Sức Khoẻ

Tập luyện, phục hồi chức năng sau gãy xương

Để phục hồi chức năng sau gãy xương, người bệnh cần kiên trì tập luyện, kết hợp nhiều phương pháp khác nhau

1. Mục đích và phương pháp phục hồi sau gãy xương

1.1. Giai đoạn bất động

Ở giai đoạn bất động này việc phục hồi chức năng với mục đích phòng ngừa các biến chứng viêm phổi ứ đọng, huyết khối, loét do đè ép…

Ngoài ra còn có tác dụng giảm đau, duy trì tầm vận động của khớp tự do, tránh teo cơ, cứng khớp do bất động.

Ở giai đoạn này thường được chỉ định tại cơ sở y tế, có sự hướng dẫn và giám sát của cán bộ y tế. Tuy nhiên người bệnh và người chăm sóc cũng cần hiểu để tuân thủ, kết hợp giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn.

Phương pháp phục hồi:

– Tư thế trị liệu: Đối với vùng chi còn phù nề, cần kê cao chi để giảm phù nề.

– Vận động trị liệu: Đối với vùng gãy xương phải bất động ta thực hiện co cơ tĩnh (gồng cơ) để đề phòng teo cơ, giảm phù nề, làm nhanh quá trình liền can. Đối với các khớp tự do không bị cố định thì thực hiện vận động chủ động các khớp hết biên độ (tầm) vận động.

– Giảm đau: Sử dụng điện trị liệu như các dòng điện xung, điện phân, điện cao tần… hoặc có thể sử dụng nhiệt lạnh như lấy đá, chờm lạnh…

– Hoạt động trị liệu: Phải được tiến hành sớm, ngay từ khi còn cố định xương đến khi hồi phục. Biện pháp tùy theo tổn thương cụ thể của từng bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định thích hợp.

tập luyện, phục hồi chức năng sau gãy xương

Phục hồi chức năng sau gãy xương cần kết hợp nhiều phương pháp

1.2. Giai đoạn sau bất động

Sau bất động lâu ngày (bó bột, phẫu thuật kết hợp xương) thường có tình trạng hạn chế tầm vận động, teo cơ, đau khớp, do đó các hoạt động cần phải thực hiện một cách thận trọng để tránh gây tổn thương thêm cho các mô bị suy yếu (cơ, dây chằng và mô liên kết).

Lúc đầu, bệnh nhân sẽ bị đau khi bắt đầu vận động, nhưng đau sẽ giảm dần khi khớp cử  động, các cơ mạnh dần lên và tầm hoạt động tăng tiến dần.

Chính vì lẽ đó mục đích phục hồi chức năng ở giai đoạn này cũng vô cùng quan trọng giúp giảm sưng, giảm phù nề, giảm đau. Gia tăng tuần hoàn, phá tan kết dính. Gia tăng tầm hoạt động của khớp. Gia tăng sức mạnh của cơ. Phục hồi chức năng tối đa để người bệnh nhanh chóng trở về cuộc sống, lao động bình thường.

Phương pháp phục hồi:

– Có thể sử dụng nhiệt nóng ẩm: Chiếu đèn hồng ngoại, bó parafin ngày 01 lần thời gian 20 – 30 phút.

– Xoa bóp trị liệu vùng chấn thương ngày 1 lần thời gian 20-30 phút. Điện xung ngày 1 lần thời gian 10-20 phút.

– Vận động trị liệu:

+ Cử động khớp là cách tốt để bơm cho dịch khớp ra vào, khớp được nuôi dưỡng và trở nên mềm mại, tốc độ cho một lần co duỗi là 45 giây, mỗi lần tập 10-15 phút, ngày 4-6 lần. Có thể tập từ ngày thứ 3 sau mổ hoặc sau bó bột.

+ Tập đi với dụng cụ trợ giúp (nạng gậy), luyện dáng đi. Riêng tập đi thì người chăm sóc bệnh nhân và người bệnh phải cố gắng kiên trì. Bởi ngại thì việc phục hồi sẽ lâu hơn.

Trên đây là những nguyên tắc chung về phục hồi chức năng cho người bị gãy xương. Trong thực tế, tuỳ theo  từng trường hợp cụ thể mà người ta chọn các loại bài tập phù hợp với tình trạng người bệnh, loại gãy xương và xương bị gãy.

Phục hồi vận động sau gãy xương bao gồm cử động khớp, sau đó người bệnh cần tập luyện duy trì sức cơ. Bài tập tăng sức căng của cơ, khi khớp cử động còn đau nhiều thì tập căng cơ, khi khớp đỡ đau thì tập co cơ. Cuối cùng là tập đi, hoặc tập làm nếu là gãy xương tay.

Đối với gãy xương chân người bệnh phải dùng nạng tập đi khi xương chưa liền nên cần lưu ý tập bước đi có 3 điểm tựa, không tỳ hoặc chỉ tỳ nhẹ tăng dần lên chân đau.

Hai tay chống nạng ngay ngắn, hai mũi nạng và bàn chân lành tạo nên tam giác đế. Đưa 2 nạng ra trước 10 – 30cm một cách tăng dần, lấy thăng bằng trên đôi tay cầm, rồi bước chân lành ra trước, tiếp tục bước khác. Giai đoạn tiếp theo, dùng gậy chống lúc xương đã gần liền vững. Nhiều người thích dùng gậy chống bên chân đau nên đã làm dáng đi bị xấu đi. Phải tập cho quen chống gậy bên chân lành và khi bước chân lành ra trước thì sức nặng trên chân đau và gậy chống sẽ cùng chịu một lúc.

