Phật học

Lời Phật dạy: Muốn hạnh phúc phải tu từ, bi, hỷ, xả

Muốn cho sự sống được bình yên, hạnh phúc thì phải hội đủ 3 đức tính: từ bi, nhẫn nhục và hỷ xả. Nói theo thế gian là tình thương, sự nhẫn nhịn, vui vẻ và cảm thông.

lời phật dạy, từ bi hỷ xả, lời phật dạy: muốn hạnh phúc phải tu từ, bi, hỷ, xả

Phật dạy, muốn điều hòa cuộc sống này chúng ta phải tập nhẫn nhục và từ-bi-hỉ-xả, tức là tập nhẫn nhịn và vui vẻ tha thứ. Sư ông chúng tôi thường nói, “trước mắt tôi không có kẻ thù, chỉ có những người bạn đã thông cảm và chưa thông cảm với nhau mà thôi”. Nếu muốn chuyển hóa sân giận và đạt được kết quả như ý thì điều trước tiên chúng ta phải tu là hạnh nhẫn nhục, quán sát rõ ràng tất cả người nam là cha ta và tất cả người nữ là mẹ ta. Ta sống được là nhờ cha mẹ mỗi đời đã sinh ra ta và không quản ngại công lao khổ nhọc để sinh thành, nuôi dưỡng. Nếu ta thường xuyên quán chiếu như vậy thì ta sẽ thấy chúng sinh trong 6 đường luân hồi đều là cha mẹ của ta. Do đó, khi thấu hiểu công ơn cha mẹ ta sẽ bớt tham lam, nóng giận và si mê mà dễ dàng cảm thông, tha thứ cho nhau. Nhờ vậy, ta và người luôn sống với nhau bằng trái tim thương yêu chân thật, biết kính trên nhường dưới và luôn sống vui vẻ, thuận thảo với mọi người.

Chúng sinh luân hồi trong 3 cõi, 6 đường do nghiệp duyên chi phối nên ta đã từng làm cha mẹ, anh em, người thân với nhau. Cũng chính vì thế mà ta phải biết sống yêu thương và đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bởi tất cả đều là những người có ân nghĩa với mình. Nhờ quán sát tất cả chúng sinh là cha mẹ nhiều đời nên ta dễ dàng thông cảm mà sống với nhau bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Ta không nên từ sáng sớm cho đến chiều tối, hễ gặp nghịch duyên là lại nổi nóng, thậm chí giận cá chém thớt, chuyện không đâu lại trút đổ lên đầu gia đình người thân. Đó là thói quen thâm căn cố đế của nhiều người. Nếu chúng ta không biết tu tập từ-bi-hỷ-xả thì gia đình sẽ dễ dàng tan nát, đổ vỡ.

Ta có một pháp quán nữa là quán tình thương, nhìn thấy ai cũng nghĩ là người thương của mình nên đã thương thì ta không giận, mà đã giận thì ta không thương. Tình thương này không phải tình thương vị kỷ mà là tình thương không phân biệt màu da, dòng máu, chủng tộc. Nếu ai đã từng có con chung và con riêng với nhau thì sẽ biết rõ tình thương yêu đó có ích kỷ hay không? Vì lúc nào ta cũng thấy con mình là hơn nên đôi khi ta phân biệt, đối xử hẹp hòi mà làm mích lòng nhau. Quán tình thương sẽ giúp ta mở rộng tấm lòng từ bi thương xót bình đẳng mà biết cảm thông và yêu thương nhau bằng tình người trong cuộc sống.

Cách thức chuyển hóa cơn giận mỗi khi có điều gì đó làm ta bực tức là mình chỉ cần nói thầm trong miệng “giận là ngu, không giận là khôn” và như thế cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Đây cũng là một phương pháp mà các Thiền sinh thường hay dùng để chế ngự cơn giận. Khi mới vào chùa tu, mỗi khi gặp chuyện bất bình thì dùng cách này tuy đơn giản mà lại rất hiệu nghiệm, nhất là đối với người có bản tính nóng nảy, hay để cơn giận lấn át tâm mình. Khi đối diện với lỗi lầm hay sai sót của người khác, ta có khuynh hướng hay chỉ trích, giận dữ, rồi làm lớn chuyện ra. Khi bình tĩnh lại ta mới thấy ăn năn, hối tiếc, nhưng đã quá muộn màng. Hít thở sâu chính là bí quyết giúp ta bình tĩnh, sáng suốt để thấy biết rõ trạng thái, cảm xúc bên trong. Việc kiểm soát cơ thể sẽ giúp ta đẩy lùi những cơn giận không như ý.

Thực tế, các Thiền sinh khi thực hành những bài tập này thì phổi sẽ tiếp nhận một khối lượng lớn dưỡng khí và nhanh chóng lan tỏa khắp cơ thể. Thời gian tĩnh lặng giữa lúc bạn đang tức giận cho đến lúc bạn hoàn thành bài tập này sẽ giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh, nhờ vậy tâm tư lắng dịu nên biết cách chuyển hóa và dừng hẳn cơn giận. Mỗi khi thấy mình căng thẳng và sắp nổi nóng, bạn hãy thử thực hành bài tập này xem. Riêng bản thân chúng tôi thì đây là bài tập mà tôi có thể luyện tập hằng ngày, nó đem lại cho tôi cảm giác an bình, thư thái, đồng thời giúp tôi lấy lại trạng thái cân bằng để có cái nhìn toàn diện mà đưa ra những quyết định sáng suốt hơn trong cuộc sống.

