Sức Khoẻ

Trị sốt xuất huyết theo y học cổ truyền và những lưu ý quan trọng

Y học cổ truyền điều trị bệnh sốt xuất huyết (SXH) có hiệu quả cao ở giai đoạn sớm của bệnh, tương ứng với mức độ I (theo phân loại của WHO 2009), giúp hạn chế bệnh chuyển nặng và hồi phục sức khỏe nhanh hơn cho người bệnh.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây nên thông qua muỗi vằn Aedes aegypti. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn nhưng trẻ em mắc nhiều hơn.

Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng tin vui là đã có vaccine phòng chống sốt xuất huyết và còn nhiều ứng viên tiềm năng khác đang được nghiên cứu và đợi phê duyệt.

trị sốt xuất huyết theo y học cổ truyền và những lưu ý quan trọng

Biểu hiện trên da của bệnh sốt xuất huyết.

1. Các dấu hiệu chẩn đoán nghi ngờ bệnh

Các dấu hiệu bao gồm: Sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn;da xung huyết; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; nghiệm pháp dây thắt (nghiệm pháp dùng để chẩn đoán sớm sốt xuất huyết nhưng không đặc hiệu) dương tính; thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi; có ca sốt xuất huyết dengue ở gần nhà.

2. Dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện khám ngay

Các triệu chứng cảnh báo thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh:

– Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt.

– Có thể có các biểu hiện sau:

+ Đau bụng nhiều: Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau, nhất là ở vùng gan;

+Vật vã, lừ đừ, li bì;

+Gan to > 2cm dưới bờ sườn, có thể đau; nôn ói >= 3 lần/giờ hoặc 4 lần trong vòng 6 giờ;

+Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ):

+ Tràn dịch màng phổi, mô kẽ (có thể gây suy hô hấp), màng bụng, phù nề mi mắt.

+ Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20mmHg hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít.

+Xuất huyết:

*Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím.

*Xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.

trị sốt xuất huyết theo y học cổ truyền và những lưu ý quan trọng

Cỏ nhọ nồi – vị thuốc trong bài thuốc trị SXH.

* Xuất huyết nặng: Chảy máu mũi nặng (cần nhét bấc hoặc gạc cầm máu), xuất huyết âm đạo nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng (phổi, não, gan, lách, thận), thường kèm theo tình trạng sốc, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa, có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.

Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày-tá tràng, viêm gan mạn.

– Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh có hoặc không có sốc do thoát huyết tương.

+ Tổn thương/suy thận cấp.

+ Rối loạn tri giác (sốt xuất huyết Dengue thể não).

+ Viêm cơ tim, suy tim, hoặc suy chức năng các cơ quan khác.

Cân nhắc nhập viện điều trị trong các trường hợp sau:

  • Nhà quá xa bệnh viện, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng;
  • Gia đình không có khả năng theo dõi sát;
  • Trẻ nhũ nhi hoặc dư cân; 
  • Phụ nữ có thai; 
  • Bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, thiếu máu tan máu…).

trị sốt xuất huyết theo y học cổ truyền và những lưu ý quan trọng

Rễ cỏ tranh – vị thuốc trong bài thuốc trị SXH.

3. Sốt xuất huyết theo quan niệm Y học cổ truyền

Y học cổ truyền xếp bệnh sốt xuất huyết vào nhóm Ôn bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiệt tà tác động vào Vệ, Khí, Dinh, Huyết.

– Nhiệt độc tấn công vào phần Vệ khí gây sốt cao, vào phần Dinh gây ban chẩn (xung huyết), vào phần Huyết gây xuất huyết. Bệnh ở giai đoạn nặng có thể chuyển thành chứng Quyết: Nhẹ là nhiệt quyết (tương đương với sốc nhẹ); nặng là hàn quyết (tương đương với sốc nặng).

– Nguyên tắc điều trị cơ bản của Y học cổ truyền là thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ huyết. Thanh nhiệt giải độc nhằm loại trừ nguyên nhân (nhiệt độc), lương huyết chỉ huyết nhằm làm mát huyết, đưa huyết về trạng thái bình thường và để cầm máu.

4. Bài thuốc điều trị sốt xuất huyết

Bài thuốc giới thiệu ở đây chỉ áp dụng hiệu quả cho các trường hợp bệnh nhẹ và vừa, tương đương với cấp độ I theo phân loại của WHO, còn các cấp độ bệnh nặng hơn thì chúng ta nên nhập viện điều trị bằng y học hiện đại, còn Đông y ở giai đoạn nặng này chỉ đóng vai trò hỗ trợ thứ yếu.

