Sức Khoẻ

Người lưu giữ bài thuốc gia truyền quý của dân tộc Thái

Lương y Lô Quốc Hợi (hội viên Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk) đã đưa nhiều loài cây thuốc quý về trồng không chỉ trong vườn mà ở cả các bờ rào, góc sân, thậm chí cả trên mái nhà...

Lương y Lô Quốc Hợi, người dân tộc Thái ở buôn Thái, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) là đời thứ 4 được kế thừa nghề bốc thuốc trị bệnh gia truyền của dòng họ Lô (quê gốc Nghệ An).

người lưu giữ bài thuốc gia truyền quý của dân tộc thái

Lương y Lô Quốc Hội.

Ngay từ nhỏ, ông đã theo cha vào rừng hái thuốc, được học cách nhận biết cây thuốc, cách sơ chế, cách kết hợp các vị thuốc khác nhau để chữa một số căn bệnh như viêm gan, sỏi thận, bệnh đường tiêu hóa, rắn cắn…

Thời gian đầu, khi mới chuyển đến xã Ea Kuêh, huyện Cư M’ gar (Đắk Lắk) lập nghiệp, ông Lô Quốc Hợi chưa chuyên tâm theo nghề Đông y một cách chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi có người bệnh tìm đến… ông đều nhiệt tình cứu chữa không lấy tiền, bởi theo tục thừa kế gia truyền của gia đình và tộc họ người Thái làm thuốc, ai hành nghề có thu tiền thì phải giao hết việc nhà cho người thân đảm nhận, vì có như vậy thầy thuốc mới dồn toàn tâm, toàn sức cho nghề y.

Đến năm 2000, khi các con đã lớn, công việc ổn định, lương y Lô Quốc Hợi mới giao hết công việc cho vợ, con để dành hết thời gian và tâm huyết theo nghề đông y chuyên nghiệp.  Ông theo nghề không phải bởi mục đích kiếm tiền mà bởi mong muốn giúp sức mình trong việc chữa bệnh cứu người. Khắc ghi lời dạy cha ông, lương y Hợi luôn làm việc bằng cái tâm. Người bệnh nào tìm đến, ông đều khám, hướng dẫn tỉ mỉ cách sắc thuốc, giờ uống và những điều cần kiêng cữ trong thời gian dùng thuốc.

Ngoài thời gian chữa bệnh, lương y Lô Quốc Hợi còn lặn lội vào rừng sâu tìm cây thuốc, chuyến đi gần trong tỉnh thì 1 – 2 ngày, chuyến xa kéo dài cả tuần. Lương y Lô Quốc Hợi cho biết, trong cây thuốc có cả thành phần dược tính lẫn độc tính. Thầy thuốc phải biết khử độc tính bằng cách chọn thời gian thu hái phù hợp. Nên đi hái thuốc vào cuối mùa thu, đầu đông, tránh lấy vào giờ ngọ hoặc hái cây thuốc hướng về phía mặt trời lặn… Cây thuốc hái về phải rửa sạch, rồi tùy từng bài thuốc mà có cách sơ chế, tinh chế, bào chế khác nhau. Ông cũng di lấy một số cây thuốc về trồng trong vườn nhà với mong muốn bảo tồn được những loài cây thuốc quý.

Không chỉ kế thừa bài thuốc gia truyền, lương y Lô Quốc Hợi còn học thêm phương pháp bắt mạch và nghiên cứu thêm nhiều bài thuốc Đông y hay khác. Gia tài lớn nhất của ông là hơn 200 cuốn sách về nghề thuốc, cùng hàng trăm vị thuốc quý mà ông cất công lặn lội khắp nơi sưu tầm. Lương y cũng nhiệt tình chia sẻ những bài thuốc, kinh nghiệm chữa bệnh cho đồng nghiệp của mình. Hiện ông đã chia sẻ 4 – 5 bài thuốc gia truyền cho các thành viên trong Hội Đông y huyện Cư M’gar, Hội Đông y tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên. Ông quan niệm với nghề đông y, sự học là suốt đời, việc kế thừa, chia sẻ kinh nghiệm chữa bệnh là cần thiết để vừa bảo tồn bài thuốc không bị thất truyền vừa được ứng dụng rộng rãi để cứu người.

Theo lãnh đạo Hội Đông y huyện Cư M’gar, lương y Lô Quốc Hợi là người có nhiều bài thuốc gia truyền quý của dân tộc Thái. Ông là hội viên năng nổ, ngoài thời gian chữa bệnh, ông dành nhiều thời gian sưu tầm nhiều cây thuốc quý chữa bệnh cứu người. Đồng thời ông là một lương y giàu lòng nhân ái, nhiệt tâm chia sẻ kinh nghiệm những bài thuốc gia truyền của mình cùng đồng nghiệp, trong đó có bài thuốc trị bệnh sỏi thận rất hiệu quả.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News