Sức Khoẻ

Herpes miệng: Làm sao để đối phó?

Ai cũng có thể bị herpes miệng. Nó có thể gây khó chịu, đau đớn và ngại ngùng cho người mắc bệnh nhưng không để lại bất cứ di chứng gì khi khỏi bệnh.

Herpes miệng là gì và bạn có thể làm gì để đối phó với nó? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này!

1. Herpes miệng là gì?

herpes miệng: làm sao để đối phó?

Herpes miệng là bệnh do virus herpes simplex gây ra. Bệnh lây lan từ người sang người thông qua đường tiếp xúc da với da như hôn môi, chạm tay vào mụn nước. Người bệnh sẽ bị nổi các mụn nước nhỏ, đau, mọc thành chùm ở miệng, thỉnh thoảng còn mọc ở các ngón tay, mũi hoặc trong miệng. Mụn nước thường tự khỏi sau 2 tuần.

Không thể điều trị dứt điểm herpes miệng, bệnh sẽ tái phát nhiều lần trong đời. Điều trị và phòng ngừa đúng cách sẽ giúp bạn giảm nhẹ các triệu chứng và tránh khỏi các đợt bùng phát.

2. Nguyên nhân gây herpes miệng

Có hai chủng virus herpes simplex gây bệnh herpes miệng. Virus herpes simplex chủng 1 (HSV-1) là nguyên nhân của hơn 80% trường hợp herpes miệng. Phần còn lại do virus herpes simplex chủng 2 (HSV-2) gây ra.

Virus lây lan mạnh khi cơ thể xuất hiện mụn nước. Thậm chí, bệnh vẫn có thể lây lan khi cơ thể không xuất hiện triệu chứng. Do đó, có rất nhiều người đã mang virus trong người (thống kê năm 2012 có 3,7 tỉ người, tương đương 67% dân số toàn thế giới mang HSV-1). Người ta có thể mang virus trong người suốt đời mà không hay biết vì cơ thể không có triệu chứng gì rõ rệt. Một số người có biểu hiện herpes miệng, môi hoặc cơ quan sinh dục. Số cực kì hiếm có biểu hiện viêm giác mạc và viêm não do virus herpes.

3. Triệu chứng herpes miệng

herpes miệng: làm sao để đối phó?

Bạn có thể cảm thấy châm chích, ngứa ngáy ở miệng và vùng xung quanh. Sau đó khoảng 2 ngày, các mụn nước bắt đầu xuất hiện.

Các mụn nước sẽ xuất hiện thành chùm gây đau rát, chứa đầy dịch và đỏ rực. Sau vài ngày, mụn nước sẽ vỡ ra để lại các vết lở loét quanh miệng.

Các triệu chứng khác đi kèm với mụn nước bao gồm: sốt, đau nhức cơ thể hoặc sưng hạch cổ.

Bạn phải đi bác sĩ ngay nếu thấy bất cứ khó chịu nào trong mắt hoặc thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.

Các giai đoạn tiến triển của mụn nước

♦ Giai đoạn 1: Châm chích, ngứa ngáy ở miệng khoảng 24-48 giờ trước khi mụn nước xuất hiện.

♦ Giai đoạn 2: Các mụn căng phồng chứa đầy dịch.

♦ Giai đoạn 3: Các mụn nước vỡ ra để lại các vết lở loét rất đau.

♦ Giai đoạn 4: Các vết loét khô, kéo mày (vảy) gây ngứa ngáy.

♦ Giai đoạn 5: Mày tróc ra, da bắt đầu lành lặn trở lại.

Người mang virus sẽ dễ bị bùng phát hơn nếu:

♦ Đang bị cúm, viêm họng, viêm phổi…

♦ Tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

♦ Đang căng thẳng quá mức.

♦ Bị HIV/AIDS hoặc có hệ miễn dịch yếu.

♦ Đang hành kinh.

♦ Bị chàm (bệnh eczema).

♦ Đang trong đợt hóa trị.

♦ Đang có vấn đề răng miệng.

4. Khi mắc herpes miệng, trường hợp nào cần đến bác sĩ ngay?

herpes miệng: làm sao để đối phó?

Với đợt herpes miệng đầu tiên trong đời, các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn. Nếu gặp phải những trường hợp sau đây, bạn cần đến bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám và điều trị herpes miệng:

♦ Sốt cao liên tục

♦ Khó thở

♦ Nuốt khó

♦ Đỏ hoặc thấy bất cứ bất thường nào ở mắt

5. Điều trị herpes miệng

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp tiêu diệt hoàn toàn virus trong cơ thể người nhiễm. May mắn là hầu hết người nhiễm virus không xuất hiện triệu chứng nào. Khi xuất hiện triệu chứng thể nhẹ, bạn có thể áp dụng nhiều cách điều trị herpes tại nhà cho đến khi lành bệnh:

♦ Thuốc mỡ và kem bôi giúp giảm đau và làm lành tổn thương.

♦ Thuốc giảm đau, hạ sốt như acetaminophen, ibuprofen.

♦ Thuốc kháng virus chỉ được dùng khi có toa bác sĩ như acyclovir, valacyclovir, famciclovir và dùng càng sớm càng tốt khi triệu chứng vừa mới xuất hiện.

Ngoài ra, bạn có thể dùng thêm nhiều cách hỗ trợ khi điều trị herpes miệng tại nhà như:

herpes miệng: làm sao để đối phó?

♦ Chườm khăn lạnh sạch hoặc đá lạnh quấn trong khăn lên vết loét để giảm đau (không đặt nước đá trực tiếp lên vùng da bị tổn thương).

♦ Tránh ánh nắng chiếu trực tiếp lên tổn thương (đeo khẩu trang khi ra đường).

♦ Tránh đụng chạm vào các mụn nước.

♦ Bạn nhớ rửa sạch tay trước và sau khi bôi kem hoặc chăm sóc vết thương.

♦ Nhớ bổ sung thêm nước và vitamin C (bạn có thể uống thêm sinh tố, nước ép).

6. Phòng ngừa herpes miệng tái phát và lây lan

herpes miệng: làm sao để đối phó?

Herpes miệng sẽ dễ tái phát nếu hệ miễn dịch và sức đề kháng của bạn bị suy yếu. Để tránh điều này, bạn cần:

♦ Ăn đủ chất dinh dưỡng.

♦ Uống đủ nước mỗi ngày (ít nhất 2 lít nước).

♦ Tập luyện thể dục, thể thao mỗi ngày.

♦ Ngủ đủ giấc.

♦ Tránh tiếp xúc trực tiếp, dùng chung khăn, bàn chải, thức ăn với người đang có herpes miệng hoặc nghi ngờ có herpes miệng.

♦ Quan hệ tình dục an toàn (sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ, chung thủy 1 vợ 1 chồng) để tránh virus lây lan sang hệ sinh dục và các bệnh khác lây qua đường tình dục.

Kiều Tuấn Anh / HELLO BACSI

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News