Phật học

Niệm Phật vào lúc nào? Cách niệm Phật trước khi ngủ

Niệm Phật không kể thời gian, không kể lúc. Đi, đứng, nằm, ngồi, thái rau, bửa củi… đều niệm Phật được. Vừa làm vừa niệm. Đang nhổ cỏ lúa mà biết niệm Phật thì nhổ mấy mẫu ruộng cũng không biết mệt. Người niệm Phật phải nhớ câu “Tịnh niệm tương kế”, nghĩa là thời thời khắc khắc phải bám lấy câu “A-di-đà Phật”.

lời phật dạy, niệm nam mô a di đà phật, niệm phật vào lúc nào? cách niệm phật trước khi ngủ

1. Niệm Phật vào lúc nào? Thời gian bao lâu?

Niệm Phật không kể thời gian, không kể lúc. Đi, đứng, nằm, ngồi, thái rau, bửa củi… đều niệm Phật được. Vừa làm vừa niệm. Đang nhổ cỏ lúa mà biết niệm Phật thì nhổ mấy mẫu ruộng cũng không biết mệt. Người niệm Phật phải nhớ câu “Tịnh niệm tương kế”, nghĩa là thời thời khắc khắc phải bám lấy câu “A-di-đà Phật”.

Lỡ quên niệm, khi vừa trực nhớ phải niệm liền. Ráng giữ tính liên tục của nó để trở thành một thứ nhu cầu sống như phải thở không thở không được vậy. Niệm Phật cho đến nhập tâm luôn thì tự nhiên lúc nào trong tâm mình cũng niệm Phật được. Có thế khi lâm chung mình sẽ niệm Phật được dễ dàng. Nghĩa là, chắc chắn mình được vãng sanh. Đại sư Ấn-Quang, vị Tổ thứ 13 của Tông Tịnh-Độ cho phép niệm Phật ngay trong lúc đi cầu nữa là khác, nhưng phải niệm thầm.

Nếu có dịp thuận tiện, trong gia đình cũng nên tổ chức giờ niệm Phật được thì rất tốt. Nên niệm lúc sáng sớm và tối là thời điểm thích hợp, vừa không mất việc làm ăn, vừa dễ nhóm họp. Buổi sáng sau khi niệm Phật nên phát nguyện vãng sanh, có thể đọc bài phát nguyện này:

Nguyện sanh Cực-lạc cảnh Tây-phương

Chín Phẩm Hoa Sen là cha mẹ.

Hoa nở thấy Phật chứng Vô-Sanh

Bồ-tát Bất thối là bạn lữ.

Hoặc đơn giản cứ nguyện như vầy:

“Nam-mô A-di-đà Phật, con xin nguyện cầu hết báo thân này được sanh về Tây-phương Cực-lạc. Ngưỡng nguyện A-di-đà Phật đại từ đại bi phóng quang tiếp độ”.

Hoặc nguyện đại ý như vậy. Nên chép câu nguyện thành bài để nguyện thuộc lòng. Khóa tụng chiều thì hồi hướng công đức:

Nguyện đem công đức này

Trang nghiêm Phật Tịnh-Độ

Trên đền bốn ơn nặng

Dưới cứu khổ tam đồ.

Nếu có kẻ thấy nghe

Đều phát lòng Bồ-đề

Hết một báo thân này

Đồng sanh nước Cực-lạc.

Thành tâm thì có cảm ứng.

2. Những yếu tố quan trọng của pháp môn Niệm Phật

Tín, Nguyện, Hạnh là ba tư lương sanh về Tịnh Ðộ. Nếu tư lương không đủ, quyết không được vãng sanh. Vì thế, sự phát nguyện chiếm một địa vị tối quan trọng trong pháp môn tu Tịnh Ðộ.

a. Tín, Nguyện, Hành

– Tín: Đại thừa khởi Tín luận, quyển hạ Ngài Mã Minh có nói: Tín có bốn loại:

Niềm tin căn bản, tức là ưa thích pháp Chân Như;

Tin Phật có đầy đủ vô biên công đức, tức là thường thích đảnh lễ, cung kính, cúng dường, khéo nghe chánh Pháp, như pháp tu tập, hồi hướng về Nhất Thiết Trí;

Tin vào Pháp có lợi ích lớn, tức là thường ưa tu tập các hạnh ba la mật;

Tin vào Tăng có phẩm hạnh, tức là thường cúng dường các vị Bồ tát, chánh tu các hạnh lợi mình lợi người.

