Dinh Dưỡng

Bệnh bàng quang tăng hoạt, nên tránh những thực phẩm nào?

Bàng quang tăng hoạt mặc dù không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng gây ra những phiền toái làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Thực hiện một lối sống thế nào để giảm thiểu những triệu chứng của bệnh?

Bàng quang tăng hoạt ( Overactive Bladder – OAB) là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng, với tỉ lệ thường gặp chiếm 10-20% dân số, có thể gặp ở tất cả các lứa tuổi và không phân biệt nam nữ. Bệnh tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tuy nhiên lại gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, và có thể gây một số biến chứng nguy hiểm như té ngã, gãy xương, đặc biệt nghiêm trọng ở người lớn tuổi.

bệnh bàng quang tăng hoạt, nên tránh những thực phẩm nào?

BSCKI. Nguyễn Đức Du.

Bàng quang tăng hoạt thường chưa được chẩn đoán và điều trị đầy đủ do nhiều rào cản, từ phía bệnh nhân: tự ti, xấu hổ, hoặc mặc định coi là bệnh do tuổi cao…; bệnh  dễ chẩn đoán nhầm với nhiễm khuẩn tiết niệu, phì đại tuyến tiền liệt, hoặc không chẩn đoán ra bệnh.

Sinh lý bàng quang: Bàng quang là một tạng rỗng nằm trong khung chậu, dung tích 300-500ml. Một người trưởng thành thường đi tiểu tối đa 8-10 lần/ 24 giờ, số lượng nước tiểu thông thường 1000ml-1500ml/ 24 giờ.

1. Triệu chứng bàng quang tăng hoạt 

Tiểu nhiều lần: là triệu chứng thường gặp nhất, tiểu nhiều có thể cả ban ngày hoặc ban đêm, người bệnh tiểu trên 10 lần/ ngày, thậm chí 20 lần/ ngày.

Tiểu gấp: là triệu chứng đặc trưng của bệnh, người bệnh có cảm giác buồn tiểu đột ngột, bắt buộc phải đi tiểu ngay.

Són tiểu: là triệu chứng có thể gặp, người bệnh són tiểu ra quần khi chưa đến nhà vệ sinh.

bệnh bàng quang tăng hoạt, nên tránh những thực phẩm nào?

Một người trưởng thành thường đi tiểu tối đa 8-10 lần/ 24 giờ.

2. Chẩn đoán và điều trị  

Người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa, thực hiện một số thăm dò, xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác định bệnh, cũng như phân biệt với một số bệnh lý: nhiễm khuẩn tiết niệu, sỏi tiết niệu, phì đại tuyến tiền liệt, đa niệu đêm … Bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá mức độ bệnh của từng bệnh nhân và tư vấn phương án điều trị thích hợp.

Các phương pháp điều trị bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập, dùng thuốc và phẫu thuật. Việc lựa chọn phương pháp điều trị cá thể hoá tuỳ từng bệnh nhân.

3. Một số lời khuyên trong phòng và điều trị bệnh  

Cách thực hành sinh hoạt hợp lý trong lối sống hằng ngày có thể làm giảm các triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức.

Uống đủ nước: Điều đầu tiên cần chú ý là lượng nước uống hằng ngày cần phải duy trì, không vì sợ đi tiểu thường xuyên mà nhịn uống nước. Hỏi bác sĩ của bạn xem cần bao nhiêu chất lỏng hàng ngày. Uống quá nhiều chất lỏng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng nhưng không uống đủ có thể khiến nước tiểu trở nên cô đặc và gây kích ứng niêm mạc bàng quang. Duy trì lượng nước tiểu khoảng 1500ml/ ngày. Nếu người bệnh tiểu đêm nhiều lần thì nên tránh uống nhiều nước, ăn nhiều canh về buổi tối.

Duy trì cân nặng hợp lý: Nên giảm cân nếu bạn thừa cân, việc làm này có thể làm giảm các triệu chứng của bạn. Những người nặng hơn cũng có nhiều nguy cơ mắc chứng tiểu không tự chủ do căng thẳng, điều này có thể cải thiện khi giảm cân.

bệnh bàng quang tăng hoạt, nên tránh những thực phẩm nào?

Caffeine có thể gây kích thích bàng quang.

Hạn chế thức ăn và đồ uống có thể gây kích thích bàng quang: Một số thực phẩm và đồ uống có thể gây kích thích bàng quang bao gồm caffeine, rượu, trà, đồ uống có ga, nước cam quýt và trái cây, sô cô la, thực phẩm cay và chua. Nếu bất kỳ điều nào trong số này làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn, bạn nên tránh chúng.

Tập luyện thể dục thể thao lành mạnh. Tập nín tiểu, tập các bài tập cho vùng chậu hông.

Ngoài ra, người bệnh có thể viết nhật ký bàng quang trong vài ngày, ghi lại thời điểm, lượng nước và loại chất lỏng mà mình tiêu thụ, ghi lại diễn biến đi tiểu. Nhật ký bàng quang có thể giúp xác định phần nào lý do tại sao bạn phải thức dậy để đi tiểu vào ban đêm. Hãy cho bác sĩ biết bạn đã có các triệu chứng trong bao lâu và chúng ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của bạn như thế nào và báo cho bác sĩ biết danh sách tất cả các loại thuốc, vitamin hoặc chất bổ sung bạn dùng vì nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến chức năng bàng quang.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News