Nóng giận là một thứ tập khí thâm căn cố đế thuộc căn bản phiền não lâu đời, có gốc rễ sâu xa trải qua từ vô lượng kiếp. Chúng ta có mặt trên cuộc đời và mãi trôi lăn trong sinh tử cũng bởi ba thứ tham-sân-si là nguyên nhân của sự lẩn quẩn trong 3 cõi 6 đường. Tập khí nóng giận hầu như ai cũng có, kể cả các bậc hiền Thánh. Vì thế, khi gặp những điều không được hài lòng như ý, ta thường nổi nóng, giận dữ như ngọn lửa cháy phừng bốc lên cao ngọn. Dù ta cố gắng điều phục cơn giận bằng nhiều hình thức nhưng cũng không thể dừng hẳn cơn giận trong chốc lát được. Đạo Phật dạy ta cần phải nhận diện và chuyển hóa cơn sân giận. Khi ta giận ai ta có thể nói cho đối phương biết mình đang bực tức, không hài lòng về họ.

Ta có nỗi khổ, niềm đau riêng của mình nên cần phải trình bày một cách chân tình và thật thà cùng người đang giận. Mình giận họ vì họ không làm cho mình vừa ý, hài lòng một vấn đề nào đó. Mình cần phải nói rõ lý do để họ hiểu và cảm thông với mình nhiều hơn; hoặc cũng có thể mình giận họ vì sự chấp trước của bản thân về những sai lầm của họ trong quá khứ. Cho nên, ta cần phải thiết lập truyền thông, tìm hiểu cặn kẽ, kỹ càng để hai bên cùng nhau cảm thông và tha thứ. Ta không nên nuôi dưỡng, chất chứa thù hận trong lòng mà sinh tâm oán ghét dài lâu. Đó không phải là thái độ khôn ngoan trong cách hành xử của người phật tử chân chính.

Ta phải biết rằng, khi người nào có thái độ và hành động làm mình đau khổ bằng sự giận dữ thì trước tiên ta đã biết người đó tự chuốc lấy đau khổ trước rồi. Do đó ta cần cảm thông, thương xót họ nhiều hơn, vì họ đang bị vô minh chi phối nên mới hành động nông nỗi như vậy. Có thể họ có quá nhiều nỗi khổ, niềm đau bởi sự đè nén, chất chứa lâu ngày nên lời lẽ không được hay cho lắm. Hạt giống giận hờn của họ luôn ẩn tàng sâu kín tận tâm thức nên ta phải thương yêu họ nhiều hơn là ghét bỏ. Muốn nhận diện được bản chất của sân hận thật không phải dễ dàng! Nó vốn dĩ không hình không tướng, không có chỗ nơi, chỉ đối duyên xúc cảnh mới phát sinh. Muốn vô hiệu hóa cơn giận trước khi nó bộc phát, đức Phật dạy ta hãy thường xuyên quán chiếu, xem xét sâu vào nội tâm để mình luôn tỉnh giác trong từng tâm niệm, phải ý thức được lời nặng nề, cay cú, ác độc chỉ làm cho ta và người khổ đau.

Ta phải biết suy nghĩ sáng suốt trước khi nói và làm bất cứ điều gì để tránh gây thiệt hại cho cả mình và người. Chỉ cần ta khéo nhận diện mặt mũi trước khi cơn giận nổi lên thì khả năng nóng nảy sẽ không có còn cơ hội bộc phát. Ta hãy thường xuyên quán chiếu sâu nơi tâm mình và mọi người thật kỹ. Ta cần lấy gương soi lại mặt mình khi sự bực tức, nóng giận nổi lên. Một gương mặt với hình thù quỷ quái, hung dữ sẽ là cái nhân hiện tại để cho ra cái quả đời sau giống như thế. Chắc chắn ta sẽ trở nên xấu xí bởi những lần sân hận như thế. Nhận thức rõ điều này một phần cũng giúp ta bớt đi phần nào sân hận, bởi đâu ai muốn mình thành một kẻ xấu xí như quỷ La Sát.

lời phật dạy, từ bi hỷ xả, lời phật dạy: muốn hạnh phúc phải tu từ, bi, hỷ, xả

Tóm lại, muốn chuyển hóa cơn giận hiệu quả ta phải tu hạnh nhẫn nhục và có thể ứng dụng thực hành các nguyên tắc căn bản sau đây:

– Phải thường xuyên giữ chính niệm tỉnh giác bằng cách theo dõi hơi thở, thở vào mình biết thở vào, thở ra mình biết thở ra.

– Trước khi nói hay hành động phải xem xét kỹ liệu điều đó có tính chất nóng giận hay không?

