Dinh Dưỡng

Quan điểm thực phẩm là nguyên nhân gây nóng, các chuyên gia nói gì?

Một số ý kiến gần đây cho rằng, thực phẩm là nguyên nhân gây nóng cho cơ thể. Để giải đáp chính xác và khoa học về vấn đề này, các chuyên gia đã lên tiếng.

Gần đây có thông tin cho thấy có 81% người tham gia khảo sát cho hay thực phẩm là nguyên nhân gây nóng cho cơ thể. Trao đổi về vấn đề này, BS.CKI. Đào Thị Yến Thủy – Trưởng Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết: “Con số 81% cho thấy người Việt còn nhiều quan niệm rất “oan ức cho thực phẩm”, mà cụ thể ở đây là những câu truyền miệng trong dân gian “Ăn cái này cái kia gây nóng trong người”. Cần hiểu rõ “nóng trong người” bản chất là gì, triệu chứng ra sao, nguyên nhân có phải do thực phẩm hay không… thì sẽ biết được đám đông đúng hay có nhầm lẫn”.

quan điểm thực phẩm là nguyên nhân gây nóng, các chuyên gia nói gì?

Nếu được hỏi “Nóng trong người là thế nào?” hẳn có nhiều người sẽ bảo là thấy ruột gan nóng sôi, bứt rứt, khó chịu, dễ quạu, khó ngủ,… Cũng có người nói nóng người là bị mụn nhọt da, lở loét miệng lưỡi hay táo bón cũng có thể bị quy do ăn thức ăn nhiệt gây nóng. Cho đến nay, câu chuyện một món ăn nào đó gây nóng vẫn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cá nhân chứ chưa thực sự được kiểm chứng rõ ràng.

Phân tích sâu hơn vào vấn đề “một thực phẩm nào đó có phải là nguyên nhân gây nóng”, các chuyên gia dinh dưỡng cũng đưa ra 3 khoảng trống mà đa phần mọi người thường hiểu lầm hoặc có cái nhìn chưa chính xác:

Thực phẩm có tính “nhiệt” nhưng chưa hẳn sẽ gây nóng

Theo quan niệm Đông Y, những thực phẩm có tính nhiệt được cho là các loại thịt đỏ, các loại gia vị cay (tiêu, gừng, tỏi, ớt); các loại trái cây có vị ngọt (sầu riêng, nhãn, vải), thức ăn nhiều dầu mỡ,… Trong ẩm thực sẽ thường phối hợp với những thực phẩm có tính hàn để trung hòa lại như các loại rau xanh, động vật sống dưới nước hải sản, vịt, ếch, ốc,… Theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, nếu việc sử dụng các loại thực phẩm ở mức chừng mực, số lượng vừa phải thì sẽ không gây ra vấn đề gì cho cơ thể. Bởi vì nguyên tắc của dinh dưỡng hợp lý là nên ăn uống đa dạng nhiều loại thực phẩm khác nhau, không kiêng khem cũng không nên ăn thực phẩm nào quá nhiều và liên tục, nên ăn vừa đủ, cân đối giữa các nhóm chất dinh dưỡng và thay đổi, đa dạng món thường xuyên mới là tốt cho sức khỏe.

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy cũng đưa ra nhiều ví dụ thực tế cho thấy có người hay ăn những thực phẩm như mì gói, sầu riêng, nhãn,… nhưng vẫn không bị “nóng trong người”, có người kiêng khem đủ thứ mà vẫn bị mụn nhọt hay táo bón. Điều quan trọng là nếu ăn thực phẩm “nhiệt” thì cần ăn số lượng vừa đủ, ăn kèm với thực phẩm “hàn”, trong bữa ăn phải đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, trong đó không quên nguyên tắc “Dĩa thức ăn lý tưởng” là lượng rau và trái cây cần chiếm 50% thể tích bữa ăn, 25% là chất bột đường và 25% là thực phẩm giàu đạm, bên cạnh 2 ly sữa mỗi ngày là được!

“Nóng” có tính truyền miệng nhiều hơn là căn cứ khoa học

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Đa số mọi người đánh giá thực phẩm nóng hay cơ thể mình bị nóng dựa theo kinh nghiệm bản thân. Thực ra, thực phẩm gây ra nóng không đơn thuần dựa vào cảm giác gây cay nóng tại cơ quan vị giác, khứu giác, tiêu hóa… mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó bao gồm thể trạng, tình trạng chuyển hóa và bệnh tật của mỗi người, cũng như thành phần dinh dưỡng của thực phẩm”.

Bác sĩ Lâm cũng cho biết thêm, theo Tây y – trong khoa học dinh dưỡng không có khái niệm thực phẩm nóng. Theo đó, thực phẩm được phân chia dựa trên 4 nhóm chất dinh dưỡng có trong thực phẩm, tương ứng là: chất bột đường (carbohydrate), chất đạm (protein), chất béo (lipid), vitamin và khoáng chất. Đồng thời, khái niệm “nóng trong người” cũng không có trong Tây y. Các biểu hiện “nóng trong người” mà dân gian thường mô tả như ợ nóng, táo bón, nổi mụn, nhiệt miệng hay cáu gắt, hay có cảm giác nóng người sau khi ăn … thì dưới góc nhìn của Tây y, đây có thể là những triệu chứng của một số tình trạng tăng chuyển hoá, bệnh lý hoặc nguyên nhân có thể đến từ nhiều vấn đề khác nhau.

Nóng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau

Bác sĩ Nguyễn Thị Đan Thanh, Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết thêm, nóng là khái niệm gắn liền với y học cổ truyền, chỉ một tình trạng thường gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, được biểu hiện dưới nhiều hình thức như nhiệt miệng, phát ban, tiểu ít, môi khô nứt nẻ… Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do tình trạng ứ trệ, hoặc quá nhiều các chất bã, chất trung gian sinh ra trong quá trình chuyển hóa thường có thể thấy khi sử dụng quá nhiều một loại thực phẩm nào đó trong một thời gian dài, hoặc sau những bữa ăn thịnh soạn. Khi đó, gan, thận là 2 cơ quan chuyển hóa và thải độc chính của cơ thể ở một số trường hợp bị quá tải hoặc suy yếu. Các chất độc tích tụ lại trong cơ thể là môi trường thuận lợi để phát sinh mụn nhọt, mẩn ngứa, và nóng trong người.

quan điểm thực phẩm là nguyên nhân gây nóng, các chuyên gia nói gì?

Còn theo quan điểm của y học hiện đại, người bị nóng trong có thể cảm giác nóng ở toàn bộ cơ thể hay một phần nào đó trong cơ thể. Nguyên nhân có thể đến từ nhiều vấn đề khác nhau như chế độ ăn mất cân bằng, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, sử dụng các chất kích thích (đồ uống hay thực phẩm có chứa caffeine), thực phẩm chức năng, thuốc, hay do yếu tố bệnh lý. Do đó, cũng theo bác sĩ Đan Thanh, không thể quy kết một thực phẩm riêng lẻ nào là nguyên nhân gây nóng như nhiều người vẫn nhầm tưởng.

Thay cho lời kết:

Như vậy có thể thấy, câu nói truyền miệng bấy lâu nay “ăn món này món kia gây nóng” khi được nhìn nhận dưới góc độ dinh dưỡng của cả Đông y và Tây y thì lại chưa chính xác và thiếu căn cứ khoa học. Theo đó, một thực phẩm riêng lẻ không phải là nguyên nhân để gây nóng cho cơ thể.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ

Top Car News Car News