Sức Khoẻ

'RICE' giúp giảm nhanh cơn đau đầu gối khi chạy bộ

Có nhiều nguyên nhân gây đau đầu gối khi chạy bộ. Tình trạng này gây đau, làm hạn chế vận động và ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày. Vậy cách xử trí thế nào cho đúng?

1. Nguyên nhân gây đau đầu gối

BS. Nguyễn Trọng Thủy, nguyên bác sĩ Đội tuyển Quốc gia và U23 Việt Nam (Á quân Vòng Chung kết Châu Á tại Thường Châu, Trung Quốc năm 2018) cho biết, đau đầu gối có thể đau bất cứ thành phần nào của khớp gối như: Gân, cơ, dây chằng, xương, sụn chêm hay sụn khớp…

'rice' giúp giảm nhanh cơn đau đầu gối khi chạy bộ

BS. Nguyễn Trọng Thủy.

Theo đó, nguyên nhân đau đầu gối khi chạy bộ có thể do:

  • Quá tải, chạy không đúng kỹ thuật, giày không đạt chuẩn cho từng nội dung, đường chạy hoặc không phù hợp với phom chân.
  • Không khởi động và kéo giãn cơ kỹ cho phù hợp với nội dung chạy.
  • Không cung cấp đủ năng lượng, nước, điện giải, vitamin và khoáng chất trước và trong khi chạy.
  • Hội chứng bánh chè xương đùi.
  • Lệch xương bánh chè (bẩm sinh hoặc mắc phải).
  • Bán trật hoặc trật hoàn toàn xương bánh chè.
  • Bàn chân bẹt.
  • Cơ đùi yếu hoặc căng cứng quá mức.
  • Viêm khớp.
  • Tổn thương sụn chêm.
  • Gãy xương bánh chè.
  • Hội chứng plica: Nếp hoạt dịch khớp gối bị viêm và dày lên.
  • Đôi khi có thể do cột sống thắt lưng, viêm dây thần kinh tọa đau xuống gối.

2.Cách xử trí đau đầu gối

Khi mới bị đau, sử dụng phác đồR.I.C.E:

– R (rest -Nghỉ ngơi): Ngừng ngay tập luyện và tránh tất cả các động tác gây đau. Có thể bất động khớp gối đau từ 24 đến 72 giờ đầu.

– I (Ice – Chườm lạnh): Nhiệt độ chườm mát tốt nhất là từ 6 đến 12 độ C giúp giảm chảy máu, giảm sưng, giảm đau, giảm viêm.

'rice' giúp giảm nhanh cơn đau đầu gối khi chạy bộ

Chườm lạnh giúp giảm đau đầu gối.

Cách thực hiện: Cho một vài viên đá lạnh vào túi nilon – cho nước rồi buộc kín lại, hay đá nhuyễn hoặc nước đá trong túi nilon, bọc khăn vải ướt bên ngoài, chườm lên vùng tổn thương.

Chườm lạnh được thực hiện trong 24-72 giờ đầu sau chấn thương. Thời gian chườm là 15 đến 30 phút, rồi nghỉ 1 đến 2 tiếng (tuỳ mức độ tổn thương và thể trạng, cơ địa mỗi người), có thể lặp lại nhiều lần trong ngày.

Không nên chườm quá lạnh và quá lâu có thể gây bỏng lạnh và thiểu dưỡng vùng bị tổn thương.

– C (Compression – Băng ép): Quấn nhẹ nhàng quanh khớp gối, giúp cầm máu tốt hơn, giảm phù nề – tràn dịch.

Băng đúng cách là quấn từ dưới cực dưới xương bánh chè 10-12cm, qua cực trên xương bánh chè lên trên khoảng 15 đến 20cm. “Ice massage” là hình thức phối hợp giữa chườm lạnh và băng ép.

– E (Elevation – Kê cao): Kê cao chi chấn thương giúp máu trở về tim tốt hơn, làm giảm sưng và viêm, kê cao đầugối bị chấn thương 10 – 15cm (so với tầm tim) trong 24 – 72 giờ đầu.

Chú ý: Trong 48 giờ đầu không được chườm nóng, xoa bóp các loại dầu nóng, kéo nắn chi hay vùng bị tổn thương vì dễ làm tổn thương dập – rách – đứt – tăng lên, chảy máu và sưng nề – tràn dịch nhiều hơn, hiện tượng viêm tăng lên và kéo dài làm mô bị tổn thương lâu lành hoặc lành với sẹo xấu.Có thể dùng thuốc giảm đau thông thường để trợ giúp.

Nếu sau 24 – 72 giờ tổn thương không giảm nhiều, hoặc tổn thương ban đầu trầm trọng hơn… cần đi khám bác sĩ chuyên khoa.

Mời độc giả xem thêm video:

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News