Sức Khoẻ

Đau tai khi đi máy bay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Đau tai là tình trạng thường gặp khi máy bay thay đổi độ cao lúc cất và hạ cánh. Vậy nguyên nhân nào gây đau tai và làm thế nào để phòng tránh đau tai khi đi máy bay?

Đau tai khi đi máy bay (hay chấn thương khí áp tai) là tình trạng màng nhĩ bị căng thẳng do mất cân bằng áp suất giữa không khí trong tai giữa với không khí ngoài môi trường. Bạn có thể bị đau tai khi máy cất hoặc hạ cánh.

Ngáp, nuốt nước bọt hoặc nhai kẹo cao su là những cách chống lại sự chênh lệch về áp suất không khí và cải thiện các triệu chứng đau tai khi đi máy bay. Tuy nhiên, đối với các trường hợp nặng, cần thăm khám bác sĩ cụ thể.

Các triệu chứng thường gặp của đau tai khi đi máy bay

đau tai khi đi máy bay: nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Tình trạng đau tai khi đi máy bay có thể xảy ra ở một hoặc cả hai tai. Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp là hơi khó chịu hoặc đau nhẹ trong tai, cảm thấy đầy hoặc nghẹt tai, nghẹt hoặc mất thính lực từ nhẹ đến vừa.

Nếu bị đau tai nặng, bạn có thể bị đau dữ dội, tăng áp lực, mất thính lực từ vừa đến nặng, ù tai, có cảm giác chóng mặt và chảy máu tai.

Vì sao bạn bị đau tai khi đi máy bay?

Chấn thương khí áp tai xảy ra khi áp suất trong tai giữa và áp suất môi trường chênh lệch, ngăn cản sự rung động bình thường của màng nhĩ. Vòi nhĩ được kết nối với tai giữa để điều chỉnh áp suất không khí. Khi máy bay nâng hay hạ độ cao, áp suất không khí thay đổi đột ngột, vòi nhĩ thường không thể phản ứng kịp nên gây ra những triệu chứng đau tai. Hành động nuốt hoặc ngáp giúp mở vòi nhĩ và tạo điều kiện cho tai giữa lấy thêm nhiều không khí, giúp cân bằng áp suất không khí.

Bất kỳ trường hợp nào ngăn chặn hoặc hạn chế chức năng của vòi nhĩ đều có thể làm gia tăng nguy cơ bị đau tai khi đi máy bay. Những yếu tố nguy cơ thường gặp bao gồm:

– Vòi nhĩ nhỏ, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi

– Cảm lạnh thông thường

– Viêm xoang

– Dị ứng phấn hoa (hay viêm mũi dị ứng)

– Viêm tai giữa

– Ngủ trên máy bay trong lúc cất và hạ cánh, vì lúc này không thể ngáp hoặc nuốt nước bọt thường xuyên để cân bằng áp suất.

Các biến chứng thường gặp

Đau tai khi đi máy bay thường không nguy hiểm và đòi hỏi việc tự chăm sóc bản thân. Những biến chứng lâu dài và hiếm gặp xảy ra khi tình trạng đau tai nghiêm trọng, kéo dài hoặc tai giữa và tai trong bị tổn thương cấu trúc. Biến chứng hiếm gặp có thể là mất thính lực vĩnh viễn hay ù tai mãn tính.

Biện pháp phòng ngừa đau tai khi đi máy bay

đau tai khi đi máy bay: nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Làm theo các biện pháp sau để tránh bị đau tai khi đi máy bay:

