Phật học

Thực hành giáo Pháp là cách cúng dường Chư Phật cao thượng nhất

Đức Phật dạy nếu người Phật tử muốn tỏ lòng tôn kính và biết ơn Ngài thì nên cúng dường Ngài bằng sự thực hành giáo pháp vì đó là món quà giá trị và cao quý nhất.

chánh pháp, lời phật dạy, phật thích ca mâu ni, thực hành giáo pháp, thực hành giáo pháp là cách cúng dường chư phật cao thượng nhất

1. Cách cúng dường cao thượng

Đức Phật dạy nếu người Phật tử muốn tỏ lòng tôn kính và biết ơn Ngài thì nên cúng dường Ngài bằng sự thực hành giáo pháp vì đó là món quà giá trị và cao quý nhất.

Thật vậy, nếu ta hành đạo đạt đến giải thoát đau khổ, ta mới thực sự an vui. Rồi đem cái an vui ấy lên dâng cúng Ngài. Lúc ấy ta mới thật là con trai, con gái của Ngài. Con thì phải giống cha: không tham, sân, si.

Như vậy, cũng không cần phải bỏ nhà cửa, vợ con đến bái lạy Ngài mới gọi là cúng dường. Chỉ cần thực hành để thấy cho được nhân, quả của khổ, của vui. Đó là cách tỏ lòng tri ân Đức Bổn Sư một cách trọn vẹn và ý nghĩa nhất.

Ta thường bắt đầu sự tu tập bằng 10 cách niệm (Phật, Pháp, Tăng, Chư Thiên, Bố Thí, Trì Giới, Thân Bất Tịnh, Hơi Thở, Sự Chết, Niết Bàn). Tất cả cách niệm đều do đức tin. Dần dần, ta phải biết tách rời chúng, xem cách nào có lợi ích hay thích nghi. Chẳng hạn như niệm Phật là do niềm tin vào sự giác ngộ của một bậc có trí tuệ, một bậc đã giải thoát vòng sanh tử luân hồi.

Nhưng để đạt những phẩm tính này, Đức Phật đã hành trì thành công pháp thiền Minh Sát Niệm Xứ (Vipassanā) và đã truyền lại công thức cho ta. Đức Phật không thể loại trừ tham, sân, si ra khỏi tâm ta mà chính ta phải tự làm việc ấy bằng cách hành thiền Minh Sát Niệm Xứ cũng giống như Ngài đã làm.

Khi ngồi thiền, ta luôn chạm mặt với hành khổ vì “các pháp hữu vi đều không bền vững, luôn sanh diệt nên có sự khổ”. Ta hay nói sanh, già, đau, chết là khổ của kiếp nhân sinh nhưng đó chỉ là thấy quả của chúng thôi, chứ không thấy cái khổ từ trong thai bào chịu đựng chín tháng mười ngày. Thấy tóc bạc, răng rụng, lưng còng cũng chỉ là thấy cái quả của già chứ không thấy nhân của già trong từng giây phút.

Phải thấy rõ từng cái nhân của các sự khổ này mới có cái phước thật sự để cúng dường lên Tam Bảo. Cúng dường Phật lúc thân còn trẻ trung khỏe mạnh, tâm còn sáng suốt thì phước nhiều hơn.

Ví như đối với bác sĩ, thân chủ còn trẻ, khỏe, dễ chữa trị hơn người già yếu. Bác sĩ hay yêu cầu thân chủ mỗi năm phải đi khám tổng quát, chích ngừa đúng hạn. Bác sĩ sẽ vui khi thấy thân chủ nhờ làm đúng theo lời dặn của mình mà có sức khỏe tốt, tuổi thọ tăng. Ta đừng đợi đến khi hết cách chữa mới đi kiếm thầy, chạy thuốc thì dù thầy giỏi, thuốc tiên cũng không trị được bệnh.

