Cơ Xương Khớp

Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng những phương pháp nào?

Các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp có thể giúp giảm viêm ở khớp, giảm đau, ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tổn thương khớp, giảm thiểu tàn tật và giúp các khớp trở nên linh hoạt hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp, nhưng việc điều trị sớm bằng thuốc, thay đổi lối sống, điều trị hỗ trợ và phẫu thuật có thể làm giảm nguy cơ tổn thương khớp vĩnh viễn và hạn chế các biến chứng về lâu dài, cải thiện chức năng vận động và sinh hoạt. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu bệnh viêm khớp dạng thấp và cách điều trị trong bài viết này nhé!

Các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp

Không có cách chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu lâm sàng chỉ ra rằng việc điều trị sớm bằng thuốc có thể làm thuyên giảm các triệu chứng và nâng cao chất luợng cuộc sống. Có những loại thuốc có sẵn sẽ giúp ngăn chặn bệnh viêm khớp dạng thấp trở nên nghiêm trọng hơn và giảm nguy cơ mắc các vấn đề khác. Bác sĩ kê đơn cụ thể loại nào sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và thời gian bạn mắc bệnh.

điều trị viêm khớp dạng thấp bằng những phương pháp nào?

Chúng có thể bao gồm:

Thuốc chống thấp khớp (DMARDs)

Thuốc chống thấp khớp chia thành 3 dòng như sau:

Thuốc điều trị cơ bản DMARDs

Nếu bạn đã được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, bác sĩ sẽ kê đơn viên thuốc điều trị cơ bản DMARDs để điều trị ban đầu. Loại thuốc này có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh, góp phần bảo vệ các khớp và các mô khác khỏi bị tổn thương vĩnh viễn. Cần phải theo dõi các triệu chứng và xét nghiệm cận lâm sàng trong suốt thời gian điều trị.

Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn tác động của các hóa chất được giải phóng khi hệ thống miễn dịch tấn công các khớp. Điều này sẽ giảm tổn thương thêm cho xương, gân, dây chằng và sụn lân cận.

Các loại thuốc điều trị cơ bản DMARD được sử dụng phổ có thể bao gồm:

Methotrexate thường là loại thuốc đầu tiên được dùng cho điều trị viêm khớp dạng thấp. Nó thường đi kèm với một loại thuốc chống thấp khớp thế hệ mới hơn (được đề cập ở phần sau) và một đợt corticosteroid ngắn để giảm đau.

Hầu hết mọi người đều đáp ứng tốt với methotrexate, tuy nhiên cũng có thể gặp phải tác dụng phụ như:

  • Mệt mỏi
  • Ăn mất ngon
  • Đau miệng
  • Tiêu chảy
  • Đau đầu
  • Rụng tóc
  • Ảnh hưởng đến tế bào máu và làm tổn thương gan
  • Khó thở, ho khan dai dẳng do thuốc ảnh hưởng đến phổi (ít phổ biến)

Có thể mất vài tháng để thuốc chống thấp khớp DMARDs thông thường phát huy hiệu quả. Điều quan trọng là bệnh nhân phải kiên trì dùng thuốc trong thời gian dài.

Nhóm thuốc sinh học (DMARDs sinh học)

Các loại thuốc sinh học, chẳng hạn như etanercept, infliximab, abatacept, adalimumab, anakinra, certolizumab, golimumab, rituximab, sarilumab và tocilizumab. Đây là loại thuốc chống thấp khớp khá mới và thường được sử dụng theo đường tiêm. Chúng hoạt động bằng cách ngăn chặn các hóa chất cụ thể trong máu kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công các khớp.

điều trị viêm khớp dạng thấp bằng những phương pháp nào?

Chúng thường được dùng kết hợp với DMARD thông thường ở trên nhằm phát huy hiệu quả tối đa. Thuốc thường chỉ được sử dụng DMARDs thường không có hiệu quả.

Các tác dụng phụ trong phương pháp điều trị này thường nhẹ và bao gồm:

  • Phản ứng da tại vị trí tiêm
  • Nhiễm trùng
  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Đau đầu

Một số người cũng có thể có nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng hơn, bao gồm cả việc tái kích hoạt các bệnh nhiễm trùng như bệnh lao nếu họ đã từng mắc bệnh này trước đây.

