Sức Khoẻ

Bài thuốc hỗ trợ trị bệnh lao phổi

Phế lao (lao phổi) là bệnh truyền nhiễm gây tổn thương nghiêm trọng tại phế hoặc các tạng phủ khác. Lao thường hay từ phế đến thận, tỳ. Tính bệnh dây dưa lan tràn khó chữa. Dưới đây là các bài thuốc, kinh nghiệm dân gian hỗ trợ điều trị bệnh.

1. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh lao phổi

Theo sách Bệnh học nội khoa Đông y của TTND.BSCC Trần Văn Bản, phế lao do khí huyết hư yếu hoặc sau đẻ, mới ốm dậy, chính khí suy giảm chưa kịp hồi phục, nhân đó trọc tà (trùng lao) xâm phạm.

Nơi tiếp xúc sớm nhất với tà khí là phế vệ, phế lại là phủ tạng non mỏng dễ bị xâm lấn, do đó sớm bị tổn thương và là nơi phát triển thuận lợi của trọc tà. Từ phế lao có thể tới các tạng phủ có quan hệ trực tiếp hoặc tạng phủ lân cận…

Bệnh lâu ngày dẫn đến tổn thương toàn thể gây ra khái huyết (ho ra máu), niệu huyết (đái ra máu)…

2. Biện chứng luận trị

2.1. Phế âm hư

Triệu chứng lâm sàng: Ho khan, khạc đờm, sốt, triều nhiệt, đổ mồ hôi trộm, hai gò má đỏ, họng khô, miệng ráo, người gầy sút mệt mỏi, lưỡi đỏ. Mạch tế sác.

Phương pháp điều trị: Dưỡng âm nhuận phế, hóa đàm chỉ khái.

Bài thuốc: “Nguyệt hoa thang gia giảm”

Thành phần: Thiên môn 12g, mạch môn 12g, thục địa 12g, sa sâm 12g, sinh địa 12g, bách bộ 12g, hoài sơn 16g, xuyên bối mẫu 8g, a giao 12g, tam thất 4g, phục linh 12g, bách hợp 16g.

Cách bào chế: Mạch môn bỏ lõi. Các vị trên (trừ a giao) + nước 1800ml, sắc lọc bỏ bã lấy 250ml. Cho a giao vào đun vừa tan khuấy đều.

Cách dùng: Uống ấm. Chia đều 6 phần: Ngày uống 4 lần, tối uống 2 lần.

bài thuốc hỗ trợ trị bệnh lao phổi

Thiên môn – vị thuốc hỗ trợ trị phế lao.

2.2. Phế thận âm hư

Triệu chứng lâm sàng: Sốt, triều nhiệt (sốt về chiều), ho khan hoặc ho đờm đặc có dính máu, ngũ tâm phiền nhiệt, ra mồ hôi trộm, nhức trong ống xương, lưỡi đỏ, họng khô, gầy sút, mệt mỏi. Nếu nặng ho ra máu. Mạch tế sác.

Phương pháp điều trị: Tư âm thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khái.

Bài thuốc: “Đương quy lục hoàng gia bách hợp”.

Thành phần bài thuốc gồm các vị: Đương quy 16g, sinh địa hoàng 16g, thục địa hoàng 16g, hoàng kỳ 12g, hoàng cầm 12g, hoàng liên 8g, hoàng bá 12g, bách hợp 12g.

Cách bào chế: Các vị trên thêm nước 1.700ml. Sắc lọc bỏ bã lấy 250ml.

Cách dùng: Uống ấm, chia đều 6 phần. Ngày uống 4 lần, tối uống 2 lần.

bài thuốc hỗ trợ trị bệnh lao phổi

Đương quy.

2.3. Kinh nghiệm dân gian trị bệnh lao phổi

Theo ThS. Hoàng Khánh Toàn, một số kinh nghiệm dân gian trị liệu lao phổi như sau:

Dán huyệt liệu pháp: Tỏi 10g, lưu hoàng 6g, bột nhục quế 3g, băng phiến 3g. Tỏi bóc bỏ vỏ, giã nát, trộn đều với các vị thuốc rồi đắp lên huyệt dũng tuyền cả hai bên, dùng băng cố định, cách ngày thay thuốc một lần.

Vị trí huyệt dùng tuyền: Nằm ở lòng bàn chân, tại điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn nối đầu ngón chân 2 (ngón trỏ) và điểm giữa bờ sau gót chân, trong chỗ lõm ở gan bàn chân. Chủ trị chứng khái huyết (ho ra máu) do lao phổi.

Ẩm thực liệu pháp: Lươn tươi 1 con làm sạch rồi đem kho với dầu thực vật và tương, ăn tùy thích. Dùng thích hợp cho bệnh lao phổi thuộc thể phế thận âm hư.

Xoa bóp liệu pháp: Gừng tươi và quế chi lượng vừa đủ, tán nhỏ, sao nóng rồi cho thêm một chút long não, chườm vùng ngực trước và vùng liên sống bả. Dùng cho những trường hợp lao phổi có khó thở, vã mồ hôi trộm, ho ra máu.

Tạng phủ liệu pháp: Phổi lợn 250g, bạch cập 30g. Phổi lợn lọc bỏ màng máu, rửa sạch, thái nhỏ rồi cho vào nồi hầm với bạch cập và một chút rượu vang, khi chín chế thêm gia vị ăn nóng. Dùng cho những trường hợp lao phổi có ho nhiều, khái huyết.

