Sức Khoẻ

Bạn biết gì về bệnh mụn rộp sinh dục?

Bệnh mụn rộp sinh dục hay herpes sinh dục (STD) là bệnh do virus herpes simplex loại 1 hoặc loại 2 gây ra. Bệnh lây lan rất nhanh khi virus hoạt động. Đó cũng là lúc xuất hiện các bóng nước nhỏ hoặc vết loét gây đau ở hậu môn hoặc cơ quan sinh dục.

Hello Bacsi sẽ cung cấp cho bạn toàn bộ thông tin cơ bản liên quan đến mụn rộp sinh dục để giúp bạn biết cách phòng ngừa và điều trị căn bệnh này.

1. Bệnh mụn rộp sinh dục là gì?

bạn biết gì về bệnh mụn rộp sinh dục?

Mụn rộp sinh dục là bệnh lây qua đường tình dục do 2 loại virus gây ra. Chúng được gọi là virus mụn rộp loại 1 (HSV-1) và virus mụn rộp loại 2 (HSV-2). Biểu hiện thường gặp là nổi mụn nước nhỏ, đau hoặc các vết loét ở vùng hậu môn sinh dục.

Bệnh mụn rộp miệng liên quan thế nào với bệnh mụn rộp sinh dục?

Mụn rộp miệng do HSV-1 có thể bị lây lan từ miệng tới cơ quan sinh dục thông qua quan hệ tình dục đường miệng. Đó là lý do tại sao một số trường hợp mụn rộp sinh dục lại bắt nguồn từ HSV-1.

Đa phần những người bị mụn rộp miệng đều bị lây nhiễm khi còn nhỏ hoặc trong giai đoạn vị thành niên do hôn nhau hoặc tiếp xúc với dịch tiết có chứa virus như nước bọt, dịch từ tổn thương.

2. Bệnh mụn rộp sinh dục lây lan thế nào?

Bạn có thể bị nhiễm mụn rộp khi quan hệ tình dục qua đường miệng, âm đạo hoặc hậu môn với người bị bệnh. Nếu không bị mụn rộp, bạn có thể bị nhiễm nếu tiếp xúc với virus mụn rộp có trong:

– Vết lở mụn rộp.

– Nước bọt (nếu bạn tình của bạn bị nhiễm mụn rộp miệng) hoặc tinh dịch (nếu bạn tình của bạn bị nhiễm mụn rộp sinh dục).

– Da ở vùng miệng nếu bạn tình của bạn bị nhiễm mụn rộp miệng hoặc da ở vùng sinh dục nếu bạn tình của bạn bị nhiễm mụn rộp sinh dục.

Bạn có thể bị mụn rộp từ bạn tình ngay cả khi các mụn rộp của họ chưa xuất hiện ra ngoài hoặc khi họ bị mắc nhưng lại không biết. Bạn cũng có thể bị mụn rộp sinh dục nếu quan hệ tình dục bằng miệng từ bạn tình bị mụn rộp ở miệng.

Bạn sẽ không bị mụn rộp từ bệ bồn cầu, drap giường, bể bơi hay từ việc chạm vào các đồ vật xung quanh như đồ đạc, xà phòng hoặc khăn tắm. Nếu bạn còn có thắc mắc nào khác về cách thức lây lan của mụn rộp, hãy trao đổi những quan ngại của bạn với người có chuyên môn y khoa.

3. Phòng ngừa bệnh mụn rộp sinh dục như thế nào?

bạn biết gì về bệnh mụn rộp sinh dục?

Nếu bạn không có quan hệ tình dục đường âm đạo, đường hậu môn và cả đường miệng thì bạn không mắc bệnh lây qua đường tình dục.

Nếu có quan hệ tình dục, bạn hãy làm theo các hướng dẫn sau đây để giảm nguy cơ mắc mụn rộp sinh dục:

– Duy trì mối quan hệ một vợ một chồng lâu dài từ cả hai phía với bạn tình không bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục (STD), ví dụ người đã được xét nghiệm và có kết quả kiểm tra âm tính với STD.

– Dùng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục.

Bạn lưu ý rằng bao cao su không thể che hết được tất cả vùng lở mụn rộp. Ngoài ra, các virus mụn rộp có thể bắt nguồn từ các vùng da bị lở mụn rộp nhưng không nhìn thấy. Do đó, bao cao su có thể sẽ không bảo vệ triệt để được bạn khỏi bị mụn rộp.