Vậy ta cũng không nên đợi đến lúc già, bệnh mới nhớ cúng dường Phật để cầu Ngài cứu độ mà phải biết cách đoạn diệt cái khổ ngay từ bây giờ trong từng giây phút. Loại trừ được cái chết trong từng giây phút chính là cúng dường Tam Bảo từng giây phút.

Một điểm đặc biệt đáng lưu ý là trong tám muôn bốn ngàn giáo pháp của Đức Phật gồm trong Tam Tạng Kinh, Luật, và Vi Diệu Pháp không thấy đề cập đến những hình thức lễ bái, thờ phụng, cúng kính (hiểu theo nghĩa thông thường). Do đó mỗi quốc độ có một lối lễ bái cúng dường riêng. Các hình thức lễ bái này phản ảnh phong tục tập quán của từng địa phương. Cách thiết trí bàn thờ Phật, cách hành lễ, cách tụng kinh, những lễ cụ để điều hòa tiếng kinh câu kệ mỗi nơi một khác. Âm nhạc của quốc gia cũng ảnh hưởng đến lễ nghi thờ lạy ở chùa chiền. Bởi lẽ kinh điển không ấn định một hình thức lễ bái nào nên nhiều nơi, vì ảnh hưởng của các tôn giáo khác, của tục lệ cổ truyền, những nghi thức mang đầy tính cách dị đoan mê tín được thu nhập khiến người bàng quan dễ có một nhận định sai lầm về đạo Phật.

Hiện nay vẫn còn những lối cúng bái, tế lễ mà một số tôn giáo ngày xưa thường dùng đến, những nghi lễ ấy Đức Phật và hàng thánh nhân không chấp nhận. Ở Việt Nam trước kia và mãi đến ngày này, một vài địa phương vẫn còn giữ tục đốt vàng mã ở chùa. Nhiều người đến chùa lễ bái để cầu Phật ban phúc, cầu buôn may bán đắt, cầu sinh quí tử, cầu được mạnh khỏe… Nhưng dầu sao những lối tế lễ cúng bái mang đậm tính nhân gian ấy, những hình thức cúng lễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi phong tục tạp quán lỗi thời, không thể một sớm một chiều sửa đổi được. Chỉ mong sao những lễ nghi ấy không dẫn đến mê tín dị đoan khiến cho những người thiếu chánh tín bám víu, nô lệ vào những hình thức đó mà sinh ra tham lam, cố chấp, xao lãng con đường giác ngộ giải thoát.

Đức Phật chê trách những lối cúng bái nặng hình thức ấy. Vậy chúng ta phải cúng dường cách nào mới gọi là cúng dường cao thượng? Trong Kinh Mahāparinibbāna, Dīgha Nikāya nói về những ngày cuối cùng của Đức Phật, có chép lại rằng:

Một bữa nọ Đức Phật đến gần thành Kusinàrà, vào ngụ trong rừng Sàlà của đức vua Malla. Khi đến nơi Ngài nói với Đại Đức Ānanda:

– Này Ānanda, Như Lai mệt mỏi muốn nằm nghỉ, hãy trải chỗ nằm cho Như Lai, đầu xây về hướng bắc, giữa hai cây long thọ (Sālā).

– Xin vâng, bạch Thế Tôn.

Đại Đức Ānanda nghe theo lời Đức Phật, trải chỗ nằm đầu hướng về phía bắc, giữa hai cây long thọ. Rồi Đức Thế Tôn nằm xuống, nghiêng mình về bên phải, dáng nằm như con sư tử, chân trái gác trên chân phải, giữ chánh niệm và hoàn toàn giác tỉnh.

