Dị Ứng

Liệu có phải hắt xì chỉ là cảm lạnh?

Khi bị hắt xì, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến cảm lạnh. Thế nhưng, thực tế, hắt xì có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó viêm mũi dị ứng là một trong những “thủ phạm” gây hắt xì phổ biến nhất nhưng lại ít khi được chú ý đến.

Hắt xì là một triệu chứng rất thường gặp và hiếm khi là dấu hiệu của một loại bệnh nghiêm trọng [3]. Tuy nhiên, nếu bạn bị hắt xì thường xuyên, hắt xì từng tràng, liên tục vài chục cái một lúc hoặc lúc nào cũng phải cần đến khăn để lau nước mũi thì quả thật chẳng dễ chịu. Điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, nhất là khi bạn phải thường xuyên giao tiếp.

Vậy nguyên nhân của hắt xì là do đâu? Vì sao bạn lại hay bị hắt xì? Hắt xì liệu có phải chỉ là triệu chứng “cảm vặt” thông thường như nhiều người vẫn nghĩ hay còn có thể là do bệnh lý nào khác? Mời bạn xem tiếp bài viết của Hello Bacsi để phần nào có lời giải đáp cho những băn khoăn này nhé!

Hắt xì: Liệu có phải là chỉ là cảm lạnh?

Hắt xì, hắt hơi hay nhảy mũi là một phản xạ của đường hô hấp khi niêm mạc mũi bị kích ứng do hít phải các tác nhân lý, hóa, vi sinh gây hại từ môi trường bên ngoài. Khi có “vật thể lạ” xâm nhập vào mũi, các cảm thụ thần kinh trong niêm mạc mũi sẽ bị kích thích và truyền tín hiệu theo dây thần kinh tam thoa lên vùng phụ trách “hắt xì” ở hành tủy bên trên não bộ. Khi cường độ kích thích đạt tới ngưỡng, não sẽ kích hoạt phản xạ hắt xì. Lúc này, phổi sẽ đột ngột hít một hơi thật sâu, thanh thiệt đóng lại, cơ hoành đẩy lên làm gia tăng áp lực trong lồng ngực. Sau đó là màn “mở cửa” giải phóng áp lực diễn ra thật nhanh khiến dịch nhầy và các “vật thể lạ” được “tống khứ”, bay theo luồng hơi ra khỏi họng mũi với một tốc độ “kinh hoàng”. Như vậy, hắt hơi thực chất chỉ là một phản xạ tự nhiên giúp làm sạch đường thở mũi, bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại tiềm ẩn xâm nhập từ môi trường xung quanh. [1], [3], [10]

Hắt xì là một trong những triệu chứng thường gặp nhất khi bị cảm lạnh. Do đó, khi bị hắt xì, nhiều người chỉ nghĩ ngay đến bệnh lý này. Tuy nhiên, nếu bị hắt xì từng tràng, thường xuyên, liên tục ngày này qua tháng nọ, vượt quá “khuôn khổ” của cảm lạnh thông thường thì cần xem lại bởi đây có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang phản ứng quá mức với một tác nhân nào đó. Và điển hình của tình trạng phản ứng quá mức đó là bệnh viêm mũi dị ứng. [4]

Viêm mũi dị ứng là bệnh lý rất thường gặp nhưng lại ít khi được chú ý. Theo Viện dị ứng, Hen và Miễn dịch Hoa Kỳ, tỷ lệ người bị mắc vấn đề dị ứng đường hô hấp chiếm từ 10 – 30% dân số thế giới. Trong đó, hiện có hơn 400 triệu người trên thế giới chịu ảnh hưởng của viêm mũi dị ứng [7]. Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra của Khoa dị ứng – miễn dịch Bệnh viện Tai – mũi – họng Trung ương, tỷ lệ ca bệnh viêm mũi dị ứng chiếm 32,2 % tổng số ca bệnh về tai mũi họng. [6]

