Sức Khoẻ

Những điều bạn cần biết về viêm họng mãn tính

Viêm họng mãn tính làm cơ thể mệt mỏi, khiến bạn làm việc kém hiệu quả và ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt cá nhân. Nếu sớm nhận biết nguyên nhân gây bệnh, bạn sẽ tìm được cách điều trị phù hợp và tránh những biến chứng nghiêm trọng.

Viêm họng mãn tính xuất phát từ viêm họng cấp kéo dài, gây ảnh hưởng đến việc ăn uống, nghỉ ngơi và các sinh hoạt hàng ngày. Nếu không có biện pháp điều trị viêm họng phù hợp thì sẽ dẫn đến viêm họng mãn tính. Không như viêm họng thông thường sẽ giảm dần sau một vài ngày, viêm họng mãn tính có thể kéo dài hơn 3 – 4 tuần.

Viêm họng mãn tính là gì?

những điều bạn cần biết về viêm họng mãn tính

Viêm họng mãn tính là tình trạng viêm họng xảy ra lặp đi lặp lại nhiều lần. Tình trạng này có thể là kết quả của nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có những tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm. Các dấu hiệu viêm họng mãn tính thường được nhận thấy ở người bệnh là:

  • Sốt
  • Ho
  • Khó nuốt
  • Khàn tiếng
  • Đau đầu
  • Khó chịu hoặc đau ở cổ họng
  • Cảm giác ngứa ngáy trong cổ họng
  • Cảm giác như có dị vật trong cổ họng

Nếu không chữa trị kịp thời, viêm họng mãn tính có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như áp xe thành sau họng, viêm amidan, viêm tai mũi họng hay thậm chí là ung thư vòm họng.

Nguyên nhân gây viêm họng mãn tính

những điều bạn cần biết về viêm họng mãn tính

Bạn nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây bệnh để có cách điều trị viêm họng mãn tính phù hợp. Nếu bạn thường xuyên bị viêm họng tái đi tái lại nhiều lần thì hãy cân nhắc đến một số yếu tố dưới đây.

1. Các dạng dị ứng

Bạn bị dị ứng khi hệ thống miễn dịch phản ứng lại một cách quá mức đối với một số chất thường không gây hại, gọi là chất gây dị ứng. Các chất gây dị ứng phổ biến thường là thực phẩm, lông thú cưng, bụi, phấn hoa… Bạn đặc biệt sẽ dễ bị viêm họng mãn tính nếu bị dị ứng với những thứ mình hít phải (phấn hoa, bụi, nước hoa, nấm mốc…). Các triệu chứng dị ứng thường gặp là:

  • Ho
  • Hắt xì
  • Sổ mũi
  • Ngứa mắt
  • Chảy nước mắt

Tình trạng sổ mũi và viêm xoang gây ra hội chứng chảy dịch mũi sau là nguyên nhân phổ biến gây đau họng do dị ứng.

2. Hội chứng chảy dịch mũi sau

Hội chứng chảy dịch mũi sau xuất hiện khi có lượng chất nhầy dư thừa chảy ra từ xoang vào phía sau cổ họng, khiến cổ họng bị khô và đau rát. Tình trạng này có thể được kích hoạt do thời tiết thay đổi, các loại thuốc điều trị, thực phẩm cay, vách ngăn mũi lệch, các dạng dị ứng, không khí khô… Người bệnh sẽ gặp cảm giác đau họng nhưng không sốt, đi kèm các triệu chứng như:

  • Hơi thở có mùi
  • Ho nhiều hơn vào ban đêm
  • Nuốt nước bọt hoặc tằng hắng nhiều lần
  • Cảm giác buồn nôn do chất nhầy trong dạ dày

3. Thở bằng miệng

Nếu bạn thường xuyên thở bằng miệng, đặc biệt là khi ngủ thì, sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng viêm họng mãn tính. Khi ấy, cơn đau họng thường xuất hiện vào buổi sáng và thuyên giảm dần trong ngày khi bạn uống nhiều nước hơn.