– Thường xuyên quán niệm thực hành trải rộng lòng từ thương yêu đến tất cả mọi người, mọi vật; hãy mở rộng trái tim để yêu thương, hiểu biết và đối xử với nhau bằng sự cảm thông và tha thứ.

– Quán chiếu thật sâu vào tâm thức để thấy rõ hạt giống sân hận nếu để nẩy mầm sẽ làm cho mình và người đau khổ; chính vì vậy mình cần chuyển hóa nó ngay từ khi còn trong trứng nước; muốn nhẫn nhục được trọn vẹn cần phải có chất liệu của từ-bi-hỷ-xả thì mới chuyển hóa được những mâu thuẫn cuộc đời.

Tâm từ chỉ có thể xuất phát từ trái tim chân thật. Tâm từ sẽ trở nên trống rỗng, vô nghĩa nếu nó chỉ nằm trong lời nói lý thuyết suông. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được nó bằng trái tim yêu thương và hiểu biết thì ta sẽ dấn thân đóng góp, phục vụ không biết mệt mỏi, nhàm chán vì lợi ích tha nhân. Cuộc đời sẽ vô vị làm sao khi chúng ta sống không có tấm lòng từ-bi-hỷ-xả. Nếu chúng ta chỉ sống bằng trái tim thì con người dễ dính mắc vào tình cảm riêng tư, một điều thường thấy ở người nữ. Việc yêu thương ông bà, cha mẹ, gia đình, người thân, con cái của mình không khó khăn gì nên phần đông ai cũng đều làm được, chỉ trừ một số ít người sống trong vô cảm.

Khi đức Phật nói về tâm từ, Ngài muốn nói đến thứ tình cảm không có sự phân biệt trong trái tim. Tình cảm cao thượng đó đòi hỏi chúng ta phải biết yêu thương tất cả mọi người như thể người mẹ yêu thương đứa con duy nhất của mình. Tất cả những ai có con sẽ biết được sự khác biệt khi họ yêu thương con mình và con của người khác ra sao. Còn phân biệt con mình và con người khác là ta đã dính mắc vào tình cảm riêng tư. Tâm từ bộc phát cũng như khi ta thấy một em bé bị té xe đang ngồi khóc, phản xạ tự nhiên ta sẽ đỡ em dậy và bắt đầu hỏi han, an ủi; hoặc khi thấy một cụ già đi qua đường không người dìu đỡ thì ta liền đến giúp cụ qua đường.

Có ba trạng trái tâm từ. Trạng thái thứ nhất là lòng tốt. Chúng ta sống cần phải có lòng tốt đối với nhau, nếu không mình chẳng bao giờ có thể cùng ngồi bên nhau được. Phật dạy chúng ta phải nương nhờ lẫn nhau mới bảo tồn được mạng sống. Từ người nông dân làm ruộng cho đến các ngành nghề chức năng khác đều lệ thuộc vào nhau. Lòng tốt là điều kiện tối cần thiết cho cuộc sống, chúng ta không thể thiếu nó vì không có nó cuộc sống sẽ trở nên điêu tàn, vô vị.

Trạng thái thứ hai là tình thân hữu, tình cảm thân thiện, gần gũi với một số người như bạn bè, hàng xóm, láng giềng, những người giúp đỡ ta. Tình cảm này thể hiện qua sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, nhưng chưa phải là lòng từ thật sự mà chỉ là lòng ưa thích. Nó làm ta cảm thấy gần gũi, thương yêu rồi bám víu vào bạn bè, người thân, kẻ giúp đỡ mình và sự bám víu này sẽ khiến ta luyến tiếc, nhớ nhung, rồi đau khổ vì sợ mất; do đó mà tình thương yêu trong sạch không còn nữa. Tình cảm gia đình cần được vun bồi bằng trái tim hiểu biết không có điều kiện phân biệt, nếu còn phân biệt ta người thì sự thương yêu, quý mến người thân sẽ khiến ta dễ dàng củng cố “cái tôi” của mình để được thỏa mãn cảm giác sung sướng, hạnh phúc và để đảm bảo sự sinh tồn của chính mình.

Trạng thái thứ ba là tình bằng hữu, một thứ tình cảm cũng đưa ta đến sự bám víu, dính mắc. Ta bám víu vào bạn bè vì sợ mất họ. Ta tốt với bạn bè vì muốn họ mãi là bạn ta; nhưng nếu họ đáp trả lại không tốt thì ta lập tức phân vân có nên tiếp tục làm bạn với họ hay không; còn nếu họ bỏ rơi ta thì ta sẽ thất vọng tràn trề.

