Sức Khoẻ

Y dược dân tộc phát huy giá trị tinh thần 'Nam dược trị Nam nhân'

Thuốc Nam và y dược học dân tộc đã giúp ích rất nhiều cho người dân trong việc chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh và luôn phát huy tinh thần "Nam dược trị Nam nhân".

Y học dân tộc phát triển cùng đất nước

Y học cổ truyền dân tộc Việt Nam – nền y học của 54 dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam đã hình thành và phát triển trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lao động sản xuất, đấu tranh để dựng nước và giữ nước, giao lưu với các dân tộc khác trong khu vực. Việt Nam có nền y học truyền thống rất phong phú và đa dạng, trong đó thuốc cổ truyền Việt Nam (thuốc nam) có nguồn gốc từ thực vật, động vật và khoáng vật.

Theo TTND.TS.BSCKII Nguyễn Hồng Siêm – Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam, con người thời nguyên thủy từ động vật tiến hóa chuyển sang người, khi hái lượm hoa trái, săn bắn đã biết sàng lọc ăn củ cay, nóng như một vị thuốc (như củ gừng chẳng hạn), ngược lại có loại ăn vào rất mát… Cùng với sự tiến hóa của loài người, dần dần đã hình thành các bài thuốc.

Cho đến thời kỳ đồ đá, đồ đồng, con người có ý thức ăn chín, uống sôi và đã biết sử dụng đồ ăn, thức uống, các vật dụng để chữa bệnh. Thời phong kiến, có các lang y chữa bệnh cho quan lại, binh lính và người dân.

y dược dân tộc phát huy giá trị tinh thần 'nam dược trị nam nhân'

TTND.TS.BSCKII Nguyễn Hồng Siêm – Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam đang khám bệnh cho bệnh nhân.

Vào thế kỷ XIV, nhà sư Tuệ Tĩnh nêu cao tinh thần “Nam dược trị Nam nhân” (Dùng thuốc Việt Nam chữa bệnh cho người Việt Nam), ông dạy nhân dân cách trồng thuốc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, phòng tránh bệnh tật. Tác phẩm “Hồng nghĩa giác tư y thư” tóm tắt tác dụng 630 vị thuốc theo biện chứng luận trị.

Lương y Hoàng Đôn Hòa (thế kỷ XVI), ngoài chữa bệnh cứu người ông còn viết cuốn “Hoạt nhân toát yếu” với hơn 300 bài thuốc cùng bài tập dưỡng sinh. Cuốn sách này trở thành trở thành tài liệu quý báu của những lương y sau này…

Cũng theo TS. BS Nguyễn Hồng Siêm, y học dân tộc cổ truyền Việt Nam xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của đất nước, nhưng thời trước 1945 chăm sóc sức khỏe của nhân dân hầu hết là thuốc Nam, Đông y mà thuốc nam là chính. Về sau này, đất nước phát triển hội nhập với thế giới nên đa dạng trong chữa bệnh trong nhân dân, trong đó có Tây y. Bên cạnh đó, thuốc nam vẫn phát triển, có nhiều ưu điểm trong việc hỗ trợ cải thiện các bệnh mãn tính, thuốc bổ… và ngày càng khẳng định đúng với giá trị “Nam dược trị Nam nhân”.

y dược dân tộc phát huy giá trị tinh thần 'nam dược trị nam nhân'

Y dược học vùng dân tộc thiểu số luôn được bảo tồn và phát huy giá trị phòng bệnh, chữa bệnh cho người dân. Ảnh minh họa

Hàng nghìn bài thuốc nam dân tộc được bảo tồn

Đánh giá về các bài thuốc dân gian (thuốc nam), TS. BS Nguyễn Hồng Siêm cho rằng, đây là những bài thuốc trong dân gian, có những người học theo các bài thuốc của các lương y cổ xưa; còn các bài thuốc truyền miệng gọi là thuốc gia truyền đời này truyền cho đời kia, chỉ có một vài bài thuốc. Ví dụ, bài thuốc chữa sởi cho trẻ em chẳng hạn. Bài thuốc này thường được gia đình giữ kín để làm nghề chữa bệnh cho dân.

Hiện nay y học cổ truyền thế giới đang dần quay lại y dược học tự nhiên, phục vụ đời sống con người. Tại một số nước phát triển, họ dùng nhiều kinh phí để dùng cho y học cổ truyền phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng đã nêu tầm quan trọng của phát triển cả Đông y (trong đó có Nam y) và Tây y trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện nay, Nam dược có thế mạnh riêng, hỗ trợ chữa bệnh mãn tính (kéo dài) có hiệu quả, bồi bổ cơ thể “đi đến đích”, cần có nghiên cứu sâu, như chiết xuất các hoạt chất từ cây thuốc đưa vào chữa bệnh thì rất hiệu quả. Chúng ta còn có các bệnh viện tuyến trung ương về y học cổ truyền, ngay tại các bệnh viện đa khoa ở các địa phương cũng đều có khoa y học cổ truyền.

Bên cạnh đó, nước ta có hàng triệu loại cây có thể dùng làm thuốc, các cây thuốc phân bố rộng khắp cả nước, tập trung chủ yếu ở các trung tâm đa dạng sinh vật là Bạch Mã, Lâm Viên, Hoàng Liên Sơn, Cúc Phương, Yok Đôn và Cát Tiên. Việt Nam là ngôi nhà chung của 54 dân tộc mà phần lớn là các dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc lại có tập quán, niềm tin và kinh nghiệm sử dụng cây cỏ làm thuốc khác nhau. Hiện nay, đã tập hợp được khoảng 4 vạn bài thuốc dân gian gia truyền của hơn 10 nghìn lương y.

Gần đây, nhiều dược phẩm dựa trên việc sử dụng cây chè dây để hỗ trợ chữa bệnh của người Tày ở Cao Bằng, hay sử dụng cây Tật lê hỗ trợ chữa bệnh của người Chăm… Các hoạt động này cũng góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển không ngừng các giá trị văn hóa dân tộc, đa dạng sinh học cây thuốc, đồng thời mở ra triển vọng cho việc phát triển những loại thuốc mới, mang lại một tương lai đầy hứa hẹn cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

“Phải làm sao để thuốc nam phát triển, cần có đầu tư cho hệ thống y học cổ truyền, đầu tư từ trung ương đến các địa phương. Từ đó trồng, chế biến, sử dụng thuốc nam cho hợp lý…”- TS.BSCKII Nguyễn Hồng Siêm bày tỏ mong muốn.

“Nước ta có nhiều bài thuốc nam hay, phát huy chữa bệnh, nhiều lương y dân tộc có những đóng góp cho sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, đó chỉ là các bài thuốc nhỏ lẻ, mang tính gia truyền, các lương y chưa hiểu về cơ chế sinh bệnh của từng bệnh. Do đó, phải làm nghiên cứu khoa học, đánh giá thực sự các bài thuốc về các giá trị thực sự để bảo tồn, phát huy y dược học dân tộc. Bào chế, sản xuất đặc thù cho nam y, chất lượng hơn, tránh thành “thực phẩm chức năng hóa” các bài thuốc Nam y” – TTND.TS.BSCKII Nguyễn Hồng Siêm – Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam nói.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News