Cơ Xương Khớp

Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Viêm khớp vảy nến không được điều trị sớm, viêm sẽ tiến triển và có thể dẫn đến tổn thương khớp không hồi phục. Do đó, việc hiểu rõ về bệnh sẽ giúp bạn có nhiều kinh nghiệm để sớm phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả.

Vậy bệnh viêm khớp vảy nến là gì? Nguyên nhân do đâu? Dấu hiệu nhận biết bệnh là gì? Chẩn đoán và điều trị bệnh như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây, hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!

Tìm hiểu chung

Viêm khớp vảy nến là gì?

Viêm khớp vảy nến là một dạng viêm khớp mãn tính xuất hiện ở người bị bệnh vảy nến, có thể trước, trong hoặc sau khi triệu chứng vảy nến xuất hiện trên da.

Đây là một loại bệnh tự miễn, tức là hệ miễn dịch của cơ thể hiểu nhầm các khớp là tác nhân lạ và tấn công chúng, gây ra viêm. Bệnh có nhiều cấp độ từ nhẹ đến nặng và biểu hiện theo 5 thể lâm sàng (theo Moll và Wright 1973) như sau:

  • Thể viêm khớp ngón xa ở tay, chân hoặc cả hai
  • Thể viêm vài khớp (từ 4 khớp trở xuống), không đối xứng hai bên (chiếm 30 – 50% trường hợp viêm khớp vảy nến)
  • Thể viêm nhiều khớp đối xứng ở hai bên cơ thể (hay gặp, chiếm 30 – 50% trường hợp viêm khớp vảy nến)
  • Thể có biểu hiện tổn thương chủ yếu ở cột sống tương tự như triệu chứng viêm cột sống dính khớp (chiếm khoảng 5%)
  • Thể viêm khớp (arthritis mutilans): gây phá hủy sụn khớp rất nhiều

Bệnh nghiêm trọng có thể phá huỷ các khớp dẫn đến mất hết chức năng vận động và tàn phế cả đời. Tuy nhiên, nếu chẩn đoán và điều trị sớm sẽ trì hoãn được tiến triển của bệnh, ngăn ngừa hoặc giảm thiểu sự tổn thương khớp.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến có thể bị ở một hoặc hai bên cơ thể. Triệu chứng khá giống viêm khớp dạng thấp. Các khớp có dấu hiệu sưng, nóng, đau.

Có thể kể đến một số triệu chứng viêm khớp vảy nến phổ biến như:

  • Đau, nóng, sưng và cứng ở một hoặc nhiều khớp vào buổi sáng hoặc khi không hoạt động (chẳng hạn như ngồi lâu). Thường gặp nhất là bàn tay, bàn chân, mắt cá chân, cổ tay, đầu gối.
  • Giảm khả năng vận động ở các khớp bị ảnh hưởng.
  • Đau thắt lưng: viêm cột sống do viêm khớp vảy nến. Gây viêm các khớp giữa cột sống và các khớp giữa cột sống và xương chậu. (viêm khớp cùng chậu thường gặp ở 1/3 bệnh nhân viêm khớp vảy nến và thường bị một bên).
  • Đau hoặc cứng ở lưng dưới.
  • Căng, đau hoặc sưng nếu ở giai đoạn gân và dây chằng gắn chặt vào xương.
  • Toàn bộ ngón tay hoặc ngón chân bị sưng trông giống như xúc xích.
  • Tổn thương móng là biểu hiện lâm sàng suy nhất giúp phát hiện bệnh nhân vảy nến có nguy cơ bị viêm khớp trong tương lai.

viêm khớp vảy nến: nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp những triệu chứng về da do vảy nến như:

  • Xuất hiện những đốm màu bạc hoặc xám ở trên da đầu, khuỷu tay, đầu gối và/hoặc cột sống dưới.
  • Nổi sẩn, có thể có vảy, trên cánh tay, chân và thân mình.
  • Móng tay có những chỗ lõm nhỏ, mất độ bóng, móng bị dày lên và có màu vàng bẩn, móng có các khía dọc và dễ gãy.
  • Tổn thương mắt: gặp ở 1/3 bệnh nhân viêm khớp vảy nến, chủ yếu là viêm kết mạc. viêm màng bồ đào có thể dẫn tới giảm thị lực.
  • Có thể, viêm các điểm bám gân, thường gặp là gân Achille và viêm điểm bám gân của gân vùng gan chân vào xương gót.

