Răng Miệng

Cách chữa nhiệt miệng lâu ngày không khỏi: Hiểu rõ nguyên nhân để điều trị hiệu quả

Nhiệt miệng lâu ngày không khỏi là nỗi ám ảnh của nhiều người. Dù đã áp dụng những kinh nghiệm được lưu truyền rộng rãi nhưng vì sao tình trạng này vẫn không cải thiện? Giải pháp hiệu quả để trị nhiệt miệng là gì?

Nhiệt miệng (hay loét áp tơ) là những vết loét nông, rộng vài milimet, thường xuất hiện trên bề mặt niêm mạc miệng hoặc rìa lưỡi. Nhiệt miệng không nguy hiểm, nhưng gây nhiều đau rát, khó chịu cho người bệnh khi nói chuyện, ăn uống, ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt và công việc.

Nguyên nhân bị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi

Là loại vết loét lành tính, thời gian 7 – 10 ngày được coi là giới hạn tiêu chuẩn cho những nốt nhiệt miệng cỡ nhỏ hay vừa thường tự lành lặn và biến mất. Mặc dù vậy, khi bị nhiệt miệng ai cũng tìm nhiều cách chăm sóc để chúng lành lặn càng sớm càng tốt. Vì gặp phải tình trạng nhiệt miệng lâu ngày không khỏi thì sẽ vô cùng khó chịu.

Thế nhưng những kinh nghiệm dân gian không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả là vì đâu? Hầu hết mọi người vẫn cho rằng nhiệt miệng là do nóng trong. Vì vậy, để chữa nhiệt miệng, chỉ cần tiêu thụ các loại thực phẩm có tính chất thanh nhiệt, giải độc hoặc bôi nước cốt một số thảo dược lên nốt nhiệt miệng là được. Thực tế là hiện nay, y học đã ghi nhận có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra nhiệt miệng.

Xác định đúng nguyên nhân giúp bạn kiểm soát nhiệt miệng lâu ngày không khỏi tốt hơn

Các nguyên nhân phổ biến gây ra nhiệt miệng theo y học hiện nay bao gồm:

  • Thiếu chất: vitamin B12, axit folic, kẽm, sắt và hiếm khi là vitamin C, A, protein…
  • Natri lauryl sulfate: chất hoạt động bề mặt trong một số kem đánh răng, nước súc miệng có khả năng kích ứng niêm mạc
  • Dị ứng với vi khuẩn khoang miệng: cơ thể bỗng phản ứng với một số vi khuẩn vốn chung sống hòa bình trong khoang miệng
  • Biến động hormone theo chu kỳ kinh nguyệt và thai kỳ
  • Lo âu, căng thẳng
  • Nhạy cảm với thực phẩm: Tùy vào cơ địa mỗi người mà bạn có thể nhạy cảm với các thức uống hay đồ ăn như caffeine, rượu bia, cacao (có trong socola), phô mai, hạt, trái cây nhiều axit như cam, thơm, xoài, dâu, cà chua…
  • Tổn thương niêm mạc: nhiệt miệng có thể phát sinh từ tổn thương khi đánh răng do dùng bàn chải không phù hợp, do dụng cụ niềng răng có góc cạnh, răng bị mẻ hay da va chạm…

Việc không kịp thời nhận diện vì sao mình bị nhiệt miệng, dẫn đến điều trị sai cách là nguyên nhân chủ yếu gây nhiệt miệng lâu ngày không khỏi. Nốt nhiệt miệng không lành mà cứ lớn thêm ra, càng ngày càng đau hơn.

Nhiệt miệng lâu ngày không khỏi có nguy hiểm không?

cách chữa nhiệt miệng lâu ngày không khỏi: hiểu rõ nguyên nhân để điều trị hiệu quả

Về bản chất nhiệt miệng không gây nguy hiểm, tuy nhiên nhiệt miệng lâu ngày không khỏi chắc chắn gây nhiều phiền toái cho cá nhân người bị như:

  • Vết loét ngày càng lan rộng, rất đau, gần như không thể ăn uống, nói chuyện hay tập trung làm việc được
  • Không thể vệ sinh răng miệng đầy đủ dẫn đến hôi miệng, viêm nướu, sâu răng
  • Vết loét quá rộng nên khó lành nếu không uống và bôi thuốc
  • Đặc biệt nguy hiểm, vết loét rộng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng cho cơ thể với các triệu chứng sưng hạch ở cổ, sốt, đau mỏi cơ…

Lo lắng khi bị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi, một số người tìm đến các loại thuốc kháng viêm, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh là nguyên nhân khiến tình trạng nhiễm khuẩn trở nên mất kiểm soát và khó điều trị.

