Phật học

Lời Phật dạy cho người nóng tính cần nhớ để chớ phạm phải sai lầm

Nóng giận là cơ chế, hay nói cách khác đó như một sự phản xạ của con người trước những điều không như ý muốn. Chẳng hạn như, bạn muốn thực hiện một việc gì đó, nhưng bạn lại không thực hiện được. Điều này làm bạn tức giận… Vậy làm sao để tránh hoặc kìm nén cơn nóng giận đó, sau đây là những lời Phật dạy cho người nóng tính.

bài học cuộc sống, lời phật dạy, lời phật dạy cho người nóng tính cần nhớ để chớ phạm phải sai lầm

1. Người nóng tính, nóng giận cũng như con rắn độc

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, gọi các Tỷ kheo: Có bốn loại rắn, này các Tỷ kheo. Thế nào là bốn? Loại rắn có nọc độc nhưng không ác độc; loại rắn ác độc nhưng không có nọc độc; loại rắn có nọc độc và ác độc; loại rắn không có nọc độc, không có ác độc.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, có bốn hạng người được ví dụ như bốn loại rắn này có mặt ở đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người rất mau phẫn nộ nhưng phẫn nộ không tồn tại lâu dài. Ví như loại rắn có nọc độc nhưng không ác độc.

Này các Tỷ kheo, có hạng người không mau phẫn nộ nhưng phẫn nộ tồn tại lâu dài. Như là loại rắn ác độc nhưng không có nọc độc.

Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người rất mau phẫn nộ nhưng phẫn nộ tồn tại lâu dài. Ví như loại rắn có nọc độc và ác độc.

Này các Tỷ kheo, có hạng người không mau phẫn nộ nhưng phẫn nộ không tồn tại lâu dài. Như là loại rắn không có nọc độc, không có ác độc.

Có bốn hạng người này, này các Tỷ kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phẩm Mây mưa, phần Các con rắn, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.23).

Từ những lời dạy của Đức Phật giúp chúng ta hiểu được tâm sân hận là một trong những nguyên nhân gây ra phiền não. Phật từng nói : “Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền não sẽ không đến với các người”, nghĩa là chúng sinh từ bỏ nóng giận, vì đó là nguyên do tạo ra phiền não.

Không nóng tính, giận hờn là giữ được bình tĩnh trước những cảnh trái ý nghịch lòng. Nóng tính, giận hờn là tính xấu tai hại chẳng khác ngọn lửa tàn bạo, đốt cháy cả người giận lẫn những người chung quanh, làm ảnh hưởng những mối quan hệ.

Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”, là “Một ý niệm giận hờn nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra”.

2. Chuyển hóa tính nóng giận theo những lời Phật dạy

Người nóng tính là người có bản tính dễ tức giận, khó có thể thay đổi cũng như không dễ kìm nén trong lòng. Thường thì chúng ta rất dễ tức giận trước những sai lầm của người khác nhưng lại khó thấy được những điểm yếu của bản thân mình.

Để chuyển hóa được bản tính này, chúng ta cần quán chiếu sâu hơn về nhược điểm của bản thân, điều cần làm là hãy tự ôm những tức giận ấy vào lòng, xoa dịu chúng, thừa nhận sự hiện hữu của chúng và tìm cách đối diện với chính sai lầm của bản thân, để tức giận không có cơ hội bộc phát mạnh mẽ.

Bạn hãy ôm lấy sự tức giận bằng một tình yêu thương như trân trọng chính bản ngã của mình, hít thở sâu, đều đặn, nghĩ đến những điều tích cực, để vui hơn, từ từ hóa giải, tiêu tan cơn giận.

Đức Phật cũng dạy, chúng ta nên học cách yêu bản thân và yêu mọi người xung quanh, nghĩ đến ta trong vẻ mặt xấu xí, tâm hồn bị tha hóa những bước đầu tiên, nghĩ đến tâm trạng của những người xung quanh khi phải đón nhận sự tức giận không đáng có từ chúng ta, để tâm hồn chín chắn hơn, tỉnh táo hơn, đưa ra những hành động, cách giải quyết mang tính chừng mực, nhẹ nhàng hơn.

Bạn hãy quán chiếu từ tâm những tác hại của tức giận, từ đó tìm lại trong tâm hồn sự bình lặng và thoải mái hơn, dễ dàng đưa ra những cách thức thoái lui tốt nhất trong vòng vây của tức giận. Chúng ta phải luôn thực tập chánh niệm cũng giúp chúng ta tu tập sự từ bi, nhẫn nhục, có một cái tâm hỷ xả, nhân ái, để luôn có một cái tâm an yên, nhẹ nhàng trước mọi sóng gió, biến cố trong cuộc đời vốn vô thường này.

