Phật học

Gặp khó khăn nên hồi hướng như thế nào cho hợp lý?

Người mới tu hành đạo lực còn non, nếu gặp khó khăn bủa vây không được giải quyết, sẽ khiến cho tâm lý bị phân tâm, cuộc sống trật vật, sức lực suy hao, quỹ thời gian bị bóp nghẹt….

hồi hướng công đức, hồi hướng là gì, gặp khó khăn nên hồi hướng như thế nào cho hợp lý?

– Anh Quang Tử cho em hỏi, em đang gặp khó khăn trong cuộc sống, em cố gắng tu tập, làm nhiều việc thiện để hồi hướng cầu cho mình thoát khỏi khó khăn. Nhưng lại nghe giảng đâu đó rằng, hồi hướng như vậy là ích kỉ, chỉ biết đến mình. Mặt khác nếu không giải quyết được khó khăn, thì đầu óc em cứ luẩn quẩn vì nó mãi. Điều đó khiến em rất phân vân. Xin anh cho lời khuyên.

Quang Tử:

– Bạn thân mến, nhiều người không có hiểu rõ giáo lý, không biết như thế nào gọi là trình tự trước sau, không biết như thế nào là hợp lý cả, xong lại hay buông ra những lời khuyên áp đặt cho người khác. Bạn nghe loáng thoáng hồi hướng công đức là phải không ích kỉ, phải hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sinh, nhưng bạn có biết rằng, hồi hướng công đức cho khắp chúng sinh, đó là lời dạy của Đức Phật dành cho Bồ Tát, chứ không phải dạy cho người bình thường?

Với mỗi hạng chúng sinh, Đức Phật dạy cách hồi hướng khác nhau, không hề máy móc, không chỉ có một cách mà là vô số cách tùy theo trường hợp. Đây là một ví dụ, trong kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, sau khi Quán Thế Âm Bồ Tát tuyên thuyết ra chú Đại Bi, Đức Phật dạy:

” …Nếu người có tật ban đêm sợ hãi ra vào không yên, lấy chỉ trắng xe thành niệt, gia trì chú 21 biến, kết thành 21 gút buộc nơi cổ, thì tật ấy sẽ dứt. Chẳng những trừ được sự khủng bố mà cũng diệt được tội.

Nếu trong nhà sanh nhiều tai nạn, dùng nhánh cây thạch lựu chặt thành 1.080 đoạn ước độ một tấc, mỗi đoạn 2 đầu đều thoa mật tô lạc. Kế đó, đem lò nhỏ để trước bàn Phật, cứ tụng xong một biến chú, liền đốt một đoạn. Khi thiêu hết 1.080 đoạn, tất cả tai nạn thảy đều tiêu trừ. Nếu ở các nơi đấu tranh, luận nghị, muốn được hơn người dùng cành bạch xương bồ gia trì chú 21 biến, đeo nơi cánh tay phải, tất sẽ được toại nguyện.

Nếu muốn được trí huệ nên dùng nhánh xa xa di, chặt thành 1080 đoạn, mỗi đoạn 2 đầu thoa sữa ngưu tô thuần chất và sữa ngưu tô hòa với bạch mật, cứ mỗi lần tụng chú lại đốt một đoạn. Nên nhớ trong một ngày đêm chia ra ba thời, mỗi thời tụng chú và đốt 1080 đoạn. Thật hành đúng 7 ngày, chú sư sẽ được trí huệ thông ngộ…”

Bạn thấy chứ, chính Đức Phật dạy hồi hướng công đức cầu cho việc đang vướng bận trước mắt của mỗi người được giải quyết, chứ đâu phải Phật dạy tất cả luôn luôn chỉ được “hồi hướng khắp pháp giới chúng sinh” đâu?