Nhiệt miệng lâu ngày không khỏi có phải là ung thư miệng?

Bị nhiệt miệng kéo dài lâu ngày không khỏi có thể làm cho nhiều người lo ngại liệu mình có bị ung thư miệng. Trong hầu hết trường hợp, bạn có thể phân biệt những nốt nhiệt miệng kéo dài trong 2 tuần với ung thư miệng dựa vào những dấu hiệu sau:

  • Nhiệt miệng là vết loét lõm xuống có bề mặt tương đối phẳng, đồng đều về màu sắc, trắng hoặc hồng. Trong khi đó, ung thư với bản chất là tế bào tăng sinh mất kiểm soát, thường có bề mặt không đồng nhất, lồi lõm, không theo một kiểu mẫu nào, màu sắc có thể hồng, trắng hoặc đỏ.
  • Nhiệt miệng khi mới xuất hiện thường có dạng tròn. Nhiều nốt nhiệt miệng lâu ngày không khỏi nằm gần nhau có thể sáp nhập tạo ra hình dạng bất định. Trái lại ung thư miệng thường có hình dạng bất định ngay từ đầu.
  • Trong khi nhiệt miệng gây đau rát khó chịu từ khi mới được 1 – 2 mm thì ung thư có thể đau hoặc không đau tùy loại.

Tìm hiểu thêm Dấu hiệu ung thư miệng: Khi nào cảnh báo nguy hiểm?

Biện pháp giúp khắc phục, phòng ngừa nhiệt miệng lâu ngày không khỏi như thế nào?

Bạn có thể áp dụng những biện pháp sau đây khi mới chớm bị, tránh để dẫn đến tình trạng nhiệt miệng lâu ngày không khỏi gây nhiều bất tiện cho đời sống hằng ngày.

Trị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi với baking soda hoặc muối

cách chữa nhiệt miệng lâu ngày không khỏi: hiểu rõ nguyên nhân để điều trị hiệu quả

Baking soda có tính kiềm, giúp khôi phục độ cân bằng pH cho khoang miệng và kháng viêm, nhờ đó giúp thu hẹp vết loét do nhiệt miệng.

Bạn có thể hòa một nhúm bột baking soda vào một ít nước để tạo thành dạng keo sệt rồi chấm lên nốt nhiệt miệng. Để ít đau rát hơn, có thể hòa tan 1 muỗng cà phê bột baking soda với 120 ml nước ấm để súc miệng. Áp dụng 3 – 4 lần/ngày.

Súc miệng với nước muối loãng 2 – 3 lần/ngày cũng cho tác dụng kháng khuẩn tốt khi bị nhiệt miệng.

Trị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi với oxy già

Oxy già (hydrogen peroxide) là một loại thuốc sát khuẩn rất phổ biến, có thể được sử dụng để giảm kích ứng niêm mạc miệng trong trường hợp nhiệt miệng, loét lạnh, viêm nướu…

Để ngăn ngừa hoặc điều trị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi, bạn hòa tan theo tỉ lệ 1:1 dung dịch oxy già 3% với nước sạch và dùng tăm bông chấm dung dịch lên nốt nhiệt miệng 2 – 3 lần/ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể hòa loãng oxy già trong nước lọc để súc miệng nhiều lần trong ngày.

Các loại thuốc không kê đơn điều trị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi

cách chữa nhiệt miệng lâu ngày không khỏi: hiểu rõ nguyên nhân để điều trị hiệu quả

Các loại thuốc bôi dạng mỡ, kem, gel không kê đơn thường chứa chất giảm đau lidocaine giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra corticoid có thể được sử dụng để kháng viêm, nhờ đó giảm đau và tạo điều kiện cho niêm mạc hồi phục. Ngược lại, giảm đau kháng viêm nhưng không chứa steroid cũng có nhiều loại, thường dùng diclofenac.