Trứng gà liệu pháp: Trứng gà 1 quả, bách bộ 10g, đường trắng lượng vừa đủ. Trước tiên sắc bách bộ lấy nước, đập trứng gà vào đun trong 2 phút rồi cho đường trắng vào quấy đều, ăn nóng.

Dược khí liệu pháp: Cây lang độc (còn gọi là tục tràng thảo), sơn đan hoa… 1kg, đại táo 2kg. Cho lang độc vào nồi đồng, đổ ngập nước, đặt giá hấp rồi đổ đại táo vào, hấp chừng 1 giờ là được, bỏ lang độc và nước thuốc, đựng đại táo vào lọ để trong tủ lạnh dùng dần, mỗi ngày ăn 3 lần, mỗi lần 7 quả, dùng kiên trì trong 1 tháng.

Dược hoàn liệu pháp: Mật dê tươi mới vài cái, sữa bột và đường lượng vừa đủ. Đem mật dê cô thành dạng cao đặc bằng lửa nhỏ rồi cho sữa bột và đường vào, trộn đều, chế thành những viên hoàn nặng 0,5 – 1g, sấy kỹ cho thật khô, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 2g, 3 tháng là một liệu trình.

bài thuốc hỗ trợ trị bệnh lao phổi

Lươn thích hợp cho bệnh lao phổi thuộc thể phế thận âm hư.

Dược tán liệu pháp: Ngô công lượng vừa đủ, bỏ đầu và chân, sấy khô, tán bột, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 3 con, 1 tháng là một liệu trình, khoảng cách giữa 2 liệu trình là 1 tuần.

Dược viên liệu pháp:Dã cúc hoa, bạch hoa xà thiệt thảo, lá liễu lượng bằng nhau, đem sắc thành dạng cao đặc rồi sấy khô, chế thành viên, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 7 viên, lượng thuốc uống 1 ngày tương đương với 30g dược liệu khô.

Dược nhũ liệu pháp: Hạ khô thảo 1kg đem sắc với 2500ml cô lại còn 500ml, cho thêm đường đỏ với lượng thích hợp để tạo thành dạng cao sữa, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 15ml.

Đắp thuốc liệu pháp: Ngũ linh chi 15g, bạch giới tử 15g, cam thảo 6g, tỏi giã nhuyễn 15g, phân chim bồ câu trắng 15g, xạ hương 0,3g.

Ngũ linh chi, bạch giới tử và cam thảo sấy khô tán bột, trộn đều với tỏi, phân chim và xạ hương, cho thêm một chút dấm chua rồi đắp vào các huyệt giáp tích ngang các đốt sống lưng (D1 đến D12) 1/2 thốn trong 1 đến 2 giờ, sao cho tại chỗ nóng lên là được, 7 ngày làm 1 lần. Dùng để hỗ trợ trị liệu lao phổi ho hen nhiều.

Xông tỏi liệu pháp: Tỏi 30 – 35g giã nát, cho vào nồi nhỏ, hâm nóng, lấy giấy bìa cuốn thành phễu, khoét lỗ rồi để cạnh hai lỗ mũi, hít lấy hơi thuốc trong 30 phút, mỗi ngày 2 lần.

Dược cao liệu pháp:Mật ong 120ml, nước cốt gừng tươi 120ml, nước ép cà rốt 1 bát, nước ép quả lê 1 bát, sữa mẹ 1 bát. Tất cả hòa đều, đem cô thành cao bằng lửa nhỏ, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa canh với nước ấm.

Cứu huyệt liệu pháp: Mỗi ngày dùng điếu ngải cứu ấm 2 huyệt dũng tuyền (vị trí đã nêu ở trên).

Cháo thuốc liệu pháp: Hoàng tinh 30g đem ninh với 60g gạo tẻ thành cháo, cho thêm một chút đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.

3. Một số lưu ý

Khi phát hiện phế lao cần được làm các cận lâm sàng của Y học hiện đại để có thể chẩn đoán xác định.

Hiện nay đã có thuốc kháng sinh đặc hiệu cần được chữa đúng theo phác đồ. Thuốc Đông y dùng phối hợp để nâng cao thể trạng, tăng sức chống đỡ bệnh tật, giúp cơ thể chóng phục hồi.

Nếu có biểu hiện khái huyết phải được dùng các thuốc cầm máu của y học hiện đại, cần được theo dõi và tổ chức cấp cứu tốt.

4. Phòng bệnh lao phổi

  • Ăn tăng các chất đạm, không ăn những thứ cay nóng, không ăn đu đủ, không uống bia, rượu, không ăn dưa cà muối chua.
  • Tránh gió lạnh, nên dậy sớm hướng về phía đông tập hít thở nhẹ nhàng, tăng dần. Nhà ở nên theo hướng đông tây để đón được nhiều ánh sáng mặt trời chiếu vào nhà, đảm bảo thoáng mát mùa hè, ấm mùa đông.
  • Vận động nhẹ nhàng.
  • Nghỉ ngơi, luyện tập đi bộ đều.

Bệnh lao là bệnh lây nhiễm, cần được cách ly và chữa trị kịp thời.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News