Phật học

Đức Phật thành đạo vào ngày, năm nào? Ý nghĩa ngày Phật thành đạo

Ngày Đức Phật thành đạo là ngày có ý nghĩa quan trọng trong Phật Giáo. Vậy Đức Phật thành đạo vào ngày nào, năm nào? Ý nghĩa ngày Phật thành đạo là gì?

lời phật dạy, ngày đức phật thành đạo, đức phật thành đạo vào ngày, năm nào? ý nghĩa ngày phật thành đạo

1. Ngày Đức Phật thành đạo – 8/12 âm lịch

Theo Phật giáo Bắc truyền, ngày Thành đạo diễn ra vào ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch. Sau khi vượt thành xuất gia, Sa môn Cù Đàm trải qua nhiều năm tháng tầm sư học đạo và khổ hạnh nơi rừng già, mục đích tìm ra con đường thoát ly sinh tử. Ngài đã thọ giáo nơi các tiên nhân nổi tiếng như Kalama, Ramaputta, và đã đạt đến trình độ tâm linh như các vị ấy. Tuy nhiên, Ngài biết rằng ở cõi trời cao nhất là Phi tưởng Phi phi tưởng cũng chưa phải là cứu cánh giải thoát vì còn trong Tam giới.

Cuối cùng Ngài nhận ra rằng, chỉ nên tìm học ở ngay chính mình chứ không tìm cầu bên ngoài mà được. Miệt mài thiền định dưới cội Tất bát la (Bồ đề), Ngài chứng quả vị tối thượng vào đêm thứ 49, khi sao Mai vừa mọc. Từ đó, Sa môn Cù Đàm trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và đêm lịch sử ấy được gọi là Đêm Thành đạo.

“Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, Bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.”

“Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời. Của người nào? Của Như lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời.” (Tăng chi I phẩm Một người, tr. 28, xb. 1980).

2. Ý nghĩa ngày Phật thành đạo

Trước hết, Phật thành đạo có ý nghĩa đối với bản thân Ngài là một thành công viên mãn. Có trải qua biết bao tháng ngày dài trăn trở quên ăn bỏ ngủ, sáu năm trường khổ hạnh, công phu nhọc nhằn gạn lọc chân lý cạn sâu, dám hy sinh thân mạng và tất cả mọi thứ trên đời để tìm tòi mối đạo mới cảm nhận hết giá trị chói lọi huy hoàng của cái Ngày lịch sử Ngài được suy tôn lên ngôi Đại Giác.

Một niềm an lạc sung mãn thấm đượm nơi Ngài đến nỗi Ngài trải qua tuần lễ đầu tiên sau khi Thành đạo để chứng nghiệm hạnh phúc tâm linh giải thoát và chính thức tuyên ngôn đoạn tuyệt với vòng luân hồi sanh tử khổ đau: “Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang đi đi mãi. Như Lai đi tìm mãi mà không gặp. Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này. Lập đi lập lại đời sống quả là phiền muộn. Này hỡi người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi. Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa. Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dông của ngươi dựng nên cũng bị phá tan. Như Lai đã chứng quả Vô sanh bất diệt và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục.”

Phật thành đạo không chỉ là một cuộc chinh phục vĩ đại, một chiến thắng vẻ vang đối với bản thân Ngài mà còn là một sự khai sáng tuyệt vời cho hết thảy nhân loại, chúng sanh vì chí nguyện xuất gia của Ngài là để tìm phương cứu chữa cho đời sống chúng sanh ngập chìm trong đau thương, tăm tối như chính lời Ngài phân tỏ với Xa-Nặc lúc chia tay: “Chính vì đêm tối Ta mới đi tìm ánh sáng.” Trong khoảng thời gian 49 năm còn lại của đời mình, Ngài soi rọi Ánh Đạo Vàng đến khắp muôn phương và hiển thị rõ ràng rằng: “Nếu cõi đời không đau khổ tối tăm, Đức Phật đã chẳng xuất hiện ở đời.” Ngài ra đời là “Vì an lạc của số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng thương tưởng đối với đời, vì lợi ích, an lạc và hạnh phúc của chư thiên và loài người” (Tăng Chi I). Động cơ cao thượng này khiến Ngài cảm thất thất vọng nơi chứng đắc tối hậu của hai đạo sĩ Alara Kalama và Uddaka Ramaputta mà bỏ ra đi.

