Sức Khoẻ

Chưa phát huy đúng mức tiềm năng cây thuốc và tri thức y dược cổ truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái hiện đang quản lý, bảo vệ diện tích rất lớn rừng tự nhiên với thảm thực vật đa dạng, phong phú, trong đó có nhiều loại dược liệu quý hiếm.

Dưới chân những cánh rừng tự nhiên là quê hương của các ông lang, bà mế người Tày, Dao, Mường… Đồng bào có nhiều bài thuốc hay, kinh nghiệm quý trong trị bệnh. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được phát huy đúng mức.

Tiềm năng dược liệu dồi dào

Yên Bái là khu vực khí hậu ôn hòa và là địa bàn chuyển tiếp hệ thực vật giữa vùng trung du với vùng núi cao; là điểm giao thoa khí hậu, hệ thực vật vùng Đông Bắc và Tây Bắc; là địa bàn nằm trên dải Hoàng Liên Sơn cách không xa tỉnh Vân Nam – nơi được mệnh danh là “vương quốc dược liệu” của Trung Quốc, nên Văn Yên cũng có những loài dược liệu phân bố nhiều ở Vân Nam.

Bởi thế, trong sự đa dạng về loài dược liệu của tỉnh thì Văn Yên cũng là huyện hàng đầu không những về tiềm năng dược liệu thiên nhiên phong phú, mà còn có nhiều dược liệu quý hiếm cũng như tiềm năng để trồng nhiều loại dược liệu quý.

Từ thực tế ở cơ sở và qua tiếp cận các nguồn thông tin, được biết nguồn dược liệu ở Văn Yên hiện phân bố khá rộng tại các xã: Tân Hợp, Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Mỏ Vàng, Đại Sơn, Viễn Sơn, Nà Hẩu, Ngòi A, Yên Thái… Trong đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu là nơi đang có tới hàng nghìn loài dược liệu.

Văn Yên cũng nằm trong địa bàn có sự xuất hiện của các loài dược liệu quý hiếm như: hoàng liên, hoàng liên gai, hoàng liên ô rô, ngũ vị tử, bạch truật, thất diệp nhất chi hoa, sâm vũ diệp, tam thất hoang, hoàng tinh hoa đỏ, hoa trắng, lan kim tuyến, dương đào, trà hoa vàng…

Đặc biệt, trong số trên 200 loài dược liệu nằm trong Sách đỏ Việt Nam thì Yên Bái có gần 100 loài; trong đó Văn Yên cũng là địa bàn phân bố tập trung những dược liệu đó.

chưa phát huy đúng mức tiềm năng cây thuốc và tri thức y dược cổ truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu là nơi có hàng nghìn loài dược liệu.

Nguồn tri thức bản địa về y dược cổ truyền lớn

Bên cạnh tiềm năng dược liệu, tiềm năng tri thức bản địa về y dược cổ truyền ở Văn Yên cũng rất lớn, đó là đội ngũ những người có năng lực khai thác, chế biến các loại dược liệu thành những bài thuốc dân gian.

Văn Yên có 12 dân tộc cùng chung sống, dân tộc Kinh chiếm 52,86%, còn lại là các dân tộc khác. Trong đó, dân tộc Tày chiếm 15,58%, dân tộc Dao 25,4% và hai dân tộc này nằm trong tốp đầu được đánh giá là những tộc người có nền y dược cổ truyền mạnh nhất ở Việt Nam. Yếu tố này được tạo nên bởi bản sắc văn hóa từ xa xưa của nhiều tộc người, việc “biết thuốc” là một trong những “thuộc tính” bắt buộc, nhất là phụ nữ để thực hiện bổn phận chăm sóc sức khỏe cho gia đình.

Bởi vậy, từ thời điểm còn trị bệnh hoàn toàn nhờ vào cây thuốc, mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc thiểu số khi đến tuổi trưởng thành, ít nhất phải biết một vài bài thuốc thông dụng do gia đình tự trao truyền hoặc phải học từ cộng đồng.

