Khỏe - Đẹp

Cháy nắng và cách xử trí

Từ đầu tháng 6 đến nay, liên tiếp các đợt nắng nóng mạnh báo hiệu một mùa hè dữ dội. Nắng dữ kèm theo đó là cường độ tia cực tím cao tới mức nguy hiểm. Cháy nắng là tổn thương trên da, xuất hiện trong vòng vài giờ sau khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và phải mất từ vài ngày đến vài tuần để giảm bớt.

Vì sao bị cháy nắng?

Cháy nắng xảy ra do tiếp xúc với tia cực tím (UV) quá nhiều. Tia cực tím có  bước sóng quá ngắn mà mắt người không thấy được. Nó được chia thành 3 dải bước sóng – tia cực tím A (UVA), tia cực tím B (UVB) và tia cực tím C (UVC). Chỉ có các tia UVA và UVB đến được trái đất. Khi tiếp xúc với tia UV, da tăng tốc độ sản xuất sắc tố melanin. Các hắc tố phụ được sản xuất để bảo vệ các lớp sâu của da, tạo ra các màu tối hơn chống nắng bằng cách chặn các tia UV để tránh bị cháy nắng. Nếu da không thể sản xuất melanin đủ để bảo vệ da thì tia UV làm cho da bỏng, gây cháy nắng. Những người có màu da sáng có nhiều khả năng bị cháy nắng hơn là những người có màu da đen vì người có da sẫm màu hơn có nhiều melanin giúp bảo vệ da khỏi bị cháy nắng. Khi năng lượng mặt trời thâm nhập sâu vào da và thiệt hại DNA của tế bào da có thể dẫn đến ung thư da. Nếu bạn sống trong thời tiết nắng nóng mạnh hoặc ở những vùng núi cao sẽ tăng nguy cơ bị cháy nắng.

Dấu hiệu và triệu chứng

Sau một thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, người bị cháy nắng có các dấu hiệu như sau: da hồng hay đỏ; cảm thấy da ấm hoặc nóng khi chạm vào; đau rát; sưng vùng da tổn thương; nổi các mụn nước nhỏ, dễ vỡ. Toàn thân thấy nhức đầu, sốt và mệt mỏi nếu bị cháy nắng ở vùng da lớn. Cháy nắng có thể gây đau mắt hoặc như cảm giác có dị vật trong mắt. Các dấu hiệu bị cháy nắng thường xuất hiện trong vòng vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nhưng nó có thể mất 1 ngày hoặc nhiều hơn để biết mức độ tổn thương do cháy nắng. Trong vòng một vài ngày, cơ thể bắt đầu tự chữa bệnh bằng cách lột lớp trên cùng của da, khi đó, vùng da tổn thương có màu sắc không đồng nhất, loang lổ. Tùy mức độ cháy nắng có thể mất nhiều ngày để vùng da cháy nắng lành trở lại.

Bạn cần đi khám nếu cháy nắng gây rộp vùng da rộng trên cơ thể. Kèm theo sốt cao, rất đau đớn, buồn nôn hoặc ớn lạnh. Hoặc vùng da tổn thương không cải thiện khi bạn đã tự chăm sóc trong vài ngày. Hay khi thấy dấu hiệu nhiễm khuẩn như: đau tăng, sưng da nhiều hơn, thoát nước vàng (mủ) từ mụn vỡ, vệt dịch đỏ chảy ra từ mụn vỡ.

cháy nắng và cách xử trí
Tổn thương cháy nắng dẫn đến lột da.

Điều trị cháy nắng

Khi da bị cháy nắng, cơ thể sẽ tự chữa lành trong vài ngày tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết cháy bỏng. Một khi đã bị cháy nắng thì không thể ngăn chặn thiệt hại cho làn da nhưng có thể làm giảm đau, giảm sưng và khó chịu. Có thể dùng các biện pháp như: dùng thuốc chống viêm, áp lạnh và bôi kem dưỡng da lô hội. Thuốc có thể dùng gồm: chống viêm không steroid để giảm đau, sưng và viêm nhiễm, rất có lợi ngay sau khi triệu chứng xuất hiện. Thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen, paracetamol… dùng cho đến khi da giảm đỏ và đau nhức cũng giảm dần.

Dùng đá bọc trong vải để áp lạnh lên vùng da tổn thương giúp giảm đau rát… hoặc tắm nước hơi lạnh. Bôi kem giữ ẩm, kem dưỡng da lô hội hoặc kem hydrocortison vùng da bị tổn thương. Bạn không nên chọc vỡ các mụn nước vì chúng chứa huyết tương của cơ thể có tác dụng như một lớp bảo vệ. Nếu mụn nước bị phá vỡ sẽ làm chậm quá trình lành da và làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Chỉ nên dùng gạc vô khuẩn băng nhẹ bao mụn nước. Nếu mụn nước tự vỡ, nên dùng một loại kem kháng khuẩn bôi lên để bảo vệ giúp giảm đau rát và ngừa nhiễm khuẩn. Bạn nên uống nhiều nước, nhất là nước oresol, các loại nước trái cây như nước cam, chanh… Vì ánh nắng mặt trời và nhiệt độ có thể gây mất nước qua da nên bạn cần bổ sung nước và muối cho cơ thể. Trong vòng một vài ngày, các vùng da tổn thương sẽ  lột và bong ra. Khi đó, bạn cần sử dụng kem dưỡng ẩm bôi lên da.

Phòng ngừa cháy nắng

Mùa nắng nóng, mọi người cần phòng tránh cháy nắng và các tác hại do nắng nóng bằng cách:  tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều vì tia nắng mặt trời mạnh nhất trong những giờ này. Nếu không thể tránh được ánh nắng mặt trời thì nên giới hạn thời gian ở ngoài trời trong những giờ cao điểm. Nên mặc quần áo chống nắng, đeo găng tay và chân, đội mũ, nón rộng vành. Dùng kem chống nắng thường xuyên. Nên bôi kem chống nắng 30 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau mỗi 2 giờ hoặc sớm hơn nếu kem đã bị trôi bởi mồ hôi. Đeo kính râm để bảo vệ mắt. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Nên uống nhiều nước thường xuyên trước khi cảm thấy khát. Tăng cường ăn rau xanh và các loại trái cây có tính mát như dưa hấu, đu đủ, thanh long, bơ…

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News