Lúc bấy giờ, mặc dù trái mùa, hai cây Sālā vẫn trổ hoa, hoa nở tràn đầy từ thân đến ngọn. Hoa rơi vãi trên thân Đức Thế Tôn để cúng dường. Hoa Mạn Thù từ trên không nhẹ nhàng rơi xuống, rồi tung lên gieo vãi trên thân Như Lai, nhạc trời vang lừng, những bản thiên nhạc từ hư không trổi lên để cúng dường Như Lai.“Thế nhưng, này Ānanda không phải như vậy là tôn kính, sùng bái, cúng dường, làm vẻ vang Như Lai đâu. Nầy Ānanda, bất luận Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, thiện nam hay tín nữ nào thực hành đúng chánh pháp, sống chơn chánh trong chánh pháp, giữ gìn phẩm hạnh thanh cao, ấy là người tôn kính, sùng bái, cúng dường và làm vẻ vang Như Lai bằng cách cao thượng. Thế nên, này Ānanda, phải gắng công tu tập, thực hành theo chánh pháp, sống chơn chánh trong chánh pháp, giữ gìn phẩm hạnh thanh cao”. Cao quý thay! Tốt đẹp thay! Lời giáo huấn vàng ngọc cuối cùng của Đức Phật.

Cho đến giờ phút chót, Ngài vẫn còn tìm dịp nhắc nhở chúng Tăng: “Sau khi Như Lai tịch diệt, các con hãy lấy giới luật làm thầy. Thực hiện đúng đắn những lời giáo huấn của Như Lai. Đó là cách cúng dường Như Lai cao thượng nhất”. Vì vậy, khi thắp hương cúng dường Tam Bảo, không phải chúng ta dâng cúng đến chư Phật mùi thơm của hương trầm, hương hoa, mà bằng hương thơm của giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Bởi vì không có hương nào thơm bằng năm loại hương cao quí ấy. Chúng ta hãy dùng mùi thơm của giới, định, tuệ để kết thành tâm hương tỏa khắp mười phương cúng dường chư Phật. Nhưng làm thế nào để có được những thứ hương tinh khiết ấy?

Muốn có được hương thơm tinh khiết ấy để cúng dường chư Phật, muốn có mùi thơm cao quý ấy để làm phương tiện giác ngộ giải thoát hãy thực hành theo chánh pháp mà Đức Phật đã dạy.

Giáo pháp của Đức Phật rất nhiều nhưng tựu trung không ngoài công việc tu trì giới, định, tuệ để tận diệt tham, sân, si. Đức Phật đã tóm tắt giáo pháp của Ngài bằng bốn câu kệ sau đây:

Không làm các điều ác Hãy làm những hạnh lành Giữ tâm hồn trong sạch
Là lời chư Phật dạy.

Đây có thể xem là yếu chỉ tóm tắt của Phật giáo, một tuyên ngôn rõ ràng, giản dị, dễ thực hành, dễ thể hiện. Nếu sống đúng như vậy chính là cúng dường Đức Phật một cách cao thượng.

Tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người, Đức Phật dạy một pháp hành khác nhau nhưng vẫn đi đến cùng một mục tiêu giác ngộ, giải thoát. Như hàng tại gia cư sĩ, Ngài dạy thọ tam quy, trì ngũ giới, hành thập thiện, bố thí, tham thiền… để thoát khỏi luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau, dẫn đến an lạc, thanh tịnh. Thập thiện là:

– Thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.

– Khẩu không nói dối, không chia rẽ, không nói vô ích, không nói hung ác.

– Ý không tham lam, không sân hận, không tà kiến.

Thực hiện những điều đó là cúng dường Đức Phật bằng cách cao thượng. Giới là bước đầu của Phật tử. Giới năng sinh định, định năng sinh tuệ. Giới trong sạch mới có định và định vững vàng mới có tuệ.

“Ngũ giới bất trì nhân thiên lộ triệt”. Nên không có giới thì tái sanh làm trời, làm người còn khó huống chi là giác ngộ giải thoát. Giới là nền tảng căn bản. Giới nhằm cải thiện lời nói và hành động, mở đường cho sự chuyển hoá tinh thần. Nhưng muốn thanh lọc nội tâm phải có định và tuệ. Nghĩa là phải hành thiền. Vì chỉ có thiền mới có khả năng chấm dứt phiền não, khổ đau.