Nếu có quan hệ với người bị mụn rộp sinh dục, bạn có thể giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh mụn rộp nếu:

– Bạn tình của bạn uống thuốc chống mụn rộp hàng ngày. Bạn tình của bạn phải trao đổi với bác sĩ về việc này.

– Tránh quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn hoặc miệng khi bạn tình của bạn có các triệu chứng của mụn rộp (tức là khi bệnh bộc phát ở bạn tình của bạn).

4. Phụ nữ mang thai bị bệnh mụn rộp sinh dục cần lưu ý những gì?

Nếu bạn đang mang thai và bị mụn rộp sinh dục thì càng cần phải được chăm sóc tiền sản. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn từng có triệu chứng hoặc bị chẩn đoán mắc bệnh mụn rộp sinh dục. Ngoài ra, cũng cần phải báo cho bác sĩ nếu bạn từng bị phơi nhiễm với mụn rộp sinh dục. Đã có nghiên cứu cho thấy mụn rộp sinh dục có thể làm sẩy thai hoặc khiến cho bạn sinh non.

Mụn rộp có thể lây truyền từ bạn sang thai nhi trước khi sinh nhưng thường là sẽ lây truyền sang con trong lúc sinh nở. Từ đó rất dễ gây tử vong ở trẻ (còn được gọi là mụn rộp sơ sinh). Điều quan trọng là phải tránh để bị nhiễm mụn rộp trong thai kỳ.

Nếu đang mang thai và bị mụn rộp sinh dục, bạn có thể dùng thuốc kháng virus cho đến cuối thai kỳ. Thuốc này có thể làm giảm nguy cơ bị các dấu hiệu hoặc triệu chứng của mụn rộp sinh dục tại thời điểm sinh. Lúc đó, bác sĩ phải khám cẩn thận xem bạn còn bị mụn rộp hoặc vết lở không. Nếu phát hiện sản phụ bị mụn rộp lúc lâm bồn thì bác sĩ thường áp dụng cách sinh mổ cho sản phụ.

5. Dấu hiệu nhận biết bệnh mụn rộp sinh dục nam và bệnh mụn rộp sinh dục nữ

Hầu hết những người bị mụn rộp sinh dục đều không có triệu chứng hoặc nếu có thì cũng rất nhẹ. Bạn có thể không nhận thấy các triệu chứng nhẹ hoặc lầm lẫn với tình trạng khác ở da, chẳng hạn như mụn nhọt hay lông quặm. Do đó, hầu hết những người nhiễm mụn rộp đều không biết mình bị bệnh.

Loét mụn rộp thường xuất hiện dưới dạng một hay nhiều mụn rộp ở trên hoặc xung quanh bộ phận sinh dục, trực tràng, miệng. Mụn rộp vỡ ra, để lại những vết lở loét đau đớn và có thể mất hàng tuần sau đó mới lành hẳn. Đôi khi các triệu chứng này được gọi là “tình trạng bộc phát”. Trong lần bộc phát đầu tiên, bệnh nhân cũng có thể có những triệu chứng giống cảm cúm như sốt, đau nhức cơ thể hoặc sưng hạch.

Những người bị bộc phát mụn rộp lần đầu có thể bị bộc phát trở lại, đặc biệt là khi bị nhiễm HSV-2. Những lần bộc phát lặp lại thường ngắn hơn và ít trầm trọng hơn so với lần đầu. Bệnh có thể tiềm ẩn trong cơ thể bạn trong suốt phần đời còn lại nhưng số lần bộc phát có xu hướng giảm dần theo thời gian.

Bạn phải đi khám bác sĩ nếu nhận thấy có bất kỳ triệu chứng nào giống mụn rộp sinh dục trên cơ thể bạn hoặc bạn tình. Các triệu chứng bệnh lây qua đường tình dục có thể là đau bất thường, tiết dịch âm đạo có mùi hôi, rát khi tiểu tiện hoặc (ở nữ giới) ra máu khi chưa đến kỳ kinh.

6. Khám và làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh mụn rộp sinh dục

bạn biết gì về bệnh mụn rộp sinh dục?

Bác sĩ chỉ cần xem xét triệu chứng là có thể chẩn đoán được bệnh mụn rộp sinh dục. Họ cũng có thể lấy mẫu từ các mụn lở để xét nghiệm. Trong các trường hợp cụ thể, bạn có thể được xét nghiệm máu để tìm các kháng thể mụn rộp. Hãy nói chuyện cởi mở và trung thực với bác sĩ và hỏi xem bạn có nên đi xét nghiệm mụn rộp hoặc các STD khác không.