Các triệu chứng toàn thân khác bao gồm mệt mỏi, thiếu máu.

Triệu chứng viêm khớp vảy nến rất khác nhau giữa mỗi người, có thể nặng và ảnh hưởng nhiều khớp nhưng đôi khi lại nhẹ ở 1 – 2 khớp. Cũng có những thời điểm bệnh thuyên giảm xen kẽ với giai đoạn triệu chứng bùng phát nghiêm trọng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp vảy nến

Chính xác vì sao hệ thống miễn dịch của cơ thể lại tấn công vào tế bào khỏe mạnh, gây viêm khớp và sản xuất quá mức các tế bào da vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy gen, môi trường, các yếu tố miễn dịch có vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của bệnh.

Nhiều người bị viêm khớp vảy nến có các thành viên trong gia đình cũng bị bệnh này hoặc bị vảy nến. Bên cạnh đó, tổn thương thực thể, hoặc tác nhân trong môi trường (vi khuẩn, virus) cũng có thể là thủ phạm gây viêm khớp vảy nến ở những người có khuynh hướng di truyền.

Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp vảy nến bao gồm:

  • Tuổi tác: người từ 30 – 55 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn độ tuổi khác.
  • Tiền căn gia đình: có bố mẹ, anh chị em mắc bệnh.
  • Bị vảy nến: đây là yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh này. Cứ 3 người bị vảy nến thì có 1 người mắc viêm khớp vảy nến.

viêm khớp vảy nến: nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Chẩn đoán và điều trị

Bệnh viêm khớp vảy nến được chẩn đoán như thế nào?

Không có xét nghiệm đặc hiệu nào giúp chẩn đoán bệnh này, mà phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau.

Ban đầu, bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng, tiền sử bệnh của gia đình và quan sát để tìm kiếm dấu hiệu bệnh:

  • Kiểm tra các khớp của bạn để tìm những dấu hiệu sưng hoặc đau
  • Kiểm tra móng tay của bạn để xem có bị rỗ, bong tróc hay dấu hiệu bất thường nào không
  • Ấn bàn chân và xung quanh gót chân kiểm tra mức độ viêm.

Nếu không có dấu hiệu ngoài da, việc chẩn đoán sẽ khó khăn hơn. Bạn cần phải làm nhiều xét nghiệm bao gồm:

Xét nghiệm máu:

  • Đo tốc độ lắng của hồng cầu: khi bị sưng và viêm, các protein trong máu tụ lại và nặng hơn bình thường, vì vậy mà tốc độ lắng cũng cao hơn. Chỉ số này càng cao, viêm càng nặng.
  • Acid uric: trong bệnh viêm khớp vảy nến, nồng độ acid uric tăng cao. Mức độ tăng của Acid uric có mối liên quan với mức độ tổn thương da. Tuy nhiên, chỉ số này chỉ bổ trợ chứ không được dùng để chẩn đoán hoặc theo dõi bệnh.
  • Yếu tố dạng thấp (RF): RF là một loại kháng thể thường có trong máu của người bị viêm khớp dạng thấp nhưng lại không thường xuất hiện trong máu của người bị viêm khớp vảy nến. Do đó, xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ loại trừ viêm khớp dạng thấp vì triệu chứng hai bệnh này khá giống nhau. Tuy nhiên khoảng 10% bệnh nhân viêm khớp vảy nến có RF dương tính.

