Dị Ứng

Dị ứng thức ăn phải làm sao? Top 4 điều cần ghi nhớ!

Theo thống kê, có khoảng 250 triệu dân số thế giới bị dị ứng thức ăn (dị ứng thực phẩm). Con số này đang có xu hướng tăng dần theo thời gian khi nguồn thực phẩm ngày càng trở nên đa dạng và có sự giao thoa văn hoá ẩm thực giữa các quốc gia. Tuy vậy, nhiều người bệnh vẫn chưa biết bị dị ứng thức ăn phải làm sao.

Các triệu chứng dị ứng thực phẩm ở mỗi trường hợp không giống nhau: có người chỉ bị đau bụng, buồn nôn và nôn nhưng cũng có người bị nổi mề đay, khó thở hay thậm chí là sốc phản vệ. Do đó, nhiều người bệnh luôn bận tâm đến việc phải làm sao khi bị dị ứng thức ăn để hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày cũng như giảm thiểu rủi ro nguy hiểm đến tính mạng.

Vậy, người bị dị ứng thức ăn phải làm sao để sống khoẻ với tình trạng này? Hãy để Hello Bacsi giúp bạn bỏ túi 4 cách phòng ngừa và xử trí hữu hiệu như sau nhé.

1. Người bị dị ứng thức ăn phải làm sao? Học cách đọc – hiểu nhãn dán thực phẩm

Về mặt lý thuyết, đọc kỹ nhãn dán trên bao bì là một trong các biện pháp phòng ngừa ăn nhầm thức ăn gây dị ứng. Thực tế, đôi khi điều này lại làm tăng nguy cơ phát sinh phản ứng dị ứng ở người dùng bởi những nhãn mác không rõ ràng như:

  • “Có thể chứa”: chứa những thành phần gây dị ứng như sữa, lúa mì, hải sản có vỏ…
  • “Sản xuất chung dây chuyền”: sản phẩm không chứa thành phần gây dị ứng nhưng được sản xuất chung dây chuyền với sản phẩm có chất gây dị ứng.

Để ngăn ngừa dị ứng xảy ra, người có tiền sử dị ứng với bất kỳ thực phẩm nào nên tránh xa những sản phẩm gắn nhãn như trên.

Khi đọc nhãn mác dán trên sản phẩm thực phẩm, bạn cần lưu ý rằng các hoạt chất gây dị ứng thường được đề cập theo một trong ba cách sau:

  • Tên thành phần, ví dụ như “sữa” hoặc “bơ sữa”
  • Tên hoạt chất có thể gây dị ứng kèm theo thành phần thực phẩm chứa nó, chẳng hạn như “lecithin (đậu nành)”
  • Liệt kê ngay sau danh sách thành phần chính, ví dụ như “sản phẩm đồng thời cũng chứa sữa, đậu nành và bột mì”

2. Cẩn thận tiếp xúc chéo và phản ứng chéo

Đối với người có tiền sử dị ứng thức ăn, loại bỏ các thực phẩm gây dị ứng ra khỏi thực đơn hàng ngày là chưa đủ. Bạn cần lưu ý rằng dị nguyên (chất gây dị ứng) vẫn có nguy cơ xâm nhập vào cơ thể thông qua tiếp xúc chéo hoặc phản ứng chéo.

Tiếp xúc chéo

Thuật ngữ này đề cập đến việc dị nguyên từ thực phẩm gây dị ứng chuyển sang thực phẩm không gây dị ứng, có thể xảy ra theo hai hướng gồm:

dị ứng thức ăn phải làm sao? top 4 điều cần ghi nhớ!

  • Tiếp xúc trực tiếp: dị nguyên trực tiếp chuyển từ thực phẩm này sang thực phẩm khác, ví dụ như bánh hamburger phô mai vẫn sẽ chứa dị nguyên của phô mai kể cả khi bạn đã bỏ miếng phô mai ra khỏi bánh.
  • Tiếp xúc gián tiếp: một chiếc bánh không phô mai vẫn có thể có dị nguyên từ phô mai nếu được chế biến bằng dụng cụ đã dùng để làm bánh phô mai trước đó.

