Sức Khoẻ

Ông già Hải Thượng và mối tình kỳ lạ

Hải Thượng Lãn Ông được biết đến như là Y tổ Việt Nam, và cũng là một văn nhân tài hoa. Cuộc đời của ông từ lúc trẻ tuổi sống tại quê cha Hải Dương, hay ở chốn kinh thành thời tham gia chính trường, hoặc ở quê mẹ Hương Sơn, Hà Tĩnh - nơi về ở và hành nghề y có rất nhiều huyền thoại. Trong đó, chuyện tình dở dang của ông thật ly kỳ và gây xúc động.

Từ bỏ công danh về làm thầy thuốc

Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác (sinh 1724, có cứ liệu nói sinh 1720) từng nghiên cứu binh thư, võ nghệ. Ông là con của tiến sĩ Lê Hữu Mưu, có chú ruột là Lê Hữu Kiều từng là Thượng thư Bộ binh và rất nhiều người thân đậu tiến sĩ, làm đại thần… Ông có em rể (lấy con chú Lê Hữu Kiều) là nhà bác học lừng danh Lê Quý Đôn.

Thử hình dung tráng sĩ tài cao học rộng, con nhà danh gia vọng tộc như vậy sẽ tiến thân trên con đường chính trị như thế nào. Nhưng thật bất ngờ, chàng trai này nguyện làm “người lười” – (lãn ông) để về ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Có thuyết cho rằng, ông cảm thấy thời buổi bấy giờ không đáng để làm quan phục vụ triều đình,  khi vua chúa tranh giành quyền lực, nạn kiêu binh nổi lên hoành hành, người dân lầm than…

ông già hải thượng và mối tình kỳ lạ

Mối tình kỳ lạ và nhân cách sáng ngời

Năm 1782, ông được quan Chính Đường (Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo) tiến cử về kinh đô chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán (con chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ) và phải ở lại kinh đô 1 năm ròng rã. Sau khi về lại Hương Sơn, ông viết Thượng kinh ký sự, mảnh ghép cuối cùng của Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh nếu tách ra là một tác phẩm văn học hoàn chỉnh, rất sinh động và mới lạ trong cách viết so với thời kỳ đó.

Thượng kinh ký sự nói lên nhiều điều, về quan niệm điều trị bệnh, sử dụng thuốc, về nội tình thời Hậu Lê, lúc thực quyền nằm trong tay chúa Trịnh… Trong đó, trong  những xô bồ, hỗn loạn, lòng người trí trá, nổi bật một đoạn trong trẻo là về cuộc gặp gỡ “người xưa” của Lê Hữu Trác. Thời trai trẻ, ông từng dạm hỏi một cô gái con quan Tham chính thừa ty Sơn Nam (nay ở Bắc Ninh), đã làm lễ vấn danh, nạp thái… Nhưng không rõ vì lý do gì, ông đã không cưới và về Hà Tĩnh. Thế rồi nhiều năm sau, khi lên kinh thành (lúc ông khoảng 60 tuổi) thì gặp một… ni cô. Thương kinh ký sự ghi:

“Một ngày kia, hai lão ni đến chỗ tôi ngụ nói rằng: “Chùa Huê Cầu đúc chuông lớn, công quả chưa thành, chúng tôi đến đây khuyến hóa. Một ni nói: “Tôi trú trì ở chùa núi An Tử. Một ni kia nói: “Tôi là con gái của quan Tả thừa ty tỉnh Sơn Nam quê ở Huê Cầu”.

“Tôi nghe nói giật mình như tỉnh giấc mơ, mời họ vào nhà ngoài, hỏi nhỏ một tiểu cô trong bọn tòng hành, mới biết đích đây là “tiểu nhân” của tôi vậy. Tôi nghĩ thầm: “Người này mà không biết mình mà lại đây, thật là một việc lạ. Mình nên nói tính danh ra để xem để xem ý tứ nào khắc hiểu rõ”. Tôi nói: “Tôi là người xã Liêu Xá, lánh nạn di cư đến Hoan Châu, ở Hương Sơn là quê mẹ, chẳng dè phải triệu về kinh. Nhà trọ tiêu điều, tuy có hằng tâm nhưng biết làm sao được”. “Khi ấy chỉ thấy ni cô chùa Huê Cầu mặt đỏ bừng, vẻ thẹn thùng, bảo ni cô chùa An Tử rằng: “Chúng ta nên đi đi thôi!”.

