Phật học

Nghiệp là gì? Nghiệp lực từ đâu sinh ra? Khi nào thì nghiệp chuyển?

Nghiệp là thói quen hành động, nói năng hay suy nghĩ hằng ngày của chúng ta trong cuộc sống, trong khi làm việc, trong khi giao tiếp, ở tại nhà, ở tại sở làm hay bất cứ nơi đâu.

cách để chuyển nghiệp, khẩu nghiệp, nghiệp lực là gì, nghiệp từ đâu sinh ra, tạo nghiệp là gì, nghiệp là gì? nghiệp lực từ đâu sinh ra? khi nào thì nghiệp chuyển?

1. “Nghiệp” theo quan điểm Phật giáo là gì?

Nghiệp là thói quen hành động, nói năng hay suy nghĩ hằng ngày của chúng ta trong cuộc sống, trong khi làm việc, trong khi giao tiếp, ở tại nhà, ở tại sở làm hay bất cứ nơi đâu.

Nghĩa là: Nghiệp do thân hành động, khẩu nói năng và ý suy nghĩ, nên thường được gọi là tam nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.

Theo nguyên tắc, có hai loại nghiệp: thiện và bất thiện. Tuy nhiên, khi nói đến chữ “nghiệp”, người ta thường nghĩ đến những nghiệp ác hay nghiệp bất thiện.

Nghiệp do thân hành động, khẩu nói năng và ý suy nghĩ, nên thường được gọi là tam nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Là những thói quen hành động, do thân tạo tác hằng ngày.

Có người luôn luôn thích giúp đỡ kẻ khác, làm việc phước thiện, làm việc xã hội. Có người luôn luôn thích đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, đi nhà thờ xem lễ, cầu nguyện. Cũng có người luôn luôn thích đánh nhau, đánh đập súc vật, giết hại sinh mạng chúng sanh, chơi đấu bò, đi câu cá, đi săn bắn, như thú vui tiêu khiển.

Có người luôn luôn thích hút thuốc, uống rượu, bài bạc. Có người luôn luôn thích việc trộm vặt dù họ không túng thiếu. Có người luôn luôn thích kiện tụng, thích xúi người khác thưa kiện để thủ lợi.

Có người luôn luôn thích hăm dọa người khác, theo thói chưa đậu ông nghè đã đe làng tổng, họ gửi bài đăng báo, tòa báo không đăng nguyên văn, sửa bản thảo, họ bảo xin lỗi, viết thư dọa làm con kiến đi kiện củ khoai!

2. Sự hình thành của nghiệp

Trong luật nhân quả chúng ta thấy, về phương diện vật chất cũng như tinh thần, hễ có nhân thì thế nào cũng có quả và quả lại làm nhân để tạo thành quả khác. Nhân quả đắp đổi cho nhau và tiếp nối mãi không dứt.

Trong phạm vi con người khi mới tạo ra hành động nào bất luận bằng thân, khẩu, hay ý thì hành động ấy gọi là nghiệp nhân. Theo kinh điển và các Tổ thầy dạy, vang bóng ảnh hưởng của nghiệp nhân ấy, được gieo vào trong ruộng tiềm thức và trưởng thành dần. Khi nó có đủ cơ duyên, vang bóng ảnh hưởng ấy kết thành quả (nghĩa là phát lộ ra bằng hành động thân, khẩu, ý khác) thì gọi là nghiệp quả.

Vang bóng ảnh hưởng của nghiệp quả này được gieo vào tiềm thức để làm nghiệp nhân cho nghiệp quả về sau. Ruộng tiềm thức chất chứa, nuôi dưỡng tất cả những hạt nhân và quả ấy, trở thành ruộng thiện nếu những nghiệp nhân và quả của người hành động đều thiện; trở thành ruộng ác nếu nghiệp nhân và quả của người ấy đều ác; hay trở thành ruộng nửa thiện nửa ác nếu những nghiệp nhân và quả của người ấy có thiện có ác. Cũng như khi chúng ta dùng một thửa ruộng để trồng đậu thì chúng ta có một đám ruộng toàn đậu; khi ta trồng bắp thì ta có một thửa ruộng bắp; còn nếu khi chúng ta vừa trồng cả đậu lẫn bắp, thì ta có một đám ruộng bắp đậu lẫn lộn.