Đời vốn vô thường và bản thân ta sinh ra không ai là tuyệt đối lương thiện. Ai cũng có những hạt giống tức giận ngự trị, chờ đợi cơ hội nảy sinh để phá hủy tâm hồn, đẩy ta đến gần hơn ranh giới của yêu ma, ác quỷ, làm tha hóa chính con người luôn hướng đến sự từ bi, nhân ái của ta.

Nhưng, bản ngã là do ta làm chủ, ta hoàn toàn có thể biến chúng thành một thực thể có ý nghĩa trong cuộc đời, hoặc trở thành một đối tượng đáng bỏ đi trong xã hội. Chính bản thân ta sẽ quyết định cuộc đời yên bình, nhẹ nhàng hay đầy sóng gió, chất chứa những tức tối, ghen ghét, đố kị.

bài học cuộc sống, lời phật dạy, lời phật dạy cho người nóng tính cần nhớ để chớ phạm phải sai lầm

3. Lời Phật dạy cho người nóng tính cần nhớ

Tĩnh tâm

Tùy theo mỗi người, mà cơn sự tức giận được biểu hiện dưới những dạng khác nhau. Người thì có thể chửi bới những người xung quanh bằng những ngôn ngữ thâm độc, hay hành động một cách điên rồ bằng cách đập phá,…

Chính vì vậy, tĩnh tâm là một phương pháp giúp con người nhìn nhận lại bản thân mình, tĩnh tâm tức làm cho con người biết cân bằng giữa sự việc bên ngoài và cơn nóng giận bên trong được hài hòa hơn.

Không nên kìm nén

Theo Lời phật dạy, trong đạo Phật rất tối kỵ và không chấp nhận việc đè nén dằn ép. Bởi đó không phải là phương cách giải quyết hữu hiệu tuyệt hảo làm cho ta hết đau khổ. Càng ức chế đè nén nó chừng nào, thì lòng bực tức sân hận của ta càng tăng trưởng lớn mạnh thêm chừng nấy.

Ðến một lúc nào đó, ta không còn ức chế đè nén sức ép của nó nữa, thì chừng đó nó sẽ nổ tung lên dữ dội và tàn phá rất mãnh liệt. Ðây là một hậu quả rất tai hại, mà không ai có thể lường trước được.

Không nên căm hận, thù ghét

Phật dạy ta không nên nuôi dưỡng hạt giống thù hận ganh ghét với bất cứ một ai. Ðôi khi ta sai lầm mà ta vẫn cứ khư khư cố chấp bảo thủ cái định kiến của ta.

Lòng tự ái của ta lúc nào cũng muốn ta phải lấn lướt hơn người. Muốn hạ nhục người mà ta căm tức thù ghét đến tận cùng đau khổ thì ta mới hả dạ. Tâm trạng đó, thật là quá ác độc!

Dù cho ta có thỏa mãn vị ngọt của sân hận, nhưng lòng ta luôn luôn bất an và đau khổ. Ðó là điều mà ta tự chuốc quả khổ cho ta và làm tan nát đổ vỡ tình thân thuộc, bạn bè thân yêu của ta mà thôi.

Tránh nói những lời cay độc

Dân gian có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, có thể trong lúc nóng giận, ta có thể dùng những lời nói cay độc làm tổn thương, khiến người ta đau khổ, thì chính ta đã rước lấy nỗi khổ đau trước rồi.

Chỉ một giây nóng giận, chúng ta có thể làm tổn thương người khác bằng những từ ngữ được thoát ra từ miệng chúng ta. Điều này sẽ làm tan vỡ mọi mối quan hệ. Hãy khéo biết vỗ về an ủi chăm sóc khi cơn giận nổi lên, thì cường độ của sự giận tức sẽ không còn cơ hội bộc phát mạnh mẽ. Nguồn tuệ giác của đạo Phật giúp cho ta tháo gỡ thoát qua những cơn si mê giận tức này.

4. Lời Phật dạy về lời nói khi nóng giận để tránh hao tổn, tiêu tan phú quý

Tức giận là cuộc kinh doanh lỗ lớn nhất

Phật dạy rằng tức giận là cuộc kinh doanh lỗ nhất trên đời. Đức Phật không phân biệt cơn nóng giận xảy ra do lý do chính đáng, hợp lý hay không. Chỉ biết rằng khi nóng giận, tâm con người khó mà đủ lý trí để kiểm soát hành vi và ngôn ngữ của mình.

