Phật học

Thân tứ đại nghĩa là gì? Thân thể cũng chỉ là đất, nước, gió, lửa

Theo đạo Phật, cụm từ Thân Tứ Đại là để chỉ cho cái nhục thân bằng xương thịt này của chúng ta. Tứ đại là bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa.

đất nước gió lửa, lời phật dạy, thân tứ đại là gì, thân tứ đại nghĩa là gì? thân thể cũng chỉ là đất, nước, gió, lửa

Bốn yếu tố này có mặt khắp nơi, nên gọi là “đại”, có nghĩa là lớn. Gọi là bốn yếu tố lớn vì nó là vật chất có mặt rộng khắp. Vật chất này ở thân người thì gọi là thân tứ đại. Đóa hoa cũng là tứ đại, đám mây cũng là tứ đại, hòn sỏi cũng là tứ đại, ngọn cỏ cũng là tứ đại….v.v. và v.v….vì cái gì là vật chất thì có yếu tố tứ đại.

1. Thân tứ đại

Danh từ xưa của Ấn Độ gọi tượng trưng như vậy, chứ không như ngày nay người ta dùng danh từ khoa học mà phân vật chất ra rất nhiều yếu tố, có rất nhiều tên cho từng tế bào từng phân tử khác nhau rất phức tạp, không đơn giản gọi là tứ đại để chỉ bốn yếu tố: đặc (đất), lỏng (nước), khí (phong hay gió) và sức nóng (lửa). Do đó người tín đồ Phật Giáo thì quen gọi cái thân của mình là thân tứ đại. Tứ đại bất hòa thì có bệnh duyên. Tứ đại ly tan thì gọi là chết. Chết cái thân tứ đại thì người đời không nhìn thấy thân của mình nữa nên gọi là mình đã chết. Cái mà người ta gọi là chết là quá đơn giản, vì không có cái thân tứ đại sinh hoạt nữa thì kể như xong đời.

Nhưng theo đạo Phật thì cái thân này đâu phải chỉ là tứ đại như đóa hoa, như hòn sỏi, như đám mây. Nó còn có Không Đại, Kiến Đại và Thức Đại. Đủ bảy đại thì mới trọn vẹn một con người. Không Đại là cái hư không trống rỗng, rộng lớn đến vô biên. Kiến Đại là cái thấy biết của chúng sanh, cái thấy biết này cũng rộng lớn và chu biến khắp nơi nên gọi là đại. Thức Đại là cái nhận thức phân biệt làm chủ thể của cái sống của chúng sanh nên cũng gọi là đại. Phải đủ bảy đại thì mới gọi là một chúng sanh hữu tình.

Còn hòn sỏi, đóa hoa chỉ là chúng sanh vô tình. Với từ ngữ chúng sanh thì chúng ta hiểu rằng do chúng duyên (tức là nhiều yếu tố nên gọi là chúng duyên) hợp lại với nhau mà sanh khởi nên gọi là chúng sanh.

Đóa hoa là chúng sanh vô tình vì do tứ đại giả hợp lại mà có cái gọi là Đóa Hoa. Con người là chúng sanh hữu tình bởi vì do bảy đại giả hợp lại mà có con người. Tại sao gọi là giả hợp? Bởi có cái giả danh nên có cái gọi là giả hợp. Tại sao gọi là giả danh? Cái danh được gọi chỉ là tạm gọi nên gọi là giả danh. Ví như cái gọi là đóa hoa thì khi nó đang là hoa thì gọi là hoa, nhưng nó héo héo rồi thì người ta hái bỏ đi thì người ta gọi nó là rác, khi nó rữa nát ra thì gọi nó là phân bón. Cái thân người xinh đẹp thì gọi là người đẹp, nhưng khi vào nghĩa trang thì gọi là xác chết, khi đào mộ lên cải táng thì gọi là xương trắng. Cái khúc cây trước mặt mình đây thì mình gọi là cây gỗ tràm, khi cây cháy lên thì gọi là củi, khi lửa tắt thì gọi là tro tàn. Khi ngọn lửa rời khỏi củi thì củi đã hóa tro tàn. Khi “Kiến Đại” và “Thức Đại” rời cái thân tứ đại thì cái thân này là xác chết.