Những người chuyên nghề thuốc thì trau dồi thêm kiến thức qua sách y dược hoặc qua các thầy lang cao tay, qua cộng đồng để biết thêm nhiều bài thuốc, phương pháp trị bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, dù mỗi người chỉ biết một hay vài bài thuốc, nhưng có thể đó lại là những bài thuốc quý hiếm.

Điển hình như lương y Hà Thị Thoa, dân tộc Mường ở xã Đông Cuông, hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Đông y tỉnh được bố đẻ truyền cho bài thuốc trị rắn cắn. Hoặc như bài thuốc thận do mẹ chồng bà Thoa là người Tày truyền dạy, hiện cũng đang nổi tiếng gần xa.

Bà Hoàng Thị Thái ở xã Phong Dụ Thượng là người duy nhất trong xã, trong vùng biết cách kéo xương và bó thuốc nam chữa gãy xương. Bà Đặng Thị Thanh, dân tộc Xa Phó ở xã Châu Quế Thượng nổi tiếng với bài thuốc tắm lưu thông khí huyết phục hồi thể lực cho phụ nữ sau sinh đẻ…

Điều đặc biệt nữa là, khi lực lượng thanh niên ở nông thôn, trong đó, có nhiều thanh niên dân tộc thiểu số ở Văn Yên ngày càng thoát ly đi học tập, công tác, lao động trong các khu công nghiệp hoặc lao động tự do tại các thành phố lớn thì vẫn còn nhiều bạn trẻ ở lại quê tâm huyết với tiềm năng nguồn dược liệu và tinh hoa của nền y dược cổ truyền để chuyên tâm theo đuổi nghề thuốc.

Họ có một niềm tin vững chắc khi đời sống kinh tế – xã hội phát triển; khoa học, kỹ thuật ứng dụng cho khai thác nền y dược cổ truyền được quan tâm đúng mức; các mô hình khai thác hiệu quả được mở rộng; sự liên kết, chia sẻ lợi ích kinh tế theo chuỗi giá trị y dược cổ truyền được thực hiện một cách bài bản, chặt chẽ… sẽ mang lại nguồn lực kinh tế rất lớn và cơ hội làm giàu.

Một số xã ở Văn Yên mới đây thành lập được nhóm cùng sở thích trồng cây thuốc nam và được Trung tâm Phát triển khoa học, công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái phối hợp triển khai Dự án “Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam” hiện đang triển khai trồng, chế biến cà gai leo…

chưa phát huy đúng mức tiềm năng cây thuốc và tri thức y dược cổ truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số

Mô hình trồng cây cà gai leo ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên.

Cần có chiến lược bảo tồn, khai thác tương xứng tiềm năng

Tuy nguồn dược liệu tự nhiên ở Văn Yên rất phong phú, dồi dào, nhưng thực tế đã suy giảm rất lớn so với vài chục năm trước. Một số người làm nghề thuốc ở địa phương đều có chung nhận định, trước đây, cây thuốc bạt ngàn và phân bố rõ theo khu vực như ven suối là nơi có nhiều loại dược liệu thuộc họ dây leo, soi bãi có nhiều loại thảo dược thân mềm. Đồi gò hay chân núi có bình độ thấp và trung bình là nơi nhiều loại dược liệu nhất với các loài cây thân bụi, dây leo…

Tuy nhiên, địa bàn phân bố các loại dược liệu này, giờ đã cơ bản “nhường chỗ” cho cây nông lâm nghiệp. Việc khai thác dược liệu bừa bãi, khó kiểm soát cũng diễn ra phức tạp như việc người nơi khác đến đặt mua giá cao nhiều loại dược liệu, dẫn đến tình trạng khai thác tận diệt.

