Trong thời buổi đất chật người đông như hiện nay, việc sở hữu một vườn rau xanh giữa lòng thành phố là một thử thách. Vậy mà chị Nguyễn Thị Kim Loan (sinh năm 1980) sống ở thành phố Dĩ An, Bình Dương vẫn tận dụng mái nhà trồng rau và thu về kết quả mỹ mãn.
Chị Loan có 2 người con “đủ nếp đủ tẻ”. Chị làm công việc giữ trẻ, bán hàng online và nội trợ. Thời gian rảnh, sẵn có đam mê trồng trọt và muốn có nguồn thực phẩm sạch để các bé ăn dặm, chị Loan tranh thủ trồng một số loại rau củ. Đến nay, mẹ đảm Bình Dương đã có 3 năm gắn bó với khu vườn nhỏ.
Chị Loan – chủ nhân của khu vườn trên mái tôn.
Lén chồng tha đất lên mái nhà và cái kết bất ngờ
Khi tích luỹ được kha khá kinh nghiệm làm vườn thì đam mê trồng trọt của mẹ đảm Bình Dương cũng lớn dần. Chị bắt đầu mon men lén chồng tha vài chậu đặt trên mái tôn trước của tầng 1. Tại đây, cây được hứng nắng nên phát triển tươi tốt. Chị Loan thấy thế nên thích thú, ngày ngày vác đất từ vườn lên lầu băng qua phòng học phòng ngủ của con, leo ra mái nhà để trồng rau.

Nhìn khu vườn của chị loan, ít ai biết được trồng trên mái nhà.
“Khi chồng biết mình muốn trồng rau trên mái thì cũng ủng hộ, chỉ sợ mình đi lại leo trèo nguy hiểm nên bắt đầu gia cố lại mái tôn. Lợi thế là chồng làm cơ khí, nên mua sắt về làm lại khung đỡ phía dưới cho cứng cáp hơn, bên trên làm khung bao quanh cho đỡ nguy hiểm khỏi té ngã lọt xuống đường, cắt lan can cho chị mình khiêng đất lên xuống”, chị Loan cho biết.



Khu vườn đa dạng rau củ quả
Diện tích hạn chế nhưng nhờ chị Loan khéo sắp đặt nên khu vườn trông vô cùng tươm tất với đầy đủ các loại rau củ quả. Hai bên hàng rào bao quanh vườn, chị ưu tiên trồng dưa và cà chua. Ở góc trái, chị làm giàn cao hơn ở phía trong để trồng nho, giàn ngoan trồng bầu mướp luân phiên. Phía dưới cũng hứng được nắng thì trồng rau các loại, vài chậu hoa, hành xen kẽ cho đẹp vườn.





Bật mí về bí quyết làm vườn, chị Loan chia sẻ: “Làm vườn thật ra không có bí quyết gì cả, chỉ là mình cố gắng học hỏi. Quan trọng trong việc làm vườn là xử lý đất kỹ trước khi trồng. Đất trước và sau khi thu hoạch thì mình cần xử lý qua vôi, phơi và ủ kỹ. Đất trồng rau sau khi thu hoạch thì chuyển qua trồng cây ăn quả và ngược lại. Mình trồng rau theo hướng hữu cơ nên tự ủ đất ủ phân, tận dụng vỏ trứng gà, chuối hư, sữa cận date, xin đầu ruột cá ở chợ,… để ủ làm phân cho cây trồng. Ngoài ra mình cũng dùng thêm phân trùn quế để cải tạo đất cho mùa sau.
Để phòng sâu bệnh thì việc trồng rau hữu cơ gian nan lắm, phải tự ủ enzym từ dứa, bồ hòn để phun định kỳ phòng sâu bệnh, bắt sâu bằng tay. Nếu cây nhiễm bệnh thì nhổ bỏ chứ không bao giờ dùng thuốc trừ sâu. Phòng chứ không trừ. Trồng cây phải theo mùa và theo đặc tính của cây. Ví dụ mùa nắng thì thích hợp trồng dưa, cà, rau các loại; mùa mưa thì trồng những loại cây ưa nước như rau muống, cải xanh, bí đao; mùa lạnh thì có thể tận dụng trồng bắp cải, súp lơ, dâu tây. Cũng không có gì khó chỉ cần siêng năng và chịu học hỏi và đam mê thật lớn thì sẽ thành công”.




Từ ngày có khu vườn, chất lượng bữa ăn gia đình chị Loan được cải thiện, sức khoẻ các thành viên cũng nâng cao, đặc biệt trong mùa dịch cả nhà không bị thiếu rau xanh. Hơn hết, khu vườn còn là nơi thư giãn, giảm stress cho cả gia đình, để các con có không gian hóng mát, hội chị em có nơi lý tưởng để sống ảo. Cuộc sống vì vậy mà trở nên thú vị hơn. Trong tương lai, chị Loan có ý định tích luỹ tài chính để cải tạo vườn mái tôn thêm kiên cố.