Sức Khoẻ

Bệnh giang mai có ngứa không? Làm thế nào để phòng ngừa lây nhiễm?

Dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh giang mai là phát ban ở một phần cơ thể và dần lan rộng ra nhiều bộ phận khác. Do đó, khá nhiều người thắc mắc là bệnh giang mai có ngứa không?

Bệnh giang mai là một dạng nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Nếu chưa biết nhiều về căn bệnh này, mời bạn hãy cùng Hello Bacsi đi tìm câu trả lời qua bài viết bên dưới nhé.

1. Bệnh giang mai có ngứa không?

Phát ban trên da là triệu chứng đánh dấu bệnh giang mai đã tiến triển đến giai đoạn thứ cấp (giai đoạn 2). Các nốt phát ban sẽ xuất hiện dưới dạng những nốt sần sùi, màu đỏ, nâu đỏ trên thân người, lòng bàn tay, lòng bàn chân, kèm theo mụn ở xung quanh bộ phận sinh dục, miệng, hậu môn.

Tuy nhiên, dù ở hình dạng nào thì các nốt ban này đều không gây ngứa hay đau rát. Thế nên đôi khi bị nhầm lẫn nổi ban ngứa do nhiều bệnh lý khác gây ra. Cũng vì thế mà triệu chứng phát ban liên quan đến giai đoạn thứ phát của giang mai thường mờ nhạt và không được chú ý.

2. Triệu chứng điển hình của bệnh giang mai

Các triệu chứng của bệnh giang mai phụ thuộc vào từng giai đoạn nhiễm bệnh. Sau đây là các triệu chứng điển hình của bệnh giang mai:

Giai đoạn thứ nhất

Đây là giai đoạn bắt đầu nhiễm bệnh, một hoặc nhiều vết loét hở (còn gọi là săng) sẽ xuất hiện tại vị trí mà xoắn khuẩn giang mai xâm nhập vào cơ thể hoặc ở một số vị trí khó nhận thấy như âm đạo hay hậu môn.

Các vết loét thường kéo dài khoảng 3 đến 6 tuần và sau đó tự biến mất dù không được điều trị. Tuy nhiên, hãy lưu ý 2 vấn đề sau:

  • Các vết loét giang mai rất dễ lây truyền bệnh cho người khác khi quan hệ tình dục trong giai đoạn này.
  • Người bệnh vẫn bị giang mai và cần được điều trị ngay cả khi các vết loét đã biến mất.

Giai đoạn thứ hai

bệnh giang mai có ngứa không? làm thế nào để phòng ngừa lây nhiễm?

Trong vòng 6 tháng kể từ khi các săng biến mất, nếu không được điều trị dứt điểm, giai đoạn thứ cấp của giang mai sẽ bùng phát và xuất hiện các triệu chứng như:

  • Phát ban tại nhiều điểm trên da, thường là lòng bàn tay và lòng bàn chân.
  • Vết loét ở những khu vực ẩm ướt như bộ phận sinh dục, bên trong miệng, trong cổ họng hoặc hậu môn
  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Viêm họng
  • Rụng tóc hoặc sụt cân
  • Sưng hạch bạch huyết.

Nếu bệnh lây lan đến hệ thần kinh thì một số triệu chứng khác sẽ xuất hiện, bao gồm:

  • Cứng cổ
  • Nhức đầu
  • Mất thính lực
  • Các vấn đề về sự phản xạ
  • Tê liệt.

Giai đoạn tiềm ẩn

Giai đoạn thứ cấp chỉ kéo dài vài tuần đến vài tháng và người bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn tiềm ẩn, nếu không được điều trị tận gốc. Trong giai đoạn này, người bệnh sẽ không có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào.

Giai đoạn tiềm ẩn có thể theo người bệnh đến suốt đời hoặc ở một số người sẽ tái phát và chuyển qua giai đoạn thứ cấp một lần nữa. Người bị bệnh giang mai có thể trải qua hai hoặc nhiều lần giai đoạn thứ cấp và mỗi lần giai đoạn thứ cấp kết thúc sẽ trở lại giai đoạn tiềm ẩn.

Giai đoạn thứ ba

Đây là giai đoạn “phá hủy” vì xoắn khuẩn giang mai có thể tàn phá nhiều cơ quan trong cơ thể, cụ thể như:

  • Gummas – những vết loét có thể phát triển sâu và ăn mòn nhiều khu vực như da, phổi, gan hoặc xương
  • Giang mai tim mạch có thể tấn công tim và mạch máu
  • Giang mai thần kinh tấn công các dây thần kinh, tủy sống và não, dẫn đến nhiều biểu hiện như ù tai, mất thính giác, mù lòa, sa sút trí tuệ hay thậm chí là đột quỵ và tử vong.

3. Phòng tránh bệnh giang mai như thế nào?

bệnh giang mai có ngứa không? làm thế nào để phòng ngừa lây nhiễm?

Bệnh giang mai rất nguy hiểm và dễ lây lan khi quan hệ tình dục, nhưng hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh. Sau đây là một số biện pháp phòng tránh bệnh giang mai:

Phòng ngừa bệnh giang mai:

  • Tuân thủ việc quan hệ tình dục lành mạnh với duy nhất một bạn tình trong cùng một khoảng thời gian, trong đó cả hai người đều không bị nhiễm bệnh.
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Không sử dụng chung đồ chơi tình dục và vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng.
  • Thường xuyên khám sức khỏe để được kiểm tra bệnh giang mai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, đặc biệt là khi thay đổi bạn tình.
  • Tránh các chất kích thích: Việc lạm dụng rượu hoặc các loại thuốc kích thích khác có thể ngăn cản khả năng phán đoán và dẫn đến các hành vi tình dục không an toàn.

Phòng ngừa lây nhiễm cho bạn tình khi bị giang mai

Cách tốt nhất để phòng ngừa lây nhiễm là không quan hệ tình dục trong thời gian điều trị bệnh giang mai và yêu cầu bạn tình đi kiểm tra bệnh giang mai để được điều trị kịp thời nếu nhiễm bệnh. Tiếp đến, hãy thực hiện một số nguyên tắc bên dưới nếu quan hệ tình dục trở lại sau khi kết thúc điều trị:

  • Chỉ quan hệ tình dục khi kết thúc điều trị 14 ngày.
  • Không để bạn tình tiếp xúc với vùng đã từng nhiễm bệnh, luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục dù là quan hệ bằng miệng, bằng hậu môn hay bằng âm đạo.
  • Không dùng chung đồ chơi tình dục.
  • Rửa tay bằng xà phòng sau khi chạm vào vùng từng bị nhiễm bệnh.

Đọc đến đây hẳn bạn đã có câu trả lời cho thắc mắc “Bệnh giang mai có ngứa không”. Mặc dù các vết loét của bệnh giang mai không gây ngứa và rất khó phát hiện, nhưng lại trở thành nguồn lây nhiễm vi khuẩn cho người khác. Vậy nên, hãy luôn thực hiện tốt các nguyên tắc trên để bảo vệ sức khỏe tình dục cho cả chính mình và bạn tình nhé.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News