Nguyên tắc điều trị

Thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ huyết, nâng cao thể trạng.

+ Nếu mới chỉ có sốt cao (chưa có xuất huyết)

Pháp điều trị: Sơ biểu, thanh nhiệt, giải độc.

trị sốt xuất huyết theo y học cổ truyền và những lưu ý quan trọng

Lá dâu – vị thuốc trong bài Tang cúc ẩm gia giảm.

Bài thuốc -Tang cúc ẩm gia giảm

Thành phần bài thuốc gồm các vị thuốc sau: Lá dâu 12g, cát cánh 6g, cúc hoa 12g, mạch môn 8g,kim ngân hoa 12g, hoàng cầm 8g, liên kiều 12g, quả dành dành 8g, bạc hà 6g.

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 -3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

+ Nếu đã có xuất huyết

Pháp điều trị: Thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ huyết.

Thành phần bài thuốc gồm các vị sau: Cỏ nhọ nồi (sao vàng) 20g,cối xay (sao vàng) 12g, rễ cỏ tranh 20g, sài đất 20g, kim ngân 12g,hạ khô thảo (sao qua) 12g, hòe hoa 10g, gừng tươi 3 lát.

Nếu không có hạ khô thảo thì thay bằng bồ công anh: 12g.

Một số vị thuốc có thể dùng tươi: Cỏ nhọ nồi, cối xay, rễ cỏ tranh.

Cách dùng: Cho 600 ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần.

Thành phần bài thuốc gồm các vị thuốc sau:

  • Rễ cỏ tranh 8g (thuốc thay thế: Râu ngô, râu mèo, mã đề, rễ thơm (dứa)
  • Rau má 8g (thuốc thay thế: Rau đắng lá lớn, tinh tre, khổ qua)
  • Lá muồng trâu 4g (thuốc thay thế: Vỏ cây dại, lá mơ lông)
  • Cỏ mần trầu 8g (thuốc thay thế: Lá dâu tằm, kim ngân hoa, rau sam)
  • Ké đầu ngựa 4g, cam thảo nam 4g, gừng 2g (thuốc thay thế: Củ riềng, vỏ bưởi, vỏ phật thủ)
  • Củ sả 4g
  • Trần bì 4g.

Sắc ngày 1 thang. Chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

Liều lượng thuốc cho trẻ em:

– Trẻ em từ 6 – 14 tuổi: Liều bằng 1/2 liều người lớn.

– Trẻ em 15 tuổi trở lên: Liều bằng liều người lớn.

– Trẻ còn bú mẹ đến 5 tuổi chuyển sang truyền nhiễm nhi điều trị.

trị sốt xuất huyết theo y học cổ truyền và những lưu ý quan trọng

Đảng sâm – vị thuốc trong bài Bổ trung ích khí thang.

5. Giai đoạn phục hồi

Thời kỳ này chủ yếu nghỉ ngơi. Để tăng nhanh hiệu quả và nâng cao thể trạng, phục hồi sức khỏe, người bệnh có thể dùng thêm các thuốc y học cổ truyền có tác dụng bổ khí, bổ huyết, bổ âm. Thuốc y học cổ truyền có tác dụng nâng cao thể trạng, phục hồi sức khỏe.

Nếu người bệnh mệt mỏi nhiều, ăn kém, không muốn ăn, thì có thể sử dụng các bài thuốc sau:

Thành phần bài thuốc gồm các vị sau: Đảng sâm 16g, thăng ma 08g, bạch truật 12g, cam thảo 06g, trần bì 08g, đương qui 12g, hoàng kỳ 12g, sài hồ 10g.

Sắc ngày 1 thang. Chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

6. Lưu ý quan trọng

Mặc dù bệnh sốt xuất huyết đa phần có thể tự khỏi nhưng có một tỷ lệ nhỏ có khả năng chuyển nặng. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ người dân không có chuyên môn rất khó để phân biệt dấu hiệu trở nặng. Trong khi đó, bệnh lại chuyển biến nhanh, nếu không phát hiện, điều trị kịp thời thì có thể dẫn tới ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí là tử vong.

Ngoài ra, do triệu chứng ban đầu của bệnh khá giống với triệu chứng của COVID-19 do đó chúng ta càng phải đặc biệt chú ý, không nên chủ quan với bệnh này. Nếu không phân biệt được các triệu chứng trở nặng, chúng ta nên đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News