Cái danh để gọi tên cho chúng sanh do đó gọi là giả danh. Vì là giả danh nên có định nghĩa chử chúng sanh là: chúng duyên giả hợp thị danh chúng sanh. Cũng là cái ly uống nước mà khi mình gọi là cái ly, khi thì mình gọi là miếng sành. Cái đó là quá rõ. Chúng sanh chỉ là giả danh. Gọi là chúng sanh vậy thôi chứ không thực có cái danh nào là không tạm gọi do duyên sanh, duyên sanh là do giả hợp, duyên diệt là giả tan, gọi là diệt chứ cũng không thiệt là diệt. Vì tùy duyên diệt, rồi lại tùy duyên sanh. Người thấy được cái duyên sanh này thì gọi là “Duyên Giác”, tức là giác ngộ cái duyên. Thấy được duyên là thấy chúng sanh không phải là chúng sanh mà gọi là chúng sanh vậy thôi.

Duyên hợp thì là chúng sanh, duyên ly thì đi theo nghiệp mà tái sanh. Cái đi tái sanh đó là duyên nghiệp theo Kiến Đại và Thức Đại của chúng sanh mà luân hồi. Còn tứ đại thì cũng tan hoại trở về với lòng đất mẹ của tứ đại. Vì vậy thân tái sanh không phải là cái thân bây giờ, mà cũng không nhớ nổi thân bây giờ, vì còn mê mờ không nhớ nổi quá khứ. Ngay như cái thân đang còn sống đây mà bảo Kiến Đại và Thức Đại nhớ lại chuyện ngay trong đời người bây giờ mà còn không nhớ hết nổi, còn qua thân tái sanh rồi làm sao nhớ được, nếu là người chưa có tu chứng thánh quả.

Những nhà Duy vật thì cho rằng cái thân này chỉ là vật chất. Cái gọi là lương tâm hay ý thức thì cũng chỉ là sản phẩm của bộ óc, mà bộ óc thì chỉ là vật chất, cái sản phẩm của vật chất này sẽ chấm dứt không còn gì khi bộ não chết. Vì vậy cái thân này rất quí báu, cần phải ướp xác để làm kỷ niệm, nếu không ướp xác được thì phải lưu xương cốt lại để phụng thờ di tích của một con người. Con người chết rồi là hết vì vật chất tuy không bị tiêu diệt vì còn luân lưu qua các biến dịch. Nhưng con người thì không còn gì nữa khi cái ý thức không còn bộ óc để tư duy nữa. Tôi tư duy tức là tôi sống. Tôi chết thì tư duy chấm dứt, và chẳng có cái gì để tái sanh. Như vậy cái hạnh phúc và sự hưởng thụ phải được đòi hỏi và thỏa mãn khi còn sống. Do vậy đây là tư tưởng đoạn diệt và tà kiến. Rất ích kỷ và sẵn sàng lừa dối người và chà đạp người để cung phụng cho mình. Bởi vì cứ hưởng thụ đi rồi chấm hết bởi cái chết là xong. Người tín đồ Phật giáo thì biết duy vật như vậy là tà kiến đoạn diệt.

Do đó biết rằng chết không phải là hết vì vẫn còn luân hồi. Cũng không phủ nhận nhân quả của Thân, miệng, ý của mình. Do đó tin sâu nhân quả, luôn tỉnh thức để gieo nhân và vui lòng trả quả vì dòng thời gian là vô tận, nghiệp quả phải trả vay chứ không thể nhắm mắt mà làm liều như những người có tư tưởng duy vật đoan diệt. (Tạng thư Phật học)!

đất nước gió lửa, lời phật dạy, thân tứ đại là gì, thân tứ đại nghĩa là gì? thân thể cũng chỉ là đất, nước, gió, lửa

2. Hoa đào năm ấy

Mùa xuân năm ấy trong thành Hạc Hoa xuất hiện một vị du sĩ rất lạ lùng. Ông mang một cành đào rao bán, phố phường xôn xao. Nhiều người hỏi mua nhưng chẳng ai mua được.

Có một người phục sức sang trọng, trông khệnh khạng ra vẻ đại gia. Y gặp vị du sĩ kia và hỏi:

– Cành đào của ông giá bao nhiêu? Vị du sĩ bảo:

– Mỗi nụ hoa một đồng tiền vàng

Y trố mắt lên:

– Hoa đào của ông có gì mà mắc thế?

Du sĩ bảo:

– Nếu ông biết thì tôi không cần phải nói, nếu ông đã không biết thì tôi nói cũng bằng thừa.

Nói xong vị du sĩ bỏ đi, y đứng giữa đường chỉ trỏ với những người hiếu kỳ xung quanh và bảo:

– Đồ điên!