Đối với giáo môn niệm Phật mà nói, niềm tin là bước đầu của yếu tố tu tập thì phải tin chắc rằng:

Tin chắc thật Đức Phật Thích Ca vì lòng từ bi cứu độ chúng sanh thoát khổ luân hồi sanh tử mà thuyết pháp môn Tịnh Độ.

Tin chắc rằng công đức và bổn nguyện tiếp độ của Đức Phật A Di Đà và chư vị Bồ Tát ở cõi Tây Phương Cực Lạc.

Tin chắc tu tập Pháp môn Niệm Phật là phương tiện vi diệu thù thắng để được vãng sanh và thành tựu công hạnh giải thoát giác ngộ.

– Nguyện:

Luận Đại Trí Độ có dạy: “Trang nghiêm thế giới Tịnh Độ là việc to lớn, không chỉ dùng công đức mà cần phải có nguyện lực, giống như sức mạnh con trâu có thể kéo xe mà cần phải có người đánh xe mới đi được. Nguyện sanh Tịnh Độ thế giới cũng như vậy, phước đức ví như sức con trâu, nguyện lực ví như người đánh xe.” Khi có niềm tin vững vàng rồi phát nguyện tu tập theo pháp môn Tịnh Độ. Nguyện lực kiên cố thì năng lực tu học mới mạnh mẽ, chí nguyện vãng sanh vững vàng, không bị giao động trong quá trình tu học và lập trường giải thoát.

– Hành:

Bát Nhã Kinh có dạy: “Như vị Bồ Tát, từ khi vừa thấy hình tượng Phật rồi cho đến lúc chứng đắc vô thượng Bồ Đề, cũng không xa rời tác ý niệm Phật. ” Thực hành việc tu Niệm Phật, hạ thủ công phu Niệm Phật tinh tấn, còn từ bỏ các điều ác làm tất cả các việc lành, phát tâm Bồ Đề, hồi hướng công đức có được cho tất cả chúng sanh, nguyện đồng sanh Tây Phương.

b. Điều kiện vãng sanh

Kinh Niệm Phật Ba La Mật, Đức Phật dạy: “Này Diệu Nguyệt cư sĩ, thế nào là niệm Phật chân chính? Muốn niệm Phật đúng pháp và tự biết mình chắc chắn vãng sanh, thì người niệm Phật phải phát khởi Mười Thứ Tâm Thù Thắng sau đây: thứ nhất là Tín Tâm, thứ hai là Thâm Trọng Tâm, thứ ba là Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm, thứ tư là Xả Ly Tâm, thứ năm là An Ổn Tâm, thứ sáu là Đà La Ni Tâm, thứ bảy là Hộ Giới Tâm, thứ tám là Ba La Mật Tâm, thứ chín là Bình Đẳng Tâm, thứ mười là Phổ Hiền Tâm.”

Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Đức Phật dạy: “Nếu có chúng sanh nguyện sanh Cực Lạc thế giới phát ba thứ tâm liền được vãng sanh.

Những gì là ba tâm?

Một là Chí Thành Tâm.Hai là Thâm Tâm.Ba là Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm.Còn có ba hạng chúng sanh sẽ được vãng sanh.

Những gì là ba hạng?

Một là từ tâm bất sát, đủ các giới hạnh.

Hai là đọc tụng kinh điển Phương Ðẳng Ðại Thừa.

Ba là tu hành Lục Niệm, hồi hướng phát nguyện, nguyện sanh Cực Lạc. Người muốn sanh nước Cực Lạc nên tu ba phước:

Một là hiếu nuôi cha mẹ, kính thờ bậc Sư Trưởng, có tâm nhơn từ chẳng giết hại và tu tập mười nghiệp lành.

Hai là thọ trì Tam Quy Y, đầy đủ các cấm giới và chẳng phạm oai nghi.

Ba là phát tâm Bồ Ðề, sâu tin nhơn quả, đọc tụng Kinh điển Ðại Thừa và khuyên dạy sách tiến người tu hành.”

Kinh A Di Đà Đức Phật dạy: “Xá-Lợi-Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói Đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu của Đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tạp loạn. Thời người đó đến lúc lâm chung, Đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh Chúng hiện thân ở trước người đó. Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.”

3. Cách niệm Phật trước khi ngủ: Nhất tâm niệm Phật

Nhất tâm là chỉ có một tâm niệm Phật. Nếu nhắm mắt liền quên thì niệm Phật như vậy dù có niệm một vạn năm cũng vô ích.

a. Niệm Phật giúp cho tâm mê muội trở nên trong sáng

Tâm chúng ta bị vô minh làm mờ đục, chẳng khác gì nước bị bùn nhơ làm ngầu đục. Muốn cho nước đục kia hóa ra trong, không có phương pháp nào hay hơn là gia một chút phèn vào, thì các chất dơ bẩn ngầu đục kia dần dần lắng xuống, bấy giờ nước đục trở nên trong sạch.