Khi ấy, những câu chữ sắc bén nhất, dễ gây tổn thương người nhất thường chẳng được đại não xử lý kĩ càng, cứ thế tuôn ra dễ dàng.

Lời Phật dạy về lời nói khi nóng giận rằng, phiền não sẽ đến với những người không biết từ bỏ nóng giận.

“Người khôn nói ít nghe nhiều. Lựa lời đối đáp, lựa điều hỏi han

Trước người hiền ngõ khôn ngoan. Nhường trên một bước, rộng đường dễ đi

Chuyện người, chớ nói làm chi. Chuyện mình, mình biết vậy thì mới khôn.”

Nổi cáu là tối kỵ của tu hành, là đốt sạch công đức của mình

Mỗi một lần nổi cáu, công đức của người đó lại giảm đi, nghiệp báo cũng tăng lên. Đấy là còn chưa nói tới những lời có tính sát thương được phát ngôn khi đang nóng giận.

Bởi vậy, nếu không sửa đổi tính xấu này, theo như lời Phật dạy về lời nói khi nóng giận, dù có niệm bao nhiêu bộ kinh, có thuyết bao nhiêu lần pháp thì cũng chẳng lĩnh ngộ được cái tinh hoa an yên nơi cửa Phật. Như vậy thì làm sao và đến bao giờ con người mới thoát khỏi bể khổ?

Niệm giận nổi lên, cánh cửa nghiệp báo cũng mở

Một khi tâm nảy sinh oán giận, trí tuệ sẽ đánh mất, lý trí bị che mờ. Khi đó, con người ta sẽ xử sự theo cảm tính, muốn gì nói nấy.

Điều đó không chỉ làm tổn thương mình, mà còn hữu ý hoặc vô tình gây thù kết oán với người khác. Một khi không thể hóa giải oán thù, khi nhân duyên chín muồi, báo ứng sẽ hiện ra ngay trước mắt, nghiệp báo sẽ tới rất sớm.

Hơn nữa, lời Phật dạy về lời nói khi nóng giận thì đó cũng là một dạng điển hình của khẩu nghiệp. Mà một khi đã gây ra khẩu nghiệp thì dù chỉ là một lời ác khẩu, ác ngữ đều có thể dẫn đến hậu quả khó lường.

Chớ nên tâm tốt mà miệng không tốt, tu tâm mà không tu khẩu

Trong 10 cái nghiệp của con người, nghiệp từ miệng là điều dễ xảy ra nhất và cũng tạo thành nhiều nghiệp nhất. Khi đó, quả báo kiếp sau sẽ vô cùng thảm thiết.

Của cải dù to lớn như núi như sông, nhưng cái miệng ăn lâu ngày rồi cũng hết. Phước đức dù cực khổ gieo tạo từ nhiều đời, nhưng một khi cái miệng tạo nghiệp, chỉ biết nói những lời phê bình, chỉ trích, giận dữ, ác độc… thì phú quý có thể tiêu tan trong nháy mắt.

Lời Phật dạy về lời nói khi nóng giận rằng, cơn giận đến, phúc khí đi, đó là quy luật bất biến. Người muốn giữ phúc khí ắt phải biết khống chế cơn giận giữ mình trước.

Khi ta trút sự tức giận, bực tức, khó chịu của mình cho người khác, đặc biệt là người quan tâm tới mình thì sự việc chẳng những không khá hơn mà ngược lại, những lời nói sắc bén trong lúc thiếu suy nghĩ đó có thể làm tổn thương sâu sắc tới người yêu thương ta.

Khi chúng ta đem sự tức giận, khó chịu cho những người quan tâm mình, thì sự việc cũng chẳng khá hơn mà ngược lại, những lời sắc bén đó lại chỉ có thể làm tổn thương những người yêu thương ta mà thôi.

Có câu “cái thân làm tội cái đời, cái miệng nói lắm thành lời hại thân”. Vẫn biết cuộc sống không hề dễ dàng, nhưng ai cũng phải đối diện với những việc không vui, không được như ý khiến ta bực bội.

Tuy nhiên, cuộc sống là của chính mình, chúng ta dùng tâm thái ra sao khi đối đãi với cuộc sống thì cuộc sống cũng hoàn trả lại ta như thế.

Người thực sự thông tuệ là người sẽ không bao giờ xả cơn giận ra với người khác, càng không để những lời nói khi giận dữ của mình làm tổn thương tới người xung quanh.

TH!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News