Ngoài thành phần chính, thuốc bôi trị nhiệt miệng có thể chứa thêm hoạt chất kháng khuẩn và nuôi dưỡng niêm mạc, tạo thành một lớp màng ngăn cách để niêm mạc có điều kiện phục hồi tốt hơn.

Lưu ý: phụ nữ có thai và cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc để trị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi.

Ngăn ngừa và điều trị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi qua chế độ ăn

Một chế độ ăn uống lành mạnh là cách hữu hiệu để ngăn ngừa nhiệt miệng từ bên trong. Thực tế là những người ăn đầy đủ, cân bằng và đa dạng nhiều loại thức ăn từ thịt cá đến rau củ, trái cây thường ít bị nhiệt miệng hơn. Nguyên nhân là vì chế độ ăn đa dạng giúp họ giảm bớt nguy cơ thiếu hụt một số chất dinh dưỡng.

Ngoài ra, khi bị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi hoặc lặp đi lặp lại, bạn cũng nên chú ý xem có phải một loại thực phẩm nào đó đã gây ra sự nhạy cảm này để phòng tránh hoặc hạn chế, như cà phê, bia rượu, đồ ăn chua… Bạn cũng nên tránh ăn đồ cay nóng trong khi bị nhiệt miệng.

Không phải vô cớ mà bạn cũng được khuyên uống các loại nước thanh nhiệt như bột sắn dây, trà bí đao, nước rau má… Một phần lý do những thảo dược này có tác dụng chữa nhiệt miệng là nhờ chúng giúp cấp nước, một số chất dinh dưỡng và các hoạt chất kháng viêm… có ích cho cơ thể. Tuy nhiên chỉ tập trung vào đồ uống thanh nhiệt đôi khi là không đủ như đã nói trên.

Điều chỉnh lối sống để phòng ngừa và điều trị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi

cách chữa nhiệt miệng lâu ngày không khỏi: hiểu rõ nguyên nhân để điều trị hiệu quả

Nếu gặp phải vấn đề chưa thể giải quyết trong cuộc sống, bạn cần học cách thư giãn, kết hợp điều độ giữa làm việc, nghỉ ngơi và rèn luyện thể chất. Khi không để cho những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến công việc và sức khỏe, bạn có thể nhận thấy tình trạng nhiệt miệng lâu ngày không khỏi hoặc xuất hiện thường xuyên sẽ được cải thiện đáng kể đấy.

Nhiệt miệng lâu ngày không khỏi – khi nào cần gặp bác sĩ

Đôi khi nguyên nhân gây nhiệt miệng có thể nằm ở những vấn đề bạn không tự khắc phục được như:

  • Dụng cụ chỉnh nha cần điều chỉnh
  • Cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thu – trao đổi chất, gây thiếu hụt một hoặc một số chất dinh dưỡng
  • Bệnh lý mà nhiệt miệng chỉ là một biểu hiện, chẳng hạn trào ngược dạ dày thực quản, bệnh Crohn, suy giảm miễn dịch do virus…

Vì vậy, khi đã áp dụng những biện pháp để tự cải thiện mà vẫn gặp tình trạng nhiệt miệng lâu ngày không khỏi hoặc nhiệt miệng tái đi tái lại liên tục, bạn nên gặp bác sĩ để được hỗ trợ. Bạn cũng cần đến sự trợ giúp của bác sĩ nếu:

  • Vết loét quá lớn, kích thước trên 2 cm
  • Nhiệt miệng kéo dài từ 2 tuần
  • Có biểu hiện nhiễm trùng như sốt, cứng hàm, sưng hạch bạch huyết…

Mong rằng, với những thông tin về nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng nhiệt miệng lâu ngày không khỏi mà Hello Bacsi đề cập trên đây, bạn đọc sẽ tìm được những gợi ý hữu ích trong việc phòng ngừa và cải thiện những vết loét khó chịu thường gặp này.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News