Vị du sĩ cũng chẳng bận tâm y nói gì, ông vẫn ung dung bước, vẻ mặt rất thanh thản. Ông đi giữa thành mà như chẳng thấy bóng người. Ông bước đi mà tâm trí của ông như ở một phương trời mộng nào đó chứ chẳng phải giữa thành Hạc Hoa này. Cuối đường ông ghé vào một quán nước đơn sơ ở góc thành, trong quán có vài vị khách trông cũng rất nhàn hạ. Đối diện bàn ông có chàng trai trẻ ngồi một mình độc ẩm. Một lát sau dường như chàng trai nhìn thấy ông bèn gật đầu chào. Chàng buộc miệng khen:

– Hoa đào đẹp quá!

Ông mỉm cười nói:

– Mỗi nụ hoa một đồng tiền vàng.

Chàng trai bảo:

– Mỗi nụ chỉ một đồng tiền vàng sao?

Bây giờ thì đến lượt vị du sĩ giật mình, ông hỏi:

– Cậu mua nổi sao?

Chàng trai bảo:

– Tiểu bối này một xu cũng không có nhưng có vật này có thể đổi được chăng?

Nói xong chàng ta bèn lấy giấy bút trong túi thảo một bốn câu thơ:

Hồng lên xuân sắc hoa đào Vô ngôn biệt ý xin chào người dưng Vì chưng thương nhớ quá chừng
Giang hà một cõi đã từng quen nhau?

Viết xong chàng trao cho vị du sĩ, ông ấy đọc lướt nét mặt thoáng chút ngẩn ngơ, cầm tờ hoa tiên trên tay nhìn thẳng vào mắt chàng trai:

– Ta đão rao bán mỗi nụ hoa một đồng tiền vàng, cả thành Hạc Hoa này đều bảo ta điên. Giờ đây ta gặp cậu, ta sẽ tặng cậu cành hoa này mà không lấy một xu. Không lẽ ta điên thật sao? Mấy mươi năm ngao du khắp sơn hà, hôm nay ta gặp cậu kể cũng như có duyên nhau. Người trong thiên hạ có muôn vạn nhưng dễ gì gặp được tri kỷ. Người xưa từng bảo: “Đắc nhất tri kỷ khả dĩ bất hận”. Ta hôm nay mãn nguyện lắm rồi! Cành đào này là của cậu, cậu hãy lấy nó đi!

Chàng trai trẻ cũng ngạc nhiên không kém, cậu ta vừa chạm tay vào cành đào thì nó lập tức biến thành vàng ròng trông rất rực rỡ. Cậu ta ngạc nhiên và rụt tay lại:

– Xin đa tạ vị tiền bối! Tiểu bối không cần thứ hoa vàng này, ngài hãy giữ lấy!

Vị du sĩ cười vang vang, quả thật ta không lầm người. Này chàng trai trẻ hãy cầm lấy cành hoa của cậu đi!

Nói xong ông trao cành hoa cho chàng, lập tức cành hoa trở lại tươi thắm như thuở ban đầu. Chàng trai vui mừng cảm ơn ông rồi hỏi tên họ nhưng ông cười:

– Tên họ mà chi? Xác thân tứ đại này vốn là vật ô hợp, nó đã sanh ra thì nó sẽ hoại đi bất cứ lúc nào. Nó đã vốn mong manh vô thường mà còn cho nó một cái tên nữa thì khác chi giữa cơn mộng còn mộng thêm một giấc mộng con.

Chàng trai mời vị du sĩ một chén rượu thì ông lại bảo:

– Nó là thứ độc dược hại không biết bao nhiêu người trên thế gian này. Ta giữ giới không thể nhận, mong cậu không phiền lòng!

Chàng trai nói:

– Thưa ngài, Y theo nghĩa lý thì được, chấp ở văn tự thì há chẳng phải hủ nho sao? Người như lão tiền bối đây lẽ nào lại dính mắc?

Vị du sĩ đứng phắt lên, vỗ lấy vai chàng trai:

– Mấy mươi năm rong ruổi, chưa có ai nói với ta như thế! Cậu trẻ người mà kiến thức quảng bác, trông giản dị mà sâu sắc vô cùng. Rượu là nước mắt của thế nhân. Hôm nay ta sẽ uống cạn chén này và sẽ chỉ một lần này thôi!

Nói xong ông cạn chén rượu rồi từ tạ quay bước đi. Chàng trai vội theo hỏi:

– Thưa bậc tiền bối, ông đi về đâu? Ngày sau còn gặp lại nhau?

Ông cười bảo:

– Về đâu ư? Ta về nơi ta đã ra đi, thế gian này như quán trọ bên đường cậu bận tâm làm gì? Còn mai này có gặp lại nhau hay không làm sao ta biết được? Nếu có duyên thì gặp lại thôi! Một sát-na này cũng là trăm năm. Quá khứ đã qua hối tiếc làm gì, tương lai chưa đến mong mỏi mà chi, hãy vui với hiện tại này là đủ lắm rồi. Lẽ nào cậu chưa hiểu ra?

