Sức Khoẻ

Hàng nghìn cây dược liệu quý hiếm ở Nghệ An được bảo tồn và tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc

Với gần 1.000 loài cây dược liệu quý hiếm, Nghệ An có nguồn dược liệu phong phú vào bậc nhất của cả nước. Không chỉ tạo nguồn nguyên liệu quý, các dự án trồng dược liệu đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân vùng dự án.

Thoát nghèo nhờ cánh đồng dược liệu

Từ 2 năm nay, vùng Đồng Trẹ, xã Thanh Tiên (Thanh Chương) trở thành cánh đồng trồng dược liệu bạt ngàn, xanh mướt. Ngoài tiền cho thuê đất, 18 hộ nông dân còn có việc làm ổn định, thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/tháng từ trồng, chăm sóc và thu hoạch cây dược liệu.

Chỉ có 7 thước đất đồng để trồng ngô, những lúc nông nhàn, chị Lê Thị Doãn ở xóm Giăng, xã Thanh Tiên phải đi làm thuê đủ thứ việc để kiếm thêm thu nhập. Từ năm ngoái, chị được nhận vào trồng và chăm sóc dược liệu. Chị cho biết: Trước đây, diện tích còn ít, tiền công mỗi ngày là 120.000 đồng, nhưng hiện nay, mỗi ngày chị được trả 180.000 đồng. Công việc ổn định, gần nhà, cũng không quá vất vả nên rất phấn khởi.

Sau 1 năm triển khai, đã có 20 ha sản xuất giống cây dược liệu tại xã Thanh Tiên. Trong kế hoạch, đến hết năm nay sẽ mở rộng lên 50 ha, và từ nguồn giống đó, đến năm 2024, doanh nghiệp sẽ liên kết với các hộ dân để sản xuất đại trà trên diện tích 3.000 – 4.000 ha ở nhiều xã trên địa bàn huyện, phục vụ nguyên liệu tại chỗ cho nhà máy chế biến dược liệu, dự kiến sẽ được xây dựng ngay tại xã Thanh Tiên, đầu quý 1 năm 2023.

hàng nghìn cây dược liệu quý hiếm ở nghệ an được bảo tồn và tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc

Nhiều hộ dân ở Nghệ An thoát nghèo nhờ trồng dược liệu.

Những thành công ban đầu, không chỉ góp phần tạo sinh kế và thu nhập cho người dân mà còn là tiền đề quan trọng để huyện Thanh Chương tiếp tục chuyển đổi cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Theo lãnh đạo huyện Thanh Chương, phát triển cây dược liệu là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện.

Những năm gần đây, dự án trồng và sản xuất dược liệu tại huyện Kỳ Sơn đã không chỉ tạo một vùng dược liệu với nhiều loại cây thuốc quý, mà còn góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt bản, làng, nâng cao và ổn định đời sống bà con dân tộc thiểu số vùng dự án. Hiện tại, diện tích vùng trồng dược liệu đã lên đến 136 ha, thu hút và tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 8 -10 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp cũng đã xây dựng nhà máy chiết xuất dược liệu với các trang thiết bị hiện đại, bao tiêu toàn bộ các sản phẩm dược liệu trên địa bàn.

Đặc biệt, công ty cũng chủ trương tạo các mô hình sản xuất điểm để người dân tham quan học hỏi, từ đó, có thể tự sản xuất với sự đồng hành của doanh nghiệp trong cả vấn đề kỹ thuật và thu mua, bao tiêu sản phẩm, giúp người dân địa phương có thêm thu nhập ngay trên chính ruộng nương của mình. Cách làm này hiệu quả hơn nhiều so với chặt cây làm rẫy như trước.

Khi bản Chàm (xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong) được chọn làm điểm để phát triển cây quế, bà con dân bản rất trồng chờ, đón đợi và phấn khởi khi được đón nhận cây về trồng mới. Bởi, việc trồng mới cây quế, một mặt là để phục hồi giống cây dược liệu vốn nức tiếng khắp xa gần, mặt khác là để giúp người dân mở hướng thoát nghèo khi mà cả bản có 81 hộ thì có đến 50 hộ nghèo.

Cây chè hoa vàng đang được phát triển ở Quế Phong, với sản phẩm trà hoa vàng sấy khô trị giá 2-3 triệu đồng/kg. Là cây dược liệu tự nhiên tập trung nhiều trong vùng rừng núi các xã Quế Sơn, Mường Nọc, Châu Kim, Đồng Văn… nhưng do có giá trị kinh tế cao nên cây chè hoa vàng đã tạo ra nhu cầu đưa cây từ rừng về vườn đồi, vườn nhà và đang được lai ghép giống thành công.

Tạo sinh kế bền vững

hàng nghìn cây dược liệu quý hiếm ở nghệ an được bảo tồn và tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc

Lãnh đạo huyện  Quế Phong và bà con nông dân trao đổi về mô hình cây dược liệu ở xã Thông Thụ. Ảnh: Ngô Kiên

Với địa hình đa dạng và phức tạp, nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, Nghệ An có tới gần 1.000 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý hiếm và có giá trị kinh tế cao.

Xác định phát triển dược liệu là một trong những hướng đi quan trọng trong phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, tỉnh đang tập trung thu hút các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến để đánh thức tiềm năng cây dược liệu.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 3 dự án lớn được đầu tư phát triển theo hình thức liên doanh, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, với quy mô gần 2.000 ha, trong đó, có nhiều loại cây dược liệu quý hiếm. Điều này đang mở ra nhiều triển vọng trong việc nâng cao giá trị cây dược liệu, tạo sinh kế bền vững, định canh, định cư ổn định cho người dân, nhất là tại các huyện miền Tây của tỉnh.

Thu nhập từ trồng cây dược liệu cao hơn từ 4-14 lần so với cây ngô và gấp 2 – 6 lần so với cây keo. Tuy nhiên, cây dược liệu yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu; hệ thống cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng cây dược liệu còn thiếu…

Do đó, muốn phát triển dược liệu, điều cốt lõi nhất vẫn là thu hút doanh nghiệp tổ chức sản xuất, thu mua, bao tiêu và chế biến sản phẩm. Đây là tiền đề để tỉnh triển khai chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm trong phát triển cây dược liệu. Và thực tế, bước đầu một số dự án đã phát huy hiệu quả rất tốt.

Trong kế hoạch, Nghệ An phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển ổn định gần 18.000 ha cây dược liệu. Để có thể đạt mục tiêu này, đưa dược liệu trở thành thế mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nâng cao đời sống người dân, nhất là ở các vùng còn khó khăn; ngoài tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, phát triển vùng nguyên liệu, có cơ chế đặc thù khuyến khích doanh nghiệp và người sản xuất dược liệu, thì tỉnh cũng cần quan tâm bảo vệ, bảo tồn nguồn gen quý, ứng dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ cao để phát triển và mở rộng các loại có giá trị.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News