Cơ Xương Khớp

Khối u cột sống

khối u cột sống

Tìm hiểu chung

Khối u cột sống là gì?

Khối u cột sống là những mô bất thường tăng trưởng nhanh ở trong ống sống hoặc xung quanh cột sống. Các khối u có thể tạo áp lực lên cột sống và tổn thương tủy sống, do đó cần phải được phát hiện và điều trị kịp thời.

U cột sống nguyên phát thường bắt nguồn từ cột sống hoặc tủy sống. Trong khi đó, u thứ phát thường là tế bào ung thư di căn từ nơi khác đến.

Các loại u cột sống

U cột sống có rất nhiều loại, sau đây là 3 dạng phổ biến:

U ngoài màng cứng

Đây là khối u hình thành từ tế bào bao quanh rễ sợi trục thần kinh. Các khối này thường là do di căn từ một nơi khác trong cơ thể.

U trong màng cứng – ngoài tủy

Các khối u này thường lành tính và phát triển chậm. Chúng xuất hiện trong các rễ thần kinh xuất phát từ tủy sống hoặc nền tủy sống. Khi mắc dạng này, bạn sẽ có triệu chứng đau và yếu người.

Các dạng u trong màng cứng – ngoài tủy phổ biến gồm:

  • U màng não: thường xảy ra ở lớp màng xung quanh tủy sống và phổ biến ở phụ nữ từ trung niên trở lên.
  • U vỏ thần kinh: xảy ra ở rễ thần kinh và thường không gây bất cứ triệu chứng nào trong vài năm đầu.

U tủy sống

Các khối u này thường phát triển bên trong tủy sống (đặc biệt là tủy cổ), hình thành từ tế bào đệm hoặc tế bào lót ống nội tủy, nằm bên trong mô kẽ tủy sống.

Các khối u tủy sống thường lành tính, nhưng sẽ khá khó khăn khi tiến hành điều trị bằng phẫu thuật. Hai dạng phổ biến nhất của u tủy là u tế bào sao và u lớp lót ống nội tủy.

Việc xác định rõ loại và vị trí khối u, cũng như các triệu chứng mà nó gây ra sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng khối u cột sống là gì?

Hầu hết các khối u đều gây đau lưng và cũng có thể làm thiếu hụt thần kinh, chẳng hạn như tê hoặc yếu. Một số ít trường hợp sẽ không có bất cứ triệu chứng nào. Các triệu chứng khối u cột sống có thể khác nhau rất nhiều dựa vào vị trí và loại u cột sống.

U cột sống có thể gây đau lưng bằng cách làm tổn thương các mô khỏe mạnh, như đốt sống, hoặc chèn ép các dây thần kinh ở khu vực này.

Các triệu chứng đau cụ thể của u cột sốt sống như:

  • Đau lưng trên hoặc lưng giữa: các cơn đau do u cột sống thường ở phần lưng trên hoặc giữa, trong khi các cơn đau lưng thông thường sẽ ở phần lưng dưới hoặc cổ. Khoảng 70% khối u thường nằm ở cột sống ngực.
  • Cơn đau nhức sâu từ bên trong.
  • Đau nhói hoặc như điện giật. Cơn đau có thể chỉ ở một khu vực cụ thể trên lưng hoặc theo dọc rễ thần kinh hay tủy sống lan đến ngực, bụng, chân và cánh tay.
  • Cơn đau nghiêm trọng hơn vào ban đêm.
  • Cơn đau cũng tệ hơn vào buổi sáng, sau khi thức dậy.
  • Cơn đau cũng nặng hơn khi chạm hoặc chườm nhiệt vào khu vực khối u.
  • Đau ở thắt lưng và cổ: mặc dù rất hiếm nhưng khoảng 20% trường hợp khối u xuất hiện ở lưng dưới và 10% là ở cổ.

Ngoài ra, một số dấu hiệu khác cũng đi kèm với đau lưng như:

  • Chán ăn
  • Sụt cân không rõ lý do
  • Buồn nôn hay nôn
  • Sốt, ớn lạnh hoặc run người

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Thực tế, bạn có thể bị đau lưng vì nhiều nguyên nhân và không phải nguyên nhân nào cũng là do khối u. Tuy nhiên, việc chẩn đoán sớm và điều trị u cột sống là hết sức quan trọng, nên bạn hãy đến gặp bác sĩ nếu có dấu hiệu đau lưng sau:

  • Cơn đau dai dẳng và ngày càng nặng hơn
  • Cơn đau không giảm cho dù bạn có hay không hoạt động
  • Cơn đau nặng hơn vào ban đêm
  • Bạn có bệnh sử ung thư và có một cơn đau lưng mới
  • Bạn có các triệu chứng ung thư khác, như buồn nôn, nôn và chóng mặt

Đi cấp cứu ngay nếu:

  • Yếu và tê cơ ở chân hoặc tay ngày càng nghiêm trọng
  • Chức năng ruột và bàng quang thay đổi

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây khối u cột sống?