Nói xong vị du sĩ bỏ đi, chàng trai đứng nhìn theo cho đến khi bóng dáng ông xa hút cuối chân trời. Chàng quay lại cầm cành đào trong tay lòng mang mang, rồi chàng quyết định đem lên chùa lễ Phật. Trên đường đi người phố thị nhìn cành đào, nhìn chàng chỉ trỏ, bàn tán xôn xao:

– Sao anh ta mua nổi cành đào mà mỗi nụ hoa một đồng tiền vàng?

– Anh ta bỏ ra cả gia tài lớn mới mua nổi cành đào này?

– Anh ta mua nó để làm gì vậy?

Mặc cho tiếng người bàn tán, mặc cho bao ánh mắt tò mò… Chàng đi thẳng đến chùa dâng cành đào lên cúng dường Thế Tôn. Ra về lòng dạ lâng lâng, đêm chàng trở về căn phòng của mình chong đèn viết:

– Ngàn năm trước Thôi Hộ viết: “Đào hoa y cựu” làm thao thức bao khách văn chương, thời gian xóa nhòa tất cả, chôn vùi tất cả, ấy vậy mà cảm xúc của “Đào hoa y cựu” vẫn cứ thanh tân như thuở nào. Ngàn năm đã qua rồi ngàn năm nữa sẽ đến. Hoa đào nở rồi cánh hoa rụng về cội cũng giống như ta vậy thôi. Ta đến đây, rong chơi trong thế gian này rồi ta lại đi. Ta chết đi chỉ là cái xác thân tứ đại thôi, cái “thức” nó vẫn còn mãi mãi… Nó sẽ lên cao hay xuống thấp tuỳ vào những việc ta làm, ta nói, ta nghĩ trong cuộc đời này! Người ta đến với nhau trong cuộc đời này thương hay ghét cũng đều có cái nhân sâu xa của nó. Khi đến mình không thể lựa chọn vì việc đã thành rồi, ta chỉ có thể chuyển hóa nó cho mai sau mà thôi! Xác thân này đã là hư huyễn vậy thì cái gọi công danh sao có thật được? Một cái huyễn chồng lên một cái huyễn. Vậy mà con người ta cứ khổ đau, cứ hại nhau… để chiếm cho được cái công danh kia! Nếu nói công danh thì thế gian này ai hơn được Thế Tôn, ấy vậy mà ngài coi như đôi dép rách! Nối tiếp ngài chư tổ cũng vậy: Ngài Bồ Đề Đạt Ma, ngài An Sĩ Cao, … Đều là công danh bậc nhất nhưng các ngài vứt bỏ như không! Hôm nay ta gặp một bậc du sĩ kỳ lạ ở thành Hạc Hoa. Ông ta rao bán cành đào mà mỗi nụ hoa là một đồng tiền vàng, rồi ông ta tặng ta lại biến nó thành vàng ròng. Cái ta cần nào phải là hoa vàng, thì ra ông ấy thử lòng ta! May mà ta không trở nên hèn kém trong cái sát-na đầy ma quái ấy! Hoa đào mùa xuân, ao sen mùa hạ, lá vàng mùa thu, tuyết bạch trời đông. Thời gian cứ mãi xoay vòng, ta sanh ra rồi lớn lên, lại già đi rồi chết… thế là lại một vòng quay mới. Cái vòng quay miên viễn không dừng lại bao giờ! Ta biết Thế Tôn và các vị giác ngộ đang ngồi xem cái vòng quay bất tận miên man này! Hoa đào năm nay rực rỡ nào có kém gì hoa đào ngàn năm trước của Thôi Hộ. Hoa đào nở, cánh bay trong gió, cánh rụng về cội, thảm cỏ xanh hồng lên sắc hoa đào.

Thương nhau tình thắm cánh hoa đào Trời phương ngoại mùa xuân lòng nao nao Người đâu? Ta đâu? Nay nhặt cánh hoa mai về bên ấy!
Một trời trắng mây.

Hoa nở rồi rụng, người đến rồi đi, xác thân sẽ hoại, lưu lại chút tình, ai nhớ ai quên, dù quen dù lạ… Một ngày mùa xuân ngôn ngữ sao tả được? Chữ nghĩa mà chi? Dù thân sơ, dù sang hèn… đã đến nơi đây thì đã lưu lại chút tình hoài! (Thư viện Hoa Sen)!

Nguồn: tamhuongphat.com!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News