Do đó, trái tim ta cần được rèn luyện có phương pháp một cách kiên nhẫn với lòng quyết tâm để luôn yêu thương, vì nó không phải được tạo ra để lúc nào cũng tràn đầy tình thương mà có lúc yêu, lúc ghét. Nó có thể yêu mà cũng có thể ghét. Nó chứa đầy ý xấu, tham lam, si mê và sợ hãi; nhưng nếu ta không làm giảm bớt sự hận thù và phát triển thêm tình thương bằng cách thay đổi cách cư xử của ta trong đời sống hằng ngày thì tâm mình không thể bình yên, hạnh phúc được. Khi ta có thể làm chủ được những ý nghĩ, lời nói, hành động của mình, ta sẽ trở nên tự tin và không sợ hãi điều gì. Ta tự biết mình đã được rèn luyện đến độ sẽ không thể có một phản ứng giận dữ, ghen ghét dù chỉ là một ít để làm mình mất đi sự bình yên. Ai cũng có cơ hội để sửa đổi cách ứng xử của mình với người khác.

Chúng ta luôn tiếp xúc, trao đổi với nhau và lúc nào đó cũng sẽ có người không đồng ý với mình. Khi đó, nếu chúng ta làm thinh, không thèm trả lời thì đó không phải là phản ứng của lòng từ. Trái lại, nó chỉ đem lại sân hận, bất mãn, lo âu, rồi dẫn đến bất cần, lạnh nhạt. Tất cả những thứ đó không ích lợi gì và cũng chẳng giúp chúng ta thanh tịnh được. Chỉ khi nào ta có thể hành xử với trái tim yêu thương và hiểu biết thì ta mới thật sự thấy được bình an với chính mình.

Chúng ta có rất nhiều điều phải học trong cõi này, và có lẽ mục đích của cõi này chính là thế để con người có cơ hội rèn luyện mình thêm. Ta sống không phải để tìm kiếm sự thoải mái, tiền bạc, của cải để sở hữu mà cuộc đời chính là một trường học và lòng từ là bài học quan trọng nhất để giúp trái tim ta thêm bao la, rộng lớn vì tình người trong cuộc sống. Tình thương của ta càng bao la thì ta càng có thể yêu thương nhiều người, cũng như được nhiều người yêu thương lại. Ta càng cho bao nhiêu thì lại càng nhận lại được bấy nhiêu. Ai cũng muốn kiếm thêm người yêu mình nhưng lại không muốn ban phát tình thương cho ai khác. Nếu ta ban phát tình thương đến cho người thì tự họ sẽ tìm đến với ta và cuộc sống không thiếu người yêu thương mình. Tuy nhiên, ta ban phát cho người khác tình thương không phải vì ta muốn cho, cũng không phải vì họ cần, không phải vì họ đáng để cho mà ta cho vì trái tim ta đã rộng mở bằng tất cả tấm lòng bao dung và độ lượng.

Một người có lòng từ sẽ không có gì để mất. Nếu họ có bị người khác lợi dụng thì đó cũng là cơ hội để kiểm chứng lại sự tu tập của họ trong nhiều năm qua, là dịp để họ soi sáng lại chính mình có hành động đúng hay không. Tình thương vô điều kiện luôn tăng thêm sức mạnh cho con người chứ không phải làm con người thêm yếu đuối, nhưng nếu tình thương đi đôi với đam mê, dính mắc thì nó sẽ làm con người trở nên tham lam và ích kỷ. Một điều lợi ích nữa khi ta có được tâm từ là lửa, thuốc độc không thể xâm hại mình và sau khi chết ta sẽ được bình yên. Ngày xưa, con người dùng tên lửa, thuốc độc để tấn công và hủy diệt lẫn nhau. Thời bây giờ chúng không được dùng nữa mà thay vào đó là súng đạn và bom nguyên tử. Những ai có lòng từ rộng lớn cũng sẽ không bị những thứ này làm tổn hại.

Tất cả mọi người ai ai rồi cũng chết. Trước giờ phút sinh ly tử biệt rất quan trọng vì đó là giây phút tái sinh của một đời sống mới. Người không có lòng nhân khi ra đi rất lo lắng, hoảng sợ vì không biết mình sẽ đi về đâu. Người có tâm từ thì đón chờ cái chết với tâm tỉnh giác nên họ chắc chắn sẽ được đi về nơi thiện lành, tốt đẹp. Những gì ta làm với hành động tốt hay xấu đều sẽ theo ta đến tận cuối đời, tận giây phút lâm chung. Những thói quen xấu hoặc tốt cũng sẽ không thể thay đổi một cách đột ngột, ngoại trừ người đó huân tập được tấm lòng từ rộng lớn. Họ có thể tỉnh thức và không thấy lo lắng, sợ hãi mà lòng tràn đầy bình yên và hạnh phúc. Chính bản thân ta mới có thể tự giải thoát cho mình vì phút cuối đời chẳng ai theo ta được.

Lòng bi thể hiện khi chúng ta chia sẻ lòng xót thương với mọi người, thấy khổ liền giúp và lúc nào cũng cảm thông với nỗi khổ, niềm đau của người khác. Lòng bi phát sinh khi ta cảm nhận được sự đau khổ, không như ý của người khác trong chính bản thân mình. Chỉ có như thế ta mới thực sự cảm thông được với họ vì ta biết làm người khó ai được trọn vẹn, như ý. Người không có lòng bi sẽ luôn sống trong vô cảm, thấy người hoạn nạn dù là người thân, người thương lòng họ cứ lạnh lùng, dửng dưng. Sự cảm thông và tha thứ là bước đầu dẫn đến tình yêu thương chân thật. Thường chúng ta dễ cảm thông và chia sẻ với những người thân yêu của mình như bạn bè, đồng nghiệp, bạn đồng tôn giáo và bạn láng giềng vì sự lựa chọn của “cái tôi”.