Do có cùng triệu chứng là hắt xì nên cảm lạnh thông thường và viêm mũi dị ứng rất hay bị nhầm lẫn nếu không tinh ý. Nếu hắt xì là do cảm lạnh, bạn còn có thể có các triệu chứng khác đi kèm như ho, viêm họng, dịch mũi đặc và có màu vàng khi bội nhiễm, đi kèm với sốt và đau mỏi mình mẩy. Các triệu chứng này khởi phát sau 3 ngày nhiễm bệnh và kéo dài từ 5 – 7 ngày [4]. Nếu hắt xì là do viêm mũi dị ứng, các triệu chứng sẽ khởi phát ngay sau khi bạn tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng và ngoài hắt xì thành từng tràng, bạn còn có thể bị ngứa mắt và chảy nước mắt. Dịch mũi của viêm mũi dị ứng thường trong suốt và chảy ròng ròng kèm theo nghẹt mũi. Các triệu chứng này sẽ kéo dài liên tục nếu bạn vẫn tiếp tục tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. [4]

Viêm mũi dị ứng – “Thủ phạm” gây hắt xì thường gặp

liệu có phải hắt xì chỉ là cảm lạnh?

Viêm mũi dị ứng là một bệnh miễn dịch – di truyền, xảy ra qua trung gian là kháng thể IgE khi niêm mạc mũi tiếp xúc với dị nguyên từ môi trường bên ngoài như bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông thú nuôi… [11] Khi hít phải các tác nhân gây dị ứng, dị ứng nguyên này sẽ kích hoạt tế bào lympho T của hệ miễn dịch để “mở kho” IgE ở tế bào lympho B. Các IgE được sản sinh ra sẽ bám vào thụ thể trên tế bào Mast và “nằm chờ” ở đó, đợi khi dị ứng nguyên “tái xâm nhập” sẽ “chiến đấu” và chính sự giao tranh này làm “mở toang cánh cửa” của tế bào Mast, phóng thích ra một lô những chất trung gian hóa học gây viêm, trong đó có histamin và các cytokine. Các tế bào máu như bạch cầu ái kiềm và bạch cầu ái toan cũng “nhiệt tình” tham gia và góp phần giải phóng thêm những hóa chất trung gian gây viêm này. Hậu quả là một loạt các triệu chứng của viêm mũi dị ứng đã xảy ra. [12]

Có rất nhiều yếu tố làm gia tăng tần suất mắc viêm mũi dị ứng như lối sống, tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó vấn đề ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân chính. Tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng khiến hệ hô hấp càng có nhiều nguy cơ “đương đầu” với các chất gây ô nhiễm ở cả bên ngoài (NO2, SO2, bụi mịn PM 2.5 và các hạt khí khí thải từ động cơ diesel) lẫn bên trong nhà (nhiều nhất là khói thuốc, hóa chất tẩy rửa, mạt bụi nhà… với nồng độ cao gấp 2 – 5 lần so với bên ngoài) [13]. Khi các chất gây ô nhiễm này đi vào đường hô hấp, chúng sẽ tấn công và kích động tế bào miễn dịch ở niêm mạc đường hô hấp, giải phóng các chất trung gian gây phản ứng viêm dị ứng [2].

Trong một nghiên cứu toàn cầu trên 2778 bệnh nhân viêm mũi dị ứng đã chỉ ra rằng khoảng 51,2% trường hợp có nguyên nhân tiềm ẩn gây ra các triệu chứng bệnh chính là ô nhiễm không khí. Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng cũng thường trở nên trầm trọng hơn khi tiếp xúc với các chất ô nhiễm. [2]

Làm thế nào để điều trị viêm mũi dị ứng hiệu quả?

liệu có phải hắt xì chỉ là cảm lạnh?

Với tình hình ô nhiễm không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng như hiện nay thì viêm mũi dị ứng dường như đã trở thành căn bệnh “quốc dân” và rất khó để phòng ngừa triệt để. Do đó, quan trọng nhất là bạn cần “nhận diện” được căn bệnh này và hiểu được cách điều trị sao cho có hiệu quả nhất.

