Sức Khoẻ

5 bài thuốc trị chứng đầy bụng, khó tiêu

SKĐS- Đầy bụng khó tiêu được xếp vào các chứng vị quản thống (đau dạ dày), phúc thống (đau bụng) trong y học cổ truyền.

1.Biểu hiện của bệnh

Các trường hợp đầy bụng khó tiêu có thể xuất hiện thường xuyên hoặc từng đợt một vài ngày do giảm khả năng co bóp đưa thức ăn từ dạ dày xuống ruột ở cả hai giai đoạn tiêu hóa lỏng và đặc.

Sau khi ăn hoặc trong khi ăn người bệnh cảm thấy nóng bỏng vùng thượng vị, đặc biệt là sau khi uống rượu, dùng các thức ăn có nhiều chất béo, đường sữa hay các thức ăn nóng chứa các gia vị kích thích như ớt, hạt tiêu.

Có những trường hợp bệnh nhân thấy bụng đau quặn thành cơn. Thường bệnh nhân cảm giác ậm ạch, khó chịu, đầy tức vùng thượng vị sau khi ăn. Bụng tức nặng ở phía trên, cảm giác óc ách như chứa đầy nước, đầy hơi.

5 bài thuốc trị chứng đầy bụng, khó tiêu

Đau dạ dày gây đầy bụng khó tiêu

2. Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh

Do tình chí uất kết: Lo, buồn, giận dữ, nghĩ quá làm cho can khí uất kết. Can khí uất kết phạm tới vị khí gây nên.

Do tỳ vị hư hàn: Tỳ không vận hoá, vị không thu nạp được ngũ cốc. Khi tỳ không vận hoá thì vị mất điều hoà mà sinh bệnh.

Do ăn uống nhiều đồ sống, lạnh làm hàn tà tích lại ở tạng phủ không lưu thông gây ra bệnh; hoặc do ăn uống không điều độ, no đói thất thường, uống nhiều rượu, ăn nhiều đồ cay tổn thương tỳ vị…

3.Bài thuốc điều trị đầy bụng khó tiêu

Bài 1: Màng mề gà sao vàng, nghiền thành bột mịn; ngày uống 2 lần (vào buổi sáng và buổi tối), mỗi lần 4g, chiêu thuốc bằng nước ấm. Dùng theo từng đợt (liệu trình) 10 ngày.

Công dụng: Kiện tỳ tiêu thực, trị đầy bụng khó tiêu do thức ăn tích trệ, nôn hoặc buồn nôn.

Bài 2: Hoa nhài 6g, phật thủ 10g. Hai vị hãm với nước sôi trong bình kín, uống ngày 1 thang, uống thay trà.

5 bài thuốc trị chứng đầy bụng, khó tiêu

Phật thủ làm thuốc, chữa đầy bụng khó tiêu

Công dụng: Điều khí giải uất, hòa vị giảm đau. Chữa sườn bụng đầy tức, ăn uống kém.

Bài 3: Phật thủ tươi 25g hoặc khô 10g. Phật thủ thái thành lát mỏng hoặc tán vụn hãm với nước sôi uống thay trà.

Công dụng: Thư can điều khí, hòa vị trừ thống. Chữa dạ dày trướng đầy do can vị bất hòa, các chứng đau thần kinh dạ dày…

Bài 4: Hoa nhài 6g, thạch xương bồ 6g, chè xanh 10g. Sắc nước uống.

Công dụng: Điều khí hòa vị giảm đau, kiện tỳ an thần. Chữa viêm dạ dày, ăn uống không ngon, tiêu hóa kém, bụng chướng đau, mất ngủ.

Bài 5: Chè dây khô 10-20g, sắc nước uống thay trà trong ngày. Dùng liền 10-15 ngày là 1 liệu trình.

Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, chữa đầy bụng khó tiêu do viêm dạ dày.

4. Phòng ngừa chứng đầy bụng khó tiêu

– Ăn uống đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ, chọn thực phẩm cân đối giữa các thành phần đạm, mỡ, đường. Hạn chế ăn thực phẩm chiên rán. Không nên sử dụng chất kích thích nhưcafé, rượu, bia, thuốc lá, đồ uống nhiều gas, các gia vị nóng như mù tạt, ớt, hạt tiêu…

– Năng vận động, tham gia môn thể thao nhẹ nhàng, làm việc điều độ, ngủ đủ giấc, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, giải tỏa stress… giúp hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh, nâng cao sức khỏe toàn thân.

– Hạn chế dùng thuốc gây tác dụng phụ dẫn đến tình trạng khó chịu ở hệ tiêu hóa. Đồng thời nếu bị các bệnh về đường tiêu hóa thì cần khám và điều trị dứt điểm.

Mời bạn xem thêm video

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News