Chính sự lựa chọn này sẽ đẩy con người ra xa nhau và đi đến đâu tinh thần chia rẽ cũng sẽ theo đến đó và nó khiến con người xâu xé lẫn nhau. Chỉ khi nào ta soi lại mình một cách thấu đáo với lòng thiết tha, thành khẩn, ta mới có thể thật sự hiểu được tình thương chân thật không có bóng dáng của “tự ngã”. Đức Phật đã giảng nghĩa rõ ràng về bản tánh của con người chúng ta. Dù hình tướng sai biệt nhưng tâm sáng suốt, tâm thương yêu ai ai cũng đều có. Chính vì bản ngã này mà chúng ta phải bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mình và đất nước mình. Tâm tư ta luôn đầy ắp những vọng động tham lam, ích kỷ do sự chấp ngã của “cái tôi” và chúng ta không ngừng bảo vệ “cái tôi” ấy. Nếu ai đó nhìn ta một cách không thân thiện hoặc tỏ vẻ không biết ơn, không thương yêu ta giống như ta mong muốn thì tâm mình sẽ phát sinh sự thù hằn, ghét bỏ.

Lòng cảm thông và sự sẻ chia là một tình cảm xuất phát từ trái tim có hiểu biết mà không cần bất cứ điều kiện gì. Ta không cần phải đợi người trả ơn mà ta giúp đỡ chỉ vì tình thương của một chúng sinh có tấm lòng. Cuộc đời này là một chuỗi dài đau khổ vì thân ai cũng sẽ già-bệnh-chết, nhưng cuộc sống lại luôn ẩn chứa những xung đột, bất như ý, bực dọc, lòng mong muốn có được nhiều hơn, muốn không bị mất mát, đau thương và mọi thứ sở hữu đều tồn tại mãi. Thật đáng tiếc! Chính những người có lòng thương yêu bình đẳng, người hay cảm thông với nỗi đau, sự mất mát của người khác mới thật là người có hạnh phúc thật sự. Phần lớn chúng ta đều thiếu lòng từ bi nên rất ít người được hạnh phúc thật sự. Người có lòng từ bi luôn sống có niềm vui vì khi ấy họ bớt nghĩ đến “cái tôi” của mình, do đó ít chấp ngã. Người sống quá chấp ngã sẽ không thể có niềm vui vì họ không bao giờ thỏa mãn được “cái tôi” của mình.

Khi đã tu tập được lòng từ bi ta còn phải biết chia sẻ niềm vui với người khác, gọi là tùy hỷ. Đối nghịch với tùy hỷ là lòng ganh ghét, tật đố. Sự chia sẻ niềm vui là liều thuốc bổ nhiệm mầu để chữa bịnh ganh ghét và đố kỵ. Cuộc đời này nếu ta biết chia sẻ niềm vui với người khác thì chắc chắn mình sẽ có thêm nhiều cơ hội hạnh phúc hơn. Đây cũng là cách để chuyển hóa lòng oán giận, thù hằn. Ta không chỉ nhớ điều này khi rơi vào một hoàn cảnh nào đó hay khi có tai biến gì xảy đến mà phải luôn ghi nhớ vì đây là bí quyết để sống một cuộc đời hạnh phúc, bình an. Đức Phật đã nói, “Ta chỉ dạy một điều, cuộc đời là đau khổ và cách thức để đoạn diệt đau khổ”. Chúng ta phải luôn nhớ chấp ngã là nguồn gốc của mọi đau khổ, vì vậy khi ta có được niềm vui tự nơi bản thân mình thì phải cố gắng chia sẻ với người khác để họ cùng vui theo.

Để tu tập được tâm xả không chỉ có sự quyết tâm muốn được an nhiên, tự tại là đủ. Quyết tâm là điều cần thiết, nhưng nó dễ đưa đến sự đè nén thân tâm. Lòng an nhiên, tự tại là một trong những tình cảm cao thượng nhất, đối nghịch với nó là sự lo lắng, bồn chồn, dính mắc vào “cái tôi”. Sự an nhiên hay tâm xả cần phải xuất phát từ bên trong. Khi được ươm trồng tốt, tâm xả là một trong 7 yếu tố dẫn đến giác ngộ hoàn toàn; nhưng nếu ta không bắt đầu thực hành buông xả ngay từ bây giờ thì đến lúc nào ta mới được bình yên, hạnh phúc. Để có được tâm xả và lòng an nhiên, thanh thản, nhẹ nhàng, ta phải có sức chịu đựng bền bỉ trong mọi chướng duyên, nghịch cảnh. Nếu không biết chấp nhận ta sẽ khổ đau bởi chính sự đè nén trong tâm mình. Đối nghịch với chấp nhận là phản kháng, chống đối. Ta làm như thế chỉ mang lại đau khổ cho chính mình mà thôi.