Thuốc DMARDs tổng hợp

Đây là một loại thuốc mới dùng trong việc điều trị viêm khớp dạng thấp nặng. Nó được sử dụng nếu DMARDs thông thường và thuốc sinh học không có hiệu quả. Người lớn không dùng được methotrexate cũng có thể được chỉ định dùng loại thuốc này.

Thuốc này được dùng dưới dạng viên nén, uống một hoặc hai lần một ngày và thường được sử dụng kết hợp với methotrexate. Những loại thuốc này bao gồm:

  • Tofacitinib
  • Baricitinib
  • Upadacitinib

Liều cao hơn của tofacitinib có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong phổi, các biến cố nghiêm trọng liên quan đến tim và ung thư.

Thuốc giảm đau

Trong một số trường hợp, bạn có thể được khuyên sử dụng paracetamol hoặc kết hợp paracetamol và codein để giảm đau do viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, những loại thuốc này không điều trị chứng viêm ở khớp.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)

Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) cũng được dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp, để giúp giảm đau, giảm viêm cho bệnh nhân. Một số loại thuốc NSAIDs truyền thống, thường được sử dụng gồm ibuprofen, naproxen hoặc diclofenac. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn một loại được gọi là chất ức chế COX-2, chẳng hạn như celecoxib hoặc etoricoxib.

Tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc này là kích ứng dạ dày. Nguyên nhân do thuốc phá vỡ lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày. Nếu bạn được kê đơn thuốc viên NSAID, bác sĩ sẽ kê kèm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày để tránh tác dụng phụ này.

Ngoài ra, do cơ chế của thuốc là tác động vào chất trung gian gây viêm prostaglandin. Chất này lại đóng vai trò trong việc điều hòa lưu lượng máu trong thận và duy trì sức lọc của cầu thận. Do đó, NSAIDs có thể gây suy giảm chức năng thận, làm tăng huyết áp và tác động xấu tới sức khỏe tim mạch.

Steroid (corticosteroid)

Thuốc steroid (corticosteroid), chẳng hạn như prednisone, có tác dụng giúp giảm viêm, giảm cứng khớp và điều hòa miễn dịch, làm chậm tổn thương khớp. Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp này thường được trong thời gian ngắn, để giúp giảm nhanh các triệu chứng trong thời gian chờ đợi thuốc ức chế JAK có tác dụng. Vì sử dụng loại thuốc này lâu dài có thể có các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm: loãng xương, tăng cân, yếu cơ, mỏng da, dễ bầm tím và tiểu đường.

Mặc dù vậy, đôi khi corticoid cũng dùng điều trị bổ trợ lâu dài cho bệnh nhân mắc bệnh nặng, không đáp ứng với các thuốc điều trị khác.

Các phương pháp hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp

Vật lý trị liệu

điều trị viêm khớp dạng thấp bằng những phương pháp nào?

Vật lý trị liệu là một phương pháp khá phổ biến trong phác đồ điều trị viêm khớp dạng thấp. Chuyên gia vật lý trị liệu có thể đề xuất các bài tập phù hợp giúp bạn cải thiện thể lực và sức mạnh cơ bắp, đồng thời làm cho các khớp bị viêm trở nên linh hoạt hơn.

Ngoài ra, bác sĩ vật lý trị liệu cũng có thể giúp giảm đau bằng cách chườm nóng hoặc chườm đá, hay kích thích dây thần kinh điện qua da (TENS). Máy TENS áp dụng một xung điện nhỏ vào khớp bị ảnh hưởng, làm tê các đầu dây thần kinh và có thể giúp giảm đau do viêm khớp dạng thấp.

Phẫu thuật điều trị viêm khớp dạng thấp

Nếu thuốc không thể ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tổn thương khớp, bạn và bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật để sửa chữa các khớp bị tổn thương. Phẫu thuật có thể giúp phục hồi khả năng sử dụng khớp, góp phần giảm đau và cải thiện chức năng vận động.