Phật dạy, “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Lời dạy ấy là đứng trên Phật quả. Nhưng theo tinh thần kinh Lăng Già thì “Chúng sanh đã là Phật”, tức nhắm trên Phật nhân. Đã là Phật, vì chúng sanh nào cũng có trí tuệ đức tướng Như Lai. Như kẻ ăn mày trong kinh Pháp Hoa không biết mình có hạt châu trong chéo áo, cứ phải sống đời lang thang cơ nhỡ. Đến lúc được bạn nhắc nhở, lấy ra dùng thì trở nên giàu sang phú quý. Hạt châu có sẵn như Đạo sẵn đủ tại tâm, chỉ vì ta quên nên mê, còn nhớ ra là ngộ Đạo.

Đức Phật thành đạo nơi cội Tất bát la cách đây gần 26 thế kỷ, nhưng câu chuyện tìm đạo của Ngài vẫn luôn là bài học lớn cho hàng đệ tử Phật chúng ta. Khi mới phát tâm tu, chúng ta cần có thầy hướng dẫn đường lối đúng đắn để khỏi lạc lầm. Đang trong giai đoạn dụng công, ta cũng cần thầy bạn sách tấn và sửa chữa những sai sót, để khỏi sa vào những cám dỗ của ngoại ma. Nhưng vấn đề ngộ đạo lại khác, tự thân hành giả nỗ lực công phu, phải tự nhận ra Phật tâm nơi chính mình chứ không ai làm thay cho ai được.

Hiểu và tin mình có khả năng thành Phật, chúng ta có sự vững vàng trên đường tu. Ta không tìm cầu Phật bên ngoài, không tin có một quyền năng ban phước giáng họa, mà chỉ tin chính tâm mình có chánh nhân thành Phật. Ta cứ một lòng một dạ tiến bước trong Chánh pháp mà không khởi ý niệm mong cầu, thì khi đủ thời tiết nhân duyên, tất nhiên trổ ra chánh quả. Đến lúc ấy, ta mới thấm thía và biết ơn vô cùng lời-dạy-vô-ngôn của Đức Bổn Sư khi cầm cành sen, hay gậy tổ Hoàng Bá khi đập cho đệ tử xuất cách Nghĩa Huyền ba gậy.

Vậy thì rốt cuộc, Thành đạo là nhận ra và hằng sống với con người chân thật chính mình.

Sự kiện Thành đạo của Đức Thế Tôn là điểm son trong lịch sử tôn giáo của nhân loại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nhân bản, bình đẳng, vô ngã và từ bi. Ngài là bậc thầy vĩ đại của nhân loại, một con người kỳ vĩ xuất hiện trong thế giới thường nhân, với trí tuệ siêu xuất thể hiện qua ngôn ngữ, văn tự thường tình đã gây âm vang chấn động trong lịch sử tôn giáo và triết học.

Thời gian trôi đi, thế giới loài người cũng đã bao lần đổi thay, nhưng những lời dạy của Đức Phật vẫn mãi mãi là bức thông điệp muôn thuở cho con người khảo nghiệm, nghiên cứu, thực hành. Đức Phật chỉ là một con người, nhưng là một con người kết tinh của vô vàn tinh hoa tuyệt mỹ của nhân loại. Vì thế, đứng ở góc độ nào, người ta cũng thấy được hiện thân của Ngài. Đó là hiện thân của chân lý, của trí tuệ và từ bi.

lời phật dạy, ngày đức phật thành đạo, đức phật thành đạo vào ngày, năm nào? ý nghĩa ngày phật thành đạo

3. Lời dạy của Ðức Phật về dấu ấn ‘Thành đạo’

Ðức Phật đã chứng ngộ, đã thấu suốt dòng sông sanh tử tự bao đời kiếp, mặt trái của sự giả tạo, sự cấu thành hư huyễn…, giờ này Ngài đã tỏ sáng, viên dung như ánh trăng rằm, không còn gì che khuất.

Hàng Phật tử chúng ta nên nhớ là Ðức Phật đã mất rất nhiều năm đi tìm đạo và tu khổ hạnh (có thuyết ghi 11 năm, có thuyết ghi 6 năm) mới có thể chứng ngộ đạo quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, sau khi ngồi dưới cội cây Bồ-đề 49 ngày đêm thiền quán, khi bừng sáng chứng ngộ, Ðức Phật đã thốt lên bài kệ pháp, tự cảm thán trong niềm hoan hỷ vô biên:

“Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang đi, đi mãi.