Người đã huân tập được lòng từ-bi-hỷ-xả sẽ có thể sống một đời bình yên, hạnh phúc mà không vướng bận điều gì. Người chồng thấy mình phải mà người vợ cũng thấy mình phải thì chẳng ai chịu nhường ai, thành ra gây lộn, cãi vã với nhau hoài. Trong cuộc sống ta cần phải nhường nhịn lẫn nhau, chồng nói vợ nghe, chồng có lỗi lầm gì thì vợ tha thứ, bỏ qua. Đó là hạnh nhẫn nhục và có lòng từ-bi-hỷ-xả; nhưng nếu nhịn nhau mà không chịu tha thứ cho nhau, cứ nhớ cố tật xấu của nhau hoài thì cũng không điều hòa được. Hôm nay nhịn một chút nhưng nếu ngày mai gặp việc thì lại nổi tam bành lục tặc. Đó là căn bệnh thâm căn cố đế con người ta hay chất chứa trong lòng. Chúng ta nhịn thì phải bỏ qua luôn, đừng nhắc tới nhắc lui hoài, nhịn mà không chịu quên mà cứ nhắc lại chuyện xấu hoài sẽ làm người khác bực mình, sân si lên. Đó là một sự thật.

Cuộc sống từ cá nhân cho đến gia đình và xã hội đều không bao giờ hoàn toàn hòa hợp theo ý mình nên đừng đòi hỏi mọi thứ đều tốt đẹp. Chúng ta phải tập nhẫn nhịn bởi thói quen nhiều đời của con người ai cũng có sẵn tính nóng giận, đàn ông hay đàn bà cũng đều biết giận hết. Chính vì vậy chúng ta phải khéo nhẫn nhịn lẫn nhau. Qua sự nhẫn nhịn đó ta còn phải hỷ xả, nghĩa là vui mà bỏ chứ đừng gượng bỏ. Chẳng qua ta còn quá khờ dại và nông nỗi nên mới cãi vã, chẳng biết nhường nhịn nhau. Nay biết vậy rồi thì mình bỏ hết, đừng giận hờn gì nữa. Nếu cứ nghĩ mình phải, người quấy thì cứ ôm ấp, mai mốt gặp việc lại cãi nhau nữa, rốt cuộc thì khổ đau vẫn cứ tiếp diễn hoài.

“Từ” là ban vui, “bi” là cứu khổ, “hỷ” là vui vẻ, “xả” là buông bỏ không dính mắc mọi trần cảnh. Ban vui, cứu khổ và vui vẻ, tha thứ, bỏ qua sự oán giận, thù hằn, cảm thông nỗi khổ, niềm đau của người khác gọi là từ-bi-hỷ-xả. Sự vui khổ của người xem như vui khổ của chính mình, chia vui sớt khổ trên tinh thần vô ngã vị tha là lòng từ bi bao la rộng lớn. Vì thế khi giúp đỡ mọi người ta không thấy mình là kẻ ban ơn, người là kẻ thọ ơn, đây mới thật là tình thương chân thật. Nếu có một điểm nhỏ xíu vì mình thì đó không phải là tình thương chân thật. Tình mẹ thương con cũng chưa hẳn là từ bi, vì con không nghe lời thì mẹ sẽ giận. Tình thương từ bi là tình thương đồng hóa khổ vui của người như của mình. Cảm thông sự khổ vui của mọi người như thế nên khởi tình thương, ban vui, cứu khổ là lòng từ bi. Cứu giúp để mong đền đáp là sự đổi chác không phải lòng từ bi. Thương yêu để thỏa mãn nhu cầu riêng tư là lợi dụng tình thương, không phải là lòng từ bi chân chính.

Muốn phát khởi tâm từ bi rộng lớn chúng ta phải tập cảm thông sự khổ vui với mọi người. Đã xem cái khổ của người như của mình nên nhiệt tình, sốt sắng cứu giúp mà không cần điều kiện. Người khỏi khổ là mình an vui, không có một hậu ý nào đối với người mình cứu giúp. Thấy người vui cũng như mình được vui, những cái vui của mình đã sẵn sàng chia sớt với người bằng cách giải bày, nâng đỡ, mong mỏi được giúp đỡ, sẻ chia. Chúng ta phải lấy cái vui của mình làm cái vui của mọi người, cái vui của người chính là cái vui của mình. Cùng khổ cùng vui mới là tình thương yêu chân thành. Bởi cảm thông nhau trên nỗi khổ, niềm vui, chúng ta mới có nhiệt tình tích cực cùng nhau chia vui, sớt khổ. Thông cảm được sự khổ vui của mọi người là ta bắt đầu phát tâm từ bi. Tuy nhiên, lòng từ-bi-hỷ-xả phải không có giới hạn, song mới tập từ bi thì xuất phát từ gần rồi lan rộng ra xa. Chúng ta tập cảm thông, chia sẻ nỗi khổ, niềm đau từ những người thân quen trong gia đình rồi dần dần lan rộng đến những người xa lạ bên ngoài.

