Phật học

Bài sám nguyện, sám hối nên đọc hàng ngày trước khi ngủ

Dưới đây là bài sám hối, nguyện mở lòng hướng về những điều tốt đẹp, dẹp bỏ phiền não chướng ngại trong tâm tư, giúp cho chúng ta chuyển hóa thân tâm và an lành trong cuộc sống. Bạn có thể đọc vào buổi tối trong điều kiện nhà có hoặc không có ban thờ Phật.

sám hối là gì, bài sám nguyện, sám hối nên đọc hàng ngày trước khi ngủ

1. Sám hối là gì?

Trong Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Sám giả Sám kỳ tiền khiên, Hối giả hối Kỳ hậu quá”, nghĩa là: Ăn năn lỗi trước, chừa bỏ lỗi sau. Vậy Sám hối đúng nghĩa theo Chánh Pháp là nhận biết được lỗi đã gây tạo, ăn năn sửa lỗi và hứa không làm những điều này về sau.

Sám hối theo nghĩa thông thường là xin lỗi. Xét về mặt xã hội, xin lỗi là một hành vi đạo đức của con người, khi họ đã gây ra những lỗi lầm và muốn được người bị tổn thương tha thứ. Xin lỗi là một hành động được ba mẹ, nhà trường dạy dỗ khi chúng ta còn bé và đó là điều cần thiết trong cuộc sống.

Các bậc Thánh hiền xưa đã dạy rằng: “Nếu mắc lỗi lầm thì công khai nhận lỗi đó, rồi tìm ra biện pháp và quyết tâm để sửa chữa. Thái độ đối với lỗi lầm như thế là thước đo một người chân chính, trung thực đáng cho mọi người tin cậy và kính trọng”.

Thế nhưng con người thường rất e dè trước lời xin lỗi bởi họ bị gắn chặt bởi chấp thủ và chấp ngã. Chấp thủ chính là việc gì cũng cho mình là đúng, người khác sai. Đó còn gọi là tính bảo thủ. Chấp ngã là đề cao cái tôi của mình, dù có biết lỗi nhưng không nhận lỗi vì sợ làm mất giá trị của bản thân, người khác coi thường. Vì thế nên đối với những người này, hai từ xin lỗi thường nặng nề và không được sử dụng đến.

Các pháp sám hối: Chúng biết lỗi lầm là do tâm tạo, cho nên cũng phải do tâm ăn năn sám hối, chính vì lẽ đó mà các vị tổ sư đã chọn lọc một số phương pháp sám hối trên cả hai phương diện sự và lý. Bài văn sám hối mà người Phật tử thường đọc nhất mỗi khi tác pháp sám hối:

Xưa nay đã tạo bao ác nghiệp, Đều bởi vô thỉ tham sân si Từ thân miệng ý mà sanh ra
Tất cả, nay con xin sám hối.

Về sự sám hối:

Tác pháp sám hối: Lập đàn thỉnh chư Tăng chứng minh, người sám hối trình bày lỗi lầm của mình thành khẩn ăn năn, sám hối không tái phạm nửa.

Thủ tướng sám hối: Người sám hối đến trước bàn thờ Phật và Bồ Tát thành tâm lễ bái từ 1 ngày, 7 ngày cho đến 49 ngày, khi nào thấy được tướng hảo của Phật và Bồ tát hoặc hoa sen thì mới thôi.

Hồng danh sám hối: Đây là pháp sám hối do Bất Động pháp sư đời Tống biên sọan lấy từ 53 danh hiệu Phật trong Kinh Ngũ Thập Tam Phật và rút 35 danh hiệu trong kinh Quán Dược vương, Dược Thượng.

Đây là nghi thức sám hối phổ thông nhất được các Chùa Việt Nam thường dùng trong những ngày Sám hối.

Về lý sám hối:

Vô sanh sám hối: lý sám hối dành cho những người có căn cơ cao, cho nên ở đây chúng ta chỉ biết qua một pháp này với hai cách quán:

Quán tâm vô sanh: Đây là lý được rút từ Kinh Kim Cang: ” Tâm qúa khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được và tâm vị lai cũng không thể được”. Dùng pháp quán để thấy rõ: ” Tội từ tâm sanh cũng từ tâm mà diệt “.

Quán pháp vô sanh: Quán sát thật tướng không sanh diệt “ở thánh không tăng ở phàm không giảm”; đây chỉ cho chơn tâm, Phật tri kiến, Pháp thân… Vì khi nhận được chơn tâm rồi thì các tướng sanh diệt không còn.

Tuy có nhiều phương cách khác nhau về sám hối nhưng người Phật tử chúng ta phải tự chọn cho mình một cách thích hợp với mình nhất để nương nơi đó mà sám hối, miễn sao chúng ta đọc và hiểu được nghĩa lý của việc làm thì thật sự mới có lợi ích. Trái lại, miệng đọc mà không hiểu ý nghĩa thì chẳng được lợi lạc gì.

2. Lợi ích của sám hối

Nếu người Phật tử biết sám hối nghĩa là biết sửa đổi, tức nhiên là một người đó có tiến bộ trên con đường tu tập sẽ được những lợi ích thiết thực trong hiện tại cũng như tương lai.

Đức Phật đã dạy trong kinh Trường A Hàm: “Ai biết sửa đổi lỗi lầm thì người đó có tiến bộ trong giáo pháp của Như Lai” và Ngài cũng khẳng định: “Người có lỗi không biết sửa đổi, diệt trừ nơi tự tâm, thì lỗi ấy sẽ đến thân, như nước chảy về biển, dần dần thành sâu rộng ” (Kinh tứ thập nhị chương). Qua đó chúng ta rút ra được những lợi ích như sau:

Mọi hành động trong đời sống không bị sa vào lầm lỡ vì chúng ta đã có ý chí cương quyết biết nhận ra lỗi lầm.

