Cơ Xương Khớp

Căng cơ

Tình trạng cơ bắp bị giãn quá mức dẫn đến căng cứng không chỉ xảy ra ở vận động viên. Thực tế, tất cả mọi người đều có khả năng gặp phải vấn đề này ít nhất một lần trong đời. Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết bị căng cơ chân nên làm gì.

Vậy căng cơ là gì và phải làm thế nào khi bị căng cơ? Đọc ngay bài viết sau để hiểu thêm về vấn đề sức khỏe này và bỏ túi ngay các cách trị căng cơ đơn giản mà hiệu quả.

Tìm hiểu chung

Căng cơ là gì?

Tình trạng cơ bắp bị kéo giãn quá mức hoặc rách gọi là căng cơ. Bị giãn cơ có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là các tình trạng căng cơ đùi, căng cơ bắp chân, cổ, tay và vai. Một số người còn gặp tình trạng đau đầu căng cơ.

Những chấn thương cơ bắp nhẹ có thể làm các sợi cơ hoặc phần gân gắn kết cơ và xương căng quá mức. Trong khi đó, một số chấn thương nặng hơn lại có khả năng làm rách một phần hoặc hoàn toàn các bộ phận này. Rách cơ ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ, dẫn đến chảy máu cục bộ hoặc bầm tím và đau tại chỗ tổn thương.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng căng cơ là gì?

Các triệu chứng căng cơ thường bao gồm:

  • Đau khi sử dụng cơ bắp bị tổn thương hoặc khớp liên quan đến các cơ đó
  • Gân và cơ bị yếu
  • Gặp khó khăn khi vận động
  • Hạn chế khả năng di chuyển nếu bị căng cơ chân (căng cơ đùi hoặc bắp chân).

Trường hợp căng cơ nhẹ, mặc dù cơ bị rách và thiếu linh hoạt, bạn vẫn có thể sử dụng các phần cơ này. Trong các trường hợp nặng hơn, cơ bị rách nghiêm trọng gây đau đớn và hạn chế hầu hết các cử động bình thường.

căng cơ

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn cần đến bác sĩ càng sớm càng tốt nếu tình trạng bị giãn cơ kéo dài nhiều ngày và không có dấu hiệu cải thiện kể cả khi bạn đã áp dụng các biện pháp sơ cứu tại nhà.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây căng cơ là gì?

Tình trạng bị giãn cơ quá mức có thể xảy ra do một số nguyên nhân như:

  • Không khởi động cơ bắp cẩn thận trước khi bắt đầu hoạt động thể chất
  • Cơ bắp thiếu độ mềm dẻo, linh hoạt
  • Sử dụng cơ bắp quá mức hoặc sai cách, đặc biệt khi vận động và nâng vật nặng

Thực tế, nguyên nhân bị căng cơ còn có thể đến từ nhiều vấn đề khác chứ không chỉ là do tập luyện với cường độ cao, chẳng hạn như:

  • Căng cơ bắp chân hay căng cơ đùi do mất thăng bằng hoặc trượt ngã khi chạy nhảy
  • Bạn có thể bị căng cơ cổ, vai và thắt lưng khi thực hiện động tác ném hoặc nhấc vật nặng trong tư thế không thoải mái

Mặt khác, thời tiết lạnh có thể khiến các cơ bắp bị co cứng, dẫn đến tình trạng căng cơ cấp tính.

căng cơ

Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế được dùng để chẩn đoán căng cơ là gì?

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra những vị trí bị sưng và đau trên cơ thể bạn. Vị trí và cường độ của các cơn đau có thể giúp bác sĩ xác định mức độ và tính chất của tổn thương.

Trong trường hợp chấn thương nghiêm trọng, khi cơ và gân bị đứt hoàn toàn, bác sĩ có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy tình trạng này ở vùng bị tổn thương. Siêu âm sẽ giúp bác sĩ phân biệt tình trạng căng cơ với một số loại chấn thương mô mềm khác.

Những phương pháp điều trị căng cơ

Bị căng cơ làm sao hết? Phần lớn trường hợp, mọi người có thể tự khỏi bằng các cách trị căng cơ chân tại nhà.

Sưng hoặc chảy máu cục bộ ở cơ bắp (do mạch máu bị rách) nên điều trị sớm bằng cách chườm đá và cố định cơ bắp bị giãn quá mức ở vị trí thoải mái. Bạn chỉ chườm nóng khi chấn thương đã được cải thiện hoặc ít nghiêm trọng. Chườm nóng quá sớm có thể làm tình trạng sưng và đau nặng hơn.

Một số bác sĩ khuyên bạn nên tránh dùng một số thuốc giảm đau không kê đơn như aspirin trong 48 tiếng đầu tiên sau khi bị căng cơ vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Paracetamol có thể giúp giảm đau trong thời gian này.

Chân bị căng cơ phải làm sao? Bạn nên thực hiện theo các cách chữa căn cơ dưới đây. Trước tiên, hãy cởi bỏ quần áo và đồ trang sức khỏi vùng bị tổn thương. Tiếp theo, bạn hãy:

  • Bảo vệ cơ bắp đang bị co kéo để chúng không tổn thương nặng hơn.
  • Nghỉ ngơi: Tránh sử dụng những cơ bắp bị tổn thương trong một vài ngày. Tuy nhiên, bạn đừng hạn chế tất cả các hoạt động thể chất. Hãy bắt đầu vận động nhẹ nhàng sau khi đã cảm thấy đỡ hơn.
  • Chườm đá: Bạn nên chườm đá ngay sau khi bị căng cơ để giảm sưng. Hãy sử dụng túi chườm hoặc ngâm nước đá từ 15 – 20 phút mỗi lần và lặp lại sau mỗi 2- 3 giờ trong vài ngày đầu tiên.
  • Băng bó: Quấn băng đàn hồi xung quanh vùng tổn thương có thể giúp giảm sưng. Lưu ý không quấn quá chặt vì có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu.
  • Nếu có thể, bạn hãy giữ cho phần cơ bắp bị tổn thương cao hơn tim.

Lưu ý: Khi chườm nóng hay chườm lạnh, bạn không nên đặt túi chườm trực tiếp lên da mà hãy đặt một lớp vải hoặc khăn giữa nguồn nhiệt hoặc đá lạnh với da để không làm bỏng da.

căng cơ

Bị căng cơ chân làm sao hết? Bạn cần tránh tham gia vào các hoạt động làm tăng cơn đau liên quan đến phần cơ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn như, nếu bị căng cơ bắp chân hoặc căng cơ đùi, bạn nên tạm ngưng các bài tập như chạy bộ, đạp xe… một thời gian.

Phòng ngừa

Những biện pháp giúp bạn phòng ngừa và hạn chế diễn tiến của căng cơ?

Một số thói quen sinh hoạt hàng ngày như sau có thể giúp bạn phòng ngừa và cải thiện tình trạng bị giãn cơ quá mức. Chúng bao gồm:

  • Tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sự linh hoạt của các cơ
  • Khởi động trước khi tập thể dục và làm nguội bằng các bài tập giãn cơ sau đó
  • Không ngồi ở một vị trí quá lâu
  • Giữ đúng tư thế khi đứng và ngồi để tránh căng cơ lưng, bắp chân và cổ
  • Nhấc đồ vật một cách cẩn thận
  • Mang giày thoải mái

Nếu được điều trị thích hợp, hầu hết mọi người đều có thể hồi phục hoàn toàn nhanh chóng. Các trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ cần được bác sĩ can thiệp để có kết quả phục hồi tốt nhất mà không để lại tác dụng phụ.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News