Phật học

Tứ vô lượng tâm là gì? Từ, Bi, Hỷ, Xả có nghĩa là như thế nào?

Tứ vô lượng tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả định nghĩa theo hướng xác định thường không chính xác, và dễ nhầm lẫn với tình thương yêu thế tục hữu vi hữu ngã, có định hướng tới đối tượng cụ thể.

lời phật dạy, tam độc, tham sân si, từ bi hỷ xả, tứ vô lượng tâm, tứ vô lượng tâm là gì? từ, bi, hỷ, xả có nghĩa là như thế nào?

1. Tứ vô lượng tâm là gì?

Tứ vô lượng tâm là Từ, Bi, Hỷ, Xả, bốn đức tính tiềm tàng trong lòng mỗi người chúng ta. Giàu giàu có sang cả hay nghèo khổ cơ hàn, dù thông minh trí tuệ hay đần độn dốt nát, dù ốm hay mập, cao hay thấp, xinh đẹp hay xấu xí, mạnh mẽ hay yếu đuối, dù điếc dù đui, dù câm, dù ngọng: Tứ vô lượng tâm có sẵn trong lòng chúng ta cả.

Trong đời sống hàng ngày, bốn yếu tố Từ, Bi, Hỷ, Xả sẽ tự ứng ra từ thái độ tâm rỗng lặng trong sáng một cách tự nhiên khi đối diện với ngoại cảnh. Bốn yếu tố này chỉ tự ứng khi tâm mình sáng suốt và trong lành chứ không phải đạt được do “rèn luyện” hay “thực hành”.

Từ (METTA)

Từ (Metta) ta thường gọi là tình thương, là lòng từ ái. Nhưng tình thương cũng như lòng từ ái không dịch đủ nghĩa của chữ Từ trong Tứ vô lượng tâm. Hai chữ thương xót lại còn xa nghĩa hơn nữa. Khi nói ta có tình thương đối với một người hay một vật tức là có sự luyến ái của ta trong đó. Nói ta có tình thương dĩ nhiên là trong đó có sự lựa chọn, so sánh, đánh giá, nghĩa là khi ta thương, trong tiềm thức ta có hàm sự không thương, không ưa cái gì trái nghịch với cái ta thương.

Hơn nữa, có những tình thương khiến ta muốn làm chủ cái ta thương, ta đoán định quyền sở hữu của ta. Kịp khi ta mất người hay vật ta thương, hoặc chỉ sứt mẻ một phần nào, ta đâm ra hối tiếc.

Lại có thứ tình thương trong đó có ẩn ý mong cái thương trở lại cho ta. Thậm chí tình mẹ thương con cũng không phải là Từ (Metta) nữa. Bởi vì trong tình mẹ thương con, mặc dù sâu sắc, mặc dù như thiêng liêng đáng tôn kính, cũng có ngầm cái ý đoán định làm chủ, muốn giữ trọn tình thương của con mình cho mình. Đến khi đứa trẻ lớn khôn, khi định vợ gã chồng cho nó, nghĩa là lúc người mẹ cảm thấy tình thương của con mình bị một người lạ chen vào chia mất một phần, lúc ấy người mẹ nghe trong lòng mình ngùi ngùi có cái gì không an mà mình không giải thích được. Lúc bấy giờ cái trạng thái tâm lý khó giải thích của người mẹ ấy sẽ bộc lộ dưới một trong hai hình thức: hoặc người mẹ thương con mình bội phần nhiều hơn trước, thương trùm cả rể hay dâu; hoặc là người mẹ đâm ra ghen ghét dâu hay rể xem như kẻ lạ chen vào phi lý chiếm đoạt quyền sở hữu của mình. Hai hiện tượng tâm lý này, thương thêm nhiều hay ghen ghét thậm tệ, biểu lộ ra nhiều hay ít là tùy theo tập tục, phong hóa, luân lý, nếp sống và xã hội của mỗi dân tộc, mỗi trường hợp.

Một thí dụ nữa. Khi ta thương một người bạn tốt, ngày nào người bạn này hết tốt, ta bớt thương hoặc hết thương. Thế là ta thương cái tốt của bạn, chớ không phải thương bạn vì tình thương. Ta thương vì một sự đánh giá chớ không phải vì một tình thương trong trẻo. Còn tình thương xót, có phải là tâm từ (Metta) không? Cũng không. Bởi vì khi ta thương xót một người nào đang đau khổ hoặc tội lỗi, tức lúc ấy ta cho rằng ta đứng ngoài hoặc trên sự đau khổ hay tội lỗi ấy. Ta xem cái bản ngã của ta xứng đáng hơn, thanh bạch hơn, đầy khả năng hơn. Thái độ của ta là thái độ hạ cố. Ý muốn ta là ý muốn khoan hồng cứu vớt của một người trên đối với kẻ dưới.