Các chuyên gia vẫn không biết chính xác nguyên nhân nào gây ra u cột sống. Họ cho rằng các gene khiếm khuyết góp phần gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, liệu các gene bị khiếm khuyết là do di truyền hay tự phát triển vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải.

Một số yếu tố trong môi trường, như tiếp xúc với hóa chất, cũng có thể gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các khối u cột sống sẽ liên quan đến các hội chứng di truyền, chẳng hạn như u sợi thần kinh loại 2 và bệnh Von Hippel-Lindau.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc khối u cột sống?

U tủy sống phổ biến hơn ở những người có:

  • U sợi thần kinh loại 2. Trong rối loạn di truyền này, các khối u lành tính phát triển trên hoặc gần các dây thần kinh liên quan đến thính giác, dẫn đến mất thính giác tiến triển ở một hoặc cả hai tai. Một số người mắc bệnh u sợi thần kinh 2 cũng phát triển khối u tủy sống.
  • Bệnh Von Hippel-Lindau. Rối loạn đa hệ thống hiếm gặp này có liên quan đến các khối u mạch máu (hemangioblastomas) trong não, võng mạc, tủy sống và với các loại khối u khác ở thận hoặc tuyến thượng thận.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán khối u cột sống?

Việc chẩn đoán chính xác khối u cột sống là điều cực kỳ quan trọng để giúp điều trị hiệu quả. Các phương pháp giúp chẩn đoán bệnh như:

Kiểm tra bệnh sử

Khi bạn có một cơn đau lưng mới, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, tình trạng sức khỏe đã và đang có, chấn thương, thuốc, chế độ ăn uống và lối sống, bệnh sử gia đình.

Với những người đã và đang mắc ung thư ở khu vực khác trong cơ thể, bác sĩ có thể nghi ngờ ung thư đã di căn đến cột sống. Tùy vào giai đoạn và mức độ của ung thư, các phương pháp điều trị sẽ khác nhau.

Khám sức khỏe

Bác sĩ sẽ sờ nắn dọc theo lưng (hoặc cổ) và quan sát xem có bất kỳ tổn thương, vết sưng, sự mất ổn định hoặc bất thường nào khác không. Các xét nghiệm lâm sàng cũng có thể được thực hiện để kiểm tra các vấn đề ở cánh tay hoặc chân như:

  • Sức mạnh
  • Cảm giác
  • Phản xạ

Bất kỳ chức năng thần kinh bất thường nào cũng có thể chỉ ra tình trạng viêm hoặc chèn ép tủy sống hoặc một dây thần kinh cột sống.

Xét nghiệm hình ảnh

Nếu bác sĩ nghi ngờ đau lưng là do một khối u cột sống, họ sẽ yêu cầu làm các xét nghiệm hình ảnh để quan sát khối u rõ hơn:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT). Chụp CT là phương pháp khá phổ biến cho các tình trạng ở cột sống vì nó giúp bác sĩ quan sát các vấn đề trong xương rõ hơn.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI). Chụp MRI là cách tốt nhất để quan sát các mô mềm trong cơ thể và có thể đặc biệt hữu ích trong việc phân biệt các khối u với cấu trúc thần kinh. MRI có sử dụng thuốc cản quang gadolinium sẽ giúp bác sĩ xác định xem khối u nằm ngoài tủy sống hay bên trong tủy sống.
  • Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET). Chụp PET có thể hữu ích trong việc xác nhận xem một bất thường được phát hiện có phải là khối u hay không. Trong kỹ thuật này, người bệnh được tiêm một lượng nhỏ chất đánh dấu phóng xạ, điển hình là một loại đường, chảy qua dòng máu. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng một camera đặc biệt để xác định các khu vực có nhiều khả năng nằm trong các tế bào khối u.
  • Xạ hình xương. Quá trình chụp này liên quan đến việc tiêm chất phóng xạ (chất đánh dấu) chảy qua dòng máu và được xương hấp thụ. Sau đó, một camera đặc biệt được sử dụng để nhìn rõ xương và bất kỳ khu vực thay đổi bất thường nào trong chúng.

Trong trường hợp bạn không thể chụp MRI, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp CT với thuốc cản quang myelography để thấy các mô mềm, chẳng hạn như khối u ngoài xương.

Sinh thiết

Khi phát hiện các khối u qua xét nghiệm hình ảnh, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết để xác minh hoặc tìm hiểu thêm. Hai loại sinh thiết phổ biến cho khối u cột sống bao gồm:

  • Sinh thiết kim qua da. Bác sĩ sẽ luồn một cây kim qua da và vào khối u thông qua X-quang. Sinh thiết kim qua da là loại phổ biến nhất giúp chẩn đoán u cột sống.
  • Sinh thiết mở. Phương pháp này được coi là phẫu thuật mở và thường xảy ra khi bạn đã có kế hoạch làm một cuộc phẫu thuật khác. Trong phương pháp này, bác sĩ có thể loại bỏ một phần hoặc toàn bộ khối u.