Có những cụm dây thuốc tồn tại hàng chục, hàng trăm năm, nhưng người khai thác chỉ lấy được ở phần dưới thấp, còn phần leo lên cao thì bỏ phí. Nhiều loại cây thuốc quý bị khai thác non lúc cây chưa bảo đảm tích tụ cao hàm lượng dược tố hoặc khai thác vào lúc cây chuẩn bị phát tán hạt giống…

Bất cập nữa là, đội ngũ ông lang, bà mế chưa được quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, cấp chứng chỉ hành nghề nên chủ yếu hành nghề “trôi nổi”. Dẫn đến, nhiều bài thuốc quý khó kiểm chứng được hiệu quả và hạn chế điều kiện phổ biến rộng rãi.

Huyện cũng chưa có những điều tra cơ bản để nắm bắt về số người biết thuốc nam, số lượng bài thuốc nam và thực trạng nguồn dược liệu; chưa có cơ chế, chính sách thỏa đáng khuyến khích nhân dân bảo tồn, phát triển nghề thuốc… Cho nên còn lãng phí các giá trị y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và cơ hội phát triển kinh tế và khả năng thất truyền nhiều bài thuốc quý là rất cao.

Do đó, để có một chiến lược bảo tồn, khai thác tương xứng tiềm năng dược liệu và nguồn lực tri thức y dược cổ truyền, Văn Yên cần xác định, đây là trách nhiệm lớn lao trước kho tàng y dược cổ truyền vô giá của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.

Đặc biệt, huyện đang quản lý một thảm thực vật rừng rất lớn; trong đó, khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu rộng khoảng 17.000 ha, là nơi chứa đựng hàng nghìn loài dược liệu, nên lại càng cần thiết phải có một chiến lược khai thác, phát triển y dược cổ truyền thực sự khoa học, bài bản và hiệu quả.

Hiện tại, Văn Yên đặt ra 4 nội dung trọng tâm phát triển du lịch, trong đó, có phát triển du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe. Như vậy, có thể thấy, huyện đã xác định rõ tiềm năng, cơ hội lớn để phát triển loại hình du lịch này. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, trước hết, huyện cần khắc phục tốt những vấn đề tồn tại, bất cập nêu trên.

Đồng thời, cần có giải pháp thiết thực giúp người dân, nhất là các ông lang, bà mế đạt được việc hợp chuẩn các quy định của Nhà nước về chuyên môn khi hành nghề y dược cổ truyền; giúp họ tiếp cận các chính sách của Nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu các bài thuốc và có giải pháp khuyến khích những người làm thuốc có những bài thuốc hay, cây thuốc quý cùng những kinh nghiệm được tích lũy trong phòng bệnh, chữa bệnh.

Kiến nghị, đề xuất với cơ quan chuyên môn về y dược, quản lý, bảo vệ rừng… ban hành các chính sách ưu đãi, bảo trợ nuôi trồng dược liệu, sản xuất thuốc cũng như khai thác dược liệu tự nhiên hợp lý để bảo đảm lưu giữ, tái sinh, phát triển nguồn gen dược liệu, đặc biệt là ở những nơi thuộc vùng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.

Chủ động hỗ trợ chuyên môn, cơ chế, chính sách phù hợp để những người hành nghề y dược cổ truyền có cơ hội hợp tác cung ứng sản phẩm, dược liệu vào các cơ sở y tế, cơ sở chế biến, kinh doanh nam dược, địa điểm kinh doanh du lịch trong, ngoài tỉnh theo hình thức liên kết chuỗi giá trị và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử…

Cùng đó, căn cứ vào quy định của Nhà nước, huyện cần cụ thể hóa thành các chính sách ưu đãi, khuyến khích những tập thể, cá nhân đầu tư nghiên cứu kế thừa ứng dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe; đẩy mạnh xã hội hóa, các nguồn lực bảo tồn và phát triển y dược cổ truyền; khuyến khích việc tổ chức khám chữa bệnh, sản xuất, sử dụng y dược cổ truyền vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân…

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News