Phật học

Lời Phật dạy: Sáu phần bố thí được phước vô lượng

Bố thí và cúng dường là pháp tu phổ biến của hàng Phật tử. Tuy nhiên, để đạt được sự bố thí và cúng dường đúng như pháp là việc không phải dễ dàng đối với người thí và cả người thọ thí.

lời phật dạy, lời phật dạy: sáu phần bố thí được phước vô lượng

1. Sáu phần bố thí được phước vô lượng

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, mẹ của Nanda, nữ gia chủ người Velukandaki làm một thí vật gồm có sáu phần cúng dường chúng Tăng.

Bấy giờ, Thế Tôn với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhiên thấy mẹ của Nanda làm một thí vật gồm có sáu phần liền bảo các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có ba phần thuộc về người bố thí và có ba phần thuộc về người nhận vật phẩm bố thí. Thế nào là ba phần thuộc về người bố thí?

Này các Tỷ kheo, người bố thí, trước khi bố thí, ý được vui lòng; trong khi bố thí, tâm được tịnh tín; sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ. Đây là ba phần của người bố thí.

Thế nào là ba phần của người nhận phẩm vật bố thí? Ở đây, này các Tỷ kheo, những người nhận phẩm vật bố thí, đã được ly tham hay đang thực hành hạnh ly tham; đã được ly sân hay đang thực hành hạnh ly sân; đã được ly si hay đang thực hành hạnh ly si. Đây là ba phần của người nhận phẩm vật bố thí. Như vậy, này các Tỷ kheo, đây là thí vật có sáu phần.

Này các Tỷ kheo, công đức của thí vật sáu phần thật vô lượng: “Là nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện, món ăn an lạc, thuộc thiên giới, là quả lạc dị thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, hạnh phúc và an lạc”.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, phẩm Chư thiên, phần Bố thí, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.91).

Lời bàn:

Bố thí và cúng dường là pháp tu phổ biến của hàng Phật tử. Tuy nhiên, để đạt được sự bố thí và cúng dường đúng như pháp là việc không phải dễ dàng đối với người thí và cả người thọ thí.

Người thí chủ thực hành bố thí và cúng dường trước hết phải xuất phát từ sự hân hoan, hoàn toàn tự giác và tự nguyện. Phát tâm bố thí và cúng dường phải đứng trên nền tảng tịnh tín. Bởi lẽ, nếu thiếu tịnh tín thì việc làm cao cả ấy sẽ lệch hướng, chỉ nuôi lớn lòng ngã mạn vì thấy rằng ta là kẻ ban ơn. Vì “của cho không bằng cách cho”, do vậy chưa hẳn nhiều tiền lắm của mà thực hành được tịnh thí. Mặt khác, tu tập bố thí và cúng dường phải thành tựu hoan hỷ, vui vẻ khi đem niềm vui đến cho người. Đây là ba yếu tố cơ bản người thí chủ cần tu tập để đạt được sự bố thí và cúng dường như pháp.

Đối với chúng Tăng, những người thọ thí, lại càng phải nỗ lực để hoàn thiện tự thân hơn vì bao giờ “của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Nếu không trau dồi, tu sửa thân tâm, đoạn trừ phiền não thì “tín thí nan tiêu”. Sự thọ nhận càng nhiều chỉ mang nợ đàn na thí chủ càng lớn đồng thời không tạo ra công đức để hồi hướng cho thí chủ. Vì vậy, song hành với tịnh thí của người thí chủ thì người thọ nhận phẩm vật bố thí, cúng dường phải đạt được sự tịnh thọ, tức sự thọ nhận với tâm thanh tịnh, tâm của người nhận đã và đang đoạn tận tham lam, sân hận và si mê.

Do đó, để việc bố thí và cúng dường như pháp, đạt được lợi ích lớn, công đức vô lượng thì người thí chủ và người thọ thí phải thành tựu “thí vật có sáu phần” như lời Đức Phật đã dạy.

2. Hiểu đúng về lợi ích của bố thí, cúng dường

a. Bố thí, cúng dường là việc nên thực hiện thường xuyên

Lợi ích bố thí, cúng dường không hiển lộ rõ ràng để chúng ta có thể tính toán, đong đếm nhưng trong đời sống hàng ngày, nhớ phải tích lũy nhiều công đức giúp tăng phước, tăng thọ, giúp mọi việc suôn sẻ dễ dàng. Hãy thử nhìn những tấm gương của rất nhiều người chăm chỉ, cần mẫn, tài năng đấy nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo. Đó là vì thiếu công đức.

Cuộc sống này tuân theo quy luật Nhân Quả mà chúng ta khó có thể giải thích cặn kẽ, rõ ràng, có những việc ta tưởng là tốt nhưng lại gây hại, nên đừng cho rằng mình là người tốt rồi vì ở khía cạnh nào đó bạn đã sai lầm mà bạn không biết.

Như người Tây Tạng cúng đèn bơ, đợi khi bơ hư mốc không ăn được nữa mới mang ra làm đèn cúng Phật là không được. Cúng Phật như vậy không những không được công đức mà lại còn gieo nhiều ác nghiệp. Do đó, những thứ mang lên bàn thờ thường là món thanh sạch nhất, tươi nhất. Nên thôi đừng suy diễn về việc mình tốt rồi, thay vào đó bạn nên học cách giúp đỡ nhiều hơn, vì chỉ khi chúng ta biết cách tích lũy công đức thì việc đời việc đạo đều sẽ rất thuận tiện suôn sẻ.

b. Cúng dường, bố thí phải xuất phát từ tâm

Nếu cúng Tam Bảo với cái tâm cầu mong Tam Bảo hộ trì cho mình được giàu sang, cho mình hết bệnh tật, cho mình được điều này điều kia… cúng dường với cái tâm mong cầu hồi báo như vậy sẽ làm hao tổn công đức. Việc có nhận được công đức của việc cúng dường hay không còn tùy nơi tâm người cúng dường.

Lợi ích bố thí, cúng dường đạt được cao nhất khi chúng ta cho đi không suy tính, không mong được nhận lại, chỉ đơn giản là muốn ai đó đạt được lợi ích gì đó mà thôi. Mọi việc không quá khó khăn vì bạn có thể hỗ trợ ai đó trong khả năng của mình, không nên quá sức mà ảnh hưởng tới chính bản thân mình vì khi đó tâm không an, lợi ích đã tiêu tan gần hết.

Chúng ta là người ngụp lặn trong sinh tử luân hồi mà lại không hiểu về khổ đau của sinh tử luân hồi, không biết gì về khổ nạn của chính mình. Khi cúng dường, chí ít phải cúng dường bằng cái tâm cầu thoát sinh tử luân hồi, được vậy công đức mới đủ mạnh.

Như lời Tổ Đạt-ma: “Người đời nay không hiểu được những nghĩa lý ấy, do sự hiểu biết nông cạn của mình nên chỉ lấy những việc làm theo hình tướng mà cho là công đức, tốn kém biết bao nhiêu tiền của; đắp tượng, xây tháp uổng phí sức người; dốc lòng hết sức cũng chỉ tự làm tổn hại bản thân, mê hoặc người khác, chẳng biết là rất đáng hổ thẹn, biết bao giờ được giác ngộ? Thấy pháp hữu vi thì hết lòng đắm chấp, mê muội, nghe nói đến pháp vô vi thì ngớ ngẩn, lập lờ.”

Nguồn: tamhuongphat.com!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News