Tình trạng thở bằng miệng vào ban đêm sẽ gây ra các vấn đề như:

  • Khô miệng
  • Khàn tiếng
  • Hơi thở có mùi
  • Cổ họng đau rát
  • Quầng thâm dưới mắt
  • Mệt mỏi uể oải khi thức dậy

Phần lớn trường hợp thở bằng miệng là do sự tắc nghẽn ở mũi, khiến bạn khó thở bằng mũi như bình thường. Điều này có thể là do nghẹt mũi, chứng ngưng thở khi ngủ, viêm amidan…

4. Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản hay trào ngược axit là tình trạng xảy ra khi cơ vòng dưới thực quản (LES) trở nên suy yếu và không thể đóng chặt lại, khiến những chất trong dạ dày sau đó sẽ đi ngược trở lại vào thực quản. Đôi khi trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến đau họng.

Nếu triệu chứng diễn ra thường xuyên mỗi ngày thì sẽ khiến bạn bị viêm họng kéo dài. Theo thời gian, axit trong dạ dày có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản và cổ họng. Các triệu chứng phổ biến của trào ngược dạ dày thực quản thường gặp là:

  • Viêm họng
  • Ợ nóng
  • Khó nuốt
  • Buồn nôn
  • Có vị chua trong miệng
  • Nóng rát vùng bụng giữa ở trên

5. Viêm amidan

Nếu bạn bị đau họng kéo dài và không có cách nào làm thuyên giảm thì nhiều khả năng là do tình trạng viêm amidan gây nên. Thông thường, viêm amidan được chẩn đoán ở trẻ em, nhưng bạn vẫn có thể bị viêm amidan ở những lứa tuổi khác. Viêm amidan thường là do nhiễm trùng bởi vi khuẩn hoặc virus.

Viêm amidan có thể tái phát nhiều lần mỗi năm và được điều trị bằng thuốc kháng sinh theo toa. Do có nhiều loại viêm amidan nên các triệu chứng cũng rất khác nhau:

  • Sốt
  • Đau đầu
  • Ớn lạnh
  • Khàn tiếng
  • Hơi thở có mùi
  • Cổ bị căng cứng
  • Đau họng nghiêm trọng
  • Cảm giác khó nuốt hoặc đau khi nuốt
  • Amidan chuyển sang màu đỏ và bị sưng
  • Amidan xuất hiện đốm trắng hoặc vàng
  • Đau quai hàm và cổ do sưng hạch bạch huyết

6. Bệnh bạch cầu đơn nhân

Một nguyên nhân khác gây viêm họng và viêm amidan là bệnh bạch cầu đơn nhân do nhiễm virus Epstein-Barr (EBV). Mặc dù bệnh có thể kéo dài đến 2 tháng nhưng trong nhiều trường hợp, bệnh không diễn biến nghiêm trọng. Người bệnh mắc bệnh bạch cầu đơn nhân có thể bị viêm họng kéo dài trong suốt giai đoạn nhiễm trùng. Bệnh bạch cầu đơn nhân sẽ khiến bạn có cảm giống như bị cúm với các triệu chứng như:

  • Sốt
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Yếu cơ
  • Viêm họng
  • Sưng amidan
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Sưng hạch ở nách và cổ

7. Bệnh lậu

Bệnh lậu là một dạng bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Nhiều người nghĩ các bệnh lây truyền qua đường tình dục chỉ ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục. Nhưng thật ra, nhiễm trùng lậu ở cổ họng vẫn có thể xảy ra do quan hệ tình dục bằng miệng không được bảo vệ.

Khi bệnh lậu ảnh hưởng đến cổ họng, nó thường sẽ dẫn đến đau họng kéo dài dai dẳng. Nhiều trường hợp mắc bệnh lậu nhưng bị chẩn đoán nhầm thành viêm họng do rất ít người, ngay cả bác sĩ nghĩ đến bệnh lậu khi thấy họng bị sưng đỏ, mưng mủ nếu không làm xét nghiệm.

