Sức Khoẻ

Dùng thuốc y học cổ truyền thế nào để đạt hiệu quả chữa bệnh tốt nhất

SKĐS- Mọi người vẫn thường nghĩ, thuốc y học cổ truyền là an toàn, có thể dùng bất kỳ lúc nào và không cần kiêng khem kỹ lưỡng. Thực tế không hoàn toàn như vậy.

1. Tại sao cần có một số kiêng kỵ khi dùng thuốc y học cổ truyền

Thuốc y học cổ truyền hầu hết đều là sản phẩm của thiên nhiên, có nguồn gốc từ thực vật, động vật.

Mỗi vị thuốc được đặc trưng bởi tính vị và có khuynh hướng tác dụng khác nhau, từ đó tạo ra công năng chữa bệnh của từng vị thuốc.

Những tác động liên quan đến quá trình hấp thu phân bổ thuốc đều ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của thuốc.

Do đó, để thuốc y học cổ truyền phát huy hiệu quả điều trị tối đa, trong thời gian uống thuốc, người bệnh cần kiêng một số thức ăn mà người xưa gọi đó là “sự kiêng kỵ trong khi uống thuốc”.

Trong các sách xưa có ghi chép:

  • Bạc hà kỵ thịt ba ba
  • Phục linh kỵ giấm
  • Miết giáp kỵ rau dền
  • Mật ong kỵ hành
  • Thịt gà kỵ sáp ong…

Tức là nói khi uống một vị thuốc gì đồng thời phải kiêng ăn một số đồ ăn kỵ với nó.

2. Những thực phẩm cần tránh với từng loại thuốc

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tránh ăn một số thực phẩm mang tính đối lập với chiều hướng tác dụng của thuốc.

dùng thuốc y học cổ truyền thế nào để đạt hiệu quả chữa bệnh tốt nhất

Không nên ăn hải sản khi dùng thuốc y học cổ truyền chữa dị ứng.

  • Các thuốc thanh nhiệt, giải độc dùng điều trị các chứng dị ứng, ban chẩn khi sử dụng cần tránh ăn các loại hải sản như cua, cá biển, sò, ngao, nhộng và lòng trắng trứng vì đây là những thực phẩm làm tăng nguy cơ dị ứng.
  • Khi uống các thuốc an thần, không nên dùng các chất có tính chất kích thích, gây hưng phấn như rượu, ớt, hạt tiêu…
  • Đối với các thuốc giải cảm có tác dụng phát tán, giải biểu, làm ra mồ hôi, cần kiêng sử dụng các loại thực phẩm có vị chua, mặn vì các chất chua, mặn có khuynh hướng thu liễm phản lại tác dụng của thuốc.
  • Uống thuốc ôn trung, khu hàn thì không nên ăn các thức ăn tanh lạnh như cua, ốc, thịt trâu, ba ba, rau sống, rau dền, mồng tơi, vì những thức ăn này khiến hàn tà khó giải.
  • Uống thuốc tiêu đạo, kiện tỳ để kích thích tiêu hóa thì không nên dùng các thức ăn có dầu mỡ khó tiêu.
  • Những thuốc thanh phế trừ đàm khi dùng không nên ăn chuối tiêu vì dễ gây rối loạn tiêu hóa.
  • Đối với các thuốc bổ dưỡng, khi uống không nên ăn cải bẹ, đậu xanh (kể cả giá đỗ) và rau quả có tính lợi tiểu vì sẽ làm tăng khả năng thải trừ của thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

3. Đồ uống cần tránh

Trong thời gian uống thuốc, không nên uống sữa và nước trà (trừ một số bài thuốc cổ phương dùng lục trà làm vị), bởi sữa và trà dễ phản ứng với các thành phần trong thuốc tạo ra các chất kết tủa gây cản trở cho việc hấp thu qua đó ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc.

4. Một số lưu ý khác khi dùng thuốc y học cổ truyền

4.1 Thời điểm uống thuốc

Một điều nữa mà người bệnh cần lưu ý đó là thời điểm dùng thuốc:

– Bệnh cảm hàn, trúng phong thấp, cần uống nóng.

-Bệnh nhiệt dùng thuốc thanh nhiệt, cần uống lúc nguội.

– Các thuốc lý khí, lý huyết, nhuận hạ cần uống lúc ấm…

4.2 Không nên uống thuốc lúc quá no hoặc quá đói

Uống thuốc khi quá no sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc, nếu uống vào lúc quá đói, thuốc kích thích niêm mạc đường tiêu hóa, gây cồn cào và khó chịu. Tốt nhất uống thuốc sau bữa ăn từ 1h30 đến 2h.

Tuy nhiên, một số loại thuốc cần uống lúc đói để phát huy tác dụng, đó là trường hợp của thuốc tẩy xổ, thuốc nhuận tràng, thuốc tiêu đạo, thuốc trừ giun sán.

Việc kiêng kỵ chỉ mang tính tương đối, không nên thái quá. Người bệnh cần đảm bảo đủ chất cho cơ thể. Một chế độ dinh dưỡng tốt góp phần quan trọng hồi phục sức khỏe.

Mời bạn xem tiếp video:

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News