Như Lai đi tìm mãi mà không gặp, Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này.

Lặp đi lặp lại đời sống quả thật là phiền muộn.

Này hỡi người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi.

Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa. Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dông của ngươi dựng lên cũng bị phá tan!

Như Lai đã chứng quả vô sanh bất diệt và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục”. – (Kinh Pháp Cú)

Lời pháp vi diệu này cho chúng ta thấy Ðức Phật đã chứng ngộ, đã thấu suốt dòng sông sanh tử tự bao đời kiếp, mặt trái của sự giả tạo, sự cấu thành hư huyễn…, giờ này Ngài đã tỏ sáng, viên dung như ánh trăng rằm, không còn gì che khuất. Ngài đã thực sự đi vào thế giới tối tôn tối thượng của “duy ngã độc tôn” và “ngộ nhập Phật tri kiến” mà Ngài đã chỉ bày cho mọi người từ khi Ngài mới hiện thân vào đời.

4. Đức Phật thành đạo năm nào?

Ngày nay, hầu hết các sách viết về đức Phật đều dựa vào công bố của Đại hội Hội Liên hữu Phật tử thế giới (WFB) lần thứ 3 thống nhất: Phật nhập diệt năm 544 TCN, và lấy đó là khởi đầu Phật lịch (1). Tuy nhiên về ngày thành đạo của đức Phật thì lại có nhiều ý kiến khác nhau, đơn cử:

Ở nước ngoài:

1. Pháp sư Thánh Nghiêm người Trung Quốc, trong sách Lịch sử Phật giáo Ấn Độ (2) cho biết: Hiện nay có hai thuyết:

– Đa phần các vị cổ đức cho rằng: Thái tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta hay Tất Đạt Đa) xuất gia năm 19 tuổi, thành đạo năm 25 tuổi.

– Ngày nay người ta cho rằng Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia năm 29 tuổi và thành đạo năm 35 tuổi.

2. Đại đức Nàrada Mahà Thera, học giả Phật giáo nổi tiếng thế giới người Srilanka (Tích Lan), từng sang Sài Gòn giảng giáo lý của đức Phật nhiều lần những năm 1950-1960, trong cuốn Đức Phật và Phật pháp (3) cho rằng Đức Phật sinh ngày trăng tròn tháng Năm, năm 623 TCN, kết hôn năm 16 tuổi và xuất gia năm Thái tử 29 tuổi (594 TCN). Sau sáu năm tự bản thân kinh nghiệm, Đạo sĩ Tất Đạt Đa đã từ bỏ lối tu khổ hạnh và chọn con đường “Trung đạo”.

Sau khi độ một vài vật thực thô sơ, Đạo sĩ đi đến dưới gốc cây Tất bát la (Pippala, sau này người đời gọi là cây Bồ đề nghĩa là cây giác ngộ, để kỷ niệm sự giác ngộ của đức Phật dưới gốc cây ấy) thành đạo ngày 8-12 âm lịch ấy. Đạo sĩ Tất Đạt Ta thành đạo năm 35 tuổi.

Ở Việt Nam:

– Hòa thượng Thích Thiện Hoa trong sách Phật học phổ thông khóa 1-Nhân thừa Phật giáo viết: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sinh ngày 8-4 âm lịch năm 624 TCN; ngày 8-2 âm lịch năm 19 tuổi xuất gia; Ngài thành đạo năm 30 tuổi.

– Cư sĩ Nguyễn Văn Chế trong “Những vấn đề căn bản trong Phật học” xuất bản tại Hà Nội năm 1976 viết: Thái tử xuất gia năm 19 tuổi, sau 6 năm tu khổ hạnh Thái tử từ bỏ lối tu này. Ngài uống bát sữa của thiếu nữ chăn bò rồi đến ngồi dưới gốc cây Tất ba la nhập định luôn 49 ngày. Một đêm ngày cuối cùng Thái tử đã tu thành đạo, Tất Đạt Đa đã thành Phật Thích Ca Mâu Ni (Cakya Muni). Sau khi thành đạo, ròng rã 49 năm liền đức Phật đi khắp nơi trong nước Ấn Độ để thuyết pháp. Ngài nhập diệt năm 80 tuổi, năm ấy là năm 480 TCN (có sách ghi là 483 TCN).