Để điều trị căn bệnh này, cần tránh tiếp xúc với dị nguyên, dùng thuốc điều trị triệu chứng, dùng liệu pháp giải mẫn cảm và cuối cùng là phẫu thuật nếu có các bất thường về giải phẫu trong mũi xoang hoặc cắt dây thần kinh Vidien khi chảy mũi kháng trị. Tùy theo độ nặng, thể bệnh và giai đoạn bệnh, các bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị thích hợp.

Thông thường, để cải thiện các triệu chứng và chung sống “hòa bình” với viêm mũi dị ứng, bạn có thể dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi có các triệu chứng viêm mũi dị ứng, bạn nên đi khám để được kê toa các loại thuốc trị viêm mũi dị ứng phù hợp. Thuốc kháng histamin là loại thuốc thường được dùng để điều trị viêm mũi dị ứng. Loại thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn cơ thể phóng thích quá nhiều histamin khi tiếp xúc với dị nguyên. Từ đó, giúp giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng như hắt xì, ngứa mắt, mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi…

Tuy nhiên, một số loại thuốc kháng histamin có thể gây buồn ngủ. Để tránh tình trạng này, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng các loại thuốc histamin thế hệ mới, có chứa các hoạt chất Fexofenadine, giúp giảm nhanh các triệu chứng viêm mũi dị ứng sau 2 giờ uống mà không gây buồn ngủ hoặc gây hại đến sức khỏe. [2], [8], [9] Bên cạnh đó, khi chọn mua, bạn cần ưu tiên chọn sản phẩm của những công ty dược uy tín, đến từ châu Âu và đảm bảo công dụng của sản phẩm đã được chứng minh bằng nghiên cứu lâm sàng.

Ngoài thuốc kháng histamin, bác sĩ cũng thể kê toa một số loại thuốc khác như thuốc thông mũi, giúp giảm sưng tấy trong mũi [2], [8]; thuốc xịt mũi chứa corticosteroid, giúp giảm viêm và giảm các triệu chứng…[8] Hoặc bạn cũng thể được chỉ định dùng liệu pháp giải mẫn cảm, phương pháp này sẽ “đào tạo” hệ miễn dịch cho “quen dần” để không phản ứng quá mức với các chất gây dị ứng bằng cách tiêm vào dưới da một lượng nhỏ chiết xuất dị ứng pha loãng với liều lượng tăng dần. [8]

Song song với việc dùng thuốc, khi điều trị, bạn cũng nên cố gắng tránh tiếp xúc với các tác nhân gây viêm mũi dị ứng bằng cách:[8]

  • Tránh đưa tay chạm vào mặt, dụi mắt hoặc ngoáy mũi.
  • Đóng cửa sổ vào những mùa có lượng phấn hoa cao.
  • Bọc kín gối, nệm bằng tấm phủ ngăn con mạt bụi nhà. Vệ sinh giường ngủ, thảm lót, chăn chiếu mùng mền thường xuyên.
  • Không để thú cưng nằm trên ghế và giường, đồng thời đóng cửa các phòng ngủ.
  • Sử dụng máy hút bụi và máy điều hòa không khí để giảm lượng chất gây dị ứng trong không khí. Vệ sinh những góc khuất tối, nơi ẩm thấp để tránh nấm mốc.
  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi chơi với vật nuôi.
  • Đội mũ và đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi phấn hoa khi ra ngoài. Thay quần áo ngay khi về nhà.

Qua những chia sẻ trên, Hello Bacsi hy vọng bạn hiểu hơn về nguyên nhân gây hắt xì. Hắt xì có thể do nhiều nguyên nhân, ngoài cảm lạnh thì viêm mũi dị ứng cũng là “thủ phạm” bạn nên nghĩ đến. Tuy cả 2 tình trạng này có cùng một triệu chứng nhưng cách điều trị hoàn toàn khác nhau. Do đó, hãy lưu ý thêm về các triệu chứng khác để xác định đúng bệnh, giúp việc điều trị được hiệu quả hơn nhé!

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News