Để giúp chúng ta nhận diện đôi nét về sự hình thành của nghiệp, cố HT.Thích Thiện Hoa đã nêu ra một ví dụ sát thực để hình dung về nghiệp như sau: Mỗi một họa sĩ đều có một tấm gỗ để thử mầu, trộn mầu. Mỗi khi tô mầu gì lên bức tranh, thì họa sĩ lấy mầu để trộn hay thử trước lên tấm gỗ ấy. Nếu họa sĩ có một tính tình nồng nhiệt thích mầu đỏ nhiều hơn các mầu khác thì tấm gỗ ấy lâu ngày trở thành mầu đỏ; nếu họa sĩ có tính cách hiền dịu, thích mầu xanh hơn các mầu khác thì tấm gỗ ấy nổi bật lên mầu xanh. Những bức tranh thì họa sĩ đã bán cho người khác, nhưng tấm gỗ thì luôn luôn còn lại bên mình họa sĩ và khi chỉ nhìn vào tấm gỗ ấy, người ta có thể đoán biết họa sĩ đã vẽ trong những bức tranh ấy mầu gì.

Cũng như hành động, lời nói, tư tưởng của chúng ta tuy đã tản mát trong không gian, tan biến trong thời gian, mà ảnh hưởng vang bóng của chúng ta còn lại trong tiềm thức, tạo cho ta một cá tính riêng biệt: hoặc hiền, hoặc dữ, hoặc siêng năng, hoặc biếng nhác… Và khi nhận thấy cá tính của ta, người tinh ý có thể đoán biết được đại khái tính cách và những hành động của ta trong quá khứ, cũng như trong tương lai.

Nhân đây, cũng xin nêu một ví dụ nữa để chúng ta cùng tìm hiểu. Ông Lương khải Siêu – một học giả Trung Hoa, khi bàn về cái nghiệp trong giáo lý đạo Phật, cũng có một kiến giải mang ý nghĩa sát thực để nhận diện về nghiệp như sau:

“Hình tướng cứu cánh của nghiệp lực như thế nào? Quý vị không nghe câu chuyện của những nhà uống trà chuyên môn sao? Cái bình trà càng cũ càng ngon, nếu cái bình trà ấy xưa nay vẫn chế trà ngon. Vì sao vậy? Là vì mỗi khi pha trà thì trong bình có một sự thay đổi. Tuy mỗi khi uống trà xong, bình súc sạch sẽ chẳng còn thấy gì, nhưng thực ra có một phần chất chè thấm vào bình, lần thứ hai bỏ trà mới vào, chất trà lần trước đã thấm vào bình lại tác dụng ra làm cho trà mới ngon hơn. Cứ như thế lần thứ ba, thứ tư cho đến trăm ngàn lần, lần nào chất trà cũ cũng tác dụng ra, chất trà mới thấm thêm vào càng lâu càng nhiều.

Lúc bấy giờ, không cần bỏ trà, chỉ chế nước sôi (chẳng qua 1 lần) cũng vẫn có mùi vị uống được. Tỷ dụ dùng nha phiến cũng thế, người nghiện thích dùng dọc tẩu cũ là vì đã thấm thuốc nhiều. Vậy chất trà thấm vào bình, chất thuốc thấm vào dọc tẩu, theo danh từ Phật giáo có thể gọi nó là trà nghiệp, yên nghiệp. Tuy nhiên đem thí dụ như thế không được hoàn toàn đúng là vì một đằng thuốc phiện và trà là vô sinh mạng, một đằng là người có sinh mạng; dù sao đứng về phương diện hình tướng của nghiệp, cũng tương tự được vài phần… (lược khảo Phật giáo Ấn Độ, bản dịch của Thích Nguyên Hồng)”.

cách để chuyển nghiệp, khẩu nghiệp, nghiệp lực là gì, nghiệp từ đâu sinh ra, tạo nghiệp là gì, nghiệp là gì? nghiệp lực từ đâu sinh ra? khi nào thì nghiệp chuyển?

3. Khi nào thì nghiệp chuyển?

Kính bạch Thầy, con thường nghe nói tu là chuyển nghiệp, nhưng con không biết phải chuyển nghiệp như thế nào? Và nghiệp là gì mà phải chuyển? Kính xin thầy giải đáp cho chúng con được hiểu.

Chữ nghiệp trong nhà Phật nói, ý nghĩa của nó rất sâu rộng. Ở đây, chúng tôi chỉ xin giải đáp một cách đại khái sơ lược thôi. Nghiệp nguyên tiếng Phạn là Karma, Trung Hoa dịch là nghiệp. Nó có nghĩa là một hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen, nên gọi đó là nghiệp.

Như nghiệp hút thuốc, nghiệp cờ bạc, nghiệp rượu chè say sưa … Như người ghiền xì ke ma túy, lúc đầu mới hút hay chích một hai liều thì không sao, nhưng khi làm nhiều lần thì thành ra thói quen nghiện ngập.

Khi đã thành ghiền rồi thì thiếu vắng nó không được. Bấy giờ nó có một sức mạnh rất lớn. Nó khống chế sai sử chúng ta phải làm theo mệnh lệnh sai khiến của nó.

