Sức Khoẻ

9 thói quen giúp giảm thiểu nguy cơ sa sút trí tuệ

Tự bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ sa sút trí tuệ thông qua những thay đổi nhỏ và những thói quen tốt hàng ngày...

1.Thêm bằng chứng về những thói quen tốt làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ

Theo một nghiên cứu mới đây, việc kiểm tra thị lực thường xuyên cũng là một trong những cách giúp hạn chế nguy cơ mắc sa sút trí tuệ. Ngoài ra, một chế độ ăn uống lành mạnh giàu omega-3 hoặc hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày, là những thói quen có lợi cho não bộ.

9 thói quen giúp giảm thiểu nguy cơ sa sút trí tuệ

Để giảm nguy cơ mắc sa sút trí tuệ cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu.

Tiến sĩ Joshua Ehrlich, Trung tâm mắt Kellog ở Michigan (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu nêu trên, giải thích: “Suy giảm thị lực được xác định là một yếu tố nguy cơ đẩy nhanh suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ”.

Tháng 5 năm ngoái, một nghiên cứu lớn được thực hiện trong 30 năm bởi các nhà khoa học Đại học Mississippi (Hoa Kỳ) đã báo cáo rằng, áp dụng các thói quen lành mạnh, chẳng hạn như chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, cũng như các loại hạt, hạn chế ăn thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, tập thể dục và duy trì chỉ số khối cơ thể khỏe mạnh (BMI) từ 18,5 đến 24,9… có thể giảm 43% nguy cơ sa sút trí tuệ.

Nghiên cứu này đã xem xét gần 12.000 người Mỹ ở độ tuổi 50, trong đó 8.823 người gốc Âu và 2.738 người gốc Phi. Các nhà nghiên cứu đã tính toán những rủi ro ban đầu cho tất cả những người tham gia, dựa trên tiền sử bệnh gia đình, tình trạng sức khỏe tiềm ẩn có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ như các bệnh về tim.

9 thói quen giúp giảm thiểu nguy cơ sa sút trí tuệ

Bỏ hút thuốc lá sẽ giảm nguy cơ mắc sa sút trí tuệ.

30 năm sau, những người tham gia tuân thủ tốt nhất bảy thói quen lành mạnh đã thấy nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ của họ giảm đáng kể. Tổng cộng có 1.603 người gốc châu Âu bị sa sút trí tuệ và 631 người gốc châu Phi. Những người châu Âu sống lành mạnh nhất là những người có nguy cơ mất trí nhớ thấp nhất, ngay cả khi có nguy cơ di truyền cao.

Đối với mỗi lần tăng 1 điểm trong số điểm về lối sống, những người tham gia đã giảm được 9% nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.

“Nghiên cứu này ủng hộ ý kiến cho rằng những gì tốt cho tim cũng tốt cho não”, tiến sĩ kết luận.

9 thói quen giúp giảm thiểu nguy cơ sa sút trí tuệ

Kiểm soát tốt cholesterol để giảm nguy cơ sa sút trí tuệ.

2. Các thói quen giúp giảm thiểu nguy cơ sa sút trí tuệ

– Giảm lượng đường trong máu

Chế độ ăn với chỉ số đường huyết thấp sẽ cho phép bạn cân bằng lượng đường trong máu và do đó ổn định tâm trạng. Lượng đường trong máu cao có thể gây hại cho mắt, thận, thậm chí là các dây thần kinh, làm tăng đáng kể nguy cơ sa sút trí tuệ.

– Không hút thuốc

Không hút thuốc là một trong những điểm chính để hạn chế sự xuất hiện của các dấu hiệu của sa sút trí tuệ. Đối với những người hút thuốc lá, nên sử dụng các chất thay thế có nicotine như miếng dán.

– Kiểm soát cholesterol

Cholesterol có tác động trực tiếp đến chứng sa sút trí tuệ. Theo một nghiên cứu của Viện Quốc gia về Lão hóa, cách thức phân hủy cholesterol trong cơ thể có thể đẩy nhanh sự tiến triển của chứng sa sút trí tuệ.

9 thói quen giúp giảm thiểu nguy cơ sa sút trí tuệ

Tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ

– Tập thể dục

Nên thực hiện ít nhất 150 phút hoạt động thể chất cường độ trung bình hoặc 75 phút hoạt động mạnh mỗi tuần, bao gồm cả tăng cường tim mạch và cơ bắp, ít nhất hai lần một tuần.

– Có chế độ ăn uống cân bằng

Để hạn chế nguy cơ sa sút trí tuệ, điều quan trọng là phải có một chế độ ăn uống cân bằng, nhiều trái cây và rau quả và ít thịt đỏ và các sản phẩm chế biến, cũng như cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể. Đối với protein, hãy ưu tiên các loại thịt không béo, chẳng hạn như thịt gà và cá.

– Ăn rau lá xanh

Theo một nghiên cứu được công bố vào đầu tháng 5 năm 2022 trên tạp chí Neurology, việc tiêu thụ các loại rau lá xanh, chẳng hạn như rau bina, cải xoăn hoặc bông cải xanh, có thể giúp chống lại nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và chống lại bất kỳ dạng sa sút trí tuệ nào khác, đặc biệt là nhờ vào tính giàu chất chống oxy hóa của chúng.

– Các loại hạt

Theo một nghiên cứu năm 2019 của Đại học Nam Úc, ăn một nắm các loại hạt mỗi ngày – tức là 10 gram – có thể tăng hiệu suất của não lên 60%. Với nguồn chất chống oxy hóa, các loại hạt cũng sẽ làm giảm cholesterol, do đó hạn chế nguy cơ sa sút trí tuệ.

– Hạn chế tăng cân

Để hạn chế nguy cơ sa sút trí tuệ, điều quan trọng là phải theo dõi chỉ số BMI và giữ nó trong khoảng 18,5 đến 24,9.

– Theo dõi và quản lý huyết áp

Khi tim, mạch máu và các cơ quan khác – như não – phải chịu áp lực, huyết áp cao có thể góp phần làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Hạn chế các chất kích thích (cà phê, rượu) và bổ sung cho mình (với sự tư vấn của bác sĩ) vitamin B1 và B6, sẽ có hiệu quả trong việc chống lại stress.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News