Cơ Xương Khớp

Đau cột sống lưng: Không chỉ là bệnh của người cao tuổi

Đau cột sống lưng là triệu chứng ngày càng trẻ hóa. Nếu ở người lớn tuổi, các cơn đau dữ dội ở thắt lưng thường do thoái hóa cột sống thì ngày nay, người trẻ cũng không tránh khỏi những cơn đau này khi có chế độ làm việc và sinh hoạt không khoa học.

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu để biết cách ngăn chặn những cơn đau lưng phiền toái này ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Đau cột sống lưng là gì?

Đau cột sống lưng có thể chia thành:

  • Đau cột sống lưng dưới là dạng phổ biến nhất. Đây là cơn đau xuất hiện ở ngang thắt lưng, có thể kéo dài xuống mông và chân.
  • Đau cột sống lưng giữa là cơn đau nhói tại một vị trí cột sống, đau nhức âm ỉ khắp phần lưng trên, đau cứng lưng… có thể lan rộng ra các vùng khác như cổ vai gáy, cánh tay, vùng ngực.

Triệu chứng

đau cột sống lưng: không chỉ là bệnh của người cao tuổi

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau cột sống lưng

Đau cột sống lưng thường thể hiện các đặc tính như sau:

  • Đau căng ở vùng thắt lưng dưới và hạn chế các vận động của cơ thể, ví dụ như không cúi gập người xuống được hoặc khó để đứng lên ngồi xuống.
  • Không thể duy trì các tư thế bình thường do đau và cứng khớp.
  • Co thắt cơ khi vận động hoặc thậm chí là khi nghỉ ngơi.
  • Mất chức năng vận động đáng kể chẳng hạn khó để nhón gót chân lên như thông thường.
  • Cơn đau lưng có thể lan xuống mông và bắp chân (tương tự triệu chứng đau thần kinh tọa) hoặc lan sang cổ, cánh tay,…

Nguyên nhân

đau cột sống lưng: không chỉ là bệnh của người cao tuổi

Nguyên nhân gây đau cột sống lưng là gì?

Cột sống thắt lưng đóng vai trò quan trọng trong việc chịu trọng lượng cho cơ thể và thực hiện các chuyển động của cơ thể như vặn mình, uốn người. Vì thế mà bộ phận này rất dễ bị tổn thương. Bất kỳ bất thường về cấu trúc nào cũng có thể dẫn đến đau cột sống lưng, chẳng hạn như:

  • Căng cơ, căng dây chằng sẽ làm tổn thương các mô mềm xung quanh cột sống khiến cho các tổ chức này yếu đi và không còn nâng đỡ tốt cho cột sống lưng. Đồng thời gây nên những cơn co thắt cơ, gây đau thắt lưng.
  • Đau thần kinh tọa xảy ra khi các tổn thương đĩa đệm ở lưng dưới chèn ép dây thần kinh tọa.
  • Viêm khớp là bệnh lý cơ xương khớp thường ảnh hưởng đến vùng lưng dưới – bộ phận phải chịu trọng lượng lớn nhất. Đôi khi, viêm khớp ở cột sống sẽ dẫn đến chứng hẹp ống sống.
  • Phồng hoặc lồi đĩa đệm. Khi các mô mềm giữa các xương trong cột sống (đĩa đệm) phồng và lồi sẽ chèn ép lên dây thần kinh và gây đau.
  • Thoát vị đĩa đệm. Khi cột sống bị thoái hóa, chỉ cần một tác nhân lực mạnh từ bên ngoài đã có thể tác động lên đĩa đệm và gây thoát vị (nhân nhầy trong đĩa đệm cột sống thoát khỏi vị trí bình thường) chèn ép lên các rễ dây thần kinh gây đau nhức và tê bì.

Ngoài ra, một số nguyên nhân hiếm gặp khác cũng gây nên triệu chứng đau cột sống mà chủ yếu là cột sống lưng như loãng xương, cong vẹo cột sống, gai cột sống, chấn thương, các bệnh về thận và các cơ quan bên trong chèn ép lên cột sống,…

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đau cột sống lưng

Đau thắt lưng do các vấn đề liên quan đến cột sống ngày càng phổ biến ở cả người trẻ và người cao tuổi. Trong đó, những yếu tố sau đây sẽ khiến cho đau cột sống lưng dễ bùng phát hơn:

  • Tuổi tác. Độ tuổi càng cao sẽ dễ gặp các vấn đề về cột sống, nhất là từ 30-40 tuổi trở về sau.
  • Thiếu vận động làm giảm sức mạnh của các nhóm cơ ở lưng và bụng.
  • Thừa cân tạo thêm trọng lượng cho cột sống lưng.
  • Mang vác vật nặng sai tư thế.
  • Hút thuốc lá làm tăng tỷ lệ bị đau lưng theo nhiều cơ chế. Khói thuốc lá làm cản trở lưu lượng máu đồng thời gây ho, làm tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm.
  • Người bị trầm cảm và rối loạn âu lo có nguy cơ đau cột sống lưng cao hơn.