Tóm lại, những tình thương vừa kể trên sở dĩ không trong trẻo được và do đó không thể đồng nghĩa với tâm từ trong tứ vô lượng tâm là bởi những tình thương đó đều xây đắp cái điểm tựa của nó trên bản ngã của ta cả. Cái ta vẫn tồn tại với cái tâm còn bị đè nén dưới những lớp tham, sân, si thì không thể nào có được tâm từ theo nghĩa của đức Phật.

Tâm từ còn khiến ta không những thương người mình ưa, người thân với mình, ruột rà bầu bạn của mình, mà thương luôn đến kẻ mình cho là thù địch với mình; thương người tốt lại cũng thương người xấu, người thiện cũng như người ác, thương không chọn lựa trong hiện tại mà chỉ nghĩ rằng người xấu và người ác toàn là những người chưa tốt và chưa thiện thôi.

Hơn thế, tâm từ lại là một tình thương không phải giới hạn trong một gia đình, một bộ lạc, một đoàn thể, một đảng phái, một môn chi, một quốc gia, một tôn giáo, một màu da, một chủng loại. Tình thương này không những bao trùm toàn thể nhân loại mà còn lan tràn ra đến tất cả sinh linh vạn vật, súc sinh, chim muông, trùn dế, sâu bọ, loài bay, loài chạy, loài lội, loài bò, nơi nào có sự sống là có thương. Hơn nữa, nó bao trùm tất cả chúng sinh hữu hình, vô hình, đã có đang có và sẽ có trong cõi sa bà.

Người nào có được lòng từ như vậy là đã đạt được một vị trí tinh thần cao cả, được yên vui trong kiếp này và sẽ mang theo trong những kiếp sau tăng bội sự yên vui hạnh phúc.

Bi (KARUNA)

Bi là buồn. Buồn đây không phải vì tâm tư, phiền não riêng của mình, cũng không phải vì không được đắc nguyện trong vọng tưởng của mình. Buồn đây không phải vì bản ngã của mình. Bi là buồn vì cái buồn của người khác, khổ vì cái khổ của người khác. Tâm Bi làm cho ta xem cái đau thương phiền não của người khác như chính của ta; làm cho ta hòa mình ta với người đau khổ và cảm thấy đau khổ như họ, khiến ta tận tâm giúp đỡ người khổ ra khỏi cảnh khổ.

Những yếu tố trong Tứ vô lượng tâm đều liên quan mật thiết với nhau. Trong Từ đã có Bi và Bi do lòng Từ mà ra. Tâm Bi luôn luôn khiến ta hành động ngoài ý vụ lợi nghĩa là hành động không mong cầu cái phần lợi nào trả lại cho ta, hoặc vật chất hoặc tinh thần, vì lẽ dĩ nhiên là tâm Bi cũng như tâm Từ, hoàn toàn tác động ngoài cái ta vậy.

Hơn thế, không vì lẽ muốn làm dứt cái khổ cho người này mà phải gây cái khổ cho kẻ khác. Làm như vậy chỉ là dời cái đau khổ chỗ này qua chỗ kia mà thôi. Ta không có quyền lấy cái hạnh phúc của người này bắt họ phải đổi lấy cái đau khổ cho kẻ khác, viện lẽ là lập lại công bình. Cũng như trên kia đã nói, ta không có quyền cướp đoạt sự sống của con vật này để nuôi sống cho con vật khác. Tâm Bi làm cho ta thông cảm được cái khổ của người khác, muốn giải khổ cho họ mà không oán ghét người sung sướng. Tâm Bi chỉ cho phép ta hy sinh cái gì của ta mà thôi, hy sinh đến sinh mạng ta mà ta cho là quý nhất. Tâm Bi không phải là một tác động nhắm mục đích lập lại mọi thăng bằng. Nó phải có mục đích giải khổ thực sự bằng cách đem người khổ ra khỏi cảnh khổ, chớ không phải dời chỗ cái khổ nơi này qua nơi khác, rồi chung quy khổ cũng còn khổ. Có hạng người chỉ ảo kiến một mục đích mà trong cảnh si mê họ cho là chân chính, rồi cho đặn đạt được mục đích ấy họ cho họ có quyền áp dụng bất cứ một phương tiện nào, dù trái đạo đến đâu họ cũng cho là biện minh khả dĩ. Không. Lòng Bi không cho phép ta dùng phương tiện vô đạo để đạt một mục tiêu mặc dù là hữu đạo. Lòng Bi luôn luôn khiến ta tự sức mình mà làm, chớ không bắt kẻ khác hy sinh thay thế cho mình.

