Sức Khoẻ

Mách bạn những cách trị viêm họng hiệu quả tại nhà không dùng thuốc

Ở một số người triệu chứng đau rát họng xuất hiện gần như quanh năm, đặc biệt vào những lúc thời tiết thay đổi hoặc cơ thể đang căng thẳng, mệt mỏi. Vậy bị đau họng nên làm gì? Câu trả lời có thể đơn giản nhưng lại rất hiệu quả.

Mời bạn cùng tìm hiểu qua những thông tin được tổng hợp trong bài viết của Hello Bacsi sau nhé!

Nguyên nhân gây đau họng

Đau họng là một triệu chứng rất thường gặp của nhiều bệnh như cảm, cúm, viêm họng… Khi bị đau họng, cổ họng đau, rát, khó chịu. Đau có thể tăng lên khi nói to, nói nhiều hoặc nuốt. Đôi khi bạn có thể bị khàn giọng hoặc mất tiếng. Trong những trường hợp nặng, ngoài đau họng, bạn còn có thể thấy amidan sưng to, đỏ thậm chí có thể có các bợn trắng hoặc mủ.

Nguyên nhân gây đau rát họng chủ yếu là do nhiễm các loại virus gây bệnh cảm lạnh, cảm cúm. Ít gặp hơn là tình trạng nhiễm vi khuẩn streptococcus nhóm A gây bệnh viêm họng liên cầu khuẩn, với các triệu chứng tương tự nhưng thường tiến triển nhanh và nghiêm trọng.

Ngoài ra, họng có thể bị kích ứng gây viêm, đau bởi những tác nhân đến từ bản thân hoặc ngoại cảnh như:

  • Nói to và liên tục không nghỉ ngơi
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
  • Hút thuốc
  • Uống rượu
  • Thói quen thở bằng miệng khi ngủ
  • Không khí trong nhà, nơi làm việc thiếu độ ẩm
  • Môi trường ô nhiễm do khói bụi, hóa chất…
  • Nấm mốc, phấn hoa, lông thú… gây dị ứng cho một số người
  • Hệ miễn dịch suy yếu do stress, mệt mỏi, dinh dưỡng kém… làm cho cơ thể dễ bị các loại virus, vi khuẩn tấn công…

Bị đau họng nên làm gì? 8 gợi ý hay dành cho bạn

mách bạn những cách trị viêm họng hiệu quả tại nhà không dùng thuốc

Khi bị đau họng nên làm gì phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chứng đau họng và các triệu chứng kèm theo. Cụ thể như sau:

Bị đau rát họng nên làm gì? Cách xử lý đau rát họng nhẹ

Với những trường hợp đau họng nhẹ, những biện pháp tự chăm sóc tại nhà hoàn toàn có thể giúp bạn giảm cảm giác khó chịu và nhanh chóng đẩy lùi chứng đau họng:

1. Vệ sinh họng với nước súc miệng chuyên dụng hoặc nước muối ấm

Các loại nước súc miệng chuyên dùng cho đau họng chứa những hoạt chất có tính sát khuẩn và làm dịu giúp làm sạch đờm, vi khuẩn, virus và mang lại cho cổ họng cảm giác dễ chịu.

Một lựa chọn khác cho hiệu quả tương đương mà bạn có thể tự tay làm chính là pha nước muối loãng để súc miệng theo tỉ lệ 1/3 thìa cà phê muối sạch hòa tan trong 220 ml nước lọc và ấm. Để tiện dụng mà vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn, bạn có thể mua nước muối sinh lý (natri clorua 0.9%) tại các hiệu thuốc.

2. Uống nhiều nước

Bị đau họng nên làm gì? Câu trả lời là: Bạn đừng quên uống nhiều nước. Biện pháp này tuy đơn giản nhưng là điều cần thiết để giữ ẩm cho niêm mạc họng, làm loãng dịch đờm nhầy cũng như cung cấp đủ nước cho cơ thể từ bên trong.

3. Dùng viên ngậm trị viêm họng

Các hoạt chất trong những viên ngậm này sẽ giúp bạn giảm đau họng, nghẹt mũi, làm sạch cổ họng. Lưu ý việc dùng viên ngậm không an toàn cho trẻ dưới 4 tuổi vì trẻ có thể bị nghẹn.

4. Bị đau họng nên làm gì: có nên ăn các món lạnh?

Trái với suy nghĩ của nhiều người, những món ăn lạnh đơn giản như kem que, yaourt, nước trái cây, sữa… được ướp lạnh hoặc nước đá sẽ làm dịu cổ họng. Tuy nhiên lựa chọn này thích hợp với thời tiết nóng nực hơn những ngày lạnh và đặc biệt phù hợp với những người thích tiêu thụ đồ lạnh.

5. Làm ẩm không khí

Bạn có thể làm ẩm không khí mình hít thở để giữ ẩm cho niêm mạc hệ hô hấp bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm đặt trong phòng. Lưu ý vệ sinh máy thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ phát sinh vi khuẩn, nấm mốc.