8. Ô nhiễm không khí

Nếu bạn sống trong một thành phố lớn thì có thể bị viêm họng kéo dài do khói bụi ô nhiễm. Khói bụi không chỉ gây kích ứng đau họng mà còn là nguyên nhân dẫn đến các tình trạng:

  • Ho
  • Khó thở
  • Kích ứng vùng ngực
  • Tổn thương phổi
  • Hen suyễn trầm trọng

Bạn có thể tìm hiểu thêm: [Infographic] Tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam

9. Áp xe quanh amidan

Áp xe quanh amidan là một bệnh nhiễm trùng vi khuẩn nghiêm trọng trong amidan có thể gây đau họng nghiêm trọng kéo dài. Tình trạng này xảy ra khi viêm amidan đã được điều trị không đúng cách. Khi ấy, một túi chứa mủ hình thành gần một trong những amidan khi nhiễm trùng sẽ lan sang các mô xung quanh.

Bạn có thể thấy áp xe xuất hiện ở sau cổ họng, nhưng nó có thể bị ẩn sau các amidan. Các triệu chứng áp xe quanh amidan cũng thường tương tự như viêm amidan nhưng thường nặng hơn, trong đó có:

  • Sốt
  • Đau họng
  • Khó nuốt
  • Nhức đầu
  • Hơi thở có mùi
  • Sưng mặt hoặc cổ
  • Khó cúi đầu xuống
  • Khó ngước đầu lên
  • Khó mở miệng tự nhiên
  • Khó quay đầu sang hai bên
  • Đau sưng ở cổ họng và hàm
  • Đau tai ở cùng bên bị đau họng
  • Nhiễm trùng ở một hoặc cả hai amidan

Trường hợp viêm họng kéo dài hơn hai tuần, hãy sớm đến bác sĩ kiểm tra để tránh những biến chứng nguy hiểm. Các nguyên nhân gây đau họng thường dễ chẩn đoán và đa phần đều có thể được điều trị. Bạn cần sớm lưu ý các trường hợp:

  • Sốt cao đến hơn 38˚C
  • Khó cử động quay đầu
  • Đau nặng ở một bên cổ họng kết hợp với sưng hạch bạch huyết
  • Đau họng nặng khiến bạn không thể ăn uống, nói chuyện, đi ngủ…

Cách chữa viêm họng mãn tính

những điều bạn cần biết về viêm họng mãn tính

Điều trị viêm họng mãn tính phải tác động từ các triệu chứng gây ra bệnh và các bệnh lý liên quan kết hợp với các lối sống lành mạnh.

Cách chữa viêm họng mãn tính bằng thuốc

Việc sử dụng thuốc chữa viêm họng mãn tính nhằm ức chế sự phát triển của các bệnh lý liên quan là nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ sẽ đưa biện pháp điều trị phù hợp tùy theo mức độ bệnh. Bác sĩ thường sẽ chỉ định một số loại thuốc bên dưới đây để điều trị chứng viêm họng mãn tính:

  • Penicillin
  • Amoxicillin
  • Ibuprofen
  • Acetaminophen

Điều quan trọng trong việc điều trị viêm họng mãn tính là phải kết hợp điều trị đồng thời các bệnh lý là tác nhân gây ra bệnh như dưới đây:

• Viêm mũi dị ứng: Điều trị bằng thuốc xịt mũi, thuốc chống dị ứng…

• Viêm amidan: Điều trị bằng kháng sinh chuyên sâu hay tiến hành thủ thuật cắt bỏ amidan.

• Trào ngược dạ dày thực quản: Điều chỉnh chế độ ăn kèm theo thuốc ức chế bơm proton như omeprazole hay esomeprazole.

• Ung thư vòm họng: Phương pháp trị liệu tùy thuộc vào loại ung thư cũng như vị trí và quá trình diễn tiến của nó.

Người bệnh viêm họng mãn tính không nên chủ quan tự mua thuốc uống bởi có thể dẫn đến tình trạng nhờn thuốc hay kháng thuốc.

Cách chữa viêm họng mãn tính tại nhà

Bệnh viêm họng mãn tính khó chữa trị dứt điểm nhưng một số cách dưới đây có thể giúp hạn chế sự tái phát của bệnh.