Cũng như tâm Từ đã nói ở đoạn trên, tâm Bi trong tác động của nó, nó cũng vấp phải cùng một chướng ngại là tình cảm. Tâm Từ chân chính là ngoài tình cảm, tâm Bi chân chính cũng phải đặt ngoài tình cảm. Tâm Bi mà do xúc động cảm kích sinh ra, là cái buồn thường tình của thế sự. Tâm Bi của Đức Phật không như thế. Người có tâm Bi không phải hành động với chắc lưởi, hít hà, sa lệ. Tâm Bi như tâm Từ, là một tâm trạng sáng suốt, trong trẻo, bình thản, nhận định rõ ràng sự vật, không bị nội tâm hay ngoại cảnh kích thích trong khi chia đau sớt khổ với kẻ khác, cốt giải khổ cho kẻ khác một cách bình tĩnh không hề bị cảm kích xúc động, và giải khổ ngoài những phương pháp tiện lợi mà cùng sách và nhất thời.

Hỷ (MUDITA)

Hỷ là vui do cái vui của người khác, cũng như trên kia, Bi là cái buồn do cái buồn của kẻ khác. Thế thường người đời vì ích kỷ và tư lợi, vì ganh tị, vì tham, sân, si mà trong lòng không có được đức Hỷ, không thể chia niềm hỷ lạc với kẻ khác khi thấy họ vui do một thành công nào của họ. Trong lòng đã không có Bi tức không thể có Hỷ. Nói cách khác, là khi lòng ta không thông cảm được cái đau khổ của kẻ khác để chia sớt cùng với họ, dĩ nhiên ta lại càng không thể thành thật và trọn vẹn trong sạch vui cùng với kẻ khác cái vui do cái vui của họ. Chướng ngại duy nhất làm ta không thể có được lòng Bi, lòng Hỷ như thế, chính là lòng ích kỷ, vị ngã, tham lam của ta, nghĩa là chỉ vì sự ngã chấp của ta mà thôi. Khi ta thấy một người nào được hân hoan hỷ hạ do một toại nguyện, một thành công của họ, tức thì lòng ta đâm ra ham muốn, thèm thuồng cái thành công ấy. Mặc dù ở chót lưỡi đầu môi ta chúc mừng, ta khen tặng, ta nói chia vui đủ điều, mặc dù ta thành thật cho mấy đi nữa, ta không ngăn cản nổi ở thâm tâm hoặc trong tiềm thức của ta một ám ý tham muốn một phần nào, thí dụ như ta thầm nghĩ: chớ chi mình được vậy! Bấy nhiêu đó đủ làm cho cái vui của ta không được hoàn toàn trong sạch, hoàn toàn đặt ngoài cái bản ngã của ta. Và phàm cái bản ngã của ta đã còn là còn ba chướng ngại vật: Tham, sân, si vậy.

Cũng như lòng từ và lòng bi, lòng hỷ phải được rải khắp mọi nơi, phải không bị giới hạn ở một phạm vi riêng biệt nào. Một thí dụ nhỏ nhen trong muôn ngàn trường hợp: như tín đồ của một tôn giáo nào khác mà hơn ta; tổ chức và cương quy của họ hơn của ta, phương tiện và thế lực được phong phú dồi dào hơn ta, thì lòng Hỷ dạy ta chẳng những không nên sinh lòng ganh tị, mà trái lại dạy ta phải thành tâm trọn vẹn vui mừng chung với người ta. Ta hãy lấy sự thành công đắc thắng của người làm gương sáng cho mình để mình cố gắng được thành công như người ta vậy. Làm được như thế là ta hoàn toàn thực hành lòng hỷ trong Tứ vô lượng Tâm; làm được như thế là ta hai tay kính cẩn dâng tấm lòng ta dưới chân Đức Phật là Đấng Từ Phụ của ta vậy.

Như thế thì Hỷ không phải là hả hê của tâm hồn hay xác thịt bị cảm kích nhất thời trong thường tình và thế tục; nó không phải là một trạng thái vui tươi thành thật nhưng trong thâm tâm hay tiềm thức còn ẩn một niềm ham muốn ước ao, còn tham cho ta. Hỷ phải là một trạng thái của tâm hoàn toàn thanh tịnh, phát ra tự chỗ trong trẻo, không vị ngã, lấy cái vui của tha nhân làm cái vui cho ta mà không ý mong lợi lộc gì trở lại cho ta vì ta đặt cái vui của ta ngoài bản ngã ta và hơn nữa ta và người vui kia là một.

Xả (UPEKKHA)

Xả là trạng thái của tâm, khiến cho giữa ta và toàn thể chúng sinh và vạn vật không còn sự riêng biệt chia cách vạn vật, chúng sinh cùng với ta là đồng nhất thể. Ngoại cảnh, vũ trụ cùng vô lượng chúng sinh đã trở thành ta và ta đã trở thành chúng sinh và vũ trụ.