Xông cổ họng 5 phút mỗi ngày bằng cách ngồi trong phòng tắm có nhiều hơi nước nóng hoặc xông hơi bằng nước ấm cũng là cách xoa dịu triệu chứng đau cổ họng đơn giản nhưng hiệu quả.

6. Tránh xa các chất gây kích ứng

Bị đau họng nên làm gì? Để có thể giảm nhẹ triệu chứng đau rát cổ họng gây khó chịu, bạn không nên hút thuốc cũng như nên tránh xa khói thuốc lá. Giữ không gian sinh hoạt thoáng khí, sạch sẽ và không đến những nơi nhiều khói, bụi, hóa chất có hại…

7. Bị đau họng nên làm gì: Hãy nghỉ ngơi đầy đủ

Nghỉ ngơi đủ giúp cơ thể có thêm sức mạnh chống lại các tác nhân gây viêm, đau họng. Hãy tạm giảm bớt những việc đòi hỏi giao tiếp nhiều, đây cũng là cách tạo cho cổ họng cơ hội để nghỉ ngơi và hồi phục.

8.Những thức uống nóng xoa dịu chứng viêm họng

mách bạn những cách trị viêm họng hiệu quả tại nhà không dùng thuốc

Mật ong

Khuấy 1 thìa cà phê mật ong vào nước ấm hoặc trà loãng và ấm. Mật ong có công dụng kháng khuẩn và làm lành các vết loét nhỏ do viêm họng, trong khi nước ấm giảm đau rát cho niêm mạc.

Trà hoa cúc

Hoa cúc khô pha trong nước nóng có công dụng thanh nhiệt, kháng khuẩn, làm se mạch máu và giảm viêm.

Trà gừng

Ngâm vài lát mỏng gừng tươi trong nước nóng. Trà gừng giúp xoa dịu niêm mạc và tăng cường miễn dịch.

Bột quế

Khuấy 1 thìa cà phê bột quế trong một ly nước sôi, để nguội tự nhiên và uống khi còn ấm.

Bạn có thể cho thêm mật ong, tạo vị ngọt nhẹ cho các loại trà kể trên để bổ sung chất dinh dưỡng và tăng tác dụng với chứng đau họng. Lưu ý gừng, quế tính ấm, không phù hợp nếu đau họng có kèm theo sốt hoặc nhiệt miệng.

Bị đau rát họng nên làm gì, gặp bác sĩ khi nào?

Đau họng do cảm, cúm hoặc các kích ứng từ môi trường sẽ tự biến mất sau 5 – 7 ngày được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, với những trường hợp sau, bạn nên gặp bác sĩ:

  • Đau họng nhẹ nhưng không khỏi sau 2 tuần hoặc thường xuyên tái đi tái lại
  • Đau họng nặng, vùng họng tấy đỏ, sưng
  • Có những triệu chứng nghiêm trọng: sốt trên 38.5 độ C, khó nuốt hoặc khó thở, có lẫn máu trong nước bọt hoặc đờm, sưng vùng mặt, cổ, nổi các mảng mẩn đỏ trên cơ thể…

Sau khi xem xét tình trạng và xác định nguyên nhân gây đau họng, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng:

  • Các loại thuốc để giảm triệu chứng đau, viêm, sốt… và tránh biến chứng nguy hiểm
  • Thuốc kháng sinh có thể được chỉ định nếu đau họng do vi khuẩn. Bạn không nên ngưng thuốc khi thấy mình đã khỏe để tránh bị kháng kháng sinh.
  • Điều trị các bệnh căn gây ra viêm họng, nếu có.

Làm gì để phòng tránh đau họng tái phát?

mách bạn những cách trị viêm họng hiệu quả tại nhà không dùng thuốc

Nguyên tắc cơ bản để phòng tránh đau họng tái phát là tránh xa tác nhân gây bệnh và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Những việc cụ thể bạn nên làm bao gồm:

  • Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc các bề mặt công cộng, sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi… và trước khi ăn. Hạn chế tối đa việc đưa tay lên mặt, mũi, miệng.
  • Hạn chế ở trong không gian kín, tiếp xúc gần người có triệu chứng cảm cúm
  • Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng như khói, bụi, hóa chất, khói thuốc lá. Giữ nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ, thông thoáng
  • Giữ ẩm cho không gian sống nếu thời tiết hanh khô hoặc dùng máy lạnh
  • Uống đủ nước, ăn nhiều rau, trái cây và đa dạng các loại thức ăn để đảm bảo đủ chất
  • Thường xuyên vận động, ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng.

Mong rằng với những gợi ý đơn giản nhưng hiệu quả từ bài viết, bạn sẽ có thêm nhiều giải pháp cho câu hỏi bị đau họng nên làm gì để cảm thấy dễ chịu, nhanh khỏi và hạn chế chứng đau họng tái phát.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News