Khi lòng từ bi đã tiềm ẩn trong ta thì mọi sân hận, si mê, tham lam, ích kỷ theo đó bị tiêu diệt. Người từ bi không thể nổi nóng và chưởi đánh kẻ khác. Khi lửa sân cháy hừng hực cũng chính là lúc nước từ bi khô cạn. Thấy người gặp cảnh khổ, người có lòng từ bi còn không nỡ lấy mắt ngó mà chỉ tìm đủ mọi cách để giải khổ cho người. Nếu khả năng chúng ta không thể giải cứu được thì lòng vẫn xót xa, đau đớn; huống là đích thân mình làm khổ người, nên lòng từ bi không cho phép ta dùng ngôn ngữ, hành động mà làm khổ kẻ khác. Người từ bi đâu nỡ tranh giành hơn thua, được mất với kẻ khác, bởi kẻ được thì vui, người mất phải khổ, giành giật nhau là làm khổ cho nhau. Từ bi là ban vui, cứu khổ. Người có lòng từ bi thì mọi hành động có tánh cách tranh đua, giành giật không còn nữa. Chính của mình mà còn đem ra giúp đỡ người khác thì không thể có giành giật của người đem về cho riêng mình. Họ luôn chiều theo sở nguyện của người khác vì làm trái ý người là khiến họ đau khổ, thuận hạnh từ bi là không trái ý nguyện của chúng sinh.

Hiện tướng dữ để điều phục đưa người về chỗ an vui là nghịch hạnh từ bi. Hạnh từ bi này vừa mới trông như kẻ ác nhưng mai kia mới thấy rõ lòng từ bao la, rộng lớn của người đó. Người thể hiện lòng từ bi này cần phải sáng suốt, hiểu xa trông rộng, biết được tâm ý của người nên mới dùng nghịch hạnh. Dù thuận hạnh hay nghịch hạnh cũng cùng một nguồn ban vui, cứu khổ. Bản chất từ bi là an ổn, nhẹ nhàng, mát mẻ nên mọi chúng sinh khi gặp được đều cảm nhận niềm vui.

Lòng từ bi của chúng ta chỉ được viên mãn khi mọi vọng thức phân biệt không còn, vì vọng thức chạy theo nghiệp phân biệt có yêu, có ghét, buồn vui lẫn lộn nên khó đem tình thương yêu chân thật, bình đẳng đến với chúng sinh. Khi nghiệp thức đã trong sạch, chỉ một tâm thể sáng suốt, thênh thang, bình đẳng bao trùm tất cả chúng sinh không phân biệt ta-người, đây-kia nên làm gì có thương-ghét phát sinh làm dính mắc. Sống với tâm thể này thì hay sáng soi muôn loài, muôn vật bằng trái tim hiểu biết. Từ bi là tình thương hoàn toàn không có toan tính hơn thua, được mất mà chỉ thấy khổ liền giúp. Bọn ma vương, ác quỉ sân hận, tham lam, tật đố gặp nước cam lộ từ bi thì đều chắp tay, quì gối qui hàng. Lòng từ bi có mặt ở đâu thì mọi khổ đau đều tan biến hết. Tấm lòng đó ngọt ngào như dòng sữa mẹ và mát dịu như ngọn gió chiều thu, trong sáng như ánh trăng rằm và phát sinh muôn ngàn công đức như lòng tốt phì nhiêu nuôi dưỡng vạn vật.

Chúng ta tôn trọng, kính mến những ai đã mang sẵn lòng từ bi; tán thán, ca ngợi ai mới phát tâm từ bi và ước mơ, mong mỏi mọi người đều học tập từ bi. Tất cả chúng ta hãy gắng công khơi dậy dòng suối từ bi để một ngày kia nước chảy tràn ngập, tưới mát trần gian đang bị nóng bức bởi sân hận, si mê. Hạnh phúc thật sự ở nhân gian nếu có chỉ khi nào nguồn nước từ bi tràn về. Chúng ta đừng mong một đấng nào cứu khổ mà chỉ chắp tay cầu nguyện mọi người đều phát khởi tâm từ bi rộng lớn để ngọn lửa của sân hận, khổ đau bị dập tắt khi trận mưa từ được thấm nhuần khắp nhân gian.

Phương pháp nhẫn nhịn và từ-bi-hỷ-xả sẽ đưa chúng ta tới bến bờ yên vui, an ổn. Nhẫn nhịn là khéo léo điều hòa ngọn lửa mà không để nước dập tắt lửa hay để lửa đốt cạn nước. Vì tương lai lâu dài của con cái nên vợ chồng trong gia đình phải biết nhường nhịn nhau; người trong Phật pháp thì biết kính trên nhường dưới và cảm thông, tha thứ cho nhau; nhờ thế mà gia đình và xã hội mới thật sự có bình yên, hạnh phúc; nếu không như vậy thì chúng ta chẳng bao giờ có được niềm vui thật sự. Do biết cuộc đời là mâu thuẫn nên chúng ta phải điều hòa bằng hạnh nhẫn nhục và hạnh từ-bi-hỷ-xả.