Tâm Xả là tâm không còn bị sự vật chi phối, kích thích và chao động. Tâm Xả đã được, đặt ngoài cái ta là cả một chướng ngại vật làm cho ta thấy một bên là ta và bên kia là kẻ khác, là vạn vật, là sinh linh mà trong mỗi mỗi, ta cũng thấy cái bản ngã của nó cả. Một khi cái ta của ta không còn nữa, tức thì cái gì không phải ta trước kia, không còn chỗ dựa để phân biệt cái ta và cái không phải ta nữa. Ta đã đồng thể hóa với toàn thể chúng sinh và vạn vật bằng cách tiêu diệt sự đối chiếu, sai biệt giữa ta và ngoại cảnh, tiêu diệt bởi vì đã diệt ngã. Diệt ngã là không còn lựa chọn, đối chiếu, thọ nạp, luyến ái, bám giữ, tàng trữ; không còn lấy cái ta làm tiêu chuẩn, làm chỗ chứa đựng. Người có được tâm xả đã trở thành như một tấm gương trong. Khi sự vật, ngoại cảnh rọi vào thì gương phản chiếu trung thành sự vật chớ gương không từ khước, xua đuổi không chịu chiếu lại; khi sự vật ngoại cảnh đi chỗ khác, tức thì gương không còn chiếu nữa, mà cũng không còn giữ lại dấu vết gì cả. Người có tâm Xả lại không phải là con người lì lịch như đá như cây, đến đổi có thái độ mắt ngơ tai điếc trước cảnh đau thương của thế sự.

Thí dụ như có bệnh truyền nhiễm khủng khiếp trong làng bên cạnh, người giàu lòng bác ái can đảm xông vào cứu giúp đồng loại, không nề hà gian lao nguy hiểm. Lúc được thành công thì vui, mừng sung sướng do cái thành công của mình. Rủi thất bại, lại hối tiếc buồn rầu bởi mình đã thất bại. Người có tâm xả cũng xông vào tận lực cứu người, cũng không nệ hà nguy hiểm gian lao. Nhưng rốt cuộc, dù thành công, dù thất bại, lòng không xao xuyến, không chao động, nỗi vui hay nỗi buồn do cái kết quả hay cùng dở của việc làm không ảnh hưởng được gì đối với tâm xả. Như đã nói trên kia, tâm Xả phản chiếu trung thành sự vật khi sự vật có, như tấm gương trong phản chiếu là bản năng của gương, bản năng của tâm xả là phản chiếu lại với vạn vật sinh linh do Từ, do Bi, do Hỷ. Không phản chiếu không được, mà không bám giữ lại hình ảnh tốt hay xấu, vui hay buồn của vạn vật.

Tứ vô lượng tâm có thể ví như cái hộp ba góc. Ba mặt thành của hộp là: Từ, Bi và Hỷ. Đáy hộp là Xả. Hộp không có đáy thì không dùng vào đâu được. Ba mặt thành ở trên đầu có mà không có mặt đáy thì hóa ra vô ích. Hộp dùng được là nhờ có đáy. Có Từ, có Bi, có Hỷ mà không có Xả thì tứ vô lượng tâm không thành. Thật thế, Từ mà không Xả thì thương vẫn còn vì ta; Bi mà không Xả là buồn vẫn còn vì ta; Hỷ mà không Xả thì vui vẫn còn vì ta. Chưa Xả được thì tâm vẫn còn vấn vương với tham, sân, si, vẫn còn đứng bên này ba chướng ngại này thì làm sao gọi được là thương, là buồn, là vui ngoài ta, không vì ta vậy?

Tứ vô lượng tâm là bốn trạng thái của tâm khiến ta thương tất cả, buồn cái buồn của chúng sinh, vui cái vui của tha nhân và vạn vật, mà trong ba lúc: thương, vui, buồn, tâm đều xả. Vậy muốn đạt được tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, tất phải nhờ tâm Xả là điều kiện duy nhất. Mà cho đạt được tâm Xả, tức có một lối đi hữu hiệu nhất mà thôi, đó là hành thiền.

Từ, Bi, Hỷ, Xả, là bốn liên phược tâm trạng mà người phật tử nhất quyết phải đạt cho kỳ được bằng chiến thắng năm chướng ngại là tham dục, sân hận, lười biếng, phiền não và hoài nghi là những chướng ngại khiến cho bao nhiêu cố gắng tham thiền của ta không đem lại kết quả. Và cho đặng đạt thành Tứ vô luợng tâm, người phật tử cũng phải đào xới vứt bỏ ba lớp đất dầy nó đè nặng tâm ta là tham, sân, si, cũng bằng phương tiện hành thiền tinh tấn nó sẽ đem ta đến nơi thanh tịnh là chỗ không còn ngã chấp.

lời phật dạy, tam độc, tham sân si, từ bi hỷ xả, tứ vô lượng tâm, tứ vô lượng tâm là gì? từ, bi, hỷ, xả có nghĩa là như thế nào?