Phẩm giá con người được nâng cao, các hạnh lành càng ngày càng phát triển, vì không tạo nhân xấu trong hiện tại.

Thân tâm luôn luôn nhẹ nhàng vì không lo âu sầu muộn.

3. Bài sám hối nên đọc trước khi ngủ

Trước khi đi ngủ, cũng như với bài kinh nguyện đọc lúc buổi sáng, trước khi đọc bạn cũng thầm nói: “Nam mô A Di Đà Phật Con là…, tuổi … ở tại… Đối trước mười phương Chư Phật và tâm của mình con thành tâm xin được sám hối mọi lỗi lầm do 3 nghiệp thân, khẩu, ý, sinh ra. Con xin Chư Phật giúp con tiêu trừ nghiệp chướng.”

Bài sám nguyện

Trang nghiêm đài sen ngự tọa

Đại hùng từ phụ Thích Ca

Đệ tử lắng lòng thanh tịnh

Bàn tay chắp thành liên hoa

Cung kính hướng về Điều Ngự

Dâng lời sám nguyện thiết tha. (chuông nếu có ban thờ còn không thì thôi)

Đệ tử phước duyên thiếu kém

Sống trong thất niệm lâu dài

Không được sớm gặp chính pháp

Bao nhiêu phiền lụy đã gây

Bao nhiêu lỡ lầm vụng dại

Vô minh che lấp tháng ngày

Vườn tâm gieo hạt giống xấu

Tham sân tự ái dẫy đầy

Những nghiệp sát đạo, dâm, vọng

Gây nên từ trước tới nay

Những điều đã làm đã nói

Thường gây đổ vỡ hàng ngày

Bao nhiêu não phiền nghiệp chướng

Nguyện xin sám hối từ đây (Chuông)

Đệ tử thấy mình nông nổi

Con đường chánh niệm lãng sao

Chứa chất vô minh phiền não

Tạo nên bao nỗi hận sầu

Có lúc tâm tư buồn chán

Mang đầy dằn vặt lo âu

Vì không hiểu được kẻ khác

Cho nên hờn giận oán cừu

Lý luận xong rồi trách móc

Mỗi ngày mỗi chuốc khổ đau

Chia cách hố kia càng rộng

Có ngày không nói với nhau

Cũng không muốn nhìn thấy mặt

Gây nên nội kết dài lâu

Nay con hướng về Tam Bảo

An năn khẩn thiết cúi đầu (Chuông)

Đệ tử biết trong tâm thức

Bao nhiêu hạt tốt lấp vùi

Hạt giống thương yêu hiểu biết

Và bao hạt giống an vui

Nhưng vì chưa biết tưới tẩm

Hạt lành không mọc tốt tươi

Cứ để khổ đau tràn lấp

Làm cho đen tối cuộc đời

Quen lối bỏ hình bắt bóng

Đuổi theo hạnh phúc xa vời

Tâm cứ bận về quá khứ

Hoặc lo rong ruổi tương lai

Quanh quẩn trong lòng buồn giận

Xem thường bảo vật trong tay

Dầy đạp lên trên hạnh phúc

Tháng năm sầu khổ miệt mài

Giờ đây trầm xông bảo điện

Con nguyện sám hối, đổi thay (Chuông)

Đệ tử thành tâm quy ngưỡng

Hướng về chư Phật mười phương

Cùng với các vị Bồ Tát

Thanh văn, Duyên giác, Thánh hiền

Chí thành cầu xin sám nối

Bao nhiêu lầm lỡ triền miên

Xin lấy cam lồ tịnh thủy

Tưới lên dập tắt não phiền

Xin lấy con thuyền chánh pháp

Đưa con vượt nẻo oan khiên

Xin nguyện sống đời tỉnh thức

Học theo đạo lý chân truyền

Thực tập nụ cười hơi thở (*)

Sống đời chánh niệm tinh chuyên (chuông)

Đệ tử xin nguyện trở lại

Sống trong hiện tai nhiệm màu

Vườn tâm ươm hạt giống tốt

Vun trồng hiểu biết thương yêu

Xin nguyện học phép quán chiếu

Tập nhìn tập hiểu thật sâu

Thấy được tự tánh các pháp

Thoát ngoài sinh tử cần lao

Nguyện học nói lời ái ngữ

Thương yêu chăm sóc sớm chiều

Đem nguồn vui tới mọi nẻo

Giúp người vơi nỗi sầu đau

Đền đáp công ơn cha mẹ

Ơn thầy, nghĩa bạn dầy sâu

Tín thành tâm hương một nén

Đài sen con nguyện hồi đầu

Nguyện đức Từ bi che chở

Trên con đường đạo nhiệm màu

Nguyện xin chuyên cần tu tập

Vuông tròn quả đạo về sau.

Kệ sám hối

Con đã gây ra bao lầm lỗi

Khi nói, khi làm, khi tư duy

Đam mê, hờn giận và ngu si

Nay con cúi đầu xin sám hối

Một lòng con cầu Phật chứng chi

Bắt đầu hôm nay nguyện làm mới

Nguyện sống đêm ngày trong chánh niệm

Nguyện không lặp lại lỗi lầm xưa

Nam mô Bồ Tát Cầu Sám Hối (3 lần)

Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm

Tâm tịnh còn đâu dám lỗi lầm

Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhõm

Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong (chuông).

Khi kết thúc nói: “Con xin hồi hướng tới tất thảy chúng sinh không chừa sót một ai. Nguyện cho con cùng tất thảy chúng sinh đều tiêu trừ nghiệp chướng. Nam mô A Di Đà Phật.”

Trích nguồn: Phatgiao.org.vn!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News