Bởi thế nên có câu nói: “Thói quen ban đầu chỉ là khách lạ qua đường, sau trở thành người bạn thân và cuối cùng làm ông chủ khó tính”. Khi đã trở thành ông chủ khó tính rồi, chúng ta khó mà cưỡng lại những gì ông chủ sai khiến. Đó là một hậu quả vô cùng tai hại.

Ngoài ra, chữ nghiệp còn được dùng trong các ngành nghề khác. Như người cùng làm chung một nghề dạy học với nhau, thì người ta gọi những vị ấy là bạn đồng nghiệp. Bất cứ ngành nghề nào mà cùng làm chung với nhau, thì đều gọi là bạn đồng nghiệp cả.

Nghiệp có nhiều loại. Nếu nói một cách tổng quát, thì có hai loại chính, đó là: nghiệp lành và nghiệp dữ. Chỗ phát ra và tạo thành nghiệp gồm có: thân, miệng, ý.

Trong 3 thứ này, quan trọng nhất là ý. Ý nghiệp, là những suy tính, so đo phân biệt, Duy Thức Học gọi nó là “liễu biệt cảnh thức”. Nó là chủ động tạo nghiệp. Khi nó nghĩ điều lành, thì nó thúc đẩy cái miệng nói ra điều lành và cái thân làm điều lành. Ngược lại, khi nó nghĩ điều xấu ác, thì nó xúi giục cái miệng nói điều xấu ác hung dữ và thân hành động tàn bạo độc ác.

Chính ba nghiệp này là động cơ tạo thành thiên đường hay địa ngục ở nhân gian. Tất cả mọi khổ vui của con người, từ cá nhân, đến đoàn thể, nói rộng ra là cả nhân quần xã hội, đều do nó tạo ra cả.

Cho nên, trong nhà Phật rất chú ý đến 3 nghiệp quan trọng này. Sự tu hành của người phật tử, Phật dạy không cần tu đâu xa, chỉ cần tu chuyển đổi ở nơi 3 nghiệp này. Chuyển đổi 3 nghiệp ác thành 3 nghiệp lành. Như trước kia, chúng ta hay nghĩ xấu ác rồi nói năng hành động xấu ác, như miệng chửi rủa, mắng nhiếc, thân hành động tà hạnh, cướp của, giết người… nay biết tu hành, chúng ta nên chuyển đổi lại quyết định không gây tạo những điều xấu ác đó nữa. Đó là chúng ta khéo biết tu và khéo chuyển 3 nghiệp.

Như trước kia, vì si mê khờ dại ta đi vào con đường nghiện ngập, nay ta biết được tai hại của bệnh ghiền nầy rất nguy hiểm, ta quyết định cai bỏ nghiện ngập, đó là ta đã chuyển nghiệp ghiền thành hết ghiền. Khi đã hết ghiền rồi, đời ta thật vui vẻ hạnh phúc biết bao và ta có rất nhiều tự do, không còn bị bệnh ghiền nó khống chế sai sử ta nữa. Một cá nhân biết tu chuyển nghiệp, thì cá nhân đó được lợi lạc trong hiện tại và mai sau.

Gia đình nào biết tu chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt, thì gia đình đó được hạnh phúc, hòa thuận, êm ấm. Và từ đó, lan rộng ra xã hội được trật tự, an bình, hạnh phúc, lợi lạc, đó là mục đích mà người phật tử hướng đến.

Tóm lại, tu là chuyển nghiệp. Nếu nghiệp không chuyển được thì không ai tu làm gì. Chuyển là chuyển xấu thành tốt, chuyển ác thành thiện, chuyển tà thành chánh, chuyển dở thành hay.…

Sở dĩ nói chuyển nghiệp mà không nói sửa nghiệp, bởi chữ sửa nghĩa của nó rất rộng, không sâu sắc bằng chữ chuyển. Như nhà hư, xe hư, người ta cũng dùng chữ sửa. Vì thế, nên mới nói là đại tu, tiểu tu. Do đó, nên nói chuyển nghiệp mà không nói sửa nghiệp. Bởi chữ chuyển ngầm ý nói lên bên trong nội tâm hơn là nói cái bên ngoài. Chuyển đổi từ ý niệm xấu để trở thành ý niệm tốt. Do đó, nhà Phật nói chuyển nghiệp mà không nói sửa nghiệp là vậy. Mong sao phật tử chúng ta nên ý thức sự khổ đau trong hiện tại và mai sau mà cố gắng thường xuyên tu tạo 3 nghiệp lành. Chỉ cần gìn giữ và tu tạo ở nơi 3 nghiệp: thân, miệng, ý cho tốt đẹp, thì bảo đảm đời ta sẽ dứt khổ. Đó là gốc của sự tu hành. Bởi thế, nên Kinh nói: “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương”. Vãng sinh Tây phương là không còn khổ đau nữa vậy.

Nguồn: tamhuongphat.com!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News