Lưu ý: Xét nghiệm máu có thể xác định bạn có bị nhiễm mụn rộp hay không. Mặc dù vậy, xét nghiệm không thể cho biết bạn bị lây nhiễm từ ai hay bạn đã bị nhiễm bao lâu.

7. Có thể chữa khỏi bệnh mụn rộp sinh dục không?

Không có cách chữa khỏi mụn rộp nhưng vẫn có thuốc phòng ngừa hoặc rút ngắn thời gian bộc phát. Bạn có thể dùng một trong những thuốc trị mụn rộp này hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế khả năng lây truyền bệnh sang bạn tình.

8. Nếu tôi không điều trị, bệnh mụn rộp sinh dục có gây nguy hiểm không?

Nếu không được điều trị đúng cách, mụn rộp có thể gây ra nhiều vết lở rất đau ở cơ quan sinh dục. Tình trạng này có thể trầm trọng hơn ở những người có hệ miễn dịch yếu.

Bạn không được tự ý chạm vào chỗ lở hay chất dịch để khỏi lây lan mụn rộp sang những bộ phận khác của cơ thể như mắt, mũi… Nếu lỡ chạm vào vết lở loét hoặc chất dịch thì hãy lập tức rửa tay thật kỹ để khỏi bị lây bệnh.

Nếu bạn đang mang thai thì bản thân bạn và thai nhi hoặc bé sơ sinh có thể sẽ bị ảnh hưởng. Bạn có thể xem lại phần thông tin “Phụ nữ mang thai bị mụn rộp sinh dục cần lưu ý những gì?” ở phía trên.

9. Bị bệnh mụn rộp sinh dục có nên quan hệ không?

bạn biết gì về bệnh mụn rộp sinh dục?

Nếu bạn bị mụn rộp sinh dục, hãy báo cho bạn tình được biết cũng như nguy cơ kèm theo. Sử dụng bao cao su có thể giúp giảm bớt những nguy cơ này nhưng không hoàn toàn loại bỏ được rủi ro. Bị lở loét hay những triệu chứng mụn rộp khác có thể làm tăng nguy cơ lây lan bệnh. Ngay cả khi bạn không có bất cứ triệu chứng nào thì vẫn có thể lây bệnh cho bạn tình.

Nếu bạn lo ngại mụn rộp sinh dục gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống tình dục và các mối quan hệ của mình, hãy chia sẻ với bác sĩ về những mối bận tâm đó để cùng thống nhất sử dụng loại thuốc hoặc phương pháp khống chế bệnh.

Liệu pháp ức chế hàng ngày (tức là dùng thuốc chống virus hàng ngày) cũng có thể giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm mụn rộp sinh dục cho bạn tình. Kết quả chẩn đoán mụn rộp sinh dục có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bạn khi chung sống với bạn tình nhưng điều quan trọng là bạn phải có kiến thức về bệnh và hiểu cách bàn luận với bạn tình về căn bệnh này.

10. Có mối liên quan gì giữa bệnh mụn rộp sinh dục và HIV?

Mụn rộp sinh dục có thể gây ra lở loét, vết thương hở trên da hoặc niêm mạc miệng, âm đạo và trực tràng. Đó chính là con đường lây nhiễm HIV vào cơ thể. Cho dù không nhìn thấy các mụn lở, mụn rộp sinh dục cũng làm tăng lượng tế bào CD4 (là các tế bào mục tiêu của virus HIV khi xâm nhập vào cơ thể) có trên lớp niêm mạc của cơ quan sinh dục. Khi một người bị nhiễm HIV và bị cả mụn rộp sinh dục, họ càng có nguy cơ cao làm lây nhiễm HIV sang bạn tình không bị HIV khi quan hệ tình dục qua đường miệng, âm đạo hoặc trực tràng.

11. Cách điều trị bệnh mụn rộp sinh dục tại nhà

Hầu hết mụn rộp sinh dục sẽ tự khỏi, bạn có thể áp dụng các cách sau để thoải mái hơn trong khi chờ đợi mụn rộp biến mất:

  • Sử dụng acetaminophen, ibuprofen để giảm đau nếu cần.
  • Nghỉ ngơi, dùng thêm vitamin C, kẽm giúp tăng cường hệ miễn dịch.
  • Dùng đồ lót bằng sợi cotton sẽ giúp thấm hút dịch viêm.
  • Tắm bằng nước ấm và lau khô, giữ vùng mụn rộp khô thoáng.
  • Tránh động chạm vào vùng bị mụn rộp cho đến khi khỏi hẳn.

Kiều Tuấn Anh / HELLO BACSI

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News