Chẩn đoán và điều trị

đau cột sống lưng: không chỉ là bệnh của người cao tuổi

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán đau cột sống lưng ?

Đau cột sống lưng thường chỉ được chẩn đoán hình ảnh khi cơn đau kéo dài hơn 2 tuần mà không có dấu hiệu thuyên giảm. Hoặc trong trường hợp cơn đau lưng lan rộng xuống mông, hay lan ra vùng ngực và tứ chi. Bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh sau:

  • Chụp X-quang
  • Chụp cộng hưởng từ MRI
  • Chụp CT
  • Đo điện cơ hoặc đo tốc độ dẫn truyền thần kinh

Những phương pháp điều trị đau cột sống lưng

Điều trị không phẫu thuật

Nghỉ ngơi khi cơn đau lưng xuất phát từ nguyên nhân căng cơ hoặc dây chằng do hoạt động quá mức. Tuy nhiên, lưu ý rằng chỉ nên giảm cường độ hoạt động và nghỉ ngơi trong vòng 2-3 ngày. Nguyên nhân là do thiếu vận động lâu ngày ngược lại sẽ làm cơ yếu đi và tăng độ căng cứng của cơ.

Dùng thuốc giảm đau cột sống. Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) thường được chỉ định cho các cơn đau nhẹ ban đầu. Nhưng nếu đau nhiều hơn, bạn có thể cần gặp bác sĩ để tư vấn dùng thuốc giãn cơ và các thuốc giảm đau gây nghiện khác.

Vật lý trị liệu. Bác sĩ cũng có thể chỉ định một số bài tập vật lý trị liệu cả đơn giản tại nhà và chuyên sâu để làm giảm đau lưng do các vấn đề liên quan đến cột sống.

Điều trị bằng phẫu thuật và các thủ thuật khác

Tiêm cortisone. Nếu các biện pháp giảm đau khác không đạt được hiệu quả như mong đợi, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn tiêm cortisone ngoài màng cứng để giảm đau xương khớp. Mũi tiêm này với thành phần kháng viêm sẽ cho hiệu quả giảm đau nhanh chóng với hiệu quả được duy trì trong vòng 1-2 năm.

Phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp chấn thương và đau cột sống lưng nặng và/hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

Phòng ngừa

đau cột sống lưng: không chỉ là bệnh của người cao tuổi

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa đau cột sống lưng?

Những thói quen xấu có thể tác động đến cột sống lưng. Vì thế, xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học chính là cách tốt nhất để nâng cao sức khỏe cơ xương khớp và ngăn ngừa chứng đau cột sống lưng:

  • Nâng hoặc mang vác vật nặng đúng tư thế. Khi nâng một vật nào đó, bạn nên ngồi xuống bê vật đó rồi từ từ đúng lên thay vì cúi xuống để bê lên.
  • Điều chỉnh ghế ngồi và tư thế làm việc sao cho thoải mái nhưng cũng đảm bảo giữ đúng độ cong của cột sống. Tránh cúi người về phía trước hoặc ngã ra phía sau quá nhiều.
  • Bỏ hút thuốc lá. Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch làm cản trở lưu thông máu đến các cơ quan khác, đồng thời có thể gây đau lưng dưới và rối loạn thoái hóa đĩa đệm.
  • Duy trì cân nặng hợp lý. Khi thêm trọng lượng, có thể gây căng cơ lưng dưới.
  • Tập gập bụng và các bài tập tăng cường cơ bụng khác để giúp ổn định cột sống tốt hơn. Bơi lội, đi xe đạp tại chỗ và đi bộ nhanh là những bài tập thường được khuyến cáo bởi chúng không gây thêm áp lực cho lưng trong quá trình tập luyện.
  • Tránh căng thẳng tinh thần quá mức. Mặc dù dường như không liên quan nhưng căng thẳng và lo lắng quá mức cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến đau cột sống lưng.

Trên đây là toàn bộ thông tin về chứng đau cột sống lưng. Hy vọng đây sẽ là những thông tin bổ ích giúp bạn bảo vệ sức khỏe bản thân một cách tốt nhất nhé!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News