Trong một số trường hợp, bạn sẽ không cần làm sinh thiết, chẳng hạn như khi ung thư tiến triển và di căn sang cột sống.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu cũng có thể là một phần của quá trình chẩn đoán u cột sống để giúp tầm soát ung thư. Xét nghiệm máu giúp bác sĩ xác định nguồn gốc của khối u di căn đến cột sống, chẳng hạn như vú hoặc tuyến tiền liệt.

Những phương pháp nào giúp điều trị khối u cột sống?

Tùy thuộc vào loại và vị trí khối u, cũng như các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác mà bạn mắc, các phương pháp điều trị u cột sống sẽ khác nhau.

Điều trị không phẫu thuật cho khối u cột sống

Phương pháp điều trị không phẫu thuật có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với phẫu thuật.

Xạ trị ngoài

Xạ trị ngoài liên quan đến việc chiếu một chùm bức xạ vào cơ thể và nhắm vào khối u để tiêu diệt các tế bào khối u hoặc thu nhỏ chúng.

Một hình thức xạ trị khác, được gọi là xạ phẫu đích, liên quan đến việc chiếu nhiều chùm tia vào khối u từ nhiều góc độ với mục đích bảo tồn càng nhiều mô khỏe càng tốt.

Thông thường, xạ trị được sử dụng sau phẫu thuật khối u cột sống như một cách để tiêu diệt bất kỳ tế bào còn lại. Nó cũng có thể được sử dụng trong trường hợp u cột sống không thể phẫu thuật được hoặc như một cách để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật.

Thuốc

Một số thuốc giúp điều trị u cột sống như:

  • Corticosteroid giúp giảm viêm và kích thước của khối u.
  • Thuốc giảm đau có thể giúp giảm đau do khối u cột sống, thuốc giảm đau thần kinh, opioid và NSAID (thuốc chống viêm không steroid).
  • Thuốc hóa trị, có thể được tiêm tĩnh mạch hoặc dùng đường uống, nhắm vào các tế bào ung thư trên toàn cơ thể.
  • Các loại thuốc điều trị miễn dịch, nhằm mục đích kích thích hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào bất thường. Đây là một phương pháp điều trị mới và vẫn đang được nghiên cứu. Một số bằng chứng cho thấy liệu pháp miễn dịch có khả năng thu nhỏ khối u cột sống, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn.

Trong một số trường hợp hiếm, u cột sống không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Đối với trường hợp này, bác sĩ chỉ cần theo dõi nó thông qua xét nghiệm hình ảnh để đảm bảo rằng khối u không phát triển nhanh chóng.

Một khối u cột sống lành tính có thể hoặc không phát triển thành một tình trạng sức khỏe sau này. Miễn là u cột sống lành tính không gây ra triệu chứng, bác sĩ sẽ không cần điều trị. Bằng cách thường xuyên theo dõi khối u, điều trị có thể bắt đầu ngay sau khi các triệu chứng xuất hiện, do đó kết quả mang lại sẽ khả quan hơn.

Phẫu thuật

Mục tiêu của phẫu thuật u cột sống là:

  • Loại bỏ tất cả các khối u (hoặc càng nhiều càng tốt)
  • Bảo tồn chức năng thần kinh
  • Duy trì ổn định của cột sống

Tùy thuộc vào loại và vị trí khối u, các phương pháp phẫu thuật sẽ khác nhau. Một số phẫu thuật có thể ít xâm lấn, một số khác có thể xâm lấn hơn hoặc kết hợp với các kỹ thuật y khoa.

Nếu vẫn còn bất kỳ khối u nào sau phẫu thuật, nó có thể được điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị.

Sau phẫu thuật khối u cột sống, sẽ mất một khoảng thời gian để các dây thần kinh được chữa lành. Thông thường, bạn cần thực hiện phục hồi chức năng và nghỉ ngơi để giúp cải thiện chức năng thần kinh.

Khối u cột sống có nguy hiểm không?

Các khối u cột sống có thể chèn ép các dây thần kinh cột sống, dẫn đến mất chuyển động hoặc cảm giác ở vị trí xung quanh khối u. Điều này đôi khi có thể gây ra những thay đổi trong chức năng ruột và bàng quang. Tổn thương thần kinh có thể vĩnh viễn, không thể phục hồi được.

Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực, có thể ngăn ngừa và lấy lại chức năng thần kinh. Tùy thuộc vào vị trí, một khối u chèn ép vào tủy sống có thể đe dọa tính mạng.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News