mới xứng đáng là đệ tử của Phật, mới có thể đền ân Phật Tổ và đầy đủ tư lương để trả nợ đàn na tín thí. – “HT.Thích Thanh Từ”.

Nguồn: tamhuongphat.com!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News