Dinh Dưỡng

Dịp nghỉ lễ 30/4, đề phòng rối loạn tiêu hóa vì 'ăn cả thế giới' trong những chuyến food tour

Du lịch dịp 30/4 mang lại hào hứng cho rất nhiều người bởi đây là cơ hội được thỏa sức khám phá danh lam thắng cảnh và thưởng thức những món ăn đặc sản mang đậm phong vị địa phương. Tuy nhiên, không nhiều người chú trọng tới nguy cơ ngộ độc hoặc dị ứng thực phẩm có thể xảy ra.

Thời gian gần đây, du lịch ẩm thực – food tour trong ngày hoặc hai ngày một đêm đang trở nên phổ biến và thu hút nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Food tour – cần chú ý lựa chọn món ăn

Đa số chúng ta khi đi du lịch ở các nơi sẽ dành chút thời gian để tìm hiểu các thông tin về địa điểm du lịch, các điểm đến thu hút nhiều du khách và cả các món ăn đặc sản, đặc trưng của địa phương. Du lịch ẩm thực đã trở nên quen thuộc với nhiều lứa tuổi, từ các bạn trẻ tới những người trung niên. Trên các diễn đàn ẩm thực địa phương, ví dụ như trên một trang hỏi đáp về ẩm thực Hải Phòng, rất nhiều người đặt câu hỏi và chia sẻ kinh nghiệm về chuyến du lịch food tour nên ăn gì, ở địa chỉ nào…

Một trong những nơi được nhiều người khám phá ẩm thực khi đến Hải Phòng là một con phố cổ sát chợ nổi tiếng với nhiều món ăn từ bún tôm, bánh đa cua, nem cua bể, hải sản, chè, cháo, các loại bánh… Với một chuyến du lịch ẩm thực ít thời gian thì lựa chọn đến đây quả là thuận tiện và thú vị. Tuy nhiên, không ít người “hoa mắt, chóng mặt” vì cơ số món ăn nên sự lựa chọn có phần cảm tính, nhiều người vừa ăn ốc lại chuyển sang hàng nộm rồi gọi thêm cốc chè ngon rẻ ngay cạnh. Những người có bụng dạ yếu, hệ tiêu hóa có vấn đề rất khó tránh khỏi những chuyện “dở khóc dở cười” như đau bụng, tiêu chảy hay dị ứng hải sản.

dịp nghỉ lễ 30/4, đề phòng rối loạn tiêu hóa vì 'ăn cả thế giới' trong những chuyến food tour

Ăn hải sản cùng với chè ngọt theo sở thích có thể gây rối loạn tiêu hóa. Ảnh: FB

Chị D.T.H cùng nhóm bạn ở Hà Nội rất hồ hởi khi thực hiện chuyến du lịch ẩm thực, chị cùng bạn bè tấm tắc khen các món ngon đã thưởng thức như bún tôm, chè, ốc, giá bể xào… Khi chuẩn bị trở về Hà Nội, chị bỗng dưng thấy mệt lả, vã mồ hôi và rất khó thở, tình trạng ngoài kiểm soát nên các bạn vội đưa chị vào bệnh viện của thành phố cấp cứu. Sau khi được thăm khám và khai thác thông tin, các bác sĩ chẩn đoán chị D.T.H bị dị ứng giá bể. Chuyến đi đó, chị phải nằm viện điều trị ổn định mới được ra viện.

dịp nghỉ lễ 30/4, đề phòng rối loạn tiêu hóa vì 'ăn cả thế giới' trong những chuyến food tour

Giá bể là món ăn ưa thích của nhiều người dân địa phương nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ dị ứng với một số người.

Hải sản, nhất là động vật có vỏ có thể gây dị ứng cho một số người. Khi một người nào đó bị dị ứng với động vật có vỏ, hệ thống miễn dịch của cơ thể, vốn thường chống lại nhiễm trùng, sẽ phản ứng quá mức với các protein trong động vật có vỏ. Mỗi khi người đó ăn (hoặc trong một số trường hợp dị ứng ngay cả khi chỉ cầm hoặc hít thở) động vật có vỏ, cơ thể nghĩ rằng những protein này là những kẻ xâm lược có hại và giải phóng các hóa chất như histamine. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như: thở khò khè, khó thở, thắt cổ họng, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy. Một số người còn bị ngứa, nổi mề đay, nổi các đốm đỏ trên da, sưng tấy miệng, nặng hơn có thể bị choáng váng hoặc mất ý thức. Do đó, du khách lưu ý khi thưởng thức bất cứ món lạ nào, nhất là các loại hải sản có vỏ cần thận trọng đề phòng nguy cơ dị ứng.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Vân Hồng (nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai): Khi xuất hiện các triệu chứng quá mẫn như xuất hiện những cơn co thắt phế quản gây triệu chứng giống hen, khó thở nhiều gây tím tái thì phải nhanh chóng đưa bệnh nhân vào bệnh viện gần nhất.

