Sức Khoẻ

Nhân sâm - vị thuốc bổ nhưng không phải ai cũng dùng được

Nhân sâm thuộc nhóm thuốc bổ dưỡng trong y học cổ truyền. Tuy là thuốc bổ nhưng khi sử dụng không phải bất kỳ ai cũng phù hợp.

1. Công dụng và liều dùng của nhân sâm

Theo đông y, nhân sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn (ấm) tác dụng đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân dịch, ích trí, làm sáng mắt, trừ tà khí, làm chậm lão hoá, tăng tuổi thọ.

Dùng trong các trường hợp: Khí huyết suy hư, cơ thể suy nhược, phế hư sinh ho suyễn, tỳ hư sinh tiết tả, vị hư sinh nôn mửa, người mới ốm dậy, người suy nhược thần kinh thường hoảng hốt, bất an.

Dùng riêng hoặc phối hợp với những vị thuốc khác. Ngày dùng 2 – 6g, có khi nhiều hơn (12 – 20g). Sắc uống, chưng cách thuỷ hoặc hấp, ngâm rượu, tán bột, ninh nấu với các thực phẩm khác…

2. Lưu ý khi dùng nhân sâm

Nhân sâm làm tăng cường hoạt động của hệ tuần hoàn và hô hấp, tăng hưng phấn thần kinh, tăng sức lực, tăng khả năng lao động… Cho nên, chỉ sử dụng vào buổi sáng hoặc chiều, không sử dụng vào buổi tối, để cơ thể được nghỉ ngơi tốt hơn.

Không nên dùng nhân sâm cùng với củ cải, cà phê, chè và những chất kích thích thần kinh khác làm giảm tác dụng của nhân sâm.

nhân sâm - vị thuốc bổ nhưng không phải ai cũng dùng được

Lưu ý khi dùng nhân sâm, thể chất quá suy không thu nạp được lại gây phản tác dụng.

Những người đang bị bệnh thực chứng (tức là bệnh cấp tính) như: Cảm sốt phong hàn, cảm mạo phong nhiệt, đau bụng tiêu chảy do trúng thực, do nhiễm thấp nhiệt, sốt xuất huyết, viêm gan cấp, viêm tuỵ cấp, viêm loét dạ dày – tá tràng, bị giãn phế quản, ho ra máu, người bị cao huyết áp, bị bệnh hệ thống miễn dịch (ban đỏ, mụn nhọt, việm khớp dạng thấp, da cứng…), thanh niên hay bị xuất tinh sớm, di tinh, phụ nữ đang mang thai, trẻ em dưới 14 tuổi…không nên dùng nhân sâm.

Là thuốc đại bổ nguyên khí, phù hợp với những người khí suy. Tuy nhiên, những người nguyên khí không bị suy tổn dùng nhân sâm dễ dẫn đến chứng “khí ứ hóa hỏa”.

Sách cổ có ghi: Những người có thể trạng âm hư hoả vượng, âm hư nội nhiệt với các triệu chứng: Người gầy, da khô, nóng, lòng bàn tay, bàn chân nóng, miệng khô khát nước, trong lòng phiền muộn, bứt rứt, mất ngủ, gò má đỏ, ra mồ hôi trộm, sốt hâm hấp vào buổi chiều, đại tiện táo, tiểu tiện vàng, chất lưỡi đỏ nhạt… không nên dùng.

Cần bổ mới bổ, không phải trường hợp suy nào cũng bồi bổ được. Cơ thể hư nhược đương nhiên cần phải bổ nhưng chứng hư thì có âm hư, dương hư, huyết hư, khí hư do đó cần phải xem xét cân nhắc trước khi dùng thuốc.

Không nên bổ thái quá và cho rằng càng bổ càng tốt. Đề phòng hiện tượng “quá suy không thu nạp được bổ” lại gây phản tác dụng.

3. Cách dùng nhân sân phối hợp 

Tốt nhất nên phối hợp nhân sâm với một số vị thuốc khác để tăng cường hiệu quả đồng thời giảm tác dụng phụ của thuốc

Nhân sâm phối hợp với phụ tử

Nhân sâm đại bổ nguyên khí, kết hợp với tính đại tân, đại nhiệt của phụ tử làm tăng tác dụng ôn bổ nguyên dương. Hai vị thuốc này cùng dùng gọi là “Sâm phụ thang” có tác dụng đại ôn đại bổ, ích khí hồi hương cố thoát. Lâm sàng  dùng cấp cứu trong trường hợp nguyên khí bạo thoát, âm dương khí huyết bạo thoát (Biểu hiện: Huyết áp tụt, mồ hôi ra như tắm, sắc mặt trắng nhợt, chân tay lạnh…).

nhân sâm - vị thuốc bổ nhưng không phải ai cũng dùng được

Hoàng kỳ phối hợp với nhân sâm để tư bổ thận hư, huyết hư…

Nhân sâm phối hợp hoàng kỳ

Nhân sâm và hoàng kỳ đều là những thuốc bổ khí quan trọng.

-Nhân sâm là thuốc đại bổ nguyên khí, sinh tân dịch, an thần, thiên về tư bổ cường kiện.

-Hoàng kỳ thăng dương cử hãm, cố biểu chỉ hãn, thiên về ôn bổ, cố hộ.

Hai vị dùng cùng làm tăng chức năng ôn bổ khí. Người bệnh cơ thể gầy yếu suy nhược có triệu chứng ho, suyễn thiếu khí, thở ngắn, tự hãn (đổ mồ hôi) người mệt mỏi, ăn kém, khó tiêu, kèm theo các triệu chứng tỳ hư hạ hãm như sa trực tràng, sa dạ dày, sa tử cung, trĩ, di niệu, di tinh, bằng lậu hay các triệu chứng của thận hư, liệt dương, mất ngủ, ngủ kém do tâm huyết hư… đều có thể dùng nhân sâm phối hợp hoàng kỳ để tư bổ.

Nhân sâm phối hợp bạch truật

Bạch truật vị đắng ngọt, tác dụng táo thấp kiện tỳ, vừa có tác dụng hoãn tỳ sinh tân dịch, vừa có tác dụng kiện tỳ tiêu cốc, là thuốc quan trọng nhất trong kiện tỳ, bổ phế khí. Tỳ là gốc của hậu thiên, là nguồn gốc sinh hóa của khí huyết. Tỳ vị không yên, chức năng thu nạp và vận chuyển bị rối loạn thì nguồn khí huyết bị thiếu hụt sinh ra chứng tỳ vị hư nhược: Ăn kém, ăn không tiêu, bụng trướng tức, sắc mặt vàng, tứ chi vô lực…

Dùng nhân sâm phối hợp bạch truật sẽ hỗ trợ, bổ sung tác dụng cho nhau làm tăng hiệu quả điều trị.

Nhân sâm phối hợp tam thất

Nhân sâm đại bổ nguyên khí, bổ khí, ích tỳ, sinh tân chỉ khát. Tam thất chỉ huyết khứ ứ, tiêu thũng chỉ thống. Hai vị dùng cùng có tác dụng ích khí giảm đau, chỉ huyết hóa ứ.

Lâm sàng ứng dụng trong điều trị các chứng do khí hư huyết ứ gây đau có hiệu quả nhất định.

Mời bạn xem thêm video

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News