– Từ điển Phật học Hán-Việt (4) mục từ Thích Ca Mâu Ni viết: Ngài 6 năm tu khổ hạnh, thành đạo năm 35 tuổi. Từ đó về sau, hơn 40 năm trời Ngài đi khắp 4 phương để giáo hóa cứu độ chúng sinh, năm 487 TCN Ngài nhập Đại bát Niết bàn.

– Cư sĩ Lưu Vô Tâm trong sách Phật học khái lược (5) mục Niên lịch của Đức Phật Thích Ca viết:

  • Phật đản sinh ngày 15-4-624 trước Công nguyên.
  • 19 tuổi xuất gia nhằm ngày 8-2.
  • 5 năm tầm học các đạo;
  • 6 năm tu khổ hạnh.
  • 49 ngày nhập định.
  • 30 tuổi thành đạo nhằm ngày 8-12.
  • 49 năm thuyết pháp độ đời.
  • 80 tuổi nhập Niết bàn nhằm ngày 15/2 (544 trước Công nguyên).

Sách giải thích ngài Tất Đạt Đa có 5 năm tầm học các đạo rồi thêm 6 năm tu khổ hạnh mới thành đạo năm Ngài 30 tuổi.

– Trang Website Đạo Phật ngày nay, viết: Ngài sinh năm 624 TCN, xuất gia năm 29 tuổi, học đạo với hai vị đạo sĩ Alasa-Kalama và Uddaka-Camaputta, trải qua 6 năm tu khổ hạnh với 5 anh em ông Kiều Trần Như thành đạo năm 35 tuổi. Hoằng dương chính pháp trong 45 năm; trụ thế ở đời 80 tuổi, khoảng năm 544 TCN nhập diệt tĩnh lặng.

Các tài liệu đều thống nhất Ngài nhập Niết bàn năm 80 tuổi. Riêng ngày Thái tử xuất gia và thành đạo lại đã có 3 loại ý kiến khác nhau:

1- Thái tử Tất Đạt Ta xuất gia năm 19 tuổi, thành đạo ngày 8-12 năm Ngài 25 tuổi;

2- Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia năm 19 tuổi, thành đạo ngày 8-12 năm Ngài 30 tuổi;

3- Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia năm 29 tuổi, thành đạo ngày 8-12 năm Ngài 35 tuổi.

Lời bàn:

Với loại ý kiến thứ nhất:

Phật xuất gia năm 19 tuổi, thành đạo năm 25 tuổi, hoằng dương chính pháp 49 năm rồi viên tịch thì Ngài trụ thế 25 + 49 = 74 tuổi, trong khi đức Phật thọ 80 tuổi.

Với loại ý kiến thứ hai:

Phật xuất gia năm 19 tuổi, thành đạo năm 30 tuổi, thuyết pháp 49 năm, như vậy Ngài thọ 30 + 49 = 79 tuổi (coi như xấp xỉ tuổi 80). Nhưng từ khi xuất gia đến khi thành đạo là 11 năm.

Tuy nhiên theo các tài liệu hiện có đều nói sau khi xuất gia Thái tử theo học hai vị đạo sĩ Alasa-Kalama và Uddaka-Camaputta, trải qua 6 năm tu khổ hạnh với 5 anh em ông Kiều Trần Như, rồi 49 ngày đêm ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ đề và thành đạo. Chẳng lẽ Ngài mất 5 năm tầm học các đạo rồi mới tu khổ hạnh 6 năm? Lời giải thích này không có sức thuyết phục bởi đức Phật là người thông minh tuyệt đỉnh.

Với loại ý kiến thứ ba:

Phật xuất gia năm 29 tuổi, thành đạo năm 35 tuổi, 45 năm chuyển bánh xe pháp, nhập diệt năm 80 tuổi. Chúng tôi cho rằng ý kiến này phù hợp với lịch sử đức Phật. Rất mong được quý độc giả chỉ giáo.

Chú thích:

1. Đa phần các sách của Trung Quốc đều cho rằng đức Phật sống trong khoảng 565-485 TCN cùng thời với Khổng Tử.

2. Pháp sư Thánh Nghiêm, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Tâm Trí dịch, NXB Phương Đông 2008.

3. Nàrada, Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh dịch, NXB Tôn giáo, 2011

4. Kim Cương Tử chủ biến, Từ điển Phật học Hán –Việt, NXB Khoa học xã hội, 2004.

5 Lưu Vô Tâm, Phật học khái lược, NXB Tôn giáo, 2005.

Trích nguồn: Phatgiao.org.vn!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News