Răng Miệng

Khi bị nhiệt miệng ở má trong - Cần ứng phó và phòng ngừa ra sao?

Dù rất phổ biến nhưng tình trạng bị nhiệt miệng ở má trong vẫn gây nhiều cảm giác khó chịu cũng như băn khoăn, thắc mắc cho những ai đang phải trải qua vấn đề răng miệng này.

Nguyên nhân nào tình trạng này lại xảy ra? Liệu có một cách phòng ngừa hữu hiệu nào hay không? Và khi nào thì không nên xem thường những nốt nhiệt miệng ở mặt trong của má? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm câu trả lời qua những thông tin được tổng hợp dưới đây.

Nhận biết bị nhiệt miệng ở má trong

Nhiệt miệng ở má trong, cũng như nhiệt miệng nói chung, là những vết loét nông, nhỏ thường gặp trên lớp niêm mạc của các mô mềm trong khoang miệng, hay còn gọi là loét áp-tơ (aphthous). Ngoài bị nhiệt miệng ở bên trong má, bạn có thể gặp phải tình trạng này ở bờ trong của môi, trên nướu, sàn miệng, rìa lưỡi hoặc mặt dưới lưỡi và vòm họng.

Khi bị nhiệt miệng ở má trong, có thể dễ dàng quan sát thấy nốt nhiệt miệng hình dạng hơi tròn, kích thước vài milimet, ở giữa trắng sữa hoặc hơi vàng, đôi khi xám, với bờ niêm mạc quanh vết loét thường tấy đỏ.

Bị nhiệt miệng ở mặt trong của má hay bất kỳ vị trí nào trong miệng cũng đều gây nhiều đau rát, khó chịu, làm người bệnh ngại ăn uống, nói chuyện.

Tìm hiểu thêm Nhiệt miệng là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị lở miệng hiệu quả

Nguyên nhân bị nhiệt miệng ở má trong, có cần lo lắng?

khi bị nhiệt miệng ở má trong - cần ứng phó và phòng ngừa ra sao?

Dân gian thường cho rằng bị nhiệt miệng ở má trong là biểu hiện của cơ thể bị “nóng trong”. Đông y lý giải nhiệt miệng là hỏa độc, nhiệt độc ở tỳ, vị bốc lên sinh loét, nóng rát, thường gặp phải khi nắng nóng hoặc ăn nhiều đồ cay nóng, dầu mỡ, khó tiêu…

Dù cơ chế gây nhiệt miệng chính xác chưa được làm rõ, y học hiện đại xác định tình trạng nhiệt miệng thường gắn liền với những nguyên nhân sau:

  • Cơ thể bị thiếu hụt một chất dinh dưỡng nào đó: vitamin B12, axit folic, kẽm hoặc sắt. Ít gặp hơn, do chế độ ăn thiếu vitamin C, vitamin A hoặc protein.
  • Kích ứng với thành phần natri lauryl sulfate trong một số loại kem đánh răng, nước súc miệng.
  • Dị ứng tại chỗ với vi khuẩn khoang miệng.
  • Nhạy cảm với thực phẩm như cà phê, ca cao (có trong sô cô la), phô mai, các loại hạt, trái cây họ cam chanh…
  • Căng thẳng
  • Thay đổi nội tiết tố (hormone) khi gần tới ngày hành kinh hoặc do thai kỳ
  • Tổn thương trực tiếp niêm mạc miệng, do đánh răng quá mạnh, tai nạn thể thao, dụng cụ chỉnh nha có góc cạnh, cắn phải má hay ăn đồ ăn quá cứng hay quá khô… thường gây nhiệt miệng ở má trong hơn những vị trí khác.

Có thể thấy trong việc lý giải nguyên nhân nhiệt miệng, y học hiện đại và y học cổ truyền cùng đồng tình ở nhiều nguyên nhân.

Bị nhiệt miệng ở mặt trong của má – khi nào cần lo lắng?