  • Ngáp, ngậm kẹo cứng hoặc nhai kẹo cao su khi máy bay cất và hạ cánh có thể giúp nuốt nước bọt thường xuyên hơn và kích hoạt cơ mở vòi nhĩ.
  • Làm động tác Valsalva khi cất và hạ cánh: Ngậm chặt miệng và bịt mũi rồi từ từ thở ra bằng mũi. Lặp đi lặp lại nhiều lần, nhất là khi hạ cánh, để cân bằng áp suất giữa tai bạn và khoang máy bay.
  • Đừng ngủ khi máy bay cất và hạ cánh.
  • Xem lại kế hoạch đi lại: Nếu có thể, đừng đi máy bay khi bị cảm lạnh, viêm xoang, nghẹt mũi hoặc nhiễm trùng tai. Nếu vừa phẫu thuật tai, hãy hỏi ý kiến bác sĩ khi nào có thể đi máy bay để đảm bảo an toàn.
  • Sử dụng thuốc xịt mũi không kê đơn: Nếu bị nghẹt mũi, sử dụng thuốc xịt mũi từ 30 phút đến 1 tiếng trước khi máy bay cất cánh và hạ cánh. Tuy nhiên, tránh lạm dụng vì sử dụng thuốc xịt mũi trong 3 đến 4 ngày có thể làm nghẹt mũi nặng hơn.
  • Sử dụng cẩn trọng thuốc thông mũi: Thuốc thông mũi dạng uống có thể có tác dụng nếu uống trong vòng từ 30 phút đến 1 tiếng trước giờ bay. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh tim, rối loạn nhịp tim hay huyết áp cao hoặc đang mang thai, tránh sử dụng thuốc thông mũi dạng uống này.
  • Uống thuốc chống dị ứng: nếu bị dị ứng, nên uống thuốc 30 phút trước giờ bay.
  • Thử dùng nút bịt tai: nút bịt tai có thể từ từ cân bằng áp lực lên màng nhĩ trong quá trình máy bay cất và hạ cánh. Có thể mua nút bịt tai tại các hiệu thuốc, cửa hàng tặng phẩm ở sân bay hay các phòng khám tai. Tuy nhiên, vẫn cần duy trì hành động ngáp và nuốt nước bọt để giảm bớt áp lực cho tai khi đi máy bay.

Nếu là người dễ bị đau tai nặng khi đi máy bay và lại phải bay thường xuyên hoặc nếu đang được điều trị bằng oxy ở cường độ cao để chữa lành vết thương, bác sĩ có thểđặt ống vào màng nhĩ của bạn để hỗ trợ quá trình tiết dịch, thông khí cho tai giữa và cân bằng áp suất giữa tai giữa và tai ngoài.

Khi đi lại bằng máy bay, bạn có thể cảm nhận được sự thay đổi áp suất trong cabin lúc máy bay cất và hạ cánh vì lúc này cơ thể hoạt động để cân bằng áp suất không khí giữa tai giữa và áp suất cabin. Bị viêm tai có thể tác động đến quá trình cân bằng áp suất này, gây đau và trong trường hợp nặng, có thể làm hư màng nhĩ.

Nếu bạn bị viêm tai và sắp phải đi lại bằng máy bay, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những biện pháp làm giảm triệu chứng đau tai. Bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thuốc để mở vòi nhĩ bị tắc nghẽn.

Giúp trẻ phòng ngừa tình trạng đau tai khi đi máy bay

đau tai khi đi máy bay: nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Áp dụng các biện pháp sau:

  • Khuyến khích trẻ uống nước và các loại thức uống không có chất kích thích.
  • Khuyến khích trẻ nuốt nước bọt: nuốt nước bọt có thể giúp mở vòi nhĩ. Đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi, cho trẻ bú bình trong khi máy bay cất và hạ cánh để khuyến khích trẻ nuốt nước bọt thường xuyên, cũng có thể sử dụng núm vú giả. Để có được hiệu quả, hãy giữ trẻ ngồi thẳng trong khi bú. Trẻ em trên 4 tuổi có thể ngậm kẹo cứng, nhai kẹo cao su, uống hoặc thổi bong bóng bằng ống hút.
  • Khuyến khích trẻ ngáp thường xuyên.
  • Đảm bảo cho trẻ thức khi máy bay cất và hạ cánh vì khi ngủ trẻ sẽ ít nuốt nước bọt.
  • Dạy cho trẻ cách cân bằng áp lực tai bằng cách thở chậm lại, bịt mũi và ngậm miệng lại sau đó thở ra bằng mũi.
  • Tránh dùng thuốc thông mũi vì thuốc không được khuyến khích sử dụng cho trẻ nhỏ.

Nếu đi cùng trẻ con, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa để đảm bảo an toàn và cảm thấy thoải mái trong chuyến đi. Bác sĩ có thể đề xuất hoãn lại chuyến đi hoặc đưa ra những lời khuyên để giúp trẻ cân bằng áp lực trong tai giữa.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News