Muốn được nhẫn nhục, hỷ xả thì trước hết phải có tâm từ bi thấy tất cả mọi người đều là bạn và không một ai là thù. Khi không có lòng từ bi thì không thể có sự nhẫn nhịn và cảm thông, tha thứ cho nhau; nên ta đừng thấy ai là kẻ thù mà chỉ có bạn đã thông cảm và chưa thông cảm với nhau mà thôi. Chính do tâm từ bi phát khởi nên ta mới nhường nhịn và tha thứ cho nhau được. Đó là phương pháp tối ưu để mình điều hòa những mâu thuẫn trong cuộc đời. Tuy biết điều này rất khó nhưng mọi người phải ráng cố gắng, kiên trì, bền bỉ mà ứng dụng lâu dài thì ắt có ngày chúng ta điều hòa được mâu thuẫn.

Tóm lại, muốn cho sự sống được bình yên, hạnh phúc thì phải hội đủ 3 đức tính: từ bi, nhẫn nhục và hỷ xả. Nói theo thế gian là tình thương, sự nhẫn nhịn, vui vẻ và cảm thông. Chính vì vậy chúng ta nên nhớ vợ chồng có gì trái ý nhau thì hãy thương nhau mà bỏ qua, miễn làm sao cho gia đình được bình yên, hạnh phúc, con cái ăn học nên người và sống có ích cho cộng đồng xã hội là được, những gì riêng tư ta nên bỏ qua hết. Dù trong một gia đình nhưng cha mẹ, vợ chồng, con cái, người thân đều không giống nhau, do vậy muốn được bình yên, hạnh phúc thì từ lớn đến nhỏ cũng phải khéo léo điều hòa. Cái khổ lớn nhất là cha mẹ không bao giờ chịu nhịn con cái vì quan niệm “áo mặc sao qua khỏi đầu” nên thường con cái phải nhịn cha mẹ chứ cha mẹ không bao giờ chịu nhịn con; nhưng chắc gì sự hiểu biết của người lớn đã đúng hơn trẻ nhỏ; mà thật sự cha mẹ chỉ sinh ra thân thể này thôi chứ đâu sinh được ý thức và hành động của con cái.

Có một phương pháp rất tối ưu nhưng lại rất ít người làm được, khi thực hiện được thì không còn mâu thuẫn nào nữa nên mới vĩnh viễn được bình yên, hạnh phúc. Đây chính là mục đích Phật nhắm đến để dạy chúng sinh tu được giải thoát viên mãn. Mỗi người chúng ta ai ai cũng có tâm biết sáng suốt, thanh tịnh mà kinh Phật thường gọi là Phật tính; nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, thấy chỉ là thấy, thấy tức biết; nương nơi tai nghe chỉ là nghe, có tiếng nghe có tiếng, không tiếng nghe không tiếng vì tánh nghe thường hằng; mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế. Khi ta sống được với tánh biết sáng suốt và tâm chân thật rồi thì không cần nhẫn nhịn hay tha thứ gì nữa; nhưng nếu hai thứ đó còn thì phải từ bi, nhẫn nhịn, hỷ xả thì cuộc sống mới yên. Khi tâm còn nghĩ thiện tức là còn phân biệt đối đãi với ác, vì vậy ta phải buông cả thiện và ác thì tâm mới yên. Tâm yên mới chính là tâm chân thật, còn tâm nghĩ thiện nghĩ ác v.v… chưa phải là tâm chân thật. Được như vậy thì cuộc đời này sẽ hết mâu thuẫn và không còn gì phải chống đối nữa.

Song, người chưa qua khỏi thiện-ác thì phải tập tu từ bi, nhẫn nhục và hỷ xả thì cuộc sống mới yên lành. Bước đầu quý phật tử nên tập từ bi, nhẫn nhục và hỷ xả trước để sự mâu thuẫn trong mình được điều hòa thì cuộc sống mới bình an. Nếu lấy điều này làm bài học để sống thì có thể gọi nghe kêu một chút là “triết lý sống bình an”. Lâu nay quý phật tử vì sống mà không biết mình sống làm sao nên ai cũng nuôi phiền não tham-sân-si trong mình rồi mang lấy đau khổ mà kêu trời, trách đất. Khi biết được lẽ sống như vậy mà thay đổi thì cuộc sống được bình yên, hạnh phúc. Nếu vượt qua được cả sự đối đãi thì thành Thánh luôn rồi, vì còn việc gì phải phiền muộn, khổ đau nữa.

Chúng ta còn thương người làm lành thì còn ghét người làm ác nên còn có hai tức là còn đối đãi với nhau. Chỉ khi nào ta vượt qua được hai bên ta-người, được-mất, hơn-thua thì mới hết mâu thuẫn. Ý nghĩa của đạo Phật rất cao siêu là vậy! Sư ông của chúng tôi nói, “trước mặt chúng ta không có ai là kẻ thù mà chỉ có người đã thông cảm và người chưa thông cảm mà thôi”.

Trích nguồn: Phatgiao.org.vn!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News