Nói rằng bạn hồi hướng như vậy, thì bạn là người ích kỉ, đó là một câu thừa. Bạn cần biết rằng, phải tu đến chứng được quả vị Thánh như A La Hán trở lên, bản ngã mới không còn, thì mới coi là không ích kỉ được. Còn bạn là một người bình thường đang tu theo Phật, bạn không phải Phật, không phải Bồ Tát, không phải đã chứng quả vị A La Hán, thì đương nhiên bạn vẫn là một người phàm phu bình thường, vậy thì việc bạn ích kỉ, là điều đương nhiên.
Không thể lấy tiêu chuẩn và cách làm của Thánh áp đặt bắt bạn phải theo đúng như vậy được, điều đó vô lý. Mà cố ý làm theo một cách vô lý như vậy, bạn không giải quyết được những chướng ngại tu hành đang bao vây, dẫn đến mất cân bằng, làm suy yếu động lực, và có thể khiến bạn phải bỏ cuộc, không tu nữa. Mà đã không tu nữa, thì chẳng có thêm được cái tốt lành nào nữa cả, giải quyết khó khăn cuộc sống,không, phá trừ được tâm ích kỉ, cũng không, tiếp tục tu tiến cho đức hạnh tăng lên, được giải thoát an vui, cũng không luôn. Vậy cứ bắt ai tu gi cũng phải hồi hướng tất cả như cách Bồ Tát làm, đó là một cách áp đặt thiển cận, không thông minh.

Bạn cần biết, tu hành từ phàm phu đến trình độ đại từ đại bi của Bồ Tát, của Thánh nhân là một quá trình dài, rất dài vô số kiếp. Quá trình ấy chia làm nhiều chặng, mỗi một chặng tích chất và cách thức làm rất khác nhau, chặng đầu khác hẳn chặng giữa, và khác xa vô cùng so với chặng cuối. Một người đang ở chặng đầu không thể nào lấy cách thức của chặng giữa hay chặng cuối áp dụng nổi.

Cũng như vậy, bạn đang ở thời kì bắt đầu tu học, bạn gặp khó khăn, và khó khăn ấy nếu không giải quyết, nó sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý, đến thời gian, đến thời khóa tu hành của bạn. Vậy thì, cách hợp lý là bạn phải giải quyết nó trước bằng cách hồi hướng công đức tu hành của mình, tập trung cầu cho bạn có thể vượt qua khó khăn.

Như vậy có 2 lợi ích: vừa giúp mình vượt qua được khó khăn, vừa duy trì được thời khóa. Sau này khó khăn qua rồi, bạn sẽ được thoải mái lựa chọn, và khi ấy không còn gì ngăn cản bạn hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sinh cả, lúc ấy, bạn có thể tập mở rộng tâm như các vị Bồ Tát làm.

Còn nếu không làm theo trình tự như vậy, bạn mặc kệ khó khăn, cố gắng chịu đựng, dồn công đức hồi hướng cho một điều vĩ đại nhưng phải rất lâu hàng triệu kiếp nữa phước đức mới trổ ra. Bạn thân mến, trừ một số người có ý chí siêu việt, đạo lực hùng mạnh do tu nhiều kiếp ra, còn người bình thường không duy trì nổi.

Vì dù sao, những người mới tu công đức tích chưa được nhiều, thường vẫn đang phải sống cái cuộc sống cơm áo gạo tiền, gia đình, công việc … của thế gian này, áp lực của chúng rất mạnh, dồn dập cái này chưa qua cái khác đã đến, mà phước chưa đủ nên không sao thoát ra khỏi nó được.

Người mới tu hành đạo lực còn non, nếu gặp khó khăn bủa vây không được giải quyết, sẽ khiến cho tâm lý bị phân tâm, cuộc sống trật vật, sức lực suy hao, quỹ thời gian bị bóp nghẹt, kéo dài như vậy, từ từ sẽ dẫn đến tâm lý chán nản, mất động lực, rồi bỏ dở việc tu hành. Và lúc đó, hãy nhìn nhận thực tế rằng, một khi đã bỏ tu, thì chẳng còn lợi ích nào cả, đừng nói lợi ích vĩ đại cao xa, mà ngay lợi ích nhỏ nhoi cũng chẳng có cái nào cả.

Vậy nên trình tự hợp lý là, trước tiên hồi hướng công đức giải quyết khó khăn, gây trở ngại bản thân, sau khi cuộc sống ổn định, thoải mái rồi thì nâng cấp lên, hồi hướng cho chúng sinh khắp pháp giới. Lợi ích lớn bé, gần xa, của ta, của người, trước sau đều được đầy đủ.

Fb Quang Tử!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News