Hãy là người ăn uống thông thái trong chuyến food tour

Trong thời gian rất ngắn, đa số các thực khách đều tranh thủ ăn nhiều món ăn hấp dẫn nên rất có thể gặp phải các rối loạn tiêu hóa, trong đó có nguy cơ nhiễm độc do ăn phải thức ăn đã bị ô nhiễm. Điển hình là nhiễm độc thức ăn do Salmonella. Đây là căn bệnh chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, khi chúng ta ăn các thức ăn có nguồn gốc động vật nhiễm Salmonella như thịt, nhất là thịt tái, sống, sữa, trứng, ốc, trai, sò, hến nấu chưa chín…

Từ khi nhiễm Salmonella đến khi khởi phát khoảng 12-36 giờ. Mức độ nhẹ, người bị nhiễm độc không sốt, đi ngoài phân lỏng vài lần, bụng hơi đau. Mức độ vừa và nặng với biểu hiện nhiễm độc và sốt trên 38 độ, có lúc rét run, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, đau bụng vùng thượng vị và quanh rốn, đôi khi đau lan tỏa khắp bụng, sôi bụng. Người nhiễm Salmonella có thể buồn nôn hoặc nôn nhiều lần và đi ngoài nhiều lần trong ngày dẫn đến mất nước điện giải…

Ngoài ra tình trạng đầy hơi, trướng bụng do ăn nhiều chất đạm, bột đường, dầu mỡ, lượng thức ăn không được tiêu hóa hết sẽ tồn đọng lâu trong ống tiêu hóa khiến lợi khuẩn đường ruột bị quá tải, không xử lý được hết thức ăn gây đầy hơi, trướng bụng, khó tiêu.

dịp nghỉ lễ 30/4, đề phòng rối loạn tiêu hóa vì 'ăn cả thế giới' trong những chuyến food tour

Ốc chưa nấu chín kỹ cũng có thể gây ngộ độc, rối loạn tiêu hóa.

Bên cạnh đó, tiêu chảy do nhiễm khuẩn E.Coli rất phổ biến gây bệnh cho người qua đường tiêu hóa khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm tác nhân gây bệnh. Triệu chứng lâm sàng của bệnh bao gồm đau quặn bụng và tiêu chảy cấp, phân có thể có máu từ mức độ ít đến nhiều kèm theo có thể có sốt hoặc nôn. Một số trường hợp tiến triển nặng gây biến chứng nguy hiểm.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn về bệnh qua đường tiêu hóa, các du khách cần chú ý những cách đơn giản trong chuyến food tour đầy hấp dẫn.

Theo PGS. TS Vũ Đức Định, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E, du khách lưu ý nên tìm hiểu kỹ địa điểm du lịch và các quán ăn, lựa chọn những quán ăn được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Giữ khoảng cách cần thiết, không nhất thiết phải ăn ở 1 quán ăn quá đông, phục vụ không xuể vì việc đảm bảo an toàn vệ sinh có thể không được kỹ càng. Hãy hỏi kinh nghiệm người dân địa phương về các món ăn lạ và cân nhắc khi ăn những món chưa ăn bao giờ, hạn chế ăn các món gỏi sống, nên ăn chín uống sôi. Không ăn dồn dập các món ăn, nhất là các món ăn cùng lúc có thể gây rối loạn tiêu hóa như vừa ăn một đĩa sò huyết nướng lại ăn thêm một cốc dừa dầm với sữa đặc.

PGS. Vũ Đức Định cũng tư vấn du khách hãy chú ý đến khẩu vị địa phương, một số món quá cay, quá ngọt hoặc nhiều dầu mỡ cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa. Những người ăn kiêng hoặc chế độ ăn bệnh lý không nên ăn thức ăn lạ, hạn chế các món ăn quá nhiều đạm, dầu mỡ và đường. Một điều cần lưu ý rất thực tế là nên tìm hiểu cả vấn đề chăm sóc y tế tại địa phương để có thể chủ động trong xử lý nếu tình huống ốm đau xảy ra.

Để có chuyến du lịch ẩm thực như ý, các du khách hãy luôn là người tiêu dùng thông thái, là những người thưởng thức đúng điệu mà bảo đảm an toàn sức khỏe.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News