Răng Miệng

5 nguyên nhân gây khô miệng khát nước về đêm thường gặp bạn đã biết?

Tình trạng khô miệng khát nước về đêm có thể không phải là vấn đề lớn đối với nhiều người. Nếu bạn bị khô miệng tạm thời điều này đúng là không đáng lo. Tuy nhiên, bạn sẽ cần lưu ý hơn nếu tình trạng khô miệng về đêm diễn ra thường xuyên và kéo dài. Bởi vì tình trạng này sẽ gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe răng miệng, chẳng hạn như sâu răng và hôi miệng.

Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ tổng hợp những nguyên nhân gây khô miệng khát nước về đêm phổ biến và thường gặp nhất. Việc tìm hiểu và xác định được điều gì khiến bạn bị khô miệng ban đêm sẽ giúp ích cho việc cải thiện hoặc điều trị.

Dấu hiệu cho thấy bạn đang bị khô miệng về đêm

Khô miệng khát nước về đêm là tình trạng cho thấy cơ thể bạn đang không sản xuất đủ nước bọt. Điều này sẽ tạo cơ hội để vi khuẩn phát triển, tăng nguy cơ sâu răng và khiến bạn dễ mắc các bệnh về răng miệng. Sau đây là một số dấu hiệu điển hình cảnh báo về chứng khô miệng về đêm bạn cần lưu ý:

  • Khô lưỡi
  • Lở miệng
  • Khô và đau họng
  • Cảm giác dính trong miệng
  • Môi khô nứt nẻ
  • Cảm giác nước bọt đặc hơn
  • Hôi miệng
  • Thay đổi vị giác.

5 nguyên nhân gây khô miệng khát nước về đêm phổ biến

5 nguyên nhân gây khô miệng khát nước về đêm thường gặp bạn đã biết?

Khô miệng khát nước về đêm có thể do lối sống, thói quen hàng ngày hoặc liên quan đến việc dùng thuốc và bệnh lý. Trong đó, 5 nguyên nhân chính sau đây rất đáng chú ý và bạn không nên bỏ qua khi gặp rắc rối với chứng khô miệng:

1. Không uống đủ nước trong ngày

Bên cạnh một số chất điện giải, enzym và các phân tử kháng khuẩn thì nước bọt chủ yếu được tạo thành từ nước. Vì vậy, nếu bạn không uống đủ nước, cơ thể sẽ không có đủ điều kiện để sản xuất nước bọt và dẫn đến khô miệng.

Tuy nhiên, việc uống đủ nước không có nghĩa là bạn nên uống nhiều nước vào ban đêm trước khi đi ngủ. Bởi vì hành động đó có thể khiến bạn phải thức dậy vào nửa đêm để đi vệ sinh gây gián đoạn giấc ngủ. Cách tốt nhất là bạn cần duy trì bổ sung đủ nước xuyên suốt trong ngày nhằm đảm bảo cơ thể có đủ nước để sản xuất nước bọt.

2. Thở bằng miệng khi ngủ

Hầu hết chúng ta đều thở bằng mũi khi ngủ chứ không phải bằng miệng. Tuy nhiên, một số tình huống sau đây có thể khiến bạn thở bằng miệng khi ngủ và dẫn đến khô miệng khát nước về đêm:

  • Nghẹt mũi do viêm mũi dị ứng hoặc cảm lạnh.
  • Thói quen ngủ khiến bạn thở bằng miệng, chẳng hạn như ngáy trong lúc ngủ.
  • Chứng ngưng thở khi ngủ.

Trong số những tình huống trên, chứng ngưng thở khi ngủ có thể là tình trạng nghiêm trọng hơn bạn nghĩ. Vì vậy, nếu bạn bị khô miệng vào ban đêm thường xuyên và kéo dài thì nên đi khám càng sớm càng tốt để được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc giấc ngủ an toàn.

3. Thói quen ăn uống trước khi đi ngủ

5 nguyên nhân gây khô miệng khát nước về đêm thường gặp bạn đã biết?

Nếu bạn ăn vặt trước khi đi ngủ với những món mặn hoặc cay thì đây cũng là nguyên nhân khiến bạn dễ bị khô miệng khát nước về đêm. Mặc dù tình trạng này chỉ là tạm thời nhưng nếu lặp đi lặp lại thì có thể khiến bạn thường xuyên phải thức dậy nửa đêm vì khát.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ rượu hay cà phê có thể khiến khoang miệng bị mất nước. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên tránh các loại đồ uống này trước khi đi ngủ. Ngoài ra, thói quen hút thuốc lá cũng có thể làm giảm lưu lượng nước bọt của bạn và góp phần gây khô miệng. Vì vậy, nếu cần thiết thì bạn nên cai thuốc lá để cải thiện tình trạng này hiệu quả hơn.

4. Khô miệng khát nước về đêm do tác dụng phụ của thuốc

Trên thực tế là có hàng trăm loại thuốc có thể gây ra chứng khô miệng, bao gồm cả những loại thuốc phổ biến không cần kê đơn. Trong đó, một số loại thuốc phổ biến liên quan đến chứng khô miệng:

  • Thuốc điều trị chứng tiểu không kiểm soát
  • Thuốc chống trầm cảm, lo âu
  • Thuốc huyết áp
  • Thuốc kháng histamine
  • Thuốc giúp thông mũi.

Ngoài ra, các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị và xạ trị cũng có thể gây khô miệng. Chứng khô miệng do hóa trị có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn tùy thuộc vào cơ địa và mức độ điều trị. Nếu chứng khô miệng khát nước về đêm là do dùng thuốc, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được đổi đơn thuốc.

5. Nguyên nhân bệnh lý

Mặc dù khô miệng là một vấn đề về sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý khác như đái tháo đường, nhiễm trùng nấm men, bệnh Alzheimer, hội chứng Sjogren, tổn thương dây thần kinh… Vì vậy, nếu bạn bị khô miệng kéo dài và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày thì nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.

Hầu hết trường hợp khô miệng khát nước về đêm đều không nghiêm trọng và bạn có thể cải thiện bằng cách thay đổi thói quen sống, chẳng hạn như uống đủ nước, hạn chế rượu bia, vệ sinh răng miệng đúng cách… Điều quan trọng nhất là bạn cần tìm được nguyên nhân gây khô miệng đối với trường hợp của riêng mình để có hướng xử lý phù hợp và hiệu quả.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News