Phương pháp niệm Phật cũng vậy, có công năng trừ phá các vọng niệm đen tối ở nơi tâm của chúng ta, làm cho tâm mê muội, mờ ám trở nên sáng suốt, chẳng khác gì chất phèn làm cho nước trở nên trong vậy.

Niệm Phật công đức lại còn to lớn hơn nữa, vì một câu niệm Phật có thể gồm thâu cả 3 tạng kinh điển, hết thảy thần chú, cùng là các pháp viên đốn, như tham thiền, quán tưởng v.v…

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy rằng: “Sau khi Phật nhập diệt, về thời kỳ mạt pháp, đến kiếp hoại, các kinh sẽ bị tiêu diệt hết, chỉ còn kinh Di-Ðà lưu truyền lại độ trăm năm rồi cũng diệt luôn. Lúc bấy giờ chỉ còn một câu niệm Phật gồm 6 chữ “Nam mô A-Di-Ðà Phật”, mà đủ năng lực đưa chúng sanh về cõi “Cực-Lạc”.

Lời Phật nói không sai, bằng chứng là có nhiều nhân vật chuyên trì một câu niệm Phật, mà biết được ngày giờ và thấy được điềm lành trước khi vãng sanh.

Ba pháp môn tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tuy không đồng mà kết quả đều thù thắng. Phật tử có thể tùy theo trình độ, hoàn cảnh của mình mà tu một, hai hay cả ba pháp ấy. Thí dụ như người biết chữ và mạnh khoẻ, công ăn việc làm hằng ngày không bận rộn lắm, thì nên tụng kinh, trì chú, niệm Phật đủ cả ba pháp môn. Còn người tuổi già, sức yếu, mắt mờ, răng rụng, miệng lưỡi phều phào, thân thể mỏi mệt, nếu tụng kinh, trì chú không nổi, thì phải chuyên tâm niệm Phật, đi đứng nằm ngồi, lúc nào cũng phải niệm Phật. Nhưng các Phật tử nên nhớ, khi miệng tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tay gõ mõ, đánh chuông, lần chuỗi, thì tâm trí phải gột rửa hết bao ý nghĩ bất chính, những ham muốn đê hèn, và tạc vào tâm trí hình ảnh của Ðấng Từ Bi. Rồi phải noi gương Ngài, mở lòng thương rộng lớn, nghĩ đến nỗi thống khổ của muôn loài và phát nguyện đem sức mình ra, ban vui cứu khổ cho tất cả. Ðến khi thôi tụng niệm, trở lại tiếp xúc việc đời, thì phải làm thế nào cho những hành động của mình cũng được từ bi như tư tưởng và lời nói của mình vậy.

b. Cách niệm Phật trước khi ngủ: Nhất tâm niệm Phật

Trích yếu sách Tử Bách Lão Nhân Tập của đại sư Tử Bách Ðạt Quán đời Minh:

“Nhất tâm là chỉ có một tâm niệm Phật. Nếu nhắm mắt liền quên thì niệm Phật như vậy dù có niệm một vạn năm cũng vô ích! Cần phải trong lúc ngủ cũng niệm Phật chẳng gián đoạn thì mới có phần thoát khổ nổi!

Nếu trong giấc ngủ chẳng niệm Phật được, quên mất đi thì khi mở mắt ra liền buồn khóc, nhỏm dậy ngay, đến ngay trước đức Phật dập đầu đến chảy cả máu, hoặc niệm ngàn tiếng, vạn tiếng, dốc cạn hết sức chính mình mới thôi. Làm như thế chừng hai ba chục lần thì tự nhiên trong khi ngủ mê mệt, niệm Phật cũng chẳng bị gián đoạn.

Người đời niệm Phật hoặc là hai, ba chục năm hoặc suốt đời niệm Phật mà đến lúc lâm chung lại thành vô dụng là do lúc ngủ nghỉ chẳng hề có ý niệm nhớ đến Phật. Người sống như đang tỉnh, người chết như mộng; bởi vậy, người nào trong mộng vẫn niệm Phật thì lúc lâm chung tự nhiên chẳng loạn vậy! Muốn khám nghiệm một cách chính xác xem mình niệm Phật có chơn thật hay không thì chỉ cần quan sát lúc mình hoan hỷ và phiền não thì biết rõ ràng ngay là Tâm mình chơn thật hay giả dối.