2. Dùng thuốc y học cổ truyền cho người gãy xương

Theo Y học cổ truyền, sang chấn làm cho thương khí tắc, khí trệ, thương huyết tắc huyết ngưng, huyết ngưng thì cản trở khí hành, vì vậy huyết ứ mà gây ra bệnh.

Ngoài nguyên tắc cố định xương gãy kết hợp động và tĩnh ở trên, nguyên tắc thứ hai trong điều trị gãy xương theo y học cổ truyền là kết hợp tại chỗ với toàn thân còn thể hiện trong dùng thuốc xoa hoặc đắp ngoài có tác dụng tại chỗ và thuốc uống trong có tác dụng toàn thân.

2.1 Thuốc sắc uống cường cân, cứng cốt phục nguyên

– Thời kỳ đầu: Dùng phép hành ứ, hoạt huyết, sinh tân.

Bài thuốc: Đại hoàng 20g, sài hồ 15g, qua lâu nhân15g, đương quy 15g,  hồng hoa 12g, một dược 15g,  cam thảo  10g, đào nhân 15g, nhũ hương 15g, kê huyết đằng 15g, xuyên khung 15g. Sắc uống ngày 1 thang.

– Thời kỳ giữa và sau : Dùng phép bổ ích can thận, cường cân, cứng cốt phục nguyên.

Bài thuốc: Thục địa 20g, đỗ trọng 20g, ngưu tất 20g, tục đoạn  20g, cốt toái bổ 20g, ngũ gia bì 20g, quy thân 20g, sơn thù 15g, bạch thược 15g, thanh bì  15g. Sắc uống ngày 1 thang.

tập luyện, phục hồi chức năng sau gãy xương

Cây và vị thuốc ngưu tất trong bài thuốc điều trị sau gãy xương

2.2 Thuốc dùng ngoài, ngâm tay, chân tùy vị trí chấn thương

– Thành phần:Nhũ hương 30g, một dược 30g, đương quy 15g, đại hồi 15g, bạch chỉ  15g, ngưu tất 15g, uy linh tiên 15g, tô diệp 15g, kê huyết đằng 30g, xích thược 15g, hồng hoa 15g,  xuyên khung 15g, ngũ gia bì 15g, tục đoạn 15g, phòng phong 15g, mộc qua15g.

Cách dùng: Tất cả rửa sạch, cho vào ấm sắc lấy 2000ml, để nhiệt độ từ 50 – 60 ngâm tay, chân tùy vị trí chấn thương ngày 2 lần.

2.3 Châm cứu hỗ trợ điều trị gãy xương

Châm tả các huyệt tại chỗ và châm toàn thân các huyệt:

– Vùng cổ gáy: Huyệt Lạc chẩm, Hợp cốc, Đốc du.

– Vùng cổ chân: Huyệt Huyền trung, Thái xung.

– Vùng thắt lưng: Huyệt Thận du, Ủy trung.

– Vùng cổ tay: Huyệt Thủ tam lý, hợp cốc.

– Vùng khuỷu tay: Huyệt Hợp cốc, Trung phủ.

– Vùng đùi, cẳng chân: Huyệt Dương lăng tuyền, Túc tam lý.

2.4. Thủy châm điều trị gãy xương    

Phương pháp chọn huyệt cũng như châm cứu:

– Vùng cổ gáy: Huyệt Lạc chẩm, Hợp cốc, Đốc du.

– Vùng cổ chân: Huyền trung, Thái xung.

– Vùng thắt lưng: Thận du, Ủy trung.

– Vùng cổ tay: Thủ tam lý, hợp cốc.-

– Vùng khuỷu tay: Hợp cốc, Trung phủ.

– Vùng đùi, cẳng chân: Dương lăng tuyền, Túc tam lý.

Mỗi lần thủy châm chọn 4-5 huyệt tùy từng tình trạng bệnh nhân cụ thể.

2.5 Cấy chỉ điều trị gãy xương

Phương pháp chọn huyệt cũng như châm cứu ở trên. Mỗi đợt điều trị cấy chỉ hai lần, mỗi lần có thể lựa chọn 5-6 huyệt tùy vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân.

Như vậy, đối với người gãy xương việc điều trị là đưa bệnh nhân trở về tình trạng sinh hoạt, đi lại như trước khi bị gãy xương càng sớm càng tốt. Nếu bệnh nhân quá yếu, khả năng đi lại kém hoặc chỉ ngồi xe lăn thì mục đích điều trị là làm cho bệnh nhân đỡ đau. Nếu trước khi gãy xương bệnh nhân đi lại khá, cần can thiệp phẫu thuật cố định vững chắc ổ gãy để bệnh nhân tập vận động sớm.

Luyện tập được coi là bước quan trọng trong điều trị gãy xương theo y học cổ truyền nhằm đạt tới mục đích điều trị đó là phục chức năng chi gãy. Nắn chỉnh xương gãy sớm, cố định xương gãy cục bộ một cách hợp lý, đồng thời tiến hành luyện tập chính xác theo tiến độ, phát huy được tính năng động chủ quan của người bệnh được coi như là nguyên tắc điều trị.

Nguyên tắc tập luyện: Tập từ nhẹ đến mạnh, từ biên độ nhỏ đến biên độ lớn, từ đơn giản đến phức tạp và không được động tác tập nào gây đau.

Mời bạn xem thêm video:

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News