Có hai loại thiền: Thiền chỉ hay thiền vắng lặng, phát triển định tâm, giúp tâm an trú vắng lặng khắc chế được năm chướng ngại tinh thần: tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên (dã dượi, buồn ngủ), trạo hối (dao động, hối tiếc) và hoài nghi.

Thiền quán hay thiền minh sát, phát huy trí tuệ, bứng tận gốc rễ năm chướng ngại, trực giác chân tướng vô thường, khổ não, vô ngã của vạn hữu, đạt cứu cánh giải thoát. Thực hành giới, định, tuệ để giải thoát là làm đúng theo lời Phật dạy, là cúng dường Chư Phật một cách cao thượng.

Tóm lại, cách cúng dường cao thượng, quý báu hơn mọi cách cúng dường là thực hành giáo pháp mà Đức Phật đã giác ngộ và bi mẫn khai thị cho chúng ta. Tuy thế những hình thức lễ bái không phải là không cần thiết, nó là cơ hội để phát khởi thiện tâm từ trong tiềm thức của con người, là thói quen để con người làm việc thiện, là những giây phút hạnh phúc, là cơ hội để thân, khẩu, ý xa dần với ngũ dục, là dip để cõi lòng mở rộng đón nhận ánh sáng chân lý.

Bởi vậy trong những khi Phật tử đến chùa lễ bái, các vị có trách nhiệm hướng dẫn tinh thần cho Phật tử cần nhân dịp này nhắc nhở thiện nam tín nữ làm lành, lánh dữ, bố thí, trì giới, tham thiền… Có như thế việc đến chùa lễ bái của họ mới đem lại nhiều lợi ích cho kiếp hiện tại lẫn vị lai.

Những hình thức lễ bái cúng dường thông thường nếu được hỗ trợ bằng cách thực hành chánh pháp, thì con đường đến nơi an ổn thanh tịnh không xa mấy: “Thực hành giáo pháp Như Lai đã chỉ bày chính là cúng dường Như Lai một cách cao thượng nhất”.

chánh pháp, lời phật dạy, phật thích ca mâu ni, thực hành giáo pháp, thực hành giáo pháp là cách cúng dường chư phật cao thượng nhất

2. Chánh pháp là hạnh phúc tối thượng

Vua A Xà Thế phạm tội soán ngôi vua cha, giam vua cha vào ngục tối, không cho thăm nuôi, không cho cung cấp thực phẩm. Hậu quả là vua A Xà Thế bị bệnh nặng, thuốc không chữa khỏi.

Nhà vua tìm đến đức Phật cầu xin phương thuốc cứu mạng. Sau khi được đức Phật khai tâm, mở bày phương pháp sám hối, bệnh dần dần thuyên giảm, nhà vua phát tâm quy y, trở về với chánh pháp.

Một hôm, vua A Xà Thế hỏi đức Phật:

– Kính bạch đức Thế Tôn, tại sao con thấy nhiều người rất tôn kính gần gũi đức Thế Tôn, trong khi con có nhiều oai quyền của một vị vua, mà sao ít người thân cận với con, họ xa lánh con, có nhiều người còn tỏ thái độ chống lại thế lực của con. Kính mong đức Thế Tôn giải bày để con được yên tâm.

– Với tâm thái vô cùng an lạc, hoan hỷ, đức Phật nhìn vua A Xà Thế bằng tấm lòng cảm thông chia sẻ. Đức Phật không trả lời trực tiếp câu hỏi của nhà vua, mà Ngài khéo léo dẫn giải tinh thần cao thượng, nhân văn nhân bản của chánh pháp để tháo gỡ nghi vấn đã nêu trên.