2. Hãy Từ, Bi, Hỷ, Xả nhưng đừng chìm trong vô minh

Con người không thể sống tốt trong cuộc đời nếu không có lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả, nhưng cũng không thể “vô minh” chìm trong màn đêm u tối, phải hiểu biết, phải nhìn nhận đúng bản chất thực sự của mọi việc xung quanh, con người mới có được an lạc, hạnh phúc. Đó là quan điểm của Phật giáo về cuộc sống hàng ngày.

Trích trong Tinh hoa Phật học của TS Huệ Dân: “Đạo Phật là nguồn sống, xây dựng trên căn bản của “Từ Bi” và “Trí Tuệ”, qua những mối tương quan giữa sự vật hiện hữu để giúp con người hiểu biết chân chính, tạo lập cuộc sống cho chính mình và chuyển đổi hoàn cảnh chung quanh.” Hơn 2.500 đã trôi qua, nhưng những chân lý mà Đức Phật đã giác ngộ vẫn ngày được nhiều người biết và ứng dụng vào trong cuộc sống của mình.

Dưới đây là 4 ứng dụng triết lý Đạo Phật vào trong cuộc sống để luôn an lạc, hạnh phúc:

Bố thí, cúng dường

Là hành động làm phước thiện, theo luật nhân quả, nó là điều kiện thiết yếu để tiêu trừ đau khổ, chuyển hóa nghèo cùng khốn đốn, không còn sợ nghèo đói và vượt qua nỗi bất an sợ hãi trong cuộc đời như mũi tên chỉ đường giúp không bị lầm đường lạc lối.

Nhờ bố thí, mà lòng tham lam, ích kỷ được giảm bớt và ngày càng được tiêu trừ tâm xấu ác. Nếu chúng ta chất chứa lòng tham sẽ tạo ra nhiều nỗi khổ niềm đau cho người khác, nuôi dưỡng lòng hiềm hận, luôn sống trong bất an, lo sợ mà làm tổn hại người khác.

Thiền tập

Giúp chúng ta thanh lọc các phiền muộn khổ đau do ham muốn quá đáng như tham lam, sân hận và si mê, ganh ghét, ích kỷ, bỏn sẻn…..Những phiền não này làm cho chúng ta phiền muộn đau khổ. Để cho thiền tập đạt được kết quả tốt đẹp, chúng ta phải giữ giới trong sạch, người giết hại hay trộm cướp của người khác khó đạt được thiền định vì trong tâm họ còn quá nhiều toan tính trong lo lắng và sợ hãi. Nhờ giữ giới tinh nghiêm ta dễ dàng phát triển định tuệ (là có trí tuệ), ta dễ dàng buông xả những tâm niệm xấu ác làm tổn hại người khác.

Khiêm tốn

Là một loại đức hạnh làm cho người khác thương mến chúng ta, vì nó trái ngược tính cao ngạo, chỉ đưa đến sự hiềm thù mà oán ghét lẫn nhau. Nếu chúng ta muốn mọi người thích gần gũi mến thương, thì ta phải biết khiêm tốn. Người biết khiêm tốn luôn được mọi người yêu mến, quý trọng. Người khiêm tốn là người luôn có tấm lòng từ bi quảng đại, biết bao dung và độ lượng trong mọi vấn đề.

Giao tiếp bằng trái tim

Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm nói “chỉ cần chúng ta có thái độ chân thành, thân thiện, đối đãi với mọi người bằng tình người đích thực, xem mọi người đều là người tốt thì chúng ta sẽ xây dựng thành công mối quan hệ với người khác.” Quy mọi mối quan hệ con người về một mối – chân tâm lương thiện.

Giao tiếp bằng trái tim là học cách lắng nghe và tập cho mình thái độ chân thành trong giao tiếp, học cách khen ngợi và phát hiện ưu điểm của người khác, luôn mở rộng lòng từ bi và bao dung, quan tâm giúp đỡ mọi người và tinh thần hy sinh, phụng hiến.

Điểm mù quáng nhất của con người trong giao tiếp là “lấy bản thân làm trung tâm”: Nói, làm điều gì cũng chỉ biết xuất phát từ góc độ cá nhân, chỉ mong người khác chấp nhận mình mà quên đặt mình vào vị trí người khác, không nghĩ đến cảm nhận và ý nguyện của người khác. Biết đặt mình vào vị trí người khác, suy nghĩ hộ người khác chính là chìa khóa mở ra cánh cửa giao tiếp thành công.

Có làm được 4 điều này, biết, hiểu và nhìn nhận đúng bản chất thực sự của mọi việc xung quanh, con người mới có được an lạc, hạnh phúc.