Phẫu thuật điều trị viêm khớp dạng thấp có thể bao gồm một hoặc nhiều thủ tục sau:

Phẫu thuật điều chỉnh khớp

Có nhiều loại phẫu thuật khác nhau để điều chỉnh các vấn đề về khớp. Chúng có thể bao gồm:

  • Loại bỏ mô bị viêm ở các khớp (bao hoạt dịch) có thể giúp giảm đau và cải thiện tính linh hoạt của khớp.
  • Sửa chữa các gân bị lỏng hoặc đứt xung quanh khớp bị viêm và tổn thương.
  • Cắt dây chằng ở cổ tay để giảm áp lực lên dây thần kinh

Nội soi khớp

Đây là một thủ tục để loại bỏ các mô khớp bị viêm. Trong quá trình nội soi khớp, một ống mỏng có gắn đèn và camera (máy nội soi khớp) được đưa vào khớp thông qua một vết cắt nhỏ trên da để bác sĩ phẫu thuật có thể nhìn thấy khớp bị ảnh hưởng.

Các dụng cụ đặc biệt được đưa vào qua các vết cắt nhỏ khác trên da để loại bỏ các mô bị tổn thương. Bạn thường không phải nằm viện qua đêm cho loại phẫu thuật điều trị viêm khớp dạng thấp này, nhưng khớp sẽ cần được nghỉ ngơi ở nhà trong vài ngày.

Thay khớp

Một số người bị viêm khớp dạng thấp cần phẫu thuật để thay thế một phần hoặc toàn bộ khớp, chẳng hạn như khớp háng, khớp gối hoặc khớp vai. Phẫu thuật này được gọi là thay thế khớp hoặc tạo hình khớp.

Trong quá trình phẫu thuật thay khớp, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ các phần bị hư hỏng của khớp và lắp một bộ phận giả làm bằng kim loại và nhựa.

Thay thế các khớp này là một cuộc đại phẫu kéo dài vài ngày trong bệnh viện, sau đó là nhiều tháng phục hồi chức năng. Các khớp giả mới nhất có tuổi thọ từ 10 đến 20 năm và một số chức năng có thể sẽ không phục hồi được như khớp tự nhiên.

Bên cạnh đó, châm cứu, nắn xương khớp, massage có thể giúp giảm triệu chứng cho một số bệnh nhân.

Thay đổi lối sống

điều trị viêm khớp dạng thấp bằng những phương pháp nào?

Bạn có thể thực hiện thay đổi lối sống để góp phần giảm nhẹ các triệu chứng trong viêm khớp dạng thấp. Các biện pháp thay đổi lối sống sau đây khi kết với thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, có thể giúp bạn kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng:

  • Trong đợt viêm cấp, để khớp nghỉ ở tư thế cơ năng, tránh kê độn không đúng tại khớp, có thể dùng nẹp chỉnh hình để tránh co rút các khớp vào ban đêm.
  • Luyện tập thể dục đều đặn. Tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp tăng cường các cơ xung quanh khớp, chống co rút gân cơ, chống dính khớp và teo cơ. Bạn nên luyện tập khi triệu chứng viêm thuyên giảm, nhiều lần trong ngày, tùy thuộc vào từng người bệnh. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn bài tập phù hợp. Tránh tập thể dục các khớp bị mềm, bị thương hoặc bị viêm nặng.
  • Chườm nóng hoặc lạnh. Nhiệt có thể giúp giảm đau và thư giãn các cơ. Lạnh có thể làm tê và giảm sưng, đau.
  • Thư giãn. Viêm khớp dạng thấp có thể khiến bạn dễ bị mệt mỏi và yếu cơ. Luyện tập hít thở sâu và thư giãn cơ. Nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi.
  • Quan tâm đến chế độ ăn uống. Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng với rau, trái cây, các loại đậu, quả hạch, ngũ cốc, cá và chất béo không bão hòa như dầu ô liu. Hạn chế các loại thực phẩm như đuờng, bột, chất béo bão hòa, muối có thể khiến triệu chứng viêm khớp dạng thấp trở nên nghiêm trọng.

Các điều trị phối hợp khác

Để phòng ngừa và điều trị các biến chứng của bệnh, trong quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp cần lưu ý và điều trị một số bệnh kèm theo như sau:

  • Viêm loét dạ dày tá tràng do thuốc (giảm đau, kháng viêm) hoặc nhiễm vi khuẩn HP.
  • Loãng xương và thiếu xương: bổ sung Calcium và vitamin D nếu sử dụng corticosteroid trên 1 tháng; bổ sung Biphosphonate khi có loãng xương.
  • Thiếu máu: cần bổ sung acid folic, sắt, B12 và nhất là kiểm soát tình trạng viêm mạn tính.

Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về các loại thuốc và cách điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả nhất. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News