Sức Khoẻ

Hòa Bình đẩy mạnh việc bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý dược liệu

Nắm giữ nhiều loại cây dược liệu quý, có giá trị y học và giá trị kinh tế, đồng bào dân tộc thiểu số cùng Hội Đông y tỉnh Hòa Bình đã tích cực bảo tồn, phát huy hình thành nhiều vùng chuyên canh cây dược liệu quý.

Tiềm năm dược liệu dồi dào

Tỉnh Hòa Bình là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao với gần 75% dân số gồm các dân tộc Tày, Mường, Thái, Dao, Mông sống trải dài các huyện, thành phố ở trong tỉnh. Trên địa bàn sinh sống của các đồng bào dân tộc thiểu số này có nhiều loại cây dược liệu quý.

Nhằm phát huy, khai thác nguồn dược liệu quý trong việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe, nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh cây dược liệu quý như: Cà gai leo ở Yên Thủy, Cao Phong, Lương Sơn; Cây nghệ, sa chi, hà thủ ô ở TP Hòa Bình; Giảo cổ lam, ngải cứu ở Đà Bắc; Xạ đen, củ bình vôi ở Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Sơn, Đà Bắc… Qua đó đã hình thành được nhiều vườn thuốc có giá trị, tiêu biểu như các vườn thuốc tập thể của Trạm y tế các xã: Vân Sơn, Mỹ Hoà, Ngọc Mỹ, thị trấn Mãn Đức của huyện Tân Lạc; Xuất Hóa, Định Cư (Lạc Sơn); Hợp Tiến, Kim Lập (Kim Bôi); vườn thuốc nam của Hội Người cao tuổi xã Đú Sáng (Kim Bôi). Người dân địa phương được hỗ trợ về giống cũng như kỹ thuật chăm sóc để trồng trong vườn hộ gia đình.

Ông Vũ Kim Sản – Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Hòa Bình cho biết, để phát huy và bảo tồn các bài thuốc hay, dược học cổ truyền phục vụ chăm sóc sức khỏe, những năm qua hội đông y của tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp. Đến nay, toàn tỉnh đã duy trì được 1.531 tủ thuốc xanh tại các gia đình hội viên Hội Đông y và trên 60% trạm y tế các xã, phường, thị trấn. Các loại cây thuốc quý được các cấp Hội Đông y nuôi trồng phổ biến là: Khôi nhung, thanh thiên quỳ, quế, hồi, bạch hoa xà, cở nhung, sa nhân, xạ đen, hoài sơn, ba kích tím, nghệ đỏ, cà gai leo, đinh lăng….

hòa bình đẩy mạnh việc bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý dược liệu

Dược liệu Khôi Nhung ở tỉnh Hòa Bình

Trong 5 năm qua, trên 1.551 tấn dược liệu được thu hái chế biến thành cao đơn hoàn tán, thuốc viên, thuốc bột, thuốc nước và hàng triệu thang thuốc, đáp ứng được nhu cầu thuốc để điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ngày càng nhiều người tìm đến khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền khi mà nhiều bệnh lý được điều trị hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí. Thống kê những năm gần đây, số người được khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở Hòa Bình chiếm 13,6% tổng số người được khám chữa bệnh trong toàn tỉnh. Đây được xem như hiệu ứng tích cực từ việc bảo tồn và phát huy vốn quý y, dược học cổ truyền cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đầu tư bảo tồn nguồn gen quý

Để đầu tư bảo tồn nguồn gen quý dược liệu, các dự án bảo tồn và phát triển vùng dược liệu ở Hòa Bình đã được triển khai. Mục tiêu chung tới năm 2025 sẽ quy hoạch các vùng rừng, vùng có dược liệu tự nhiên trọng điểm để bảo tồn nguồn gen đặc hữu, bản địa có giá trị và nguy cơ bị tuyệt chủng cao để phát triển bền vững trong tự nhiên; lựa chọn, khai thác hợp lí 10 loài dược liệu chính, đạt khoảng 8.000-9.000 ha dược liệu mỗi năm.

Quy hoạch xây dựng 04 vườn bảo tồn; Các khu bảo tồn Hang Kia, Phu Canh, Thượng Tiến, Ngọc Sơn trở thành nơi tập trung, bảo tồn, trồng mới nhiều loài cây thuốc được thu thập ở các địa phương khác nhau, đại diện cho vùng khí hậu đặc trưng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu. Tới năm 2025 đạt 70% và 100% vào năm 2030 tổng số loài dược liệu đặc trưng của Hòa Bình được bảo tồn. Đồng thời quy hoạch 4 vườn ươm quốc gia tại 4 huyện Tân Lạc, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn nhằm ươm cung cấp giống dược liệu cho nhu cầu trồng, phát triển dược liệu quy mô lớn.

hòa bình đẩy mạnh việc bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý dược liệu

Vùng trồng dược liệu ở Hòa Bình

Đặc biệt là tại huyện Đà Bắc ngoài mô hình phát triển cây dược liệu ở xóm Men xã Yên Hòa, hiện nhiều xã trên địa bàn huyện Đà Bắc cũng đang từng bước phát triển trồng cây dược liệu như Tú Lý, Toàn Sơn. Mục tiêu tới năm 2025, Đà Bắc phủ khoảng 30ha trồng cây dược liệu, từng bước thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để người dân nâng cao thu nhập, đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.

Mô hình trồng và bảo tồn dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm nghèo cho người dân, nhất là ở các vùng dân tộc thiểu số. Thế nhưng để mô hình phát huy hiệu quả cần cả một quá trình vì các cây dược liệu, cây bản địa vẫn chưa phải là cây trồng sản xuất hàng hóa. Đầu ra cho cây dược liệu phần lớn vẫn do tư thương tự mua bán với số lượng hạn chế nên đầu ra cho sản phẩm vẫn cần phải tính.

Trong thời gian tới, quy hoạch phát triển cây dược liệu sẽ cần một số giải pháp như: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu thụ sản phẩm, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh cây dược liệu phát triển; Xây dựng, xúc tiến thương mại về cây dược liệu cho các vùng quy hoạch; Hỗ trợ các mô hình sản xuất và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới…

Mời bạn xem video hấp dẫn:

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News