Ðại để, người Chơn Tâm Niệm Phật dù là lúc hoan hỷ hay phiền não thì tất nhiên vẫn “Niệm Niệm chẳng gián đoạn vì phiền não chẳng lay động người đó nổi, hoan hỷ cũng chẳng lay động người đó được” Phiền não lẫn hoan hỷ đều đã chẳng lay động nổi người đó thì trong cảnh sanh tử sẽ tự nhiên chẳng hoảng sợ. Nay người niệm Phật vừa mới gặp phải chút vui mừng, giận hờn đã vứt A Di Ðà Phật ra sau ót thì sao mà niệm Phật được linh nghiệm cơ chứ?

Nếu làm theo cách niệm Phật của tôi, thật sự có thể chẳng quên mất câu A Di Ðà Phật trong lúc yêu ghét, thế mà chẳng được lợi ích gì trong cuộc sống hằng ngày cũng như khi lâm chung chẳng được vãng sanh thì cái lưỡi của tôi ắt sẽ bị gãy nát vậy!

Nhận định: Pháp này rất diệu, muốn khám nghiệm “Tâm Niệm Phật” là chơn thật hay giả dối chỉ cần xét trong lúc hoan hỷ hay phiền não. Nếu như trong giấc ngủ, việc niệm Phật bị gián đoạn thì hãy nên dũng mãnh tinh tấn làm theo cách này thì hiện tại sẽ được lợi lạc, lâm chung tự được vãng sanh”.

Tịnh tâm khi ngủ

Trước hết quí vị phải nhập Tâm được câu: Kinh Quán Âm dưới đây. Nam Mô Viên Thông Giáo Chủ Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Quán Tự Tại Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

Khi quí vị và các bạn đã nhập Tâm được câu Kinh trên chúng ta có thể tiến hành thực tập ngay trước khi ngủ.

Yêu cầu: Không luyện tập trong tình trạng say xỉn bia rượu

Động tác: Mặc quần áo vừa đủ ấm, nằm ngay ngắn trên giường, hai tay để lỏng tự nhiên dọc thân. Dùng mũi hít thật sâu khí vào bụng (hít đúng sẽ thấy bụng dưới căng cứng là được) kế ngay đó thở phào hết khí từ trong bụng ra bằng miệng.

Quan trọng: không thở quá chậm và quá gấp mà thở tự nhiên. Lập lại đúng 3 lần: hít bằng mũi – thở ra bằng miệng. Khi chút hết khí từ bụng qua miệng chúng ta có cảm tưởng như mình đã tự nguyện chút hết những vui buồn, mệt nhọc… trong ngày. Vẫn nằm ngay ngắn, mắt từ từ nhắm lại, và lúc này dùng ý niệm để đọc thầm câu Kinh Quán Âm đã học nhập Tâm.

Lưu ý: Không cần đọc to (làm người khác bị ảnh hưởng), lúc đầu chưa quen có thể nhẩm thầm bằng miệng, khi đã quen và nhập Tâm chỉ cần tụng thầm từ Tâm tụng ra.

Với những người mới luyện tập thường xảy ra những ý niệm sau:

Càng tụng càng thấy Tâm loạn động. Tụng Kinh với ý niệm cầu mong cho mình chóng ngủ. Tụng được một hai hồi đã thấy nản, không muốn tụng nữa. Vừa tụng vừa suy nghĩ liên miên. Tụng nhưng nảy sinh hoài nghi câu Kinh không có tác dụng.

Biện pháp khắc chế

Như đã đề cập khi chúng ta hít khí vào từ mũi và thở phào ra bằng miệng là chúng ta đã tự tâm muốn chút bỏ tất cả những phiền não trong ngày để tìm cho mình một giấc ngủ ngon giấc, như vậy việc chúng ta không thể đi ngay vào giấc ngủ là do chúng ta cố tình để cho tâm mình loạn động, từ đó cứ mải mê đeo đuổi theo những cảnh loạn động xảy ra mãi không ngừng, trong khi đó bản tâm của con người vốn dĩ thanh tịnh.

Theo kinh nghiệm đúc kết: thông thường khi chúng ta nhập Tâm được câu Kinh và nhất tâm tụng (tụng thầm) câu Kinh trên thì trong khoảng thời gian từ 3-5 phút tự trong ý niệm của chúng ta sẽ thấy tiếng câu Kinh vang lên từ trong Tâm ngày càng tròn-sáng và nếu cứ tiếp tục tụng thì ý niệm tròn-sáng đó ngày một rõ dần và chúng ta sẽ có một cảm giác người mình tự nhiên nhẹ dần và lâng lâng (như đang bay trong khoảng không) cho tới khi ta ngủ đi lúc nào không hay biết.

Nguồn: Phatgiao.org.vn!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News