Sức Khoẻ

Làng thuốc Nam của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận

Xuân Hải là xã đồng bằng ở phía Tây huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, hơn nửa số dân là người Chăm. Còn hai thôn Phước Nhơn, An Nhơn thì 100% là người Chăm. Có những thời điểm, có đến hơn nửa làng đi bán thuốc Nam ở xa.

Bốc thuốc bằng chữ tâm

Sống gần gũi với thiên nhiên, người Chăm biết sử dụng các loại cây, cỏ để chữa bệnh và có rất nhiều bài thuốc hay. Theo khảo sát của Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận, hiện có 300 loài thuộc 97 họ thực vật được người Chăm bào chế làm thuốc với 600 vị. Với 400 bài thuốc quý, trong đó có hơn 100 bài đã được ngành y tế kiểm định, cấp giấy chứng nhận là bài thuốc cổ truyền có tác dụng chữa bệnh hiệu quả. Những bài thuốc gia truyền của đồng bào có thể trị những bệnh thông thường như đau răng, nhức đầu, bong gân, gãy xương đến những bài thuốc phức tạp như trị rắn cắn, sốt rét, sán xơ mít… Người bào chế phải qua trường lớp đào tạo, được cấp chứng chỉ.

Những thanh thiếu niên người Chăm đều được học làm thuốc từ khi mới 16-17 tuổi. Ban đầu, đám trẻ được theo người lớn lên rừng hái thuốc, học cách phân biệt dược liệu. Sau quen dần, sẽ được dạy về kinh nghiệm chẩn bệnh, kê đơn bốc thuốc.

Xã Xuân Hải có khoảng 1.200 hộ làm thuốc, tập trung đông nhất là hai thôn người Chăm là An Nhơn và Phước Nhơn. Cũng như nhiều bài thuốc bí truyền khác từ các loại cây rừng, các bài thuốc và cách bốc thuốc ở làng thuốc cũng rất công phu.

làng thuốc nam của đồng bào chăm ở ninh thuận

Lương y Đạo Thị Nữ với kho thuốc của gia đình.

Giống như quà tặng của thiên nhiên, cây thuốc ở vùng rừng núi này  cho giá trị dược liệu cao hơn những nơi khác và đem lại những công dụng hữu hiệu. Cũng theo các thầy lang người Chăm, tất cả cây thuốc mọc trong các hẻm đá thường có chất lượng cao hơn mọc ngoài đất thịt. Bởi vậy, công phu đi tìm thuốc cũng vì thế mà gian nan hơn. Khi sắc và bào chế thuốc cũng có nhiều bí quyết riêng.

Trước đây, người Chăm chỉ quen tìm dược liệu, bào chế thuốc trị bệnh cho người trong gia đình, chòm xóm, thỉnh thoảng mới đi xa. Từ khi công dụng của những bài thuốc hay được lan truyền, người nhiều vùng tìm về mua nên họ bắt đầu nghĩ đến việc lấy nghề bốc thuốc làm kế sinh nhai.

Yêu nghề để giữ nghề thuốc Nam

Theo Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận, thì có đến gần 1.000 người Chăm là hội viên, trong đó, phần lớn ở Ninh Hải. Nghề thuốc Nam đã góp phần đổi thay diện mạo cuộc sống, nhiều hộ dân không chỉ thoát đói nghèo mà còn vươn lên khá giả, bộ mặt thôn xóm đổi sắc rõ rệt.

Mới ngoài 40 tuổi nhưng chị Đạo Thị Nữ không nhớ nổi bàn chân mình đã đi qua bao nhiêu bản nghèo để giúp bà con cách uống thuốc, cách đi lên rừng tìm cây thuốc. Chị cho biết, trên núi Cà Đú cũng như núi Bác Ái này có rất nhiều loại cây thuốc quý mà đôi khi mình không biết. Các lương y đi bán thuốc nếu thấy bệnh không giảm thì không bao giờ dám lấy tiền. Có lấy thì cũng lấy tiền công thôi chứ không phải mục đích kinh doanh làm giàu. Có những ngày chật vật với nắng hạn, đồng ruộng khô khốc nhưng ai đến An Nhơn bốc thuốc cũng không có bất kỳ lương y nào dám lấy giá cao. Đây là nguyên tắc mà khi đi học nghề Đông y, các thầy thuốc phải cam kết thực hiện.

làng thuốc nam của đồng bào chăm ở ninh thuận

Trồng dược liệu để chủ động được nguồn thuốc.

Chính quyền địa phương cũng hết sức ủng hộ, tạo mọi điều kiện có thể để Phước Nhơn được công nhận là thương hiệu làng nghề thuốc Nam truyền thống. Nếu được vậy, nét độc đáo của địa phương sẽ được nâng lên và trở thành điểm du lịch kết hợp chữa bệnh lý tưởng.

Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn dược liệu, Dự án Bảo tồn cây thuốc và nghề thuốc của người Chăm đã được Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận tổ chức thực hiện từ đầu năm 2010. Dự án này được triển khai ở hai thôn An Nhơn, Phước Nhơn (xã Xuân Hải) và đến nay đã đem lại tín hiệu khả quan.

Từ khi dự án được khởi động đã có 30 hộ đăng ký đất trồng thuốc theo phương dược riêng của mỗi gia đình. Đến nay đã có 24 hộ tiến hành trồng cây thuốc trên diện tích gần 1000 mét vuông, với 43 giống các loại, hiện tất cả đều phát triển tốt. Chính quyền cũng đã hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ chăm sóc, đầu tư, bên cạnh đó, phát động bà con trong làng tự trồng thuốc ở nhà để luôn chủ động được nguồn dược liệu.

Với dự án trên, hy vọng trong tương lai, nghề thuốc Nam của đồng bào Chăm Ninh Thuận vẫn được bảo tồn và phát triển hơn.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News