Thông thường, những nốt nhiệt miệng ở má trong sẽ tự biến mất trong khoảng 2 tuần mà không cần điều trị, vì vậy bạn không cần phải lo lắng. Tuy nhiên, tốt hơn là bạn nên đi khám trong những trường hợp sau:

  • Nhiệt miệng quá lớn (hơn 1.5 cm), bị nhiều nốt nhiệt miệng cùng lúc hoặc nhiệt miệng kéo dài hơn 2 tuần mà không có dấu hiệu hồi phục. Tình trạng này nên được can thiệp để có thể sớm hồi phục, cũng như có biện pháp giảm bớt đau đớn khó chịu cho người bệnh.
  • Bị nhiệt miệng liên tục hoặc thường xuyên cần được xác định đúng nguyên nhân để có giải pháp hữu hiệu, dứt điểm.
  • Sốt, sưng hạch bạch huyết hoặc khó chịu vùng đầu cổ là dấu hiệu của nhiễm trùng và cần được xử lý kịp thời.
  • Nếu vết loét ko hề biến mất hoàn toàn nhưng không gây đau đớn, bạn có thể không bị nhiệt miệng ở má trong mà là một tình trạng nào khác, không loại trừ ung thư.

Có thể bạn quan tâm Hay bị nhiệt miệng là dấu hiệu của bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Làm gì khi bị nhiệt miệng ở má trong?

khi bị nhiệt miệng ở má trong - cần ứng phó và phòng ngừa ra sao?

Việc bị nhiệt miệng ở má trong tuy không gây nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, sinh hoạt thường ngày cũng như công việc của người bệnh. Đối với tình trạng bị nhiệt miệng ở mặt trong của má thông thường, nguyên tắc điều trị là ngưng tác nhân gây nhiệt miệng, giảm đau cho bệnh nhân và tạo điều kiện để nốt nhiệt miệng mau lành.

  • Tránh món ăn cay, nóng, chua, mặn để nốt nhiệt miệng bớt đau rát và kích ứng
  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch baking soda (1 muỗng cà phê hòa tan trong 150 ml nước ấm) sau khi vệ sinh răng miệng giúp sát khuẩn nhẹ nhàng cho vết loét
  • Ngậm đá viên giúp mang đến cảm giác dễ chịu cho một số bệnh nhân
  • Ăn nhiều rau xanh (ưu tiên rau mềm, dễ nhai nuốt), uống đủ nước
  • Bổ sung chất dinh dưỡng bị thiếu hụt qua thực phẩm hoặc tạm thời qua viên uống bổ sung
  • Trao đổi với nha sĩ nếu nguyên nhân gây nhiệt miệng ở má trong là do dụng cụ chỉnh nha gây ra.

Bạn có thể mua các loại thuốc bôi trị nhiệt miệng không kê đơn bán tại nhà thuốc để hạn chế đau rát và giúp vết loét nhanh lành.

Dân gian có kinh nghiệm chữa nhiệt miệng bằng cách nấu nước uống với một trong các loại thảo dược sau: cỏ mực, cỏ mần trầu, cam thảo đất (hoặc kết hợp cả 3 loại), rau má, đậu đen, râu bắp… Ngoài ra, bôi dầu dừa, mật ong hoặc chất chát như nước trà hay súc miệng bằng nước lá bàng lên nốt nhiệt miệng cũng giúp kháng khuẩn, giảm nhẹ cảm giác khó chịu và giúp vết loét dễ lành hơn.

Có cách nào phòng ngừa bị nhiệt miệng ở mặt trong của má?

Nếu bạn thường xuyên bị nhiệt miệng thì dù bạn làm gì, những nốt nhiệt miệng sớm muộn sẽ lại xuất hiện. Tuy nhiên chúng ta có thể “né” chúng một cách hiệu quả bằng những biện pháp sau:

  • Tránh tiêu thụ nhiều những thực phẩm được xác định là thủ phạm gây ra nhiệt miệng cho cá nhân bạn
  • Ăn uống đủ chất để cơ thể khỏe mạnh, đề kháng tốt khỏi các vi khuẩn cũng như tránh nhiệt miệng do thiếu hụt chất dinh dưỡng. Trong đó chú ý ăn đa dạng các loại rau củ quả.
  • Giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt nhưng đúng cách, không gây tổn thương cho niêm mạc miệng
  • Học cách thư giãn, tránh căng thẳng kéo dài
  • Trao đổi với bác sĩ nếu bạn thuộc nhóm đối tượng dễ bị thiếu hụt một chất dinh dưỡng nào đó, để có cách bổ sung an toàn và hiệu quả.

Mong rằng với những chỉ dẫn và gợi ý trên này, bị nhiệt miệng ở má trong sẽ sớm không còn là nỗi phiền muộn của bạn nữa.

Bạn có thể quan tâm Hội chứng miệng bỏng rát: Nguyên nhân do đâu, khắc phục thế nào?

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News