Tại sao lão ni đi khuyến hóa lại xưng nguồn gốc, gia đình? Ở đây chỉ có thể giải thích: người phụ nữ ấy âm thầm theo dõi Hải Thượng Lãn Ông, luôn luôn. Vì vậy, bà mới biết ông lên kinh thành và đang ở trọ nơi nào, khi gặp đã nói lai lịch với mong muốn ông nhận ra mình. Một chi tiết… dễ thương là khi ông nói rõ xuất thân, bà đã “mặt đỏ bừng, vẻ thẹn thùng”, diện mạo chỉ có ở kẻ đang yêu và tuổi mới lớn.

Lão ni, “người xưa” của Lê Hữu Trác, cho rằng ông đã hỏi bà làm vợ tức bà đã có chồng rồi, do  bà vô phận chồng bỏ, nhất quyết không lấy chồng nữa dù sau này có mấy người hỏi cưới, rồi bà đi tu. Hải Thượng Lãn Ông  biết chuyện và rất ân hận, tìm cách bù đắp thua thiệt cho bà. Ông cho người nhà gặp và nói với lão ni rằng nhà ông có ngôi chùa mời bà về ở, tu hành, mọi việc ông sẽ lo cho bà đến suốt đời. Bà đã từ chối và nhắn với ông rằng bà chỉ nhận ra tấm lòng ấm áp của ông, thế là đủ.

Lúc này, Hải Thượng Lãn Ông chỉ biết cảm thán bằng bài thơ Ngộ cố nhân:

Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa/ Kim nhật tương khan khổ tự ta/ Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ/ Song mâu xuân tận kiến hình hoa/ Thử sinh nguyện tác can huynh muội/ Tái thế ưng đồ tốn thất gia/ Ngã bất phụ nhân nhân phụ ngã/ Túng nhiên như thử nại chi hà?

Vô tâm nên nỗi luỵ người ta/Trông mặt nhau đây luống xót xa/ Gượng cười khôn giấu đôi hàng lệ/ Tóc bạc che mờ nửa mặt hoa/ Kiếp này hãy kết làm huynh muội/ Kiếp khác xin hoàn nghĩa thất gia/ Ai nỡ phụ ai, ai nỡ phụ/ Dở dang, dang dở biết ru mà? (Bản dịch của nhà văn Ngô Tất Tố).

Chi tiết cuối cùng: lão ni từ chối sự chu cấp, bảo bọc của Hải Thượng Lãn Ông nhưng xin ông… một cỗ quan tài làm bằng gỗ Nghệ An. Chuyện tình thật cảm động, ly kỳ. Và người xưa thật thâm thúy  không phải ai cũng nhận ra: Bà lúc sống đã nhận là vợ của ông, đến khi chết cũng muốn là người của ông, vĩnh viễn.

Không biết có kiếp sau không? Cũng không biết họ có “Tái thế  ưng đồ tốn thất gia: Kiếp khác hoàn nghĩa thất gia” hay không? Nhưng chuyện tình cảm động là có thật. Nhân cách của người thầy thuốc vĩ đại Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác trong đối nhân xử thế, trong tình cảm giữa người với người, giữa đàn ông và đàn bà nặng nghĩa nặng tình, sáng ngời là có thật.

 Vô tâm nên nỗi luỵ người ta      Trông mặt nhau đây luống xót xaGượng cười khôn giấu đôi hàng lệ        Tóc bạc che mờ nửa mặt hoa     Kiếp này hãy kết làm huynh muộiKiếp khác xin hoàn nghĩa thất gia     Ai nỡ phụ ai, ai nỡ phụDở dang, dang dở biết ru mà ?Hải Thượng Lãn Ông

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News