Sức Khoẻ

Ráy tai - có nên lấy thường xuyên?

ráy tai - có nên lấy thường xuyên?

Hầu như người Việt luôn có thói quen làm vệ sinh tai của mình hằng tuần, thậm chí là hằng ngày. Tuy nhiên, nghiên cứu cho rằng chúng ta không nên lấy ráy tai của mình. Vậy như thế nào mới là đúng? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về chủ đề này nhé!

Ráy tai là gì?

Ráy tai là một chất được sản xuất một cách tự nhiên để bảo vệ ống tai. Chúng KHÔNG phải là dấu hiệu của việc giữ vệ sinh kém hay dơ bẩn. Chất này được hình thành từ những hợp chất khác nhau lưu trú trong ống tai chứ không phải trong màng nhĩ như chúng ta thường nghĩ. Ống tai ngoài dài 3 cm được nối với các tuyến tiết chất nhờn và sản sinh ra chất nhờn, còn gọi là bã nhờn. Các tuyến mồ hôi cũng sinh ra một chất giống như sáp, hay còn được gọi là ráy tai. Những chất này trộn với tế bào da chết và với nhiều chất khác nữa như bụi bẩn, mỹ phẩm tạo nên cục ráy tai mà chúng ta thường thấy.

Có hai loại ráy tai là loại ướt, dính và có màu vàng hoặc màu nâu; loại thứ 2 là khô, dễ vỡ vụn, có màu sáng hơn, màu xám hoặc màu nâu vàng.

Ráy tai có thể có bất kỳ màu nào trong dải màu từ cam sáng cho đến màu nâu tối. Ở người trưởng thành, chúng có xu hướng cứng hơn và có màu tối hơn, trong khi ở trẻ em thường có màu sáng hơn và có dạng sáp mềm hơn.

Màu sắc của ráy tay nói lên điều gì?

  • Màu nâu sẫm hoặc màu đen: có thể nó đã lưu trữ lâu ở trong tai (có nghĩa nó đã lưu giữ nhiều chất bẩn, mầm bệnh, vi khuẩn và có thể cả côn trùng);
  • Màu nâu sẫm và một tia màu đỏ: có thể bạn đã bị tổn thương ở trong tai, máu có thể đã nhuộm màu chúng;
  • Màu sáng hơn (từ màu nâu sáng tới màu cam hoặc màu vàng): có nghĩa là bạn có ráy tai khỏe mạnh và bình thường.

Tại sao chúng ta cần ráy tai?

Tai bạn liên tục sản xuất ráy tai, do vậy lý tưởng nhất là bạn duy trì một lượng phù hợp trong ống tai của mình. Có một thực tế là nếu bạn có quá ít chất này trong ống tai, tai bạn có thể bị khô và ngứa. Đó là bởi vì chúng giúp bảo vệ tai và cung cấp chất bôi trơn với những tác dụng như sau:

  • Ngăn cản vi khuẩn, mầm bệnh và chất bẩn xâm nhập vào ống tai trong nhạy cảm của bạn. Chất có sáp tạo thành những cái bẫy bóp nghẹt vi khuẩn và mầm bệnh và ngăn không cho chúng sinh sôi. Ráy rai cũng ngăn cản vi khuẩn và mầm bệnh lây lan quá mức và ngăn cản nhiễm khuẩn trong tai;
  • Thu dọn chất bẩn và hạn chế sự tăng trưởng của vi khuẩn. Các chất bẩn rơi vào ống tai được ráy tai dính lại, giúp ống tai đỡ bị kích ứng và nhiễm trùng;
  • Ngăn cản bọ và côn trùng rơi sâu vào trong tai.

Đừng nên lấy ráy tai thường xuyên nếu không cần thiết

Ống tai có cơ chế tự làm sạch và ráy tai là chất có thể tự làm sạch. Trong điều kiện lý tưởng, bạn không cần phải vệ sinh ống tai. Nếu trong tai có quá nhiều ráy tai, chúng sẽ tự rơi ra khỏi ống tai khi các tế bào tự di cư một cách tự nhiên. Ráy tai cũng bị loại bớt khỏi tai khi bạn cử động hàm do nói chuyện và nhai. Khi chúng ra đến ống tai ngoài, chúng sẽ tự rơi khỏi tai khi bạn tắm gội.

Tuy nhiên, nhiều người hiểu nhầm rằng cần phải lấy ráy tai định kỳ để đảm bảo vệ sinh cá nhân. Thực tế đã có nhiều người cố gắng loại bỏ chúng bằng tăm bông, cặp tóc và nhiều loại dụng cụ khác nhau. Việc này có thể gây tổn thương tai, gây cảm giác khó chịu, khiến ráy tai lèn chặt vào nhau, thậm chí có thể gây mất thính lực tạm thời. Những dụng cụ này chỉ khiến chất sáp vào sâu hơn và có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn ống tai.

Khi nào nên lấy ráy tai?

Bạn nên lấy ráy tai nếu chúng có quá nhiều trong ống tai. Triệu chứng khi ống tai có quá nhiều chất này bao gồm:

  • Đau tai, cảm thấy tai bị đầy lên, bị nút lại;
  • Mất thính lực một phần (có thể hồi phục lại được);
  • Ù tai, có tiếng rung hoặc tiếng ồn trong tai;
  • Ngứa, có mùi hoặc chảy mủ;

Với gặp những trường hợp như vậy bạn nên đến gặp bác sĩ để có phương pháp lấy ráy tai phù hợp. Bạn không nên dùng tăm bông hay dụng cụ khác để tự ý thực hiện việc này.

Ráy tai không phải là biểu hiện của việc tai không sạch hay do bạn vệ sinh kém. Thật ra, chúng rất có ích cho tai của bạn với những chức năng tuyệt vời. Vì thế, bạn không nên tự ý lấy ráy tai của mình và chỉ nên lấy khi chúng quá nhiều và gây ra những triệu chứng kể trên nhé!

Bạn có thể tham khảo các bài viết sau:

  • Viêm tai xương chũm là bệnh gì
  • Viêm tai ngoài là bệnh gì
  • Khám tai tại nhà là gì?

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News