Để ngăn ngừa trường hợp tiếp xúc chéo này, bạn nên:

  • Không trữ thực phẩm gây dị ứng trong tủ lạnh hay bất kỳ dụng cụ, thiết bị bảo quản thực phẩm nào khác
  • Thường xuyên vệ sinh dụng cụ nấu ăn, bao gồm cả nồi niêu, xoong chảo, bếp nấu, lò viba, lò nướng… sau khi sử dụng
  • Nấu ăn riêng (nếu có thể)
  • Rửa tay kỹ sau khi xử lý hoặc sơ chế thực phẩm gây dị ứng
  • Không dùng chung thức ăn
  • Nếu phải ăn ở ngoài quán, bạn nên hỏi kỹ về thành phần trong món ăn trước khi dùng

Phản ứng chéo

Trong một số trường hợp, ăn thực phẩm cùng nhóm với thực phẩm mà bạn dị ứng cũng sẽ khiến cơ thể phản ứng gay gắt. Nguyên nhân là do cấu trúc protein của các loại thực phẩm cùng nhóm có thể tương tự nhau khiến hệ miễn dịch nhầm lẫn và gây phản ứng dị ứng. Tình trạng này gọi là phản ứng chéo.

Theo thống kê, tỷ lệ phản ứng chéo giữa các dị nguyên trong thực phẩm không giống nhau. Chẳng hạn như, người bị dị ứng đạm sữa bò có thể có đến 90% khả năng dị ứng với sữa dê, trong khi tỷ lệ phản ứng chéo giữa đậu phộng và những loại đậu khác chỉ 5%.

Vì vậy, với những thực phẩm cùng nhóm với loại bạn dị ứng, hãy cân nhắc thử trên da hoặc ăn thử một ít trước để xem cơ thể có bất kỳ phản ứng bất thường nào hay không.

3. Nhận biết đúng các triệu chứng dị ứng

Khi nói về việc bị dị ứng thức ăn phải làm sao, một trong những điều đầu tiên bạn cần ghi nhớ là nhận biết đúng các triệu chứng bệnh, đặc biệt là sốc phản vệ. Nhìn chung, cơ thể thường cảnh báo dị ứng qua những biểu hiện ở:

  • Da: ngứa, mẩn đỏ, phát ban, sưng tấy
  • Mắt: sưng, chảy nước mắt, đỏ và ngứa mắt
  • Đường hô hấp trên: chảy nước mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, khàn giọng, ho khan, ngứa cổ họng
  • Đường hô hấp dưới: tức ngực, thở khò khè, khó thở
  • Miệng: ngứa và sưng ở lưỡi, vòm miệng hoặc môi
  • Đường tiêu hóa: buồn nôn và nôn, tiêu chảy, đau bụng, đi ngoài ra máu
  • Tim mạch: rối loạn nhịp tim, ngất xỉu, chóng mặt, tụt huyết áp đột ngột, mất ý thức

Nếu bắt gặp bất kỳ dấu hiệu nào như trên, bạn cần lập tức đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời, giảm thiểu rủi ro xảy ra biến chứng nghiêm trọng.

4. Dị ứng thức ăn phải làm sao? Chuẩn bị tốt phương án xử trí

dị ứng thức ăn phải làm sao? top 4 điều cần ghi nhớ!

Những người xung quanh bạn, bao gồm người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc người chăm sóc…, nên hiểu về tình trạng dị ứng thức ăn của bạn và biết phải làm gì khi bạn có dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng.

Cơ địa cũng như mức độ nghiêm trọng của tình trạng dị ứng ở mỗi cá nhân sẽ không giống nhau. Do đó, bạn cần thảo luận và phối hợp với bác sĩ để lên phương án xử trí hiệu quả cho trường hợp nghiêm trọng nhất, sau đó chia sẻ bản kế hoạch này với những người xung quanh.

Nhìn chung, tình trạng dị ứng thực phẩm sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống thường ngày nếu bạn biết cách xử trí và ngăn ngừa ngay từ đầu. Hy vọng bài viết trên có thể giúp bạn giải đáp thắc mắc phải làm sao khi bị dị ứng thức ăn để sống vui, khỏe mỗi ngày.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News