3. Dùng Từ, Bi, Hỷ, Xả đối trị tam độc

Tham, sân, si là căn bản của phiền não và đã có sẵn trong con người từ vô thủy rồi chứ không phải bây giờ mới có, nhưng ở mỗi độ tuổi, mỗi thời điểm thì sự thể hiện lại khác nhau. Chẳng hạn, đứa trẻ từ khi mới sinh ra đã biết khóc khi chưa được mẹ cho bú, biết la khi khó chịu; hoặc một người làm giám đốc, giữ chức vụ cao thì sẽ bộc lộ sự nóng giận rất khác so với một người công nhân… Dù cách thể hiện có khác nhau nhưng gốc rễ của những phiền não ấy đều bắt nguồn từ tam độc tham, sân, si. Vậy nên, là người Phật tử, điều quan trọng là chúng ta phải thấy được những tập khí xấu trong mình để cố gắng sửa đổi.

Đức Phật là người đã đoạn trừ hết tham, sân, si, không còn phiền não. Muốn được như Ngài thì chúng ta phải cố gắng tu tập. Quý vị thấy khó hay dễ? Niệm Phật, tụng kinh thì dễ, ai cũng có thể làm được, nhưng để điều phục được tham, sân, si thì rất khó, đòi hỏi chúng ta phải nhận diện được tam độc này và trải qua quá trình nỗ lực lâu dài để chuyển hóa.

Đức Phật là người tốt một trăm phần trăm, còn chúng ta thì sao? Một phần trăm, hai phần trăm, ba phần trăm,… Chúng ta còn là phàm phu, do vậy phải thường xuyên nhìn lại ba nghiệp của mình và tu sửa để dần dần tiến bộ, hoàn thiện bản thân, đến khi trở thành người tốt một trăm phần trăm thì chúng ta là Phật.

Nếu người tu đạo không có Tứ Vô Lượng Tâm, tức là làm ngược lại với đạo và dù có tu đến tám vạn đại kiếp, cũng vẫn còn xa Phật đạo đến cả tám vạn bốn ngàn cây số.

Tứ Vô Lượng Tâm là điều kiện cơ bản mà mỗi người tu nên có. Sao gọi là Tứ Vô Lượng Tâm? Tức là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Vô lượng là không có hạn lượng, có nghĩa là không bỏ dở nửa chừng, hoặc không đến giữa đường rồi tự vạch mức giới hạn cho mình, không muốn tiến tới. Như mới được chút đỉnh đó thì lấy làm đủ và nghĩ là xong rồi. Thật ra, Từ Bi Hỷ Xả không có lúc nào là đủ cả, mà có được càng nhiều thì càng tốt. Chúng ta nên mở rộng, tăng cường Từ, Bi, Hỷ, Xả cho đến khi đạt đến cảnh giới toàn thiện mới thôi.

Từ là có thể cho niềm vui. Chúng ta có cho chúng sanh niềm vui không? Nếu như không có, đó tức là chúng ta không dùng hết lòng từ của mình. Chúng ta nên tiến đến mục tiêu “vô duyên đại từ,” là dùng lòng từ bi đối xử với những người không có duyên với mình. Chúng ta không những thông cảm với người cùng trong hoàn cảnh khó khăn, mà chúng ta cũng nên thông cảm với cả loài động vật trong cảnh hoạn nạn nữa. Nếu có chuyện không may xảy ra, chúng ta nên ra tay tiếp đỡ, giúp chúng sanh thoát vòng khổ hải. Đấy là công việc mà Phật tử nên làm. Chúng ta đừng nên có thái độ dửng dưng, chỉ biết đứng nhìn mà không chịu giúp, vì thế là đánh mất tinh thần cứu thế của Phật giáo. Trái lại, Phật giáo lấy từ bi làm hoài bão, dùng cửa phương tiện của đạo Phật để tiếp nhận chúng sanh.

Bi là có thể bạt trừ khổ não. Chúng ta có thể bạt trừ sự đau khổ của chúng sanh không? Nếu không thể, thì đó là vì chúng ta chưa dùng hết lòng bi của mình. Chúng ta nên có tư tưởng “đồng thể đại bi,” cũng tức là thấy người chết chìm như chính mình bị chết chìm, thấy người đói như chính mình bị đói. Phật giáo lấy bi làm tông chỉ, vì bi là lòng lân mẫn, thương xót. Trong khi các nhà Nho nói rằng “bi thiên mẫn nhân” lại cũng phù hợp với ý nghĩa trên. Do đó mà biết rằng tư tưởng của thánh nhân trong thiên hạ đều giống nhau, như cùng xuất phát theo vết bánh xe, không tách rời lòng trắc ẩn xót thương. Phật giáo chủ trương từ bi, Nho giáo đề xướng trung thành và tha thứ. Tâm tâm tương đồng, đấy là cốt tủy của tôn giáo, nếu không thì là dị thuyết của ngoại đạo.