1. Uống nhiều nước

Khi bị viêm họng, bạn nên tìm cách bổ sung nhiều nước để giữ ẩm cho cổ họng. Nước cũng rất cần thiết để giúp loại bỏ bớt vi khuẩn ở cổ họng. Nước lọc để nguội là tốt nhất cho sức khỏe và giúp bạn nhanh khỏi cơn đau họng kéo dài. Bạn cũng có thể mang theo một chai nước để gần giường ngủ để việc đầu tiên bạn làm sau khi thức dậy là uống nước.

2. Xông mũi họng

Khi xông mũi họng, bạn có thể dùng những loại lá cây có chứa tinh dầu như lá khuynh diệp, lá sả, bạc hà, lá chanh, lá tía tô, lá ổi, lá kinh giới… Bạn chỉ cần cho các loại lá vào nồi, đổ đầy nước, đậy kín nắp đun sôi rồi đem xông khoảng 10-15 phút để sát trùng khu vực mũi – họng và giảm bớt sự khó chịu.

3. Súc miệng bằng nước muối

Nước muối giúp tiêu diệt vi khuẩn, đồng thời mang thêm nhiều tế bào bạch cầu đến khu vực bị nhiễm trùng. Nếu bạn có công việc phải nói nhiều mà lại bị đau họng, cách súc miệng nước muối sẽ làm dịu dây thanh âm để bạn nhanh chóng lấy lại giọng. Sau khi súc miệng với nước muối, bạn nhớ súc miệng lại bằng nước sạch để tránh làm thay đổi môi trường pH trong miệng.

4. Ngậm viên chữa đau họng

Viên ngậm chữa đau họng giúp kích thích tăng tiết nước bọt, tăng tính giữ ẩm giúp khu vực họng không bị khô. Trong thành phần của đa số viên ngậm giảm đau họng đều có chứa thành phần giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn như vitamin C, pectin, kẽm…

5. Uống nước trà nóng

Nước trà nóng có tác dụng sát khuẩn và làm dịu cổ họng. Nếu thêm vào một ít mật ong hoặc gừng thì sẽ tăng cường sức đề kháng, giúp giảm cơn đau họng hiệu quả. Tuy nhiên, điều đặc biệt cần lưu ý là bạn chỉ nên uống nước trà ấm vừa phải để tránh viêm trở nên nặng hơn.

Các biện pháp chữa viêm họng tự nhiên chỉ làm giảm nhẹ triệu chứng tạm thời, không chữa dứt được căn nguyên gây bệnh nên bệnh vẫn có nguy cơ tái phát.

Cách phòng ngừa viêm họng mãn tính

những điều bạn cần biết về viêm họng mãn tính

Đối với viêm họng mãn tính, việc chủ động phòng bệnh là cách tốt nhất để tránh tình trạng viêm họng kéo dài dai dẳng. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị cả người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi nên tiêm vắc xin cúm mỗi năm để phòng ngừa cúm dẫn đến viêm họng. Nếu bạn bị trào ngược dạ dày hay mắc phải dạng dị ứng nào đó thì cũng nên tìm giải pháp cho những tình trạng này để tránh gây ra viêm họng mãn tính.

Ngoài ra, bạn cũng đừng quên chú ý đến thói quen sinh hoạt hàng ngày của mình để phòng tránh bệnh bằng cách:

  • Uống nhiều nước
  • Giữ ấm cho cơ thể
  • Rửa tay thường xuyên
  • Thay bàn chải định kỳ
  • Lên lịch nghỉ ngơi hợp lý
  • Tránh đưa tay lên mặt và mắt
  • Duy trì chế độ ăn uống đủ chất
  • Không đứng gần người đang mắc bệnh
  • Không dùng chung chén, muỗng, đũa…
  • Tránh xa khu vực có khói thuốc lá
  • Đeo khẩu trang bảo vệ ở nơi ô nhiễm nặng

Viêm họng mãn tính gây ảnh hưởng đến sức khỏe, làm cản trở các hoạt động sinh hoạt thường ngày và cũng rất khó điều trị. Bạn nên sớm đến bác sĩ để được chẩn đoán ngay khi có những dấu hiệu bất thường ở vùng họng. Ngoài ra, hãy chú ý đến những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày để chủ động phòng tránh viêm họng mãn tính từ sớm.

Tuyết Trinh HELLO BACSI

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News