Cơ Xương Khớp

Nguyên nhân đau gót chân & Cách chữa tri hiệu quả

Tìm hiểu chung

Đau gót chân là gì?

Bàn chân và mắt cá chân của chúng ta được cấu tạo từ 26 xương, 33 khớp và hơn 100 gân. Gót chân là xương lớn nhất trong bàn chân. Nếu gót chân bị tổn thương hoặc phải chịu áp lực, giữ yên trong tư thế không thoải mái có thể gây đau cho bạn. Tình trạng này có khi chỉ là một cơn đau nhẹ hoặc nặng dần theo thời gian và dẫn đến mất cảm giác. Nếu các biện pháp giảm đau tại nhà không hữu ích, người bệnh cần phải đi kiểm tra tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng đi kèm với đau gót chân là gì?

Cơn đau thường xảy ra bên dưới gót chân hoặc ngay phía sau, nơi gân gót chân (gân Achilles) kết nối với xương gót chân. Đôi khi cơn đau còn có thể ảnh hưởng đến các mặt (cạnh) của gót chân.

Mức độ đau có thể tăng dần dần từ nhẹ đến nghiêm trọng hoặc ngay lập tức nếu có chấn thương như bong gân. Đôi khi, cơn đau có thể không để lại thương tích ngoài da. Một số người bệnh có thể cảm thấy đau nhiều hơn khi mang giày bằng, đế dẹp, thấp.

Khi vùng mặt dưới gót chân của bạn bị đau sẽ dẫn đến mức độ đau ngày càng tăng lên khi thay đổi động tác. Trong một số trường hợp, bạn sẽ bị đau gót chân mỗi sáng, khi vừa mới ngủ dậy và chuẩn bị bước chân xuống giường. Tuy nhiên, sau khi vận động một khoảng thời gian thì các tình trạng sẽ giảm dần, đó có thể là triệu chứng bệnh đau gót chân.

Căn bệnh này sẽ khiến bạn không chỉ thấy khó chịu mà còn hạn chế sự vận động. Đây vốn là một bộ phận nâng đỡ của cả cơ thể, vì thế bạn có thể bị đau khi bạn đứng quá lâu hoặc chạy nhiều.

Một số triệu chứng đau gót chân có thể kể đến như:

  • Đau dữ dội, sưng gần gót chân
  • Đau, tê hoặc cảm giác ngứa ran ở gót chân đi kèm với sốt
  • Khó đi lại bình thường
  • Khó cử động bàn chân gập xuống hoặc đứng nhón chân

Nguyên nhân

Nguyên nhân đau gót chân là bệnh gì?

Bị đau gót chân là bệnh gì? Các nguyên nhân sau đây có thể được xem là phổ biến nhất:

  • Viêm cân gan chân. Viêm cân gan chân xảy ra khi quá nhiều áp lực lên bàn chân, làm tổn thương dây chằng Plantar, gây đau và cứng khớp.
  • Bong gân và căng cơ. Đau gót chân là bệnh gì? Bong gân và căng cơ đều là những dạng chấn thương phổ biến, thường do hoạt động thể chất gây nên. Mức độ có thể từ nhẹ đến nặng, tùy vào tình huống gây chấn thương.
  • Gãy xương. Tình trạng này cần phải được cấp cứu y tế, không nên tự điều trị tại nhà.
  • Viêm gân gót chân hay còn gọi là viêm gân Achilles. Viêm gót chân xảy ra khi gân gót chân bị tổn thương do phải làm việc quá mức, từ đó gây viêm và tổn hại đến khu vực xung quanh gót.
  • Viêm bao hoạt dịch. Bao hoạt dịch là túi chứa dịch lỏng ở các vị trí quanh khớp. Viêm bao hoạt dịch thường xuất hiện ở những khớp xương phải cử động thường xuyên.
  • Viêm cột sống dính khớp. Dạng viêm khớp này chủ yếu ảnh hưởng đến cột sống, gây ra viêm đốt sống nghiêm trọng, có thể dẫn đến đau mạn tính và tàn tật.
  • Thoái hóa xương sụn. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của xương ở trẻ em và thanh thiếu niên.
  • Viêm khớp phản ứng. Đau gót chân bị bệnh gì? Nguyên nhân có thể là do viêm khớp phản ứng – tình trạng viêm khớp thường xuyên xảy ra do nhiễm trùng ở một cơ quan khác trong cơ thể.
  • Hội chứng ống cổ chân. Bệnh gây ra cơn đau rát dọc bên trong mắt cá chân và xuống lòng bàn chân. Hội chứng ống cổ chân là một dạng rối loạn hệ thần kinh tương tự như hội chứng ống cổ tay.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh?