Xét nghiệm hình ảnh:

  • Chụp X-Quang: Giúp xác định chính xác những thay đổi trong khớp
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Tạo ra hình ảnh chi tiết của cả mô cứng và mô mềm trong cơ thể nên được dùng để kiểm tra các vấn đề về gân và dây chằng ở bàn chân và lưng dưới.

viêm khớp vảy nến: nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Sinh thiết kiểm tra dịch khớp

Bác sĩ sẽ dùng kim để lấy một lượng nhỏ chất lỏng từ khớp bị tổn thương của bạn, thường là ở đầu gối. Nếu có tinh thể axit uric trong dịch khớp thì khả năng bạn đang bị gout cao hơn là viêm khớp vảy nến. Đôi khi bạn mắc cả hai bệnh cùng một lúc.

Các phương pháp điều trị viêm khớp vảy nến

Không có phương pháp nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh này. Mục tiêu của việc điều trị là kiểm soát viêm, ngăn ngừa đau khớp và hạn chế nguy cơ tàn tật.

Việc điều trị tùy thuộc vào mức độ bệnh và khớp nào đang bị ảnh hưởng. Có đôi khi phải thử nhiều phương pháp khác nhau để tìm ra cách chữa phù hợp nhất với từng người.

Thuốc điều trị viêm khớp vảy nến

Đây là phương pháp phổ biến hiện nay. Một số loại thuốc thường được sử dụng gồm có:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, naproxen sodium dùng cho những người bệnh nhẹ.
  • Corticosteroid được tiêm trực tiếp vào khớp để giảm viêm. Thuốc này đường uống cũng có thể được kê đơn trong những đợt viêm khớp vảy nến bùng phát nhưng không khuyến khích dùng thường xuyên.
  • Thuốc điều trị cơ bản DMARD thông thường như methotrexate, leflunomide, sulfasalazine. Thuốc giúp làm chậm sự tiến triển của viêm khớp vảy nến và giữ cho khớp không bị tổn thương vĩnh viễn.
  • Nhóm thuốc sinh học DMARD, nhắm vào các con đường khác nhau của hệ thống miễn dịch để kiểm soát viêm khớp.
  • Thuốc DMARD tổng hợp được dùng khi loại DMARD thông thường và thuốc sinh học không có hiệu quả.

Mỗi loại thuốc đều có tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác như tim mạch, gan, và thận. Do đó, người bệnh khi điều trị viêm khớp vảy nến bằng thuốc thì cần dùng đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ nhé!

viêm khớp vảy nến: nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Phẫu thuật thay khớp

Phần lớn người bị viêm khớp vảy nến sẽ không cần phải phẫu thuật khớp, trừ khi khớp bị tổn thương nghiêm trọng.

Lúc này, các khớp bị hư hại sẽ được thay bằng một bộ phận làm từ nhựa, kim loại hoặc sứ để giúp người bệnh giảm đau cũng như cải thiện chức năng vận động.

Phương pháp hỗ trợ khác

Những cách này giúp bạn giảm những cơn đau do viêm khớp vảy nến cũng như hỗ trợ thực hiện các công việc hàng ngày dễ dàng hơn:

  • Bài tập vật lý trị liệu tăng cường sức mạnh và tính linh hoạt cho khớp, kết hợp với thể dục nhịp điệu nhẹ nhàng
  • Liệu pháp chườm nóng và chườm lạnh xen kẽ
  • Nẹp khớp để giảm viêm, giữ cho khớp ổn định
  • Liệu pháp quang hóa học: có hiệu quả với tổn thương da và khớp ngoại vi nhưng không có tác dụng với tổn thương cột sống.

Tuy nhiên, bạn cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị viêm khớp vảy nến bằng phương pháp này nhé!

Thay đổi lối sống

  • Bảo vệ khớp: sử dụng các khớp đều đồng đều không sử dụng một khớp quá nhiều
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Tập luyện thể dục đều đặn: yoga, thái cực quyền, đi xe đạp, bơi lội, đi bộ
  • Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia.

Trên đây là một số thông tin về bệnh viêm khớp vảy nến, một tình trạng viêm khớp nguy hiểm có thể khiến người bệnh bị tàn phế nếu không được điều trị kịp thời. Hy vọng những kiến thức trong bài viết đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh để có thể phòng ngừa và bảo vệ sức khoẻ tốt hơn.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News