Hỷ là tâm vui vẻ. Chúng ta có hoan hỷ vui thích học Phật Pháp không? Chúng ta có sanh ưu sầu, phiền não, hoặc có tâm tư bực dọc không? Nếu quả là có, chúng ta hãy mau sửa đổi, đừng phát sanh tánh tình như thế. Nếu còn chút ít tập khí, rồi dụng công phu từ thất tình lục dục, thì đó là quan niệm sai lầm. Nên hiểu là chúng ta không được tiếp tục có thứ quan niệm sai lầm như thế. Nếu không, chúng ta không thể nào tưởng tượng nỗi hậu quả của nó sẽ ra sao.

Xả là tâm buông xả. Chúng ta có tâm buông xả không? Nếu có, vậy là lớn hay nhỏ? Là nhất thời hay là vĩnh viễn? Xả cái gì? Là phát tâm cho chúng sanh sự vui vẻ, bạt trừ cái khổ của chúng sanh và giúp họ trong hoàn cảnh nguy khốn. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ sanh lòng hoan hỷ đến mức vô hạn, nhưng chúng ta đừng nên chấp vào đó – làm xong việc rồi nên quên hết chứ đừng lưu giữ trong tâm thức. Nếu chúng ta chấp mà không quên được, đó không phải là hạnh nguyện của Bồ Tát. Chúng ta nên có tinh thần thi ân bất cầu báo thì mới được xem là người Phật tử chân chánh.

Tam độc con người là do ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo thành. Ðó là vì người ta không có tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả. Cho nên con người bị đọa lạc đời nầy sang đời khác và tạo nghiệp ác ngày càng nhiều thêm. Các nghiệp đó tích tập lại từ ít thành nhiều, vì thế độc tố trên thân thể người ta mỗi ngày một thêm sâu đậm. Loại độc nầy không có thuốc chữa trị, rồi lâu dần sẽ biến thành rắn, rết, bò cạp… Những loài động vật nầy: miệng có độc, đuôi có độc, chân có độc, thân cũng có độc. Tóm lại, có các loại độc hại như vậy, hễ nhẹ thì làm người hôn mê, còn nặng sẽ khiến cho người ta mất mạng. Quả thật đáng sợ vô cùng.

Con người nên có lòng từ bi. Ðối với người hay đối với sự việc gì, chúng ta cũng nên chung sống trong cảnh hòa bình và đối đãi với nhau bằng tấm lòng chân thật. Tất cả đều là nghĩ đến người khác, chúng ta không được dùng thủ đoạn cay độc để áp bức người. Người học Phật không được bác bỏ nhân quả, mà phải hết sức chú ý đối với chuyện nhân quả báo ứng! Giả như có người công kích quý vị một cách vô lý, hoặc họ dùng lời lẽ phỉ báng, hoặc dùng hành động hãm hại quý vị, quý vị nên xử lý với họ bằng thái độ điềm tĩnh, không chống đối. Quý vị nên dùng tâm từ bi mà cảm hóa người, gọi là: “Lấy đức báo oán,” khiến họ hồi tâm chuyển ý, biết ăn năn sám hối. Chúng ta nên học theo tinh thần của Bồ Tát Di Lặc, tức là Nhẫn! Nhẫn! Nhẫn! Như vậy thì đao thương tự nhiên sẽ biến thành gấm vóc; mưa sẽ tạnh, trời lại trong, sóng cũng yên, gió cũng lặng. Bằng không, nếu mình không có đủ định lực, không có tánh điềm đạm, chuyện nhỏ thì chửi bới, chuyện lớn thì đánh nhau. Kết quả là hai bên đều bị tổn thương, để rồi cũng như con trai, con cò tranh nhau, rốt cuộc ông câu được lợi, và bọn chúng lại trở thành sản phẩm hy sinh.

Lúc xưa có vị Phật Sống của chùa Kim Sơn vì có định lực nên chẳng sợ bất cứ loại độc hại nào. Bởi Ngài dùng lòng đại bi cảm hóa tất cả những loài động vật có độc, cho nên chúng trở thành bạn thân và tuyệt đối không phá hại Ngài. Trong phẩm Phổ Môn có nói: “Phàm hễ ai niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì có thể cảm hóa”, khiến loài vật có độc cải ác hướng thiện và sẽ không nhiễu hại con người. Khi nghiên cứu Phật Pháp, chúng ta nên thông suốt các ý nghĩa và hiểu rõ lý lẽ bên trong, có vậy mới được xem là người chân chánh học tập Phật Pháp.

Nhiều người có tư tưởng ham thích những chuyện cao xa, những cái kỳ lạ, diệu huyền. Họ chuyên dụng công vào mấy thứ cảnh giới như thế. Ðó là có tư tưởng sai lầm! Chúng ta nên ở tại nơi Từ, Bi, Hỷ, Xả mà dụng công phu. Vậy dụng công phu như thế nào? Trước hết là chúng ta nên dụng công ở chỗ không tranh, không cầu, không tham, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ. Ðạo lý nầy tuy nông cạn, nhưng trước tiên chúng ta phải nắm chắc chỗ nông cạn đó, vì từ gần sẽ đến xa và từ cạn mới đến sâu. Chúng ta không nên bàn tán đến những chuyện huyền diệu xâu xa, hay lý luận tràng giang đại hải, để rồi không ai hiểu nỗi, vậy chẳng ích lợi chút nào.