Ngài dạy: “An lạc là hạnh phúc tối thượng đối với những ai phát tâm tu tập hành trì theo chánh pháp. An lạc là tự tại, tự chủ, không bị trói buộc, không bị phiền não đau khổ chi phối. Tất cả các pháp môn trong chánh pháp đều đem lại an lạc giải thoát, cũng như nước trong các biển cả đại dương chỉ có một vị, đó là vị mặn”. Tính chất an lạc giải thoát của chánh pháp được thấm nhuần lan tỏa trong nhiều trường hợp hiện thực của đời sống tu tập như sau:

1. Những ai tu tập hành trì chánh pháp, nhân cách được tôn trọng, giá trị được nâng cao, không còn bị khinh chê kỳ thị, được bình đẳng trong cách đối xử. Được bình đẳng, được tôn trọng là hạnh phúc tối thượng, hạnh phúc này không tìm ở đâu có được, ngoài chánh pháp cao thượng.

2. Những ai tu tập hành trì chánh pháp, tâm được an tịnh, thân được trong sạch nhờ phát nguyện vâng giữ các giới điều một cách sáng suốt, cho nên không phạm phải nhiều lỗi lầm, không bị phạm tội hủy hoại chánh giới. Không sai phạm lầm lỗi là một hạnh phúc. Hạnh phúc này đem lại an lạc thanh tịnh thật sự.

3. Những ai tu tập hành trì chánh pháp có được đời sống thiểu dục tri túc, tài sản chỉ có 3 y, 1 bát, cho nên không bận tâm cất chứa, không sợ bị mất mát, không lo sợ, không có oán thù, tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản. Không bị tài sản trói buộc, không sợ bị mất mát là một hạnh phúc rất lớn.

4. Những ai tu tập hành trì chánh giới xa lìa dục vọng đam mê, không bị vướng bận các pháp thế gian, không bị danh lợi làm mờ mắt trí, không bị duyên trần tác động lôi kéo, an lạc tự tại trước mọi hoàn cảnh. Sống an lạc tự tại tự chủ là một hạnh phúc rất lớn.

5. Những ai tu tập hành trì chánh pháp, tâm định ý chơn, không sầu não bất an, luôn luôn an trụ trong chánh niệm, hoan hỷ tinh tấn vượt qua tâm lý buông lung, ỷ lại, giải đãi, thẳng tiến trên con đường tìm cầu giải thoát. Có chánh niệm là có an lạc, có chánh niệm là có hỷ lạc, có chánh niệm là viễn ly điên đảo mộng tưởng. Cho nên vui trong chánh niệm là một hạnh phúc rất lớn.

6. Những ai tu tập hành trì chánh pháp, luôn luôn quán chiếu nội tâm, dứt bặc các vọng tưởng tà niệm, cho nên trí tuệ phát sinh, thấy rõ tánh không của các pháp, thấu triệt nguyên lý duyên khởi là thật tướng của các pháp vốn không cố định không đơn thuần, mà luôn luôn tương tác vận hành theo quy luật tự nhiên. Nhờ có trí tuệ mới phá vỡ được thành trì cố chấp tà kiến, điên đảo, thẳng tiến lên bầu trời tự tại giải thoát.

Trí tuệ chính là cửa ngõ, là bầu trời hạnh phúc rộng mở, là chánh đạo đưa đến Niết bàn tịch tịnh.

– Này Đại Vương! Hạnh phúc mà những ai tu tập theo chánh pháp của Như Lai, thật sự là những thành quả rất hữu ích cho con người và xã hội. Một đất nước muốn có hòa bình hạnh phúc lâu dài không chỉ xây dựng trên quyền lực mà phải được thực hiện bằng cách áp dụng tinh thần từ bi trí tuệ bình đẳng của chánh pháp. Một nhà vua muốn thành công trong pháp trị quốc an dân phải biết vận dụng các phương pháp đã nêu trên để làm nền tảng cho xã hội, và cho chính uy tín của Đại Vương nữa.

Sau khi nghe đức Phật trình bày những thành quả mà người tu tập theo chánh pháp đạt được, nhà vua phát nguyện hết lòng phụng sự Tam bảo, và hứa sẽ cai trị đất nước bằng con đường đạo đức tâm linh, bằng phương pháp tuyển dụng người tài đức trong sự nghiệp trị quốc an dân.

Nguồn: tamhuongphat.com!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News