Bác sĩ sẽ kiểm tra lâm sàng tình trạng bàn chân và mức độ cơn đau, khoảng thời gian mà người bệnh đã đi hay đứng, loại giày sử dụng cũng như bệnh sử chi tiết của người bệnh.

Người bệnh sẽ được kiểm tra các cơ trên chân bắt đầu từ đầu gối, tìm những bất thường hoặc thay đổi trên da. Bác sĩ có thể nắn bóp gót chân để phát hiện các vấn đề về thần kinh, u nang hoặc tình trạng gãy xương do mỏi. Trong một số trường hợp, người bệnh vẫn cần xét nghiệm máu hoặc các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác, chẳng hạn như chụp X-quang.

Viêm cân gan chân là loại đau gót chân phổ biến nhất, nhưng còn nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng này. Chẩn đoán chính xác sẽ giúp việc điều trị mang lại nhiều hiệu quả.

Những phương pháp nào giúp điều trị đau gót chân?

nguyên nhân đau gót chân & cách chữa tri hiệu quả

Người bệnh có thể thử các phương pháp trị đau gót chân tại nhà để giảm bớt sự khó chịu, chẳng hạn như:

  • Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Tránh chạy hoặc đứng trong thời gian dài, đi bộ trên bề mặt cứng và bất kỳ hoạt động nào có thể làm căng cơ gót chân.
  • Chườm đá. Chữa đau gót chân bằng cách chườm đá (không đặt đá trực tiếp lên da) vào gót chân đau trong 10–15 phút, 2 lần một ngày.
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn.
  • Mang giày đúng kích cỡ, có đệm lót chân. Nếu tập luyện một bộ môn thể thao, cần lựa chọn dòng giày dành riêng cho hoạt động đó.
  • Các bài tập duỗi cơ cẳng chân. Thực hiện các bài tập này sẽ giúp giảm tình trạng đau gót chân mỗi sáng.

Người bệnh nên đi khám nếu tình trạng đau kéo dài liên tục trong hơn một tuần, không có dấu hiệu cải thiện dù đã áp dụng nhiều biện pháp tại nhà để giảm đau, hay khi cơn đau xảy ra ngay cả khi nằm, ngồi. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện vật lý trị liệu, giúp tăng cường độ bền cơ bắp và gân bàn chân, giảm tỷ lệ chấn thương. Vậy đau gót chân uống thuốc gì? Nếu cơn đau quá nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê các loại thuốc chống viêm bằng đường tiêm vào chân hoặc uống.

Trong những trường hợp hiếm hơn, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để khắc phục vấn đề. Tuy nhiên, phẫu thuật gót chân thường đòi hỏi thời gian phục hồi lâu và có thể không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa đau gót chân?

Mặc dù không thể ngăn ngừa tất cả các trường hợp trên nhưng bạn vẫn có thể thực hiện một số cách đơn giản để tránh chấn thương ở gót chân và ngăn cơn đau xuất hiện, chẳng hạn như:

  • Mang giày vừa vặn và có đệm lót chân, hạn chế đi chân trần nếu phải đi bộ lâu
  • Mang giày phù hợp nếu cần vận động thể chất
  • Khởi động với các bài tập giãn cơ trước khi vận động thể chất
  • Giữ nhịp độ phù hợp trong quá trình vận động thể chất
  • Nghỉ ngơi nếu cảm thấy mệt hoặc khi đau nhức cơ bắp
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Bài viết trên đây đã chia sẻ đến bạn triệu chứng, nguyên nhân bệnh đau gót chân và cách chữa trị. Hy vọng rằng có thể giúp bạn hiểu thêm về tình trạng bệnh mà mình đang mắc phải, từ đó đưa ra cách xử lý phù hợp. Hoặc nếu bạn vẫn chưa thể xác định nguyên nhân vấn đề, bạn nên thăm khám các bác sĩ có tay nghề chuyên môn để được điều trị hiệu quả.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News