Cho nên nói: “Nên quán tánh pháp giới, tất cả do tâm tạo.” Tâm có thể tạo thiên đường, tâm có thể tạo địa ngục. Mười Pháp Giới không ra ngoài một tâm niệm, do đây chúng ta có thể biết rằng: Tâm niệm nhất động, nghiệp ảnh tùy chi, tức là tâm niệm vừa khởi, bóng nghiệp liền theo. Người xưa có nói:

“Ba chấm như chùm sao Lưỡi câu như trăng khuyết Mang lòng từ đây ra
Thành Phật cũng từ đấy.”

Ðó là diễn tả về cách cấu tạo của chữ tâm, do vậy chúng ta có thể hiểu rõ được tâm tánh của mình. Nếu đã hiểu rõ được tâm mình rồi, thì giận hờn gì cũng không còn nữa. Tất cả những tranh giành, tham lam, tìm cầu, nhất nhất sẽ không có nữa. Lúc bấy giờ chúng ta mới tự tại thật sự, mới giải thoát thật sự, mới hiểu rõ thật sự về ý nghĩa làm người.

Con người vốn sẵn có Phật tánh, mỗi chúng ta đều có đầy đủ hết. Tuy nhiên, chúng ta lại vứt đi Phật tánh của mình, bỏ cái gần để tìm cái xa và bám níu vào cái bên ngoài. Chúng ta tìm kiếm những thứ rác rưởi, rồi cho là vật quý giá và xem như bảo bối. Ðó thật là vừa tức cười, lại vừa đáng thương hại thay! Tôi hy vọng mọi người đều biết nhận thức ra điều nầy mà hạ thủ công phu, giữ lòng trong sạch, bớt ham muốn và đừng cạnh tranh với đời.

Có người nói: “Tất cả những gì trên thế giới, từ sơn hà đại địa, phòng xá nhà cửa, cho đến cây gai cỏ độc và đất, cây, cát, đá đều là do tâm tạo thành.” Nếu đã biết tất cả đều do tâm tạo, vậy tại sao chúng ta không quét sạch hết rác rến trong tâm để trang nghiêm cho thế giới ở vị lai? Thế giới Cực Lạc của Phật A Di Ðà được tạo thành, là do lúc xa xưa Ngài vì muốn cho chúng sanh thoát khổ được vui. Do Ngài đã siêng năng tu Lục Ðộ Vạn Hạnh, và hồi hướng công đức mà tạo ra thế giới Cực Lạc.

Chúng ta cũng nên tạo cho được một thế giới Cực Lạc. Vậy phải tạo như thế nào? Trước hết là chúng ta phải không có thất tình. Thất tình là gì? Ðó là hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục; tức là vui, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, ham muốn. Khi chúng ta điều phục được bảy thứ tình cảm đó, thì chúng sẽ không thể nào tạo phản dấy loạn nữa. Lúc bấy giờ tâm chúng ta sẽ thái bình vô sự, chuyện khổ sở gì cũng không còn. Vì sao có khổ sở? Vì tâm không được bình yên. Và nếu không có những chuyện khổ, chỉ toàn thọ hưởng các điều vui, như vậy là thế giới Cực Lạc của nhân gian rồi.

Một khi chưa hàng phục được thất tình, đó có thể vì chúng mạnh mẽ thái quá hay là yếu ớt bất cập, không phù hợp với trung đạo, cho nên chúng ta mới điên điên, đảo đảo. Nếu chúng ta hiểu rõ thất tình và có thể hàng phục được chúng, khiến chúng đừng gây sóng gió, tức là chúng ta đã hàng phục được tâm. Bởi thất tình từ trong tâm sanh ra, cho nên khi trong lòng hoan hỷ hay bực tức, đó đều là vì tâm đang bị xoay chuyển theo cảnh giới. Bây giờ chúng ta đã tìm ra căn gốc, vậy chúng ta sẽ không còn mê hoặc và cũng sẽ làm cho bọn thiên ma ngoại đạo phải hàng phục. Tại sao thiên ma ngoại đạo đến quấy nhiễu tâm mình? Bởi chúng ta đã dùng tâm tình cảm của mình một cách quá độ. Một khi hướng cầu bên ngoài, tâm chúng ta sẽ không an tĩnh. Do đó chúng ta đã dẫn dắt ma mị vào trong tâm mình để làm chủ nhân ông. Nếu chúng ta nghe theo mệnh lệnh và chịu sự chỉ huy của nó, vậy là chúng ta không còn quyền tự chủ và sẽ làm